Tên gọi Lũng Cú có nhiều giả thiết: Long Cư (rồng ở, động rồng), Lũng Ngô (bởi cánh đồng Thèn Pả trồng nhiều ngô). Lại có giả thiết: Lũng Cú là tên người đứng đầu một dòng họ dân tộc Lô Lô, có công khẩn hoang, gìn giữ và phát triển vùng đất. Nhưng nhiều người cho rằng: Lũng Cú có lẽ bắt đầu từ chữ: Long Cổ (long: rồng; cổ: trống) nghĩa là trống rồng. Hiện nay, đồng bào Lô Lô ở Lũng Cú, Mèo Vạc đều sử dụng thành thạo trống đồng trong việc tang. Trống đồng của đồng bào Lô Lô có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn, như vậy Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hoá quý giá tiêu biểu rực rỡ của thời Hùng Vương. Theo sử sách vào thời Tây Sơn, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải hiểm trở này một chiếc trống lớn để làm phương tiện truyền tin. Vị trí đặt trống của nhà vua, địa điểm là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ.
Những năm trước đây, mỗi khi nhắc tới Lũng Cú, hình ảnh ấn tượng trong lòng du khách là đường giao thông xuyên qua những dãy núi cheo leo hiểm trở, mùa đông kéo dài trời lạnh buốt them chí có tuyết. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Ngày nay, dưới ánh sáng đường lối đổi mới, với những chính sách đầu tư kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng cao nói chung và bà con dân tộc ít người ở Lũng Cú nói riêng, Lũng Cú đã có nhiều đổi thay. Từ năm 2001, con đường từ Đồng Văn lên Lũng Cú đã được nâng cấp, trải nhựa, dòng điện quốc gia đã thắp sáng mảnh đất địa đầu Lũng Cú. Cột cờ Tổ quốc được dựng trên đỉnh núi Rồng, trông xa như một ngọn tháp, mang hình dáng cột cờ Hà Nội, cao gần 20m, chân bệ có sáu mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn, lá cờ Tổ quốc rộng 54m2 tung bay, kiêu hãnh giữa bầu trời biên cương, in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc.
Gần trưa, nắng đổ nghiêng trên sườn non, óng như mật ong bạc hà, nương ngô lá xanh sẫm, trổ cờ lay động, kéo một vệt dài từ đỉnh núi xuống tận bờ vực, gặp dòng Nho Quế đang ì ầm mạch nguồn về xuôi.
Đề nghị mọi người đứng bên cột mốc chụp ảnh làm kỉ niệm, xong xuôi tôi dạo bước quanh cột mốc, tìm một mỏm đá cao đứng ngắm nhìn núi non, làng bản, cố gắng lưu giữ lại trong tâm khảm, suy nghĩ, tình cảm của mình về hình ảnh địa đầu Tổ quốc. Gió thổi ào ào đưa chân chúng tôi xuống núi. Đường dốc, hoa dại nở tràn hai bên lối mòn, đất đai bạc màu do mưa gió rửa trôi. Tạt vào ngôi trường mầm non nghỉ chân, cũng là lúc các em vừa hết tiết học, tiếng nói cười ồn ã trên một khoảng sân trường bằng phẳng. Cô giáo trẻ Vừ Thị Mỷ - người con của bản Séo Lủng chừng 20 tuổi, gương mặt rạng rỡ tâm sự: sự nghiệp giáo dục vùng cao hiện giờ đã được đầu tư, trường lớp khang trang, tiện nghi đầy đủ. Trước kia, bàn viết cho học sinh là những tