Chương trình chi tiết Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2011

Dulichbui's Blog - Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2011 sẽ diễn ra từ ngày 29-4 đến 2-5. Theo đó, hàng loạt các hoạt động văn hóa văn nghệ, du lịch, TDTT sẽ được tổ chức tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Và tâm điểm của Tuần Du lịch là lễ hội Carnaval Hạ Long 2011 diễn ra vào lúc 20h ngày 1-5 tại Khu du lịch Bãi Cháy (TP Hạ Long).
Carnaval Hạ Long 2010 - Ảnh: Báo Quảng Ninh
Dưới đây là chương trình chi tiết Tuần Du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2011.

Ngày 29 tháng 4 năm 2011
7:30: Lễ hội Đức Ông Trần Quốc Nghiễn tại Bến Đoan, TP Hạ Long
9:00: Khai mạc triển lãm tranh, ảnh về Hạ Long tại khu Du lịch Thanh niên, Bãi Cháy
9:00: Khai mạc giải bóng đá, quần vợt Móng Cái mở rộng tại Thành phố Móng Cái
16:00: Khai mạc Liên hoan Ẩm thực tại Khu Du lịch Thanh niên, Bãi Cháy
20:00: Đêm thơ – Nhạc về Hạ Long tại Khu Du lịch Thanh niên, Bãi Cháy

Ngày 30 tháng 4 năm 2011
8:00: Giải khiêu vũ thể thao Quảng Ninh mở rộng tại Nhà thi đấu Quảng Ninh, Hạ Long
8:00: Khai mạc trưng bày sinh vật cảnh, thi gà chọi tại Công viên quốc tế Hoàng Gia
9:00: Giải bóng chuyền bãi biển tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu
9:00: Giải quần vợt Quảng Ninh mở rộng tại Sân Trung tâm, TP Hạ Long
15:00: Các trò chơi dân gian tại Khu du lịch Thanh niên, Bãi Cháy
20:00: Đêm thơ – Nhạc về Yên Tử tại Nhà ga cáp treo, Yên Tử
20:00: Hội chợ Triển lãm Quảng bá thương hiệu Quảng Ninh 2011 tại Cung Văn hoá Thiếu nhi
20:00: Chương trình chung kết “Người dẫn chương trình hay nhất về Hạ Long” tại Nhà Văn hoá Việt – Nhật
20:00: Giao lưu văn hoá, Nghệ thuật Móng Cái (VN) - Đông Hưng (TQ) tại Thành phố Móng Cái
20:00: Liên hoan nhóm nhảy Hiphop 2011 tại Khu du lịch Thanh niên, Bãi Cháy

Ngày 1 tháng 5 năm 2011
8:00: Hội thảo bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới tại Thành phố Hạ Long
8:00: Giải khiêu vũ thể thao Quảng Ninh mở rộng tại Nhà thi đấu Quảng Ninh, Hạ Long
20:00: Liên hoan nhóm nhảy Hiphop 2011 tại Khu du lịch Thanh niên, Bãi Cháy
20:00: Chương trình Carnaval Hạ Long 2011 (Truyền hình trực tiếp trên VTV1) tại Khu du lịch Bãi Cháy
Bắn pháo hoa (theo kịch bản)

Ngày 2 tháng 5 năm 2011
20:00: Đêm Hạ Long huyền ảo (Truyền hình trực tiếp) tại Bờ biển khu cột 3, TP Hạ Long

Read more...

Video 3D Yên Tử - trung tâm phật giáo Việt Nam

Dulichbui's Blog - Yên Tử là ngọn núi cao nhất nằm ở phía Tây Bắc thị xã Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Ðứng ở độ cao 1.068m, trên đỉnh núi, ta có thể bao quát cả vùng Ðông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa xa là dòng sông Bạch Ðằng cuộn sóng.
Tải Video chất lượng cao tại đây
Dọc con đường với những con suối trong vắt, lững lờ như vải lụa uốn quanh những rừng trúc, rừng tùng xanh bạt ngàn, thấp thoáng ẩn hiện là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính.
Nơi đây xưa kia là kinh đô Phật giáo với phái thiền Trúc Lâm nổi tiếng mà người sáng lập là một Anh hùng dân tộc - Vua Trần Nhân Tông.
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị Hoàng đế thứ ba triều Trần; năm 21 tuổi lên ngôi Hoàng đế và đã hai lần cầm quân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 35 tuổi, ông lên làm Thái Thượng Hoàng và năm 41 tuổi chính thức xuất gia tu hành tại chùa Hoa Hiên - Yên Tử, lấy Ðạo hiệu là Hương Vân Ðại Ðầu Ðà về sau đổi làm Trúc Lâm Ðại Ðầu Ðà, kế thừa Huệ Tuệ Thiền Sư làm tổ thứ sáu của Sơn môn Yên Tử. Trần Nhân Tông đã đổi tên Sơn môn Yên Tử thành Trúc Lâm Thiền phái, tự mình làm Ðệ nhất Tổ với mục đích quy tụ ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc hướng về một thế giới tâm linh thuần thiện, thuần mỹ.


Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Ðồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm.
Vốn là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan, với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối. Cầu dài 10 m, có kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi.
Tục truyền xưa kia Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật. Vua Nhân Tông có rất nhiều cung tần và mỹ nữ. Họ đã khuyên ông trở về cung gấm nhưng không được nên đã lao mình xuống suối tự vẫn. Vua Nhân Tông thương cảm cho họ nên lập một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối mang tên Giải Oan.
Hoa Yên là trung tâm khu di tích, danh lam cổ tự linh thiêng nổi tiếng ở độ cao gần 534m, tọa lạc trên triền núi nhô ra tựa trán rồng. Nơi đây đã bao lần các Hoàng đế, Vương hầu, các danh nhân trong nước về thăm lưu bút, đề thơ, trồng cây lưu niệm trước sân chùa. Ðường lên chùa Ðồng lộng gió, qua một vạt rừng cây lúp xúp và bãi đá như những cánh sen nâng bước chân du khách. Chùa Ðồng cấu trúc hình chữ đinh theo dáng một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá chạm trổ hình hoa sen cách điệu, gian giữa là cửa võng đúc hoa sen, hai bên trạm khắc hình nho sóc.


Những hôm trời nắng, trên đỉnh Yên Tử phóng tầm mắt tới chân trời tít tắp, dưới chân núi cảnh vật hiện ra như bức tranh thủy mặc lung linh dưới ánh mặt trời; còn vào ngày mù sương du khách như đứng trên bồng đảo nhỏ, nổi bồng bềnh giữa đại dương mênh mông.
Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng; cây đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường tỏa bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo.
Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc... Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Ðiếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Ngay từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây.
700 năm qua, nhưng dấu tích của Vua Trần vẫn không hề thay đổi, với một di sản văn hóa khổng lồ cha ông để lại. Ðó là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng nghìn di vật cổ quý giá. "Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu" - hành hương về Yên Tử du khách sẽ tìm đến một chút thanh tịnh, bình yên cho tâm hồn.
Lễ hội Yên Tử được tổ chức hằng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch). Năm nay, Ðại lễ tưởng niệm 700 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-11 tại các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh như huyện Ðông Triều, Yên Hưng, thị xã Uông Bí, Cẩm Phả.

Dulichbui's Blog (Theo Nhân Dân)
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org