Các hoạt động văn hóa, lễ hội Tết Tân Mão 2011 tại Thừa Thiên Huế

Dulichbui's Blog - Ngày 27/12/2010 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố chương trình hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao tại Thừa Thiên Huế trong dịp Tết Tân Mão 2011.
Lễ hội vật làng Sình
 Tùng Lâm xin được trích giới thiệu những hoạt động chính để tiện cho các bạn tham gia khi đến Huế vào dịp Tết Tân Mão 2011:

Ngày 02/02/2011 (30 Tết):
- Chương trình nghệ thuật tổng hợp đêm Giao thừa (bắt đầu từ 22 giờ 30 đến Giao Thừa); bắn pháo hoa tại Kỳ Đài tại Quảng Trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế
- Chương trình nghệ thuật đêm Giao thừa và bắn pháo hoa tại trung tâm huyện Nam Đông tại Thị trấn Khe Tre (Nam Đông)

Ngày 03/02/2011 (01 Tết)
- Chương trình nghệ thuật tổng hợp tại Quảng Trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế
- Chợ phiên Quảng Ngạn tại Xã Quảng Ngạn (Quảng Điền)

Ngày 04/02/2011 (Mùng 02 Tết)
- Thi đấu cờ tướng, cờ người, bài chòi, chọi gà tại Công viên Thương Bạc
- Chương trình nghệ thuật tổng hợp tại Quảng Trường Ngọ Môn, Đại Nội Huế
- Lễ hội Đu Tiên Điền Hòa tại Xã Phong Hòa (Phong Điền)
- Lễ hội Đu Tiên thị trấn Sịa, Quảng Thọ tại Thị trấn Sịa và xã Quảng Thọ (Quảng Điền)

Ngày 05/02/2011 (Mùng 03 Tết)
- Thi nhảy bao bố, vật tay, bài chòi, chọi gà tại Công viên Thương Bạc
- Chương trình ca nhạc tổng hợp tại Nhà Văn hóa thành phố Huế
(65 Trần Hưng Đạo, Huế)

Ngày 06/02/2011 (Mùng 04 Tết)
- Thi đấu cờ tướng, chọi gà, bài chòi tại Công viên Thương Bạc
- Lễ hội Đu Tiên Phong Hiền tại Xã Phong Hiền (Phong Điền)
- Lễ hội đua ghe truyền thống thị trấn Sịa tại Thị trấn Sịa (Quảng Điền)

Ngày 08/02/2011 (Mùng 6 Tết)
- Lễ hội vật Làng Thủ Lễ tại Thị trấn Sịa, Quảng Điền
- Lễ hội Cầu Ngư và đua ghe tại Lăng Cô tại Thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc)

Ngày 11/02/2011 (Mùng 09 tháng Giêng)
Lễ hội Đền Huyền Trân tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (Núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế)

Ngày 12/02/2011 (Mùng 10 tháng Giêng)
- Lễ hội vật Làng Sình tại Xã Phú Mậu, huyện Phú Vang
- Giải đua trãi trên sông Vực tại Phường Thủy Châu và Thủy Phương, thị xã Hương Thủy
- Lễ hội Cầu Ngư Phong Hải tại Xã Phong Hải (Phong Điền)

Ngày 14/02/2011 (11 tháng Giêng)
- Lễ hội Cầu Ngư làng Thai Dương tại Thị trấn Thuận An (Phú Vang)

Đặc biệt, từ ngày 03/02 đến 05/02/2011 (Mùng 01 đến 03 Tết): Các di tích, điểm tham quan tại Thừa Thiên Huế sẽ mở cửa tham quan miễn phí.

Read more...

Giá vé các điểm thăm quan tại Huế

I. Giá vé tham quan các di tích Huế

Giá vé các điểm thăm quan tại Huế
Giá vé các điểm thăm quan
Ghi chú:
- Không thu lệ phí máy ảnh, Camera mini mà khách mang theo vào di tích.
- Đối với sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, học sinh các trường phổ thông tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học thuộc tỉnh do nhà trường tổ chức tham quan ngoại khóa hàng năm theo kế hoạch phải đăng ký với Trung tâm BTDTCĐ Huế kèm theo danh sách cụ thể trước một tuần để được xét giảm.
- Đối với các đoàn làm phim tài liệu lịch sử trong nước, nếu xét đủ điều kiện nội dung phim là tài liệu lịch sử phải đăng ký trước với Trung tâm BTDTCĐ Huế kèm theo lịch trình quay phim cụ thể để được xét miễn, giảm.
II. Giá dịch vụ biểu diễn nghệ thuật cung đình và chụp ảnh lưu niệm (Áp dụng cho cả khách Việt Nam và ngoại quốc):

Giá vé các điểm thăm quan tại Huế
Giá vé xem biểu diễn nghệ thuật cung đình
III.Giá vé dịch vụ du lịch Voi 
Giá vé các điểm thăm quan tại Huế
Giá vé dịch vụ voi
IV. Giá vé tham dự Đêm Hoàng Cung
Giá vé tham dự Đêm Hoàng Cung
Giá vé thăm dự đêm Hoàng Cung

Download bảng giá vé các điểm tham quan, dịch vụ du lịch tại Huế tại đây
Read more...

Các chương trình chính tại Festival Huế 2010

Dulichbui's Blog - Diễn ra liên tục trong suốt 9 ngày đêm (từ 05/6 đến 13/6/2010), Festival Huế 2010 hứa hẹn nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng.

>> Thông tin về chương trình Festival Huế 2010
>> Festival Huế 2010: Các lễ hội chính, các điểm diễn
>> Giá vé, các địa điểm bán vé Festival Huế 2010
>> Festival Huế sẽ có lễ hội bia Carlsberg

1. Lễ Khai mạc diễn ra vào 20h00 ngày 05/6/2010; địa điểm: Quảng Trường Ngọ Môn.
Khai mạc là đêm hội được kết cấu gồm 2 phần liên kết xuyên suốt thể hiện âm hưởng chủ đạo là sự tôn vinh các giá trị truyền thống và sự giao lưu tỏa sáng của các di sản văn hóa đại diện cho 5 châu lục.
Chương trình mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, diễn ra hoành tráng, kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu và nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ pháo hoa quốc tế Pierre Alain Hubert.

2. Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa Nguyễn” diễn ra vào 20h00 ngày 07/6/2010; địa điểm: Sông Hương, trước Đình làng Kim Long, Phường Kim Long.
Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa NguyễnMô hình thuyền chiến trong lễ hội tái hiện thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn
sẽ diễn ra trong Festival Huế 2010

Lễ hội gồm có 3 phần. Phần lễ được tái hiện trong khoảng thời gian 15 phút; phần hội diễn ra trên bờ trong khoảng 30 phút, bao gồm các nghi thức trên bờ, thao diễn trên bờ và tập trận thủy chiến trên bờ; phần hội diễn ra dưới nước trong khoảng 35 phút.
Đặc biệt nhất, phần thao diễn dưới nước là phần tái hiện chính của của cuộc thao diễn với các loại thuyền chiến diễu hành, phô diễn kỹ năng trận mạc trên sông nước dưới sự chứng kiến và ngự lãm của Chúa Nguyễn cùng các bậc văn võ bá quan.
Việc tái hiện cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn là một hoạt động kỷ niệm sự kiện 375 năm chúa Nguyễn Phúc Lan quyết định xây dựng kinh đô xứ Đàng Trong ở bên bờ sông Hương (1635-2010).
Theo sử sách, dưới thời các chúa Nguyễn, thủy binh là một lực lượng rất hùng hậu và đã từng lập nhiều chiến công hiển hách. Đoạn sông Hương ở phía trước thủ phủ Kim Long từng là nơi chúa Nguyễn tổ chức thao duyệt thủy binh nhiều lần. Lễ hội này sẽ huy động các đội đua ghe thuộc các làng xã trên địa bàn Thừa Thiên Huế và lực lượng khoảng 900 người tham gia.

3. Lễ hội Áo dài diễn ra vào 20h00 ngày 8/6/2010; địa điểm: Sân Hàm Nghi (cửa Thượng Tứ).

Lễ hội Áo dàiLễ hội Áo dài được đánh giá là một trong những Lễ hội để lại nhiều ấn tượng nhất
tại Festival Huế 2008

Vẻ đẹp thanh cao của Sen và Áo dài đã đem đến niềm cảm xúc vô tận cho mọi người.
Một ngàn năm trôi qua vẻ đẹp ấy như không thể phai nhạt, mỗi ngày qua đi sen lại thêm tươi thắm,áo dài trở nên cao quý hơn. Lần này Lễ hộ Áo Dài như một thông điệp gửi đến mọi người về một hành tinh xanh…những chất liệu thân thiện với môi trường của Vân Anh và Vikotex sẽ làm cho đêm lễ hội trở nên huyền ảo vì những sắc màu và vì một hành tinh trong xanh vô tận. Với sự tham gia của các nhà thiết kế Quang Tân, Minh Minh, Sĩ Hoàng, Viết Bảo, Thương Huyền, Đức Hải, Việt Liên, Minh Hoa, Việt Hà, Anh Vũ, Bảo Ngọc, Quang Huy, Thu Giang, Thanh Danh, Xuân Hảo, Minh Hạnh. Chương trình được sự bảo trợ và phối hợp của trường Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý Thể Thao và Du Lịch trong Dự án “Đẩy mạnh vai trò của cộng đồng trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường tại Festival Huế”.

4. Lễ tế Nam Giao diễn ra vào 9/6/2010; địa điểm: Đàn Nam Giao.
Lễ tế Nam Giao Đàn Nam Giao

Lễ Tế Giao là một lễ hội truyền thống của triều Nguyễn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu mong quốc thái dân an, cầu mong mưa thuận gió hoà...
Kế thừa những thành công trước đây, trong Festival Huế 2010, lễ Tế Giao sẽ được phục dựng bài bản hơn, nhất là những trình thức tế lễ có tính điển chế của các triều đại quân chủ ngày xưa.

5. Lễ hội sân khấu hoá “Hành trình mở cõi” diễn ra vào 20h00 ngày 10/6/2010; địa điểm: Kỳ Đài Phu Văn Lâu.
Đêm hội Hành trình mở cõi vào tối 10 tháng 6 tại Kỳ Đài -Hộ Thành hào (Kinh Thành Huế) được dàn dựng công phu và quy mô trên cơ sở diễn tiến của công cuộc Nam tiến của dân tộc ta, khởi nguồn từ thế kỷ X và kết thúc khải hoàn vào năm 1945, mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc bằng thời đại Hồ Chí Minh.
Đêm hội tập trung khai thác diễn trình mở cõi của các chúa Nguyễn trong mối liên hệ với truyền thống của dân tộc và tình cảm của cả nước đối với đất Thăng Long với hàng ngàn năm lịch sử, khẳng định về chủ quyền, khẳng định nền độc lập của Việt Nam, khẳng định sự thống nhất đất nước với sự toàn vẹn về lãnh thổ, khẳng định một thời đại Hồ Chí Minh với những bản sắc văn hóa tạo nên nội lực để hội nhập và phát triển, khẳng định vị thế và vai trò của Thừa Thiên Huế trong tiến trình lịch sử của dân tộc với những giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của phức hệ di sản với một vùng văn hóa và tình cảm, tâm hồn của con người xứ Huế. Với ngôn ngữ nghệ thuật giàu chất ước lệ sử thi, trong một không gian gợi cảm đầy chất nghệ thuật từ các yếu tố kiến trúc thành - trì, môn - kiều, tạo dựng một không gian lung linh huyền ảo về đêm từ các hiệu ứng ánh sáng; tạo dựng khung cảnh ước lệ về những khúc đoạn hùng tráng của lịch sử; tổ chức xen kẻ các lớp trình diễn nghệ thuật quanh chủ đề: Hành trình mở cõi.

6. Chương trình “Huyền thoại Sông Hương” diễn ra vào 17h00 ngày 6/6 & 12/6/2010; địa điểm: Sông Hương.
Huyền thoại Sông HươngChương trình “Huyền thoại Sông Hương” tại Festival Huế 2008

Huyền thoại sông Hương là chương trình sân khấu hóa được dàn dựng công phu dựa trên yếu tố lịch sử, huyền thoại và vẻ đẹp của dòng sông Hương thơ mộng trữ tình,
nhằm khẳng định giá trị văn hoá lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của một dòng sông gắn liền với một vùng văn hoá và tình cảm, tâm hồn của con người xứ Huế; khẳng định những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cố đô Huế.
Chương trình được kết cấu với 09 điểm nhấn tại điện Hòn Chén; Nhà máy nước Vạn Niên; Bãi bồi; cầu Xước Dũ; Văn Miếu; đình Kim Long; chùa Thiên Mụ; cầu Bạch Hổ bằng nghệ thuật ánh sáng và nghệ thuật diễn xướng. Điểm nhấn cuối cùng sẽ kết thúc tại Nghinh Lương đình với sự quảng diễn 8 tiết mục nghệ thuật quy mô gắn với huyền thoại của dòng sông.
Chương trình Huyền thoại sông Hương được dàn dựng dựa trên cơ sở một hoạ đồ về cảnh thuyền vua du sông của triều Nguyễn, gồm 1 chiếc thuyền cung đình và 20 chiếc thuyền rồng.

