Hang động mới tại VQG Bù Gia Mập (Bình Phước)

Dulichbui.org - Theo thông tin mà dulichbui.org vừa nắm được, trong chuyến khảo sát gần đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Bình Phước tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đoàn công tác đã phát hiện một hang mới gọi là hang Đặc Xá.
Hang Đặc Xá hay còn gọi là hang Đại Đội nằm trong khuôn viên Vườn quốc gia Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Hang có dạng hình elip, với chiều rộng khoảng 90m, chiều cao nhất của trân hang khoảng 2,5m, chổ thấp nhất khoảng 80m.
Nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật phong phú ở khu vực miền đông Nam Bộ.
Một số hình ảnh về hang Đặc Xá (hang Đại Đội) do đoàn công tác cung cấp:
Cồng Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước)
Đường vào Hang Đặc Xá (Hang Đại Đội)


Bên trong hang Đặc Xá nhìn ra

Bài, ảnh: Phạm Nhật Tuân (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước)
Read more...

Hướng dẫn du lịch bụi Bù Gia Mập

Thông tin 
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 26.032 ha, trong đó diện tích tự nhiên là 21.476 ha, bao gồm 388 ha rừng giàu, 2.798 ha rừng trung bình, 1.692 ha rừng nghèo, 5.064 ha rừng hỗn giao và 11.434 ha rừng tre nứa. Vùng đệm vườn quốc gia có diện tích 15.200 ha gồm 7.200 ha thuộc tỉnh Bình Phước và 8.000 ha của tỉnh Ðăk Nông.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật phong phú ở khu vực miền đông Nam Bộ.
Ngã ba rẽ vào VQG Bù Gia Mập (rẽ phải thì đi vào văn phòng BQL, đi thẳng là vào VQG)
Khoảng cách 
VQG Bù Gia Mập thuộc địa phận xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước. Cách Thành phố Hồ Chí Minh 240km.

Hướng dẫn đi và về
Xe máy
Khởi hành từ Tp.HCM, bạn chạy xe theo QL 13 hướng về Bình Dương. Đến ngã 4 Sở Sao (gần đến công trước KDL Đại Nam - cách 1km) thì quẹo phải hướng đi Phú Giáo (Bình Dương). Theo con đường này bạn sẽ gặp một ngã ba (có bồn binh (vòng xoay) lớn: một hướng chỉ đi Tân Uyên (thẳng), một hướng chỉ đi Bình Phước (trái)), bạn quẹo trái.
Chạy thẳng theo hướng đi Thị xã Phước Long (nếu không biết đường thì hỏi người dân địa phương đường đi Tx Phước Long).
Sau khi đã đến Tx Phước Long bạn sẽ tìm đường (hoặc hỏi đường) đi xã Bù Gia Mập hoặc hỏi đường đi Đak Ơ (một xã cũng thuộc huyện Bù Gia Mập, nhiều người biết xã này hơn là biết xã Bù Gia Mập). Đến Đak Ơ bạn cứ chạy thẳng thêm khoảng 25km là đến trung tâm xã Bù Gia Mập.
Trên đường đi có thể ghé thăm quan: Núi Bà Rá, Hồ thủy điện Thác Mơ,...
Bản đồ đường đi - Khoảng cách trên bản đồ chỉ mang tính ước lệ
Xe khách
Có 2 tuyến xe bạn có thể đi lên VQG Bù Gia Mập:
Bến xe miền Đông - xã Bù Gia Mập: Liên hệ bến xe miền Đông mua vé xe tuyến Tp.HCM - xã Bù Gia Mập (nhớ là xã Bù Gia Mập nhá), xe này sẽ dừng tại chợ trung tâm của xã Bù Gia Mập (cách Ban Quản Lý VQG Bù Gia Mập ... 1 phút đi bộ).
Bến xe miền Đông - Đak Ơ: Nếu xe đi xã Bù Gia Mập hết chuyến, bạn có thể mua vé xe đi xã Đak Ơ. Đến Đak Ơ bắt xe ôm chạy thêm khoảng 25km là lên tới xã Bù Gia Mập (nếu đi theo nhóm có thể thảo thuận với tài xế chở lên trung tâm xã Bù Gia Mập luôn).Xe chạy tuyến này phổ biến là xe 26 chổ, riêng tuyến đi Đak Ơ còn có cả xe 35 chổ.
Bản đồ đường đi VQG Bù Gia Mập - khoảng cách trên bản đồ chỉ mang tính ước lệ
Tham quan VQG Bù Gia Mập
Để tham quan VQG Bù Gia Mập, bạn phải liên hệ với Ban quản lý VQG Bù Gia Mập (xã Bù Gia Mập, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước). Thông thường bạn phải liên hệ trước khi đi, khi đến phải vào gặp Ban quản lý VQG Bù Gia Mập để nhờ người hướng dẫn.
Ban quản lý VQG Bù Gia Mập sẽ cử một anh hướng dẫn dẫn bạn đi tham quan VQG Bù Gia Mập (nếu không có anh hướng dẫn Bộ đội biên phòng và lực lượng kiểm lâm tại VQG Bù Gia Mập sẽ không cho bạn vào rừng).
Phương tiện chính để di chuyển đi vào rừng là ... xe máy. Nếu bạn đi xe khách lên VQG thì có thể liên hệ trước với Ban quản lý VQG Bù Gia Mập để thuê xe.



