Bánh cáy Thái Bình

Dulichbui's Blog - Những hôm tiết thời se lạnh, có đĩa bánh cáy xắt miếng, ăn nhẩn nha bên ấm trà xanh nóng thì thật tuyệt vời. Cảm giác ngọt, bùi, béo đan chen độ giòn lép xép, độ dẻo, độ dai mềm mại, người ăn thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Vị gừng hơi cay, nhưng nóng làm cho người ăn cảm giác như khỏe ra, tiết trời như ấm lại.
Từ các sản vật nông nghiệp dễ có đến hàng nghìn loại bánh, kẹo hoặc hơn nữa được làm ra ở các vùng quê Việt Nam. Bánh chưng, bánh dầy thì đã trở thành bánh của cả dân tộc. Nhưng cũng có những loại bánh được gắn liền với từng vùng quê nơi sinh ra nó như: bánh đậu xanh Hải Dương, mè xửng Huế, bánh phu thê, bánh xèo, kẹo dừa, kẹo cu đơ Bánh cáy cũng là một loại bánh dân dã mà ngoài quê lúa Thái Bình thì chưa thấy ở đâu có. Ngay cả ở trong tỉnh Thái Bình, chỉ bánh cáy được làm bởi những nghệ nhân làng Nguyễn (huyện Đông Hưng) mới là loại ngon nhất và có tiếng nhất.
Từ thành phố Thái Bình theo quốc lộ 10 tới thị trấn Đông Hưng, rẽ trái sang quốc lộ 39, đi một đoạn là tới làng Nguyễn quê hương của bánh cáy. Làng Nguyễn rất nổi tiếng với các sản phẩm của nghề dệt, nghề chế biến thực phẩm song đồ quí tiến vua thì chỉ có bánh cáy. Các cụ già trong làng kể lại: ngày xưa khi quan đại thần triều đình đi kinh lý vùng châu thổ, khi qua làng Nguyễn được dân dâng lên tiến vua vào mỗi dịp tết đến.
Làm bánh cáy khá phức tạp. Nguyên liệu chính của bánh cáy là gạo nếp, nhưng các nguyên liệu phụ thì rất nhiều như: gấc, quả hoặc là lá dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt, mỡ lợn
Gạo nếp làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn.
Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín ròn, xát bỏ vỏ. gạo nếp hoa vàng được rang nổ bỏng, nở tung, sạch trấu, dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vở quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ.
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường mía, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra cho vào bao bì, ta sẽ được bánh cáy thành phẩm. Bánh không phơi nắng, không sấy qua lửa nhưng để được rất lâu nếu làm đúng kỹ thuật.
Nghe tên bánh cáy nhiều người ngỡ đây là loại bánh làm từ con cáy biển, nhưng không phải. Bánh cáy được làm hoàn toàn bằng gạo nếp, lạc, vừng và các gia vị cũng như các loại hoa lá để tạo mầu cho bánh. Dân gian có truyền thuyết rằng loại bánh này là do thần cáy biển ban cho. Thuở ấy, cả một vùng phía tây tỉnh Thái Bình vẫn còn là những bãi lầy ven biển. cửa biển Đan Nhai cách không xa làng Nguyễn là mấy Không biết truyền thuyết kia đúng được bao nhiêu phần nhưng nếu nhìn kỹ lát bánh cáy, những màu vàng trắng xen lẫn hồng cam cho ta cảm giác nó giống như trứng cáy. Cũng có thể đây là lý do mà loại bánh cổ truyền này có tên là bánh cáy. Nhưng có lẽ do loại bánh cổ truyền này có vị hơi cay khi ăn nên gọi là bánh cay, rồi dần dần gọi lệch sang thành bánh cáyNhững hôm tiết thời se lạnh, có đĩa bánh cáy xắt miếng, ăn nhẩn nha bên ấm trà xanh nóng thì thật tuyệt vời. Cảm giác ngọt, bùi, béo đan chen độ giòn lép xép, độ dẻo, độ dai mềm mại, người ăn thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Vị gừng hơi cay, nhưng nóng làm cho người ăn cảm giác như khỏe ra, tiết trời như ấm lại.
Read more...

