Thạch Bi Sơn và sự thật lịch sử Nam Tiến của vua Lê Thánh Tông (1470)



Dulichbui's Blog - Thạch Bi Sơn còn gọi là Đá Bia, dân gian tương truyền là Núi Ông, thuộc dãy Đại Lãnh, cao 706m, nay thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên. Trong tiến trình mở đất về phương Nam, núi Thạch Bi Sơn có một dấu ấn lịch sử rất lớn, từng đóng vai trò phân ranh giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.

Sự kiện lịch sử đầu tiên và cũng gây nhiều tranh luận là cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông vào năm 1470, nhiều tác phẩm biên khảo cho rằng vào năm 1471 vị vua trẻ tài ba Lê Thánh Tông tiến quân đến tận chân núi Đèo Cả (Phú Yên) và sai lính khắc bia để làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tuy nhiên gần đây nhiều nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học, dân tộc học và bia ký học khảo cứu lại sự kiện trên, bước đầu xác minh về sự thật sự kiện vua Lê Thánh Tông cho người khắc bia trên dãy núi Đèo Cả, địa giới nước Đại Việt cùng những ý đồ của vua Lê Thánh Tông. Bài viết góp phần phục dựng lại toàn bộ sự thật sự kiện trên, cùng với đó là minh chứng cho tầm quan trọng của việc vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội liên ngành (dân tộc học, bia ký học, khảo cổ học, dân số học, sinh thái học,...) trong nghiên cứu sử học địa phương.


Các bộ chính sử ghi chép về sự kiện vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1470 có Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) của Ngô Sĩ Liên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) của Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Thống chí), Phủ biên tạp lục (Tạp lục) của Lê Quý Đôn và nhiều bộ sử khác như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt sử xứ Đàng trong của Phan Khoang; bên cạnh đó có nhiều khảo cứu về Phú Yên có đề cập đến sự kiện này như Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm, Non nước Phú Yên của Nguyễn Đình Tư, Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên của Nguyễn Đình Chúc... Dưới đây, chúng tôi trích dẫn diễn biến sự kiện trên ở một số tác phẩm như sau:

Sách Toàn thư thuật lại toàn bộ diễn biến của sự kiện năm 1470 như sau: Tháng 8 (Canh Dần 1470) quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp Châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy Châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dần vào thành rồi cho chạy thư báo cấp... Ngày Canh Thìn mồng 6 tháng này lệnh sai Chinh lỗ tướng quân Lâm quận công Đinh Liệt, phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thủy quân đi trước... Ngày mùng 6 (tháng 11) vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành... Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh... Ngày 18 thủy quân vào đến đất Chiêm Thành... Ngày mồng 7 (tháng 2) vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến... Ngày 27, vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém hơn 100 thủ cấp... Ngày 28, vua tiến vây đến sát thành Chà Bàn... Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về... Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.467-479).

Sách Cương mục ngoài việc ghi chép lại diễn tiến cuộc hành quân của vua Lê Thánh Tông, sách này còn ghi tiếp: Vệ quân Thuận Hóa bắt sống Trà Toàn dẫn lên trước mặt vua, nhà vua ban chỉ dụ hỏi han yên ủi, sai dẫn ra ngoài ti trấn điện. Bèn hạ chiếu đem quân về... Tháng 6, đặt đạo Quảng Nam. Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lĩnh 3 phủ, 9 huyện, đặt 3 ty: Đô ty, Thừa Ty, Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hóa gồm 5 cơ sở. (Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, 1998, tập I, tr.1009-1103).

Tiếp theo sách Tạp lục cũng dẫn việc Lê Thánh Tông tiến đánh Chiêm Thành giống như hai bộ sử trên, nhưng Lê Quý Đôn dẫn thêm sách Thiên Nam dư hạ tập nói về cương vực của nước ta dưới triều Hồng Đức cụ thể hơn, theo đó địa giới của Đại Việt tới đèo Cù Mông. (Lê Quý Đôn, 1964, tr.32-34).

Sách Thống chí nói về diên cách Phú Yên: “Đời Đường đổi làm Châu Lâm, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ, tức là đất Ba Đài và Đà Lãng. Nước ta, Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm lấy đất này đặt làm huyện Tuy Viễn, lấy núi Thạch Bi Sơn làm giới hạn, nhưng từ Cù Mông về Nam còn thuộc người Man, người Lào”. (Đại Nam nhất thống chí, 1971, tập III, tr.60-61).