Các tuyến tham quan:
Hiện VQG Bù Gia Mập đang dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 4 tuyến tham quan phục vụ du khách đến tìm hiểu, nghiên cứu. Tuyến di chuyển dài nhất là tuyến: Vành đai biên giới (di chuyển khoảng 142km), tuyến ngắn nhất là tuyến tham quan rừng, tắm suối, ngủ qua đêm trong rừng (tại lán). Tùy theo nhu cầu của bạn mà lựa chọn tuyến đi cho phù hợp.
Trên đường đi vào rừng, bạn sẽ được đi ngang qua một ngôi làng nhỏ của người Stiêng.

Lưu trú
Bạn có thêm lưu trú tại khu vực nhà nghỉ của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập hoặc lưu trú qua đêm trong rừng thông qua các lán.
- Nhà nghỉ: 
Nằm trong khu viên của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập (trung tâm xã Bù Gia Mập), gồm có 5 phòng (phòng máy lạnh) mỗi phòng có 3 giường đôi, vệ sinh khép kín, có truyền hình cáp K+
- Lán: 
Nằm trong rừng, các lán này thuộc sự quản lý của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập.

Ăn uống
Nếu lưu trú tại nhà nghỉ: Bạn có thể mang theo thức ăn hoặc liên hệ với căntin của Ban quản lý VQG Bù Gia Mập. Giá ăn uống tại căntin: 20.000đ/suất.
Nếu lưu trú trong lán: bạn buộc phải mang theo thức ăn vào.

Giá một số dịch vụ
Giá vé tham quan: 70.000đ/khách.
Hướng dẫn viên tham quan rừng: 200.000đ/ngày.
Giá phòng nghỉ: 200.000đ/phòng/đêm.
Giá đặt ăn uống tại căntin: 20.000đ/suất.

Liên hệ
Phòng du lịch Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Điện thoại: 0651.3724235 hoặc 0989.218.912 (Anh Tháp - trưởng phòng du lịch).

Sóng điện thoại
Dù là khu vực gần biên giới (với Campuchia) nhưng sóng điện thoại tại đây rất tốt. Trừ những khu vực sâu trong rừng, sóng điện thoại mới không có mà thôi.

Nên đi vào mùa nào?
- Mua mưa: có vắt, di chuyển khó, nhưng bạn lại có cơ hội nhìn ngắm các loại động vật rừng.
- Mùa khô: dễ đi hơn nhưng cơ hội nhìn ngắm các loại động vật rừng là rất ít.

Một số lưu ý
- Xăng: Nên đổ xăng đầy trước khi tham quan VQG Bù Gia Mập. Nếu tham quan tuyến vành đai dọc biên giới bạn nên mang theo một can xăng để dự trữ (đường đi tuy đã đổ bê tông nhưng dốc, dài 142km).
- Nếu lưu trú trong lán: nhớ mang theo thức ăn.
- Phải có ý thức bảo vệ rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Nên mang theo tiền mặt vì ở đây rất khó tìm ra một máy ATM.
- Cấm chụp hình tại các khu vực gần đồn biên phòng.

Read more...

Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập (Bình Phước)

Dulichbui's Blog - Nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động, thực vật phong phú ở khu vực miền đông Nam Bộ.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích 26.032 ha, trong đó diện tích tự nhiên là 21.476 ha, bao gồm 388 ha rừng giàu, 2.798 ha rừng trung bình, 1.692 ha rừng nghèo, 5.064 ha rừng hỗn giao và 11.434 ha rừng tre nứa. Vùng đệm vườn quốc gia có diện tích 15.200 ha gồm 7.200 ha thuộc tỉnh Bình Phước và 8.000 ha của tỉnh Ðăk Nông. Trước năm 2002, khu vực này vốn là khu bảo tồn thiên nhiên, sau chuyển hạng thành vườn quốc gia theo quyết định số 170/TTg ngày 27 tháng 11 năm 2002 của thủ tướng chính phủ.
Ngã ba đi vào Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật và cây làm thuốc, đồng thời bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Ðôn, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc vùng đất thấp của nam Tây Nguyên, có đỉnh núi cao nhất là 700 m so với mực nước biển. Hệ thống sông suối gồm các dòng suối Ðác Huýt chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Ðác Sa, Ðác Ka, và suối Ðác K'me. Thực vật ở vườn quốc gia rất đa dạng và phong phú, được quy tụ từ nhiều luồng di cư, thực vật trong vùng Ðông - Nam Á.
Theo kết quả điều tra, ở đây có 724 loài thực vật nằm trong 326 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Ðặc biệt khu rừng nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh giàu trữ lượng với ưu thế của những cây họ dầu và nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc, vườn bao gồm nhiều kiểu rừng kín nửa thường xanh nửa nhiệt đới và kiểu rừng nửa thường xanh ẩm nhiệt đới.
Một đoạn của tuyến đường vành đai biên giới dài 72km
Rừng đệm
Ðây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voi, chà và chân đen... Do còn mang đậm nét hoang sơ của rừng nguyên sinh đặc trưng của rừng ẩm thường xanh, có rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên vườn quốc gia là nơi cư trú của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập hoạt động với 4 chức năng chính: Duy trì và bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái đồi núi thấp chuyển tiếp từ Cao nguyên xuống đồng bằng Nam bộ có độ cao dưới 1.000 m, được coi là rất đặc trưng, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm. Rừng phòng hộ cho các thủy điện Soc Phu Miên, Cần Đơn, Thác Mơ. Xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái. (Phân viện Điều tra qui hoạch rừng Nam bộ, 2004).
Về động vật ở đây có 437 loài, thú có 73 loài, trong đó có 59 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Có 168 loài chim, hiện có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Ðông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám... bò sát có 30 loài trong đó 12 loài ghi trong sách đỏ. Cũng đã xác định được hơn 200 loài có thể làm dược liệu như khỉ, rắn, trăn, tắc kè, mật ong, bìm bịp...
Bù Gia Mập còn là khu di tích lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ðịa danh Bù Gia Mập gắn liền với các trận đánh ác liệt ở miền Ðông Nam Bộ.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là địa chỉ du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với những du khách thích thể thao mạo hiểm và thiên nhiên hoang dã.
Nhà của người Stiêng
Những điều thú vị khi du lịch tại Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập
- Tìm hiểu văn hóa người dân tộc bản địa: người Stiêng (chủ yếu), người M'Nông,...
- Chiêm ngưỡng cảnh núi rừng hùng vĩ: nếu có cơ hội đi học con đường vành đai biên giới (dài khoảng 72km) bạn sẽ thấy rõ điều này.
- Khám phá hệ thống động thực vật
- Ngủ lán, tắm suối, trekking,...

Nguyễn Tùng Lâm (tổng hợp)
Read more...

Chùm ảnh du lịch bụi Bình Phước

Dulichbui's Blog - Phải có đến 101 lý do để trả lời cho câu hỏi "bạn đi du lịch bụi vì mục đích gì?": đi để khám phá, đi để thăm bạn bè, để trải nghiệm, đi theo phong trào,... Với bản thân Tùng Lâm mỗi chuyến đi du lịch bụi là một sự trải nghiệm, ở đó ta hiểu hơn về bản thân mình (cái cách mà ta xử lý trước mỗi sự việc xảy ra), ta được khám phá thêm những vùng đất mà ta chưa từng hoặc đã từng đặt chân đến nhưng chưa hiểu hết, hay chỉ đơn giản là để cảm nhận cuộc sống...
Những ngày tháng bận rộn với bài khóa luận tốt nghiệp đã qua đi, bỏ qua những lo toan cho cuộc sống sau khi ra trường, tự thấy mình cần có một cái gì đó mà không biết là cái gì trước khi bắt đầu một sự khởi đầu mới (đi làm) Tùng Lâm đã quyết định đi bụi một chuyến. Và điểm đến mà Lâm lựa chọn cho mình là Bình Phước.
Dưới đây là một số hình ảnh từ chuyến đi xin chia sẻ cùng các bạn. Nhật lý của chuyến đi cùng với những thông tin hướng dẫn đi lại sẽ được Tùng Lâm sẽ giới thiệu trong thời gian tới.