Ổi Bo Thái Bình

Dulichbui's Blog - Đã từ lâu, ổi Bo Thái Bình đã trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ đối với những người con sinh ra ở đất Thái Bình mà còn được biết đến ở nhiều tỉnh thành khác. Ổi Bo đã trở thành "đặc sản” được nhắc đến trong văn hoá ẩm thực của người Thái Bình.

Ổi thì dường như ở miền quê nào cũng có, nhưng ổi Bo Thái Bình không bị hoà trộn với bất cứ loại ổi nào, bởi dường như nó đã hội tụ những gì tinh tuý nhất của đồng đất và con người quê hương Thái Bình. Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Bo hẳn sẽ rất ấn tượng với vị thơm ngọt man mát, cùi dầy, ít hạt, thơm dòn.
Theo các bô lão thì từ khi còn rất nhỏ, các cụ đã được nghe thế hệ cha ông đi trước kể chuyện về xuất xứ cây ổi Bo rằng: Ngày xưa, có một ông nhà ở cạnh sông Trà Lý, trong một lần đi dạo cạnh bờ sông thấy có một quả lạ nổi trên dòng nước liền vớt về ném ở sau vườn, sau thấy cây lên quả ăn rất ngon mới đem nhân rộng ra để trồng. Mặc dù xuất xứ của cây ổi Bo (làng Bo, xã Hoàng Diệu, Thái Bình), còn mang nhiều “bí tích” nhưng để có được quả ổi thơm ngọt là cả một quá trình gồm nhiều công đoạn chăm sóc vun trồng cầu kỳ của bàn tay con người: từ gieo giống, chăm sóc tới khi thu hoạch.
Từ khâu gieo giống cũng đòi hỏi sự tỷ mỉ và hiểu biết nhất định, muốn lấy được giống tốt phải gieo hạt vào tháng 8 - là lúc thời tiết có mưa nhiều. Cây được chọn để lấy giống phải là cây mới bói, quả ở cành ngồng để cho thật chín, ruột ổi (chứa hạt) để trong khoảng một tuần cho nhũn ra thành nước, sau đó cho vào rá đãi lấy hột. Sau khâu chọn giống là khâu làm luống. Luống đất để gieo cây phải để thật khô đất phải đập thật mịn và nhỏ, kéo luống cao 20 phân so với mặt vườn, rộng 1m. Sau đó mới cho hạt giống đã chuẩn bị sẵn vào gieo, phủ lên trên bề mặt luống một lớp rạ mỏng, giữ độ ẩm liên tục trong mươi ngày. Sau khoảng 1 tháng cây mọc lên hẳn mặt đất mới rỡ rạ ra. Để như vậy trong vòng 5 tháng sau mới đánh thưa ra để trồng. Khi cây có quả (quả to) phải bón phân kali trước khi thu hoạch một tháng cho quả rắn lại. Từ công đoạn gieo hạt đến khi được thu hoạch trái ổi đầu mùa phải mất tới ba năm.
Quả ổi Bo cũng có nhiều loại: có loại quả nhìn giống như quả cam dẹt, có loại quả lại như quả lê (hay quả đu đủ nhỏ), lại có quả giống như quả găng có năm múi và năm khe. Nhưng chất lượng và vị ngon của giống ổi Bo chính hiệu - tức là loại quả được trồng trên đất nguyên thổ của làng Bo, với chất đất phù sa nhẹ tốt, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào tháng 7 hằng năm thì không giống ổi ở đâu sánh bằng. Bởi cũng là giống ổi Bo được ươm trồng ở đất Thái Bình, nhưng khi mang đi trồng ở tỉnh khác thì hương vị và chất lượng lại thay đổi hoàn toàn.
Cây ổi Bo cũng thể hiện nét riêng đặc biệt của mình đối với người trồng và thưởng thức nó: khi hái ổi phải hái bằng nèo không được trèo lên cây, và cành ổi cũng không được rũ xuống gần đất có như vậy ổi mới không bị chua. Khi ăn ổi Bo không nên dùng dao để cắt như vậy ăn miếng ổi sẽ thấy chua, phải ăn một cách bình dị dân dã mới ngon, cứ dùng răng cắn vào thịt quả ổi để cảm nhận hương vị đặc trưng của nó. Đầu tiên là thấy vị chát, sau là chua dịu, rồi vị ngọt thấm dần vào đầu lưỡi, vào khoang miệng và lưu lại trong cổ họng.
Chính những hương vị đặc trưng đó, mà ổi Bo đã trở thành một thứ đặc sản mang đậm hồn quê, như nhắc nhở những người xa luôn nhớ về quê lúa Thái Bình.
Phạm Thị Nga (Sở Văn hoá, TT và DL Thái Bình)
BB494Z8U6ET5
Read more...