7. Chương trình “Đêm Phương Đông” diễn ra vào các buổi tối 5, 7, 8, 10, 11 và 12/6/2010; địa điểm: Đại Nội.
Sau lễ khai mạc, chương trình “Đêm Phương Đông” tại Điện Thái Hoà - Đại Nội Huế sẽ bắt đầu với vẻ đẹp lộng lẫy và sắc thái độc đáo của trang phục các dân tộc Châu Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam.

8. Chương trình Vẻ đẹp Việt II "Hơi thở của nước"diễn ra vào các tối 6, 9 và 11/6/2010; địa điểm: Hồ Tịnh Tâm.
Chương trình Vẻ đẹp ViệtSân khấu của "Hơi thở của nước" được dựng trên 3D

Ba loại hình nghệ thuật, gồm: nhã nhạc Huế, ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: chèo, ngâm thơ cổ, dân ca… sẽ cùng hội tụ trong chương trình nghệ thuật mang tên “Hơi thở của nước”.
“Hơi thở của nước” dựa trên cốt truyện chính là tình yêu của đôi trai tài, gái sắc. Cô gái Kinh Bắc duyên dáng, xinh đẹp được tuyển vào làm cung nữ trong cung vua, trên thuyền tới kinh thành trong tâm trạng cô đơn, cô gái đã nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp bên người mình yêu dấu; mặt hồ Tịnh Tâm chính là chiếc gương soi ký ức của cô gái…Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh di sản, nó còn tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam, trong không gian lung linh huyền ảo của hồ Tịnh Tâm.

9. Chương trình “Đêm Hoàng cung” diễn ra vào tối 05/6 (không có dạ nhạc tiệc) và các tối 08/6, 11/6 (có dạ nhạc tiệc); địa điểm: Đại Nội
Đêm Hoàng Cung là một chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội. Tái hiện những vẻ đẹp lung linh của Đại Nội về đêm với quan binh, voi ngựa, thái giám, thị nữ và những chân dung xưa gắn với các công trình kiến trúc, các sinh hoạt văn hóa trong các cung điện Huế xưa.
Trình diễn các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế như: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế, thơ cung đình và thơ Huế cùng một số loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Huế. Giới thiệu nghệ thuật ẩm thực cung đình đa dạng của Huế trong các chương trình: Dạ nhạc tiệc, Uống trà thưởng thức các chè Huế. Tổ chức các trò chơi cung đình và dân gian ở Huế xưa như Thả thơ, Đố thơ, Đầu hồ, Xăm hường, Bài vụ...Tất cả sinh hoạt sẽ được phối hợp thật ấn tượng thông qua kỹ xảo ánh sáng kết hợp với khói và lửa của những ngọn đuốc, nến, phương thức thắp sáng truyền thống cùng với các không gian trưng bày triển lãm và nghệ thuật sắp đặt.

10. Lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào 13/6/2010; địa điểm: Bãi bồi Cầu Gia Hội.

Read more...

Festival Huế sẽ có lễ hội bia Carlsberg

Dulichbui's Blog - Chỉ còn 9 ngày nữa Festival Huế 2010 sẽ được diễn ra, Theo ông Ngô Hòa Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2010 cho biết, đã có 27 quốc gia, với hơn 40 đoàn nghệ thuật đăng ký tham dự Festival Huế 2010. Festival Huế 2010 hứa hẹn nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng.
>> Thông tin về chương trình Festival Huế 2010
>> Festival Huế 2010: Các lễ hội chính, các điểm diễn
>> Giá vé, các địa điểm bán vé Festival Huế 2010

Theo thông tin từ Ban Tổ Chức, trong chương trình của Festival lần này, lần đầu tiên sẽ có Lễ hội bia được tổ chức trong các ngày từ 4-6/6/2010 tại công viên Thương Bạc do Tập đoàn Carlsberg tài trợ với tổng kinh phí 150.000 USD. Đây là một trong những nội dung vừa được thỏa thuận giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và Chủ tịch Hội đồng quản trị Carlsberg tại Đông Nam Á, ông Henrik Andersen.

Download các tài liệu liên quan đến Festival Huế 2010

Read more...

Giá vé, các địa điểm bán vé Festival Huế 2010

Dulichbui's Blog - Để phục vụ kịp thời nhu cầu mua vé xem các chương trình nghệ thuật của Festival Huế 2010 diễn ra từ ngày 05 - 13/6/2010, Ban tổ chức Festival Huế 2010 đã công bố giá vé xem các chương trình nghệ thuật, danh sách các đơn vị làm đại lý bán vé xem biểu diễn cho Ban tổ chức Festival Huế 2010, cụ thể có:

>> Festival Huế 2010: Các lễ hội chính, các điểm diễn
>> Thông tin về chương trình Festival Huế 2010

Chú ý: Du khách nên mua vé xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các địa điểm mà BTC đã công bố, tránh mua vé qua trung gian... tránh trường hợp đáng tiếc "tiền mất, tật mang" (kinh nghiệm từ việc mua vé xem cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 vẫn còn đó).
Giá vé:
Các địa điểm bán vé:
1. Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đông Dương
Địa chỉ: Số 10 Hàng Mắm – Hoàn Kiếm – Hà Nội
Số điện thoại: 04. 3726 4128 Fax: 04. 3726 4129
Website: www.indochinatravelland.com; www.dulichchuyenghiep.com

2. Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang
Địa chỉ: 07 Lê Hồng Phong -Thành phố Huế - TT Huế
Điện thoại: 054.3949596; Fax: 054.3821426
E-mail: hgtravel@dng.vnn.vn


3. Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam tại Hà Nội-Chi nhánh tại Huế:
Địa chỉ: 14 Nguyễn Văn Cừ -Thành phố Huế - TT Huế
Điện thoại: 054.828 316; Fax: 054.3821090
E-mail: vntourismhue@dng.vnn.vn

4. Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist
Địa chỉ: 49 Lê Thánh Tôn- Q.1-Thành phố Sài Gòn
Điện thoại: 08.3829 8914; Fax: 08.3822 4987 E-mail: sgtvn@hcmc.netnam.vn
Chi nhánh tại Đà Nẵng:
Địa chỉ: 357 Phan Châu Trinh-Thành phố Đà Nẵng.
Điện thoại: 0511.3897229 : Fax: 0511.3897 230 E-mail: sgtdn@dng.vnn.vn

5. Công ty du lịch Miền Đất Á
Địa chỉ: 42 Nguyễn Tri Phương, Phường Phú Nhuận, Tp. Huế
Điện thoại: 054. 3840 888 – 3830 558; Fax: 054: 3938 999
Email: dir@asiatravelland.com

6. Công ty TNHH Thành Đô
Địa chỉ: 02 Hùng Vương -Thành phố Huế - TT Huế
Điện thoại: 054.3829829

7. Công ty Cổ phần Du lịch Xanh
Địa chỉ: 02 Lê Lợi-Thành phố Huế.
Điện thoại: 054.3822 323 ; Fax: 054.826923
E-mail: sales@huegreentravel.com

8. Công ty Khách sạn Du lịch Công đoàn Sông Hương
Địa chỉ: 79 Hùng Vương-Thành phố Huế - TT Huế.
Điện thoại: 054.3848608; Fax: 054.3825796
E-mail: songhuonghotelhue@gmail.com

9. Công ty Liên doanh Du lịch EXOTISSIMO – CECAIS
Địa chỉ: Saigon 4th Floor, Saigon Finance Center - 9 Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh, Vietnam
Điện thoại: 08.38251723 Fax: 08.38295800
E-mail: info@exotissimo.com

10. Công ty Cổ phần TMDV Thuận Phú
Địa chỉ: 07 Nguyễn Tri Phương -Thành phố Huế - TT Huế
Điện thoại: 054.3822553 Fax: 054.3822 470
E-mail: t_hoahtl@dng.vnn.vn

11. Công ty cổ phần Du lịch Huế
Địa chỉ: 05 Lý Thường Kiệt, Thành phố Huế.
Điện thoại: 054.3823 577 ; Fax: 054.3825814
E-mail: info@huetravel.com.vn

12. Công ty Tiếp thị và Du lịch Giao thông vận tải (VIETRAVEL)- Chi nhánh tại Huế
Địa chỉ: 79 Võ Thị Sáu, TP. Huế, Thừa Thiên Huế.
Điện thoại: 054.3831.432
E-mail: vietravelhue@vnn.vn

13. Chi nhánh Lữ hành quốc tế Duy Tân:
Địa chỉ:12 Hùng Vương, Thành phố Huế
Điện thoại: 054.3839888 Fax: 054.3935888
E-mail: luhanhduytan@vnn.vn
Website: www.duytanhotel.com.vn

14. Chi nhánh Công ty Du lịch Lữ hành Quốc tế Mai linh Huế
Địa chỉ :12 Hùng Vương, Thành phố Huế, Tỉnh TT Huế
Điện thoại: 054.3825252; Fax: 054.3830558
E-mail: dir.hue@dulichmailinh.com

15. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Địa chỉ: 23 Tống Duy Tân, Thành phố Huế.
Điện thoại: 054.3523759; Fax: 054.3523740

Read more...

Nghinh Lương Đình (Huế)

Dulichbui's Blog - Ở Huế có 2 di tích kiến trúc mang tên Nghinh Lương (Nghênh Lương), (nghĩa đen là hóng mát): một quán và và một đình. Nghinh Lương Quán nằm bên bờ hồ Trừng Minh ở lăng Minh Mạng. Nghinh Lương Đình nằm bên bờ Bắc sông Hương trước mặt Phu Văn Lâu.

Căn cứ vào một bức tranh do Nội Các triều Nguyễn vẽ vào năm 1844 dưới thời Thiệu Trị, chúng ta thấy bấy giờ ở địa điểm này chưa có ngôi nhà hóng mát nào cả, mà ở trước Phu Văn Lâu chỉ có một chiếc cầu để thuyền ngự cập bến, gọi là "Ngự kiều".

Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1852, vua Tự Đức mới cho xây dựng tại đây, ở mép bờ sông ngay trước mặt Phu Văn Lâu một ngôi nhà gọi là "Lương Tạ", nửa trên bộ, nửa trên mặt nước, để nhà vua thỉnh thoảng ra hóng mát.

Năm 1903, dưới thời Thành Thái, triều đình cho nâng cấp kiến trúc nhà Lương Tạ. Nhưng có lẽ nó cũng đã bị cơn bão năm Thìn (1904) tàn phá nặng nề như Phu Văn Lâu và nhiều công trình kiến trúc khác ở Huế bấy giờ.

Đến năm 1918, vua Khải Định cho xây dựng lại tại đây một ngôi nhà và một bến thuyền nối liền nhau. Ngôi nhà vẫn mang chức năng cũ, nhưng được đặt một cái tên mới: Nghinh Lương Đình. Hiện nay, chúng ta có thể đọc được tên công trình và thời điểm xây dựng ở một bức hoành bằng gỗ sơn son thếp vàng còn treo tại chỗ, mặt hướng ra phía sông Hương (Nghinh Lương Đình; Khải Định tam niên nhị nguyệt cát nhật kiến tạo).

Nằm ở sát bờ sông, ngôi nhà này thường xuyên bị ngập lụt. Bộ sườn nhà lại làm bằng gỗ, nên công trình dễ bị xuống cấp. Nghinh Lương Đình đã được trùng tu khá nhiều lần, gần đây nhất là năm 1994,
Nghinh Lương Đình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc và trang trí. Ngôi nhà được xây trên một nền vuông mỗi bề 17,80m, cao 0,85m. Quanh nền có lan can bao bọc, có trổ hai hệ thống bậc thềm khá rộng ở mặt trước và mặt sau, đắp hình rồng làm thành bậc. Mặt bằng của ngôi nhà hình chữ nhật: chiều Bắc Nam 15,70m, chiều Đông Tây 10,40m, gồm nhà chính ở giữa và hai nhà vỏ cua ở trước và sau, nối với nhà chính bằng hai máng xối.

Nhà chính là một "phương đình" làm theo dạng cổ lầu với hai tầng mái; có 16 cột gỗ, gồm 4 cột giữa chống đỡ tầng mái thượng và 12 cột quân chống đỡ tầng mái hạ. Các hàng cột quân được gia cường bằng tường chịu lực xây bằng gạch dày 0,30m. Bốn mặt của gian giữa đều để trống. Tường vách hai gian bên được trổ cửa vòm hoặc cửa sổ hình tròn trang trí chữ "thọ". Chân tảng 4 cột giữa làm bằng đá thanh. Các cột quân kê trên chân tảng đúc bằng xi măng. Nền nhà lát gạch hoa (20x20cm). Mái lợp ngói ống hoàng lưu ly. Trên bờ nóc đắp hình "hồi long" chầu vào mặt nhật. Các bờ quyết trang trí hình con giao.

Hai nhà vỏ cua có kích thước gần bằng nhau (10x2,70m). Khung gỗ được kết cấu theo dạng vì kèo chồng rường giả thủ. Mái lợp ngói liệt. Bờ mái cũng chắp hình hồi long chầu mặt nhật, nhưng ở cuối các bờ quyết thì trang trí hình chim phụng. Về mặt mỹ thuật của Nghinh Lương Đình, đáng chú ý nhất là một số hình ảnh trang trí ở nội thất hai nhà vỏ cua. Trên mặt gỗ của các vì kèo, người ta chạm nổi những hình ảnh mang đường nét kỹ hà. Các liên ba được chia ra thành ô hộc và chạm nổi đề tài bát bửu: tù và, quạt vả, phất trần, cái khánh, lẵng hoa, bầu rượu...Đặc biệt hơn hết là các xà dọc ở hai gian bên của mỗi nhà vỏ cua đều được hình tượng hóa thành những con rồng trong tư thế "lưỡng long triều nguyệt". Phần thân rồng để trơn, nhưng đầu và đuôi rồng thì được chạm nổi, chạm lộng và chạm kênh bong một cách tinh xảo và sinh động.

Nhìn chung, Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc mở: nội thất trống trải, bốn bề thoáng đãng. Sân hai bên trái phải nối kết với các hoa viên chạy dọc ở bờ bắc sông Hương. Sân rộng sau lưng có thể xem là không gian chung của Phu Văn Lâu và Nghinh Lương Đình. Phía trước là mặt nước sông Hương trải rộng, mở tầm nhìn đến vùng núi đồi xanh thẳm ở tận chân trời Tây Nam xứ Huế.

Cũng như Thương Bạc Đình và Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc xinh xắn và khiêm tốn trước cảnh sơn kỳ thủy tú. Cả ba công trình kiến trúc này được xem là ba viên ngọc quí bên bờ sông Hương, lấp lánh trên dòng sông thơ mộng.
Read more...

Xích lô ở Huế - một chút lãng du

Dulichbui's Blog - "Chị ơi, đêm nay bên hoàng thành có hội. Chị có muốn đi dạo bằng xích lô không?" Cảm thấy hấp dẫn ngay từ lời mời gọi đầu tiên của anh lái, song tôi đành từ chối vì hôm ấy có việc phải về nhà gấp. Kể ra thì một chuyến dạo chơi đêm trên chiếc xích lô thanh nhã, tản mạn mấy câu chuyện kinh thành và thưởng thức vài món ăn khuya cũng là cái thú khó quên. Bù lại, ngay đêm hôm sau, tôi và một cô bạn Sài Gòn đã tranh thủ làm cuốc xích lô "mini" để ngắm thành phố đêm, dẫu hơi tiếc vì đã qua đêm hội.

Không ít người khi đến Huế đã hỏi: "Sao xích lô ở Huế lại nhiều đến thế?" Quả thực, xích lô hiện diện ở hầu hết mọi nẻo đường, đặc biệt là các đường phố ven sông Hương và những khu khách sạn trong nội thành - nơi tập trung nhiều du khách.

Xích lô vốn là dấu ấn của một thời nghèo khổ, được dùng làm phương tiện chuyên chở chính cho những người không có xe riêng, kiểu như xe ôm bây giờ. Chất lượng sống tăng lên và đô thị ngày càng nhộn nhịp, những tưởng chiếc xích lô sẽ biến mất dần theo năm tháng, nhưng không, xích lô vẫn tồn tại như một kỷ niệm của lịch sử, không những thế, còn trở thành một thú vui tao nhã của những người khách đến cố đô.

Ở Huế, khu vực nội thành không lớn lắm, chia thành hai bờ Nam Sông Hương và Bắc Sông Hương. Bờ Nam là khu hành chính, trường học, khách sạn..., bờ Bắc là khu thương mại, hoàng thành. Thời điểm thích hợp nhất để dạo mát bằng xích lô là buổi tối hoặc chiều khi trời đã tắt nắng - thưởng thức làn gió mát từ sông thổi lên và ngắm thành phố về đêm hoặc lúc hoàng hôn.

Xích lô chạy từ từ như xe đạp, băng qua những con đường rợp bóng cây xanh, qua dòng sông xanh êm đềm chảy giữa lòng thành phố, khiến tâm hồn lâng lâng một khúc lãng du. Khi đêm về, ánh đèn rọi qua vòm lá tạo thành những đốm sáng trắng lay động trên khắp nẻo đường. Đi dạo bằng xích lô có cái tiện là có thể chủ động dừng lại để chụp ảnh nơi mình thích hoặc tạt vào quán chè, quán nước nhâm nhi chút gì đó mà vẫn được chờ.

Do thường xuyên phục vụ khách du lịch nên những người lái xích lô hiểu biết khá nhiều, bản tính người dân Huế lại hiền hòa nên họ thường để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Họ có thể kể những câu chuyện xưa và nay, giới thiệu các điểm ăn chơi trong thành phố, cả những nơi để khách mua quà, mua đặc sản vừa rẻ vừa ngon. Trong giới xích lô không ít người thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp; có những người đọc thơ và nói điển tích rất "mùi". Những chiếc xích lô gọn gàng và sạch sẽ, không quá cồng kềnh mà cũng không quá chật để khách có thể thư thái ngắm cảnh phố phường. Giá đi dạo mỗi bờ là 50.000 đồng, thường mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu đi cả hai bờ Nam Bắc thì giá gấp đôi.

Chiếc xích lô chở chúng tôi hòa lẫn trong dòng xích lô trôi êm qua các nẻo đường, lướt dưới những vòm cây lung linh đốm sáng. Lời kể chuyện của anh lái đằng sau những vòng xe với những giọt mồ hôi thầm lặng khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài "Giọt nước Hương Giang" của thi sĩ Nguyên Văn Phương (còn gọi là Phương xích lô) - cũng là một anh lái xích lô Huế đã từng xuất bản 2 tập thơ "Chở gió" và "Xích lô hành" - về cái nghiệp mưu sinh của họ:

Hạt muối hòa tan trong ly nước
Tôi cũng hòa tan giữa cuộc đời
Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười
Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền không bạc vẫn cười vang
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang.

Bài viết của tác giả Athena
Read more...

Thông tin về chương trình Festival Huế 2010

Dulichbui's Blog - FESTIVAL HUẾ 2010: ''Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển'' - Nơi gặp gỡ các thành phố Cố đô - Điểm hẹn các di sản văn hoá thế giới

Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999, Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế tiếp tục được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.