Điểm dừng chân đầu tiên - làng Tre Phú An
Chụp trong làng tre Phú An
Cầu gãy - chụp trên đường đi Bình Phước
Hồ Suối Lam - Bình Phước
Hồ Nông trường 4
Cổng cáp treo núi Bà Rá - cao thứ 2 Đông Nam Bộ
Lòng suối - mùa này mùa mưa không hiểu sao vẫn cạn
Lòng hồ thủy điện thác Mơ (rất rộng)
Đập dẫn nước từ hồ thủy điện Thác Mơ vào nhà máy thủy điện
Núi Bà Rá nhìn từ khu vực hồ thủy điện Thác Mơ
Nhà máy thủy điện Thác Mơ (cấm quay phim chụp hình)
Khu vực biên giới - huyện Bù Gia Mập (lúc này đang đi VQG Bù Gia Mập)
Ngã ba rẽ vào VQG Bù Gia Mập (rẽ phải thì đi vào văn phòng BQL, đi thẳng là vào VQG)
Bắt đầu đặt chân vào vườn quốc gia
Vô đề (mình thích tấm này)
Tuyến đường vành đai biên giới Việt - Cam dài khoảng 72km do bộ đội biên phòng xây
Đài quan sát
Rừng
Suối trên đường đi
Nhà của người S'tiêng
Read more...

Lãng mạn trảng cỏ Bù Lạch

Dulichbui's Blog - Trảng cỏ Bù Lạch (Bình Phước) được bao bọc bởi cả một khu rừng nguyên sinh và một lòng hồ rộng ở giữa. Màu xanh ngút ngàn của cỏ, rừng, hồ nước cùng với không khí trong lành, tạo nên nét đặc trưng cho nơi đây.

Gập ghềnh đường vào trảng


Trảng cỏ Bù Lạch cách trung tâm huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hơn 20 km với diện tích gần 500 ha. Với vài điểm tham quan như núi Bà Rá, thác Mơ, sóc Bom - Bo, Bình Phước vẫn chưa được nhiều khách du lịch quan tâm, chính vì thế người ta lại càng ít biết đến trảng cỏ Bù Lạch. Tuy nhiên, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ nơi đây lại là điều thu hút chúng tôi lên đường tìm đến.

Khởi hành từ trung tâm TP HCM, dùng xe máy đi thẳng về trung tâm huyện Bù Đăng và hỏi thăm người dân địa phương đường vào trảng cỏ. Từ đây vào đến trảng cỏ là cả một đoạn đường chông gai nhưng không kém phần ngoạn mục. Đường đi ngày càng dốc và nhỏ lại, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Hoa sim điểm xuyết một màu tím thơ mộng cho những hàng cây bên đường. Những vườn điều đỏ rực trái chín, những dòng suối róc rách chắn ngang đường đi tạo thêm nét chấm phá cho bức tranh thơ mộng này…

Vượt qua những đoạn dốc thẳng đứng, du khách sẽ dần tiến vào khu vực trảng cỏ. Khí trời trở nên mát hơn, dễ chịu hơn. Địa hình thay đổi đột ngột từ đèo dốc sang bằng phẳng và cuối cùng, hiện ra trước mắt một không gian rộng lớn với màu xanh ngút ngàn của cỏ…

Bức tranh thủy mặc giữa núi rừng

Trảng cỏ Bù Lạch như một tồn tại lạ lùng, nằm lọt thỏm giữa bao la núi rừng với thác, suối, đèo. Cỏ xanh mướt pha lẫn với màu tím hoa sim tạo thành một bức tranh quyến rũ. Chúng tôi như lặng đi trước không gian xanh đến lạ kỳ. Trảng rộng mênh mông, ở giữa là một hồ nước trong vắt. Không gian vắng lặng, tiếng gió rì rào quyện lẫn tiếng chim rừng. Chúng tôi bắt gặp những đàn trâu lững thững đi dạo trên trảng, những lon sắt rung rinh dưới cổ thay cho lục lạc… Theo người dân địa phương, vào mùa khô, cả trảng cỏ chuyển sang màu vàng rực. Nhưng chỉ một cơn mưa là màu xanh mướt như ngọc lại trỗi dậy.

Sau khi đi dạo một vòng quanh hồ, du khách sẽ được ghé vào căn nhà Rông duy nhất ở đây chuyên cung cấp thức ăn, nước uống cho người đến thăm trảng. Tại đây, bạn có thể thưởng thức món gà rừng hấp dẫn. Sau những giờ lang thang trên cỏ, bạn có thể đến gần bìa rừng để thưởng thức những trái sim rừng tim tím, khiến bạn thích thú với vị chua chua, ngọt ngọt rất lạ. Vượt qua những bụi sim là đường mòn vào rừng với thảm động thực vật phong phú và nhiều loại phong lan. Tuy nhiên, hiện nơi đây chưa có các dịch vụ du lịch nên phải cân nhắc thật kỹ trước khi khám phá rừng vì lý do an toàn.

Chúng tôi cắm trại một đêm tại trảng cỏ. Sáng ra, lên đường về TP HCM nhưng lòng tôi vẫn luyến tiếc màu xanh nơi đây. Hẹn gặp lại trảng cỏ Bù Lạch và khu rừng nguyên sinh trong một chuyến đi khác được chuẩn bị kỹ càng hơn.


Dulichbui's Blog (Theo Phụ Nữ Tp.HCM)
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org