Thông qua bốn bộ chính sử trên không thấy nhắc đến việc vua Lê Thánh Tông sai người khắc bia trên đỉnh núi Đèo Cả vào năm 1471, chỉ ghi sau khi vua đuổi tàn quân Chiêm vào tận chân đèo Cả rồi rút về lấy địa giới đèo Cù Mông làm phân ranh giữa Chiêm Thành và Đại Việt, còn vùng đất Phú Yên vẫn thuộc người Man, người Lào, cụ thể là thuộc hai vương quốc Hoa Anh và Nam Bàn. Sách Toàn thư viết đại ý như sau: “Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bồ Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm lấy đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm ba nước để dễ ràng buộc” (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.477). Nước Nam Bàn ở đây theo sách Cương mục cho biết là đất của Thủy Xá, Hỏa xá, nay thuộc vùng Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc; nước Hoa Anh thì theo ý kiến của Đào Duy Anh, Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn là thuộc vùng đất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay.

Nếu như sử liệu nói chính xác hơn về địa bàn nước Hoa Anh, cũng như việc đối chiếu bia ký, bản đồ rõ hơn thì chúng ta có thể xác định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành năm 1471. Tuy nhiên càng về sau xuất hiện những tác phẩm biên khảo đi ngược lại với các bộ chính sử trên, khẳng định vua Lê Thánh Tông có sai người khắc bia đá trên đỉnh núi Đèo Cả và cho rằng địa giới của Đại Việt vào thế kỷ XV đã đến Phú Yên. Cơ sở mà các tác phẩm biên khảo đưa ra là dựa vào việc thu thập những tư liệu điền dã ở địa phương và những truyền thuyết dân gian, tiêu biểu: Địa dư chí của Lê Quang Định, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang, Theo dấu hai bà Ngọc Liên, Ngọc Đỉnh, đăng trên Văn hóa nguyệt san của Phạm Đình Khiêm...

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định nói đại ý như sau: Đến niên hiệu Quang Thuận, Lê Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, lấy đến phía bắc núi Thạch Bi, rồi đặt thành quận huyện, dời dân ngoài Bắc vào lập nghiệp, từ núi Thạch Bi trở vào Nam vẫn là đất của Chiêm Thành và Chân Lạp. (Lê Quang Định, 2005, tr.11).


Thận trọng hơn tác giả Nguyễn Văn Siêu dẫn lại toàn bộ sự kiện trong sách của Lê Quý Đôn về Lê Quang Định, sau đó đưa ra lời nhận định của mình: Nay xét trong Lê sử: ngày 1 tháng 3 năm thứ 2 niên hiệu Hồng Đức chỉ đến huyện Tuy Viễn, dãy núi Cù Mông trở về nam vẫn còn đất Chiêm Thành. Những lời tục truyền tưởng không phải là thực. Ngày nay đi qua núi Đại Lãnh, xa trông núi ấy sắc núi hơi trắng. (Nguyễn Văn Siêu, 1960, tr.132).

Sách Việt Nam văn hóa sử cương, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh cũng thuật lại chuyện vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, sau đó tác giả nói thêm là người Việt Nam đã tạo thế lực mở mang quốc cảnh đến tận phía Nam tỉnh Phú Yên.

Trong tác phẩm Việt sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang đã dẫn lời tuyên truyền của dân gian là vua Lê Thánh Tông có sai người đục đá khắc bia trên núi Thạch Bi. Tác giả còn dẫn nội dung của văn bia: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”, nghĩa là: Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất, An Nam qua đây, tướng chết, quân tan. (Phan Khoang, 2001, tr.88). Nhưng tác giả Phan Khoang không đồng tình với truyền thuyết trên mà cho rằng vua Lê Thánh Tông có cho tướng tá đi vào đến hết địa phận Phú Yên ngày nay, rồi nhân đó đục đá làm bia, chứ vua không đến đó. Tác giả kết luận: Dầu sao, sau cuộc chiến thắng này, uy quyền của vua Đại Việt cũng đến phủ Hoài Nhân, tức tỉnh Bình Định ngày nay mà thôi, chứ chưa vào đến núi Thạch Bi, đất đai bên bia Cù Mông chưa thuộc bản đồ nước ta.

Về sau Nguyễn Đình Tư trong tác phẩm Non nước Phú Yên cũng nhắc đến cuộc tiến binh năm 1470 của vua Lê Thánh Tông, tác giả viết như sau: Ngài ra lệnh cho khắc bia trên núi Đá Bia rồi ra lệnh ban sư. Khi quân ta rút về rồi, chính quyền ta chỉ thi hành đến huyện Tuy Viễn thuộc tỉnh Bình Định mà thôi, người Chiêm Thành lại tràn qua Đèo Cả chiếm cứ Phú Yên. Qua tác phẩm này, tác giả Nguyễn Đình Tư khẳng định việc vua Lê Thánh Tông có cho người khắc bia, nhưng việc quản lý về cương giới của người Việt chưa tới Đèo Cả.