Qua các kỳ, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định. Năm 2000, Festival Huế có trên 30 đơn vị nghệ thuật Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế. Năm 2002 có 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ 8 quốc gia và các đoàn trong nước, gồm 1554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế. Năm 2004 có 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ 7 quốc gia; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên và đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ nhiều lực lượng tham gia phục vụ, Festival đã thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Năm 2006 quy tụ 1.440 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước (1171 diễn viên) và 22 đoàn nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên) đến từ 10 quốc gia, thu hút 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20.557 lượt khách quốc tế. Năm 2008 với sự góp mặt hơn 1500 nghệ sĩ của 37 đơn vị nghệ thuật trong nước và 457 nghệ sĩ của 31 đoàn nghệ thuật quốc tế đã mang đến cho công chúng 133 suất diễn, gần 90 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thu hút 180.000 lượt khách du lịch, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 là hoạt động trong chương trình quốc gia hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 50 năm kết nghĩa Hà Nội-Huế-Sài Gòn, sẽ khai mạc vào thứ 7 ngày 5-6-2010 và bế mạc chủ nhật 13-6-2010. Điểm mới là Festival Huế 2010 sẽ có mặt đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ đầy ấn tượng của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới. Đã có 31 quốc gia đăng ký tham gia với tổng số hơn 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật, bao gồm: Pháp - đối tác chính, Achentina, Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Cu Ba, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mêhicô, Nauy, Nga, Nhật Bản, Ôx-tra-li-a, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, CH Trung Phi, Trung Quốc, Ucraina, Xcôt-len, Xê-nê-gan. Đến nay đã khẳng định cụ thể 31 chương trình từ 21 quốc gia với nhiều thể loại phong phú và hấp dẫn gồm: Ca Múa Nhạc, Xiếc, Sân Khấu, Nghệ thuật đường phố, Nghệ thuật sắp đặt, Rối, Điện ảnh, Triển lãm.... Các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ có những chương trình biểu diễn tại các sân khấu ngoài phạm vi thành phố. Các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.

Các đoàn nghệ thuật trong nước sẽ bao gồm sự có mặt của các đơn vị nghệ thuật Trung ương, các nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, Đoàn Ca Múa An Giang, Đắc Lắc, Phú Yên, Đà Nẵng, Nhà Hát Ca Kịch Huế, Nhà Hát Nghệ Thuật Cung Đình Huế, các nhóm nghệ thuật từ ba địa phương kết nghĩa: Huế - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, nhóm các tỉnh, thành phố có di sản văn hóa phi vật thể thế giới, các thành phố có vốn nghệ thuật truyền thống độc đáo, và các lực lượng nghệ thuật chuyên và không chuyên của Thừa Thiên Huế.

Festival Huế 2010 tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival Huế trước đây, đặc biệt sẽ mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn thị tứ, các khu đô thị mới của TT Huế và khai thác thêm không gian của các công trình văn hóa, thể thao mới được hình thành và đưa vào sử dụng.

Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với khoảng 05 sân khấu ngoài trời và một số các địa điểm trong nhà. Khu vực này quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; mở rộng không gian diễn xướng chính thức ở các khu vực: Hồ Tịnh Tâm, Cung An Định, quảng trường Ngọ môn, Khu vực bờ nam sông Hương, các khu vực ngoại thành.

Một số vị trí phù hợp ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thuỷ, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền... sẽ được bố trí một số chương trình nghệ thuật của các đoàn trong và ngoài nước biểu diễn. Hình thành các địa điểm vệ tinh của Festival Huế 2010 bao gồm: Công viên Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Thương Bạc, Công viên 3-2, đường Nguyễn Đình Chiểu, Khu du lịch Thuận An, Lăng Cô, Cầu ngói Thanh Toàn, Làng cổ Phước Tích, Khu tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung, Khu văn hoá Huyền Trân...

Nhiều chương trình lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra liên tục trong 09 ngày đêm:

Chương trình lễ hội khai mạc, Lễ bế mạc, Lễ hội Áo dài, chương trình “Đêm Phương Đông”, chương trình Vẻ đẹp Việt II với tên gọi “Đồng Vọng Sông Ngân”.

Đối với các lễ hội cung đình đã được phục dựng trong các kỳ Festival trước sẽ tiếp tục được tổ chức trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng nghệ thuật: Lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung, Huyền thoại Sông Hương. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, sẽ có các lễ hội mới:

- Sân khấu hóa “Hành trình mở cõi”,

- Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời Nguyễn”

Bên cạnh đó, còn các chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, có chủ đề, chủ điểm tập trung theo định hướng của Ban tổ chức Festival Huế 2010, nhằm tạo không khí sôi động, làm vệ tinh cho các hoạt động của Festival Huế 2010: Chương trình Festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa Hạ”, Festival Thơ Huế... Các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật có tính cộng đồng. Các cuộc triển lãm: Triển lãm mỹ thuật các tác giả nữ, Triển lãm Mỹ thuật thời Lý của Viện Nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật – nhiếp ảnh của Hội VHNT Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa: “Từ Cố đô đến Cố đô”, Triển lãm tranh sơn mài “Tự sự Cố đô”, Trưng bày Sắc phong và sách cổ. Các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật âm nhạc mỹ thuật đường phố với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách trong, ngoài nước diễn ra cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt quảng diễn mỹ thuật “Từ Cố đô Thăng Long đến Cố đô Huế” với bức tranh trên lòng cầu Trường Tiền của hàng trăm Họa sĩ và SV Mỹ thuật Huế, và chương trình Nghệ thuật sắp đặt “Vì một hành tinh xanh” với sự tham gia của các nghệ sĩ ba miền …

Logo Festival Huế 2010 được thiết kế là sự tiếp nối của logo Festival Huế 2000, 2002, 2004, 2006, 2008 và đã trở thành một biểu tượng chung duy nhất cho các kỳ Festival Huế sau này.
Mẫu logo gồm 2 phần:
Phần chữ Festival Huế và năm tổ chức là tác phẩm được tuyển chọn của họa sĩ Pháp De L’Estraint vào năm 1999, khi chuẩn bị tổ chức Festival Huế 2000.
Ý tưởng cơ bản của biểu tượng là sử dụng màu cờ nền đỏ sao vàng của quốc kỳ Việt Nam làm nền, đi liền với màu cờ là hình Ngọ Môn ở Ðại Nội Huế được cách điệu và dòng chữ Festival Huế 2000 được bố trí theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Pháp và tiếng Việt.
Dưới nền logo chính của De L’Estraint, ban tổ chức Festival Huế đưa thêm hình ảnh của linh vật Long Mã.
Long Mã - ngựa hóa rồng - là linh vật đặc trưng thường được trang trí trên một số kiến trúc Huế. Biểu tượng Long Mã được cách điệu từ hình tượng Long Mã tại bình phong trường Quốc Học, di tích lưu niệm thời Bác Hồ theo học tại trường Quốc Học Huế.

Các cuộc hội thảo khoa học, Festival “Khoa học với đời sống cộng đồng” do trường Đại học Y Dược Huế phối hợp với Đại sứ quán Italia và trường Đại Học Sassari tổ chức lần đầu tiên như một festival khoa học trong lòng Festival Huế. Các hoạt động thể dục thể thao, Giải quần vợt đồng đội toàn quốc, lễ hội Diều, Hội vật võ dân tộc, biểu diễn cờ người, Đua trải, chương trình “Đám cưới truyền thống Huế” gắn với các hoạt động ẩm thực phục vụ du khách, ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế” sẽ là những hoạt động thu hút khách du lịch và công chúng tham dự trong 9 ngày diễn ra Festival.

Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai.

Trước khi Festival diễn ra chính thức, ngay từ đầu năm 2010, cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội chào mừng các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc, nhiều lễ hội tiền Festival được tổ chức: Lễ đăng quang của hoàng đế Quang Trung và khánh thành khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung (09/01/2010), Lễ hội Đền Huyền Trân (9-1 âm lịch tức 22/02/2010), Lễ Tế Xã Tắc (tháng 2 âm lịch), Lễ hội Nắng gió Tam Giang ở vùng đầm phá Tam Giang Quảng Điền ( 30/4-1/5/2010), đặc biệt Lễ Phật Đản (rằm tháng tư âm lịch, tức 28/5/2010) diễn ra trước Festival hơn 1 tuần lễ sẽ được kết nối làm cho không khí lễ hội sẽ được liên tục và đa dạng màu sắc.

Festival Huế 2010 hứa hẹn một mùa lễ hội ở cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Các lễ hội chính
1. Lễ Khai mạc diễn ra vào tối 05/6/2010.
2. Tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh thời chúa Nguyễn” diễn ra vào tối 07/6/2010.
3. Lễ hội Áo dài diễn ra vào tối 8/6/2010.
4. Lễ tế Giao diễn ra vào tối 9/6/2010.
5. Lễ hội sân khấu hoá “Hành trình mở cõi” diễn ra vào tối 10/6/2010.
6. Chương trình “Huyền thoại Sông Hương” diễn ra vào tối 6/6 & 12/6/2010
7. Chương trình “Đêm Phương Đông” diễn ra vào các buổi tối 6, 7, 9, 10, 11 và 12/6/2010
8. Chương trình “Vẻ đẹp Việt II” diễn ra vào các tối 6, 9 và 11/6/2010.
9. Chương trình “Đêm Hoàng cung” diễn ra vào tối 05/6 (không có dạ nhạc tiệc) và các tối 08/6, 11/6 (có dạ nhạc tiệc).
10. Lễ Bế mạc sẽ diễn ra vào tối 13/6/2010.

Thông tin về Festival Huế 2010 luôn được cập nhật tại http://www.huefestival.com
Theo Ban Tổ Chức
Read more...

Duyệt Thị Đường: Nhà hát cổ nhất Việt Nam

Dulichbui's Blog - Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Chính vì vậy, du khách đến Huế ngoài thăm thú đền đài lăng tẩm di sản văn hóa thế giới, ai cũng háo hức được một lần thưởng thức nhã nhạc, một nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam trong khung cảnh cung đình Huế xưa. Đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy, nhà hát Duyệt Thị Đường sau một thời gian dài trùng tu tôn tạo đã mở của đón khách.

Duyệt Thị Đường là một trong bốn nhà hát được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn(1802-1945) ở Huế. Gồm: Duyệt Thị Đường xây dựng năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng, đây là nhà hát đầu tiên của nhà Nguyễn. Tiếp sau đó là nhà hát Tịnh Quan Viên xây dựng năm 1843 dưới thời vua Thiệu Trị, tiếp nữa là nhà hát Minh Khiêm Dường xây dựng năm 1865 dưới thời vua Tự Đức và cuối cùng là nhà hát Cữu Tư Đài xây dựng năm 1917, thời vua Khải Định. Như vậy nhà hát Duyệt Thị Đường trong Hoàng Thành Huế đã có gần 200 năm tuổi, được coi là nhà hát cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay của nước ta. Duyệt Thị Đường không chỉ là nơi để tấu nhạc cung đình, mà còn là nơi để trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác như, tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua. Mặc dù sau này còn có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng, nhưng Duyệt Thị Đường vẫn được các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ tôn tạo nhiều lần làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật đặc sắc của đất nước, nơi biểu diễn chiêu đãi sứ thần các nước mỗi khi đến Việt Nam. Nhà hát có chiều cao 12m, gồm hai tầng, nội thất được làm bằng gỗ lim. Sân khấu là phần sàn nhà nằm giữa bốn gian, khi diễn thì trải chiếu hoa lên. Trần nhà hát được trang trí hình ảnh các vì tinh tú, những đám mây ngũ sắc, vầng trăng khuyết, nền trời xanh rất đẹp, tạo cho người diễn cũng như người xem có cảm giác như đang ở sân khấu ngoài trời. Hai bên tả hữu khán đài có dãy trường kỷ dành cho vua và các vị quốc khách, quan lại cao quý của triều đình. Trên lầu hai là nơi dành cho những người trong hoàng tộc. Sân khấu có ba mặt, phía sau là hậu trường có hai phòng dành riêng đào kép chuẩn bị việc hoá trang, thay trang phục trước khi ra sân khấu biểu diễn. Không chỉ là sân khấu trình diễn, Duyệt Thị Đường còn là một công trình kiến trúc độc đáo thể hiện trình độ nghệ thuật cao của kiến trúc xây dựng thời nhà Nguyễn. Chính nhờ thế mà trải qua nhiều biến thiên của lịch sử cũng như sự khắc nghiệt của khí hậu thời tiết miền Trung... Duyệt Thị Đường vẫn trụ lại được với thời gian.
Nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc), Phú lục địch, Kim tiền (Tiểu nhạc), Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá , Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi... các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương ,.. ,.. Nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem, trong đó có vở "Người khởi nghiệp đàng trong" được công chúng đánh giá cao.

Sau khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ 1945, Duyệt Thị Đường bị rơi vào quên lãng, cho đến những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX, Duyệt Thị Đường được chính quyền Sài Gòn trưng dụng tu sửa thành học đường của Trường quốc gia âm nhạc Huế. Nhiều chi tiết công trình của nhà hát cổ phá bỏ, cấu trúc nhà hát cũng bị thay đổi, không còn chỗ cho ngự lãm và biễu diễn. Cho đến những năm dài sau giải phóng công trình văn hóa đặc sắc này cùng không được quan tâm tu tạo kịp thời, sự tàn phá của thời gian và chiến tranh cộng thêm sự vô ý thức của con người đã làm cho Duyệt Thị Đường hầu như trở thành phế tích. Cho đến năm 1995, được sự trợ giúp tích cực của tổ chức CODEV và chính phủ Pháp, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1993, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mới đầu tư trùng tu với kinh phí ban đầu 10 tỷ đồng và đến cuối tháng 11/2003 công trình mới cơ bản hoàn thành. Tuy không phục hồi được như nguyên trạng ban đầu, nhưng Duyệt Thị Đường đã hồi sinh lộng lẫy vàng son trở lại với mái ngói lưu ly, cột sơn son thiếp vàng, sân khấu, hậu trường, khán phòng mang dáng xưa nhà hát cũ. Hiện nay Duyệt Thị Đường là nơi trình diễn nhã nhạc, ca Huế thường xuyên của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế (trực thuộc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô). Bình quân mỗi ngày 4 suất diễn, mỗi tháng có hơn 2.500 lượt khách đến Duyệt Thị Đường để thưởng thức nghệ thuật truyền thống Huế, trong đó đa phần là du khách quốc tế. Đặc biệt trong các kỳ Festival Huế, Duyệt Thị Đường trở thành tâm điểm thu hút du khách quốc tế, các suất diễn luôn không còn chỗ trống. Có thể ngoài sự lôi cuốn hấp dẫn của văn hóa nhã nhạc, du khách đến đây còn bởi sự tò mò muốn biết nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện nay tồn tại và phát triển như thế nào? Có lẽ đây cũng chính là nét hấp dẫn đặc sắc của Duyệt Thị Đường đối với du khách trong và ngoài nước hiện nay.