Chùa Keo (Thái Bình)

Dulichbui's Blog - Chùa thường gọi là chùa Keo, tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được dựng từ năm 1067 ở hương Giao Thủy, cạnh bờ sông Hồng. Đến năm 1167, chùa mới đổi tên là chùa Thần Quang.
Do ảnh hưởng mực nước sông Hồng, từ năm 1611, chùa đã được dân làng dời đi, lập lại chùa mới ở Nam Hà và Thái Bình. Việc dựng chùa mới được bắt đầu từ năm 1630, hoàn thành năm 1632. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ XVII, XVIII và năm 1941. Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Sau chùa Phật có đền thờ Thiền sư Không Lộ, người khai sơn ngôi chùa vào thời Lý. Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái. Tầng một có treo một khánh đá (dài 1,87m), tầng hai có quả chuông đúc năm 1686, tầng ba và tầng thượng có chuông đúc năm 1796. Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam.
Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự, được xây dựng từ năm 1630 đến năm 1632 theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc, vợ Tuần Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng, và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ.
Nhưng lịch sử của ngôi chùa thì có bề dày đến hơn chín thế kỷ. Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, năm 1061, Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng nên chùa Keo - Thái Bình này.
Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng đến 58.000 m2. Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Sau đó là chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Trong cùng là tòa gác chuông, nhà tổ và khu tăng xá.

Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04 m gồm 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng ngậm, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Tầng một treo khánh đá 1,20 m và chuông đồng cao 1,30 m, đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông (1686); hai tầng trên treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69 m đúc vào năm 1796.

Đứng soi mình xuống hồ nước phẳng lặng giữa một không gian thoáng đãng, chùa Keo không chỉ lưu giữ nhiều di vật quý giá mà còn chứa đựng những điều huyền bí gắn liền với cuộc đời Thiền sư Không Lộ. Theo sách Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục tập yếu, Thiền sư Không Lộ vốn họ Dương, sinh ra trong một gia đình ngư phủ, xuất gia theo Thiền sư Lôi Hà Trạch.
Tương truyền rằng từ khi đắc đạo, Thiền sư Không Lộ có khả năng bay trên không, đi trên mặt nước và thuần phục được rắn, hổ. Truyền thuyết còn kể rằng trước khi viên tịch, Ngài hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên và khúc gỗ biến thành tượng. Thánh tượng này nay còn lưu giữ trong hậu cung quanh năm khóa kín cửa.



Cứ 12 năm một lần, làng Keo lại cử ra một người hội chủ và bốn viên chấp sự để làm lễ trang hoàng tượng Thánh. Những người này phải ăn chay, mặc quần áo mới, họ rước thánh tượng từ cấm cung ra rồi dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm và tô son lại cho tượng Thánh. Công việc này phải làm theo một nghi thức được quy định rất nghiêm ngặt, những người chấp sự phải tuyệt đối giữ kín những gì đã thấy trong khi trang hoàng tượng Thánh. Đến thăm chùa, khách có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.


Tam quan chùa có đủ cả 3 gian gồm không quán, giả quán và trung quán. Đây là công trình kiến trúc đơn lẻ đậm vẻ kiến trúc của thế kỷ 17. Điều đặc biệt là đôi cánh cửa, chiều cao 2m, chiều rộng 1,3m khi khép lại tạo ra một mạng chạm hoàn thiện, giữa là mặt nguyệt, hai bên là 2 con rồng chầu, thân rồng uốn nhiều lần, đầu tóc rất dữ dội. Đao rồng dựng lên như biển lửa, chúc xuống như rừng giáo mác. Phía sau là 2 rồng con núp sau rồng mẹ, dáng vẻ rất thảnh thơi. Về mặt kiến trúc, trên một mặt chạm gỗ đục sâu không quá 3cm, nghệ nhân rất thành công khi áp dụng luật tối, sáng, xa gần dù không dùng tới một chút màu nào cả nhưng khi ta nhìn thấy có tối, có sáng, có xa, có gần với những đường chạm rất sắc sảo, nét khắc rất tinh vi. Nếu đôi cánh cửa ở Chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời Lê".
Đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là nơi quý khách sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh. Điều quý nhất ở khu tam bảo là pho tượng Quan Âm Nam Hải có niên đại 450 năm. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng. Bùi Anh Diêm giới thiệu: "Pho tượng Tuyết Sơn hay còn gọi là Thích Ca Mâu Ni này có tính chất nhân trắc học tức pho tượng đã đáp ứng được sự tích. Từ xương sườn, xương quai xanh, bánh chè, đầu gối, mỏ ác đều thể hiện tài đức của ông. Môi mỏng thể hiện tài thuyết pháp, mắt thể hiện sự nhìn xa trông rộng và đầu thể hiện tư duy lớn. Pho tượng này có niên đại khoảng 400 năm".


Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Hội chùa Keo diễn ra vào ngày 4 Tết âm lịch và từ 13 đến 15-9 âm lịch. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa.
Phía trong cùng là gác chuông chùa Keo. Đối với những người Thái Bình xa quê hương thì đây là biểu tượng của quê hương Thái Bình. Chiều cao gác chuông là 12,7m, chịu lực trên 4 cột chính, mỗi cột cao 5m, đường kính 70cm và 3 tầng kiến trúc chồng lên nhau song không có sự che khuất. Phía trên cùng là quả chuông nặng 3 tạ, tầng thứ hai có quả chuông 8 tạ và tầng cuối cùng, quả chuông nặng 1,3 tấn.
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đò tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ XVII, với nhiều kiệt tác đặc sắc như Thượng sư Không Lộ bằng gỗ trầm, tượng Quan Âm từ thời Mạc, tượng Cửu Long, tượng La Hán thời Lê.
Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trụ, người thiết kế và chỉ đạo thi công chùa đã khéo lựa chọn cho chùa có một vị trí xây dựng vừa đẹp, vừa đáp ứng mục đích chính của chốn thiền. Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con ngòi của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau, kiến tạo nhiều lớp nhiều tầng, ẩn hiện dưới những lùm cây, gợi cho khách tham quan, những nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ thuật nhiều cảm nhận theo những khoảnh khắc khác của thời gian như: khi thì mái ngói dào lên cơn sóng nắng, khi thì gác chuông chìm xuống ráng chiều tà. Hay trong giây phút tĩnh lặng tâm hồn, một tiếng chuông buông và phút chốc trời đất bốn phương cũng giao hòa. Nếu không phải bị cuốn hút bởi những điều đó thì hãy theo bước chân của những người hành hương vào chùa qua Tam quan ngoài, Tam quan trong, đến gần một hồ rộng để tầm mắt hướng từ cao nhìn xuống sẽ dần dần phát hiện được cái lẽ đời Việt Nam ẩn dấu, hình thành một chuẩn mức thẩm mỹ.
Mọi người đến với chùa không có một chút gì ngăn cách về tinh thần, bắt đầu từ thể thức và mực thước của kiến trúc gợi nên vẻ đẹp uyên nhã, khơi dậy những tình cảm vuông tròn như trong nếp nghĩ và sự cầu mong của người nông dân Việt Nam là luôn luôn được mưa thuận gió hòa, là cuộc sống sinh sôi nảy nở mẹ tròn con vuông, là sự sinh tồn lấy lẽ bao dung và đùm bọc làm thước đo chân lý.
khi đến chùa ta thấy một không gian khép kín nhưng không hề bị chật hẹp, tù túng mà bao trùm một vẻ đẹp vươn tỏa bao la. Bí quyết để giải quyết điều này là ở chỗ kiến trúc chùa Keo đã mạnh dạn sử dụng mặt nước rộng ở cả 3 mặt trước và hai bên để thế chùa vừa mở rộng, vừa vươn cao trong ảo giác để hình bóng dáng chùa lẩn dần vào chiều sâu mặt nước, khiến cái ranh giới cụ thể nhằm đáp ứng tinh thần kín như văn bia Thần Quang Tự đã ghi: "Ngăn che khách trụ ghé nhòm" được xóa mờ với cảm giác bao la trong tâm tưởng khi muốn vươn tới chốn thiền. Ngoài cái sâu lắng trong tình cảm thẩm mỹ thì thực tại mặt nước soi bóng những hàng cây cổ thụ, bên nếp chùa có dáng thuyền rồng có những đường cong bờ nóc, như mãi lưu lại những vầng trăng khuyết là một thực tại cảnh quan như một nhà thơ về thăm chùa đã viết:
"Rõ là cảnh đấy, người đây Chùa Keo ơi nước non nào nên duyên"
Cũng giống như các chùa làng khác, bên ngoài là chữ Quốc, bao bọc bởi hai dãy hành lang bên tả, bên hữu gồm 42 gian, phía nước là hai cổng vào tòa nhà Hộ, phía sau là nhà thờ Tổ và gác chuông. Bên trong là chữ Công, nhưng là chữ Công kép vì chùa thờ tiền Phật hậu Thánh. Cụm kiến trúc chữ Công phía trước là nơi thờ Phật còn cụm kiến trúc chữ Công phía sau là thờ Thánh Không Lộ. Không Lộ là người đã đi tu và khởi đầu xây dựng chùa từ thời Lý thế kỷ thứ 11. Giữa hai cụm kiến trúc thờ Phật, thờ Thánh có tòa Giá Roi. Tòa nhà này trang trí không nhiều nhưng có cấu trúc đơn giản, hợp lý, có độ dựng thẩm mỹ được tính toán từ những hài hòa của tỷ lệ. Tỷ lệ của chúng từ chiều cao, độ to cột, hình dáng, đường nét đục chạm của bộ rui xà chặt chẽ đến mức không dư thừa, và như nhiều nhà nghệ thuật nói thì không thêm, không bỏ được điều gì ở đó. Trong số các ngôi chùa được công nhận là di tích văn hóa nghệ thuật cần được bảo vệ như một gia tài qúy báu thì Chùa Keo được xếp vào hàng ưu tiên. Công bằng mà nói, ngoài mức độ của sự uy nghi thì việc xây dựng chùa trước hết là tâm huyết của hàng vạn con người trong một thời gian dài non nửa thế kỷ. Chùa Keo là một giá trị, những giá trị về nghệ thuật, văn hóa, về tâm đức lòng người. Xét về mặt kiến trúc thì không thể không nhấn mạnh tổ chức không gian các tòa nhà trong cụm kiến trúc. Thoạt nhìn có sự giống nhau, và đồng nhất về mặt kích cỡ, nhưng thực ra lại có sự khác nhau trong từng tỷ lệ của cấu trúc, trong sự phong phú, trong nguyên tắc bố trí mặt bằng theo nhịp điệu thay đổi đúng mức, chỗ thì mở ra, chỗ thu hẹp vào rồi lại mở ra, tạo độ sâu trong không gian ngôi chùa, thu hút sự chú ý đến liên tục, gợi tạo sự phong phú của nội thất. Mặt bằng bên trong của ngôi chùa vẫn trong khiêm tốn về kích thước. Người Việt xưa trong những công trình kiến trúc của mình thường không ưa vẻ đồ sộ nhưng kiến trúc không nghèo nàn, vẫn dẫn ta từ không gian này đến không gian khác. Sự dãn cách của các công trình đã đạt được mục đích cố tình của nghệ thuật tổ chức không gian, làm không gian trong chùa không những có nhiều khu mà còn gợi ra khoảng không gian có nhịp điệu nhạc tính khi thưởng ngoạn.
Chùa Keo đã tồn tại ngót 400 năm. Trong suốt thời gian ấy, chùa Keo vẫn trọn vẹn là một tác phẩm nghệ thuật, ghi đậm một tình cảm thẩm mỹ vừa thực, vừa huyền thoại của văn hóa Việt Nam.


Theo Queluathaibinh.com
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org