Về mặt sử liệu và quan điểm có nhiều mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau, có quan điểm cho rằng vua Lê Thánh Tông không đến đất Phú Yên và cũng không cho khắc bia; có quan điểm cho rằng vua Lê Thánh Tông không đi đến đất Phú Yên mà chỉ sai một toán quân vào đến tận Đèo Cả và không biết có khắc bia hay không; ý kiến thứ ba lại cho rằng vua Lê Thánh Tông đã đến đất Phú Yên và có khắc bia trên núi Thạch Bi. Các ý kiến trên đây hoặc chỉ thiên lệch về một nguồn sử liệu, hoặc chịu ảnh hưởng của những nhân tố chính trị; mặt khác cũng do nhiều hạn chế về mặt phương pháp và sự hỗ trợ của những cứ liệu liên ngành (khảo cổ học, bia ký học, sinh thái học…). Ngày nay, vượt qua những khuôn khổ áp đặt về tư tưởng và có sự hỗ trợ của nhiều cứ liệu đáng tin cậy từ nhiều ngành để giải thích và minh chứng cho sự kiện gây nhiều tranh cãi trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Loại ý kiến thứ nhất và thứ ba cùng nghiêng hẳn về một nguồn tư liệu, võ đoán chủ quan khi nghiên cứu vấn đề trên. Ý kiến thứ nhất thì dựa hẳn vào các bộ chính sử như Toàn thư, Cương mục, Thống chí, Tạp lục, cho rằng vua Lê Thánh Tông tiến quân tới chân đèo Cù Mông, giết được vua Chiêm Thành là Trà Toàn, lấy đất ấy lập ra Thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện: phủ Thăng Hoa có 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông và Hà Giang; còn phủ Tứ Nghĩa gồm 3 huyện Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân có 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn (nay thuộc Tuy Phước, Bình Định). Ý kiến thứ ba chịu ảnh hướng các nhân tố chính trị và sự lệ thuộc vào các nguồn tư liệu dân gian còn lưu giữa ở vùng đất Phú Yên. Những người theo quan điểm này cho rằng vua Lê Thánh Tông thân chinh tới tận núi Đá Bia, cho người khắc bia làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, thậm chí có người cho rằng ranh giới Đại Việt đến tận vùng Hòa Thuận (Phan Rang).

Điểm hạn chế của hai ý kiến trên chưa giải thích được một số sự kiện lịch sử, ví dụ như tại sao vua Lê Thánh Tông phong vương cho hai nước Nam Bàn và Hoa Anh, cơ sở và lý do nào nhà vua làm vậy, chẳng lẽ tự nhiên nhà vua lại đi phong vương cho vùng đất mà mình chưa hoàn toàn thông hiểu, chí ít là qua tướng lĩnh của mình, bên cạnh đó chưa làm rõ được địa bàn của nước Hoa Anh. Thiết nghĩ, nghiên cứu vấn đề trên phải kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác nhau, đồng thời kết hợp so sánh đối chiếu các nguồn tư liệu của Việt Nam theo phương pháp lịch đại cũng như đối chiếu với nguồn sử liệu của dân tộc Chăm. Theo chúng tôi, làm rõ vấn đề trên cần dựa vào những cơ sở lập luận sau:

Nhân sự kiện quân Chiêm Thành quấy nhiễu vùng Cổ Lũy, Đại Chiêm, vua Lê Thánh Tông một mặt ban chiếu đánh dẹp quân Chiêm, mặt khác thể hiện sức mạnh của Đại Việt trước các nước lân bang Đông Nam Á. Khi tiến quân đến vùng Thuận Hóa, vua ngầm sai thổ tù Nguyễn Vũ lén vẽ hình thể của Chiêm Thành để dễ tiến quân. (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.474). Về sau Trần Trọng Kim dẫn lại sự kiện này trong sách Việt Nam sử lược và nói rõ hơn: Khi quân vào đến Thuận Hóa, Thánh Tông đóng quân lại để luyện tập và sai người lẻn sang vẽ địa đồ nước Chiêm Thành để biết cho rõ chỗ hiểm chỗ không rồi mới tiến binh lên đánh cửa Thị Nại (Trần Trọng Kim, 1971, quyển I, tr.262). Dựa đoạn viết này có thể thấy Lê Thánh Tông là vị vua có nhiều mưu đồ lớn khi sai người lẻn vào lấy tài liệu mật của nước Chiêm Thành, phải chăng điều này có liên quan đến sự kiện khắc bia tại núi Đèo Cả, nghĩa là vị vua này sai một toán quân cấp tốc chạy vào địa phận Phú Yên nhân cơ hội vua Chiêm Thành bỏ chạy đến tận Phan Rang và tung tin là quân Đại Việt đã tới tận Đèo Cả.