● Giờ biễu diễn trong nhà hát Duyệt Thị Đường :
Sáng:
Xuất 1: 9h00 - 9h45
Xuất 2: 10h00 - 10h45
Chiều:
Xuất 1: 14h30 - 15h15
Xuất 2: 15h30 - 16h15
● Giá vé :
Từ 2- 20 khách xem trong 50- 60 phút giá 6.000.000 đồng
Từ 2- 50 khách xem trong 50 -60 phút giá 8.000.000 đồng


Ngô Minh Thuyên (Báo Du lịch)
Read more...

Mắm sò Lăng Cô

Dulichbui's Blog - Vùng Lăng Cô, huyện Phú Lộc, ngoài nổi tiếng là 1 trong 30 vịnh đẹp nhất của thế giới-có bãi biển cát mịn trải dài 12 km, cùng đầm An Cư rộng chừng 1800 ha thông ra biển, non nước hữu tình, điểm đến của du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bậc nhất của Việt Nam. Còn vang danh về phong vị ẩm thực với vô số hải sản đặc sắc như: tôm, cua, cá, mực, ốc và sò huyết. Nhưng ấn tượng hơn cả là món mắm sò, chỉ cần thưởng thức một lần thôi ai cũng sẽ nhớ mãi hương vị của mắm đặc trưng này.

Sò đầm An Cư ở Lăng Cô có quanh năm và chất lượng chẳng thua gì sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên). Vào chợ Lộc Hải, thôi thì ngày nào cũng có sò vun từng ụ tướng đại. Được biết, khi tiết trời vào hạ là mùa sò đổ về chợ nhiều nhất. Đây cũng là lúc nghề làm mắm sò của người dân nơi đây hoạt động rộn rã trong mỗi cảnh nhà.

Sò làm mắm thường là sò răng, sò nhọn, sò bi và sò lông. Để có mắm ngon, phải qua các công đoạn chế biến kể cũng lắm công phu và lành nghề của con dân miệt đầm An Cư. Sò bắt về đem rửa sạch vỏ, cho vào chiếc thau nhựa ngập nước rồi lấy mũi dao nhọn cạy miệng, chẻ vỏ. Chẻ vỏ sò phải khéo tay, thao tác phải nhanh nhẹn. Bởi muốn có mắm ngon, sò chẻ vỏ phải giữ nguyên cả ruột. Công đoạn này tất thảy từ người già đến trẻ quê đây không ai lại không thuần thục. Sò chẻ xong đem sàng rửa sạch cho hết nước đục, lại bỏ hết cát xong để cho ráo. Sau đó, lấy ớt trái đỏ đã xay nhuyễn, củ riềng xắt chỉ và muối hột, tất cả cho vào thau sò trộn đều. Và tuỳ theo lượng sò ruột, người làm mắm với cảm quan kinh nghiệm gia truyền có thể gia giảm thêm bớt muối, ớt, riềng để đảm bảo chất lượng mùi vị cho mắm. Tiếp theo cho mắm vào 2/3 chai thuỷ tinh có dung tích 0,65lít rồi đậy nắp thật kín không cho lọt gió để nuôi sò lên nước chừng 10 đến 15 ngày. Khi thấy nước sò đọng lại ở đáy chai cở 2 lóng tay, còn thịt sò thì nổi lên trên mặt, như vậy là mắm sò đã chín, có thể đem ra dùng được.

Cũng như mắm rò, mắm tôm, mắm sò cũng thích hợp với rau sống, càng nhiều vị rau như: xà lách, cải con, rau thơm, tầng ơ... và quả xắt mỏng gồm: chuối chát, vả, khế chua, dưa leo...kẹp cùng lát thịt heo ba chỉ luộc xắt mỏng chấm với mắm ăn càng ngon, tăng thêm khẩu vị. Chỉ nghe thôi đã thấy đây là món ăn lạ miệng “bắt” cơm.


Người sành điệu không cần nếm thử mà chỉ cần nhìn qua là đã biết mắm ngon hay dở, bởi coi chổ màu sắc của mắm. Mắm ngon nhất là loại mắm sò sặc với màu đỏ trắng, do làm từ sò răng, sò nhọn sống ở môi trường đất cát nên có vị ngọt, mùi thơm. Còn mắm sò bi có màu đỏ thẩm, được xem là mắm loại hai do được làm từ sò bi, sò lông sống ở môi trường đáy nước nhiều bùn, kém vị ngọt và mùi thơm. Theo đó, hiện một chai mắm sò sặc có giá từ 30-35.000 đ/chai. Mắm sò bi chỉ có giá 20.000đ/chai. Đến Lăng Cô, trong bửa cơm nhiều người chọn món mắm sò dù chỉ để ăn chơi cho biết, nhưng khi rời không ít người nhất định phải mua cho bằng được một vài chai mắm sò đem về, như là một món đặc sản vùng để khoe với người nhà vậy.

Cũng như tâm trạng nhà văn Đoàn Giỏi, sau những năm tháng xa cách quê hương Nam bộ thời gian tập kết ở miền Bắc, nhớ tha thiết các món mắm trứ danh đặc sản quê hương Nam bộ, đã ký thác qua tác phẩm “Đất rừng phương Nam”, thì những người dân Lăng Cô nói chung và thôn An Cư Đông I xa xứ nói riêng hễ nghe nhắc đến An Cư-Lăng Cô đã thấy dậy lên trong tiềm thức mùi thơm cực kỳ hấp dẫn của mắm sò. Cảm thấy đói bụng, đồng thời cũng hiện ra theo bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm khiến lòng rưng rưng xao xuyến, lởn vởn hiện ra chung quanh món ăn thuần phát đậm đà, mang đặc tính tiêu biểu của mùi vị quê hương xứ đầm An Cư-Lăng Cô này.


Võ Triết (Đài phát thanh truyền hình thừa thiên Huế)
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org