Xét về điều kiện tự nhiên thì vùng đất Phú Yên xưa có địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, phải vượt qua nhiều sông suối mới đến được dãy núi Đại Lãnh. Việc đi lại trên địa phận Phú Yên chủ yếu là đường thủy và tốn nhiều thời gian, đặc biệt phải vượt qua sông Đà Rằng, thêm vào đó thủy thổ ở đây không thuận lợi với những người mới đặt chân đến. Vả lại ngọn núi Thạch Bi cao 706m, trên núi có nhiều thú dữ và đường đi khó khăn nên trong khoảng thời gian ngắn quân Đại Việt không thể khắc bia trên đỉnh núi được.

Về mặt số dân, theo ghi chép của Nguyễn Trãi trong Ức Trai tập thì thời Hậu Lê nước ta có khoảng 7.000.940 đinh, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đây là cách tính đầu người, có nghĩa là dân số nước ta thời Hậu Lê có hơn 7 triệu. Thực chất dân số nước ta hơn 7 triệu thời đầu Lê sơ cũng là quá cao, tác giả Trương Hữu Quýnh phỏng đoán chừng 5-6 triệu. Như vậy với lượng dân số trên không thể rải đều trên vùng đất rộng lớn đến tận Thuận Hóa huống chi là vào đến Phú Yên. Vả lại khi việc ban sư xong, vua Lê Thánh Tông mới khuyến khích lưu dân đến vùng đất Cổ Lũy, Đại Chiêm khai hoang. Luận điểm này chứng minh vua Lê Thánh Tông chưa hề có chiếu dụ khai hoang đến vùng đất Phú Yên, cũng như bác bỏ Đèo Cả là mốc ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471.

Cơ sở thứ tư là dựa vào Hồng Đức bản đồ cho biết ranh giới nước ta chỉ tới đèo Cù Mông, nếu như Phú Yên thuộc đất Đại Việt thì không lẽ vua Lê Thánh Tông không vẽ thêm theo đúng với tư tưởng của ông: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại”. (Trần Trọng Kim, 1971, quyển I, tr.264).

Cuối cùng dựa vào nguồn tư liệu về khảo cổ học và bia ký học của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết: Từ thế kỷ VII sử Tân Đường thư, Chiêm Thành truyện đã ghi: Nó là Lăng già bát bạt đa của Chămpa. Đây là lối ghi Hán tự của Linggaparvata-Linga thần núi thiêng. Cố Giáo sư cho biết đấy là biểu tượng Linggaparvata-Linga – Đấng Đại Sơn thần – tức Siva Ấn giáo đã được hội nhập vào văn hóa Chămpa hay là được Chămpa hóa. Hai trái núi thiêng (núi Chúa) hùng vĩ nhất của Phú Yên là núi Chóp Chài (Nựu Sơn) và núi Đá Bia (Di cảo của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng về chuyến công tác điền dã tại Phú Yên tháng 5/2003).

Như vậy với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn tư liệu như khảo cổ học, bia ký học, dân số học… đã bước đầu minh chứng và xác nhận sự thật lịch sử Nam tiến của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471. Theo đó, vua Lê Thánh Tông không thân chinh qua dãy Cù Mông, có chăng sai toán quân với mưu đồ về chính trị đi hết địa phận Phú Yên chứ không có chuyện cho người khắc bia trên núi Đèo Cả làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nhưng dẫu sao đây cũng là sự kiện ghi dấu công lao đầu tiên của các bậc tiền nhân mở đất ở Phú Yên và để tưởng nhớ công ơn của vị thánh quân này, nhân dân Phú Yên đã lập đền thờ tại thôn Long Uyên (Tuy An) với hai câu đối:
Giang sơn khai tác hà niên,
phụ lão tương truyền Hồng Đức sự
Trở đậu hinh hương thử địa,
thanh linh trường đối Thạch Bi cao

(Giang sơn khai thác năm nào,
phụ lão còn truyền công Hồng Đức.
Lễ kính hương thơm đất ấy,
danh thiêng muôn thuở ngọn Đá Bia)


Thạc sĩ NGÔ MINH SANG
Phòng Quản lý khoa học Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ

Liên hệ đặt tour: 0902 43 11 77



About me

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và muốn chia sẻ mà thôi."



Tôi yêu những chuyến đi, tôi yêu công việc viết blog và tôi đang cố gắng để có thể trở thành một travel blogger/travel writter...



Blogger Tùng Lâm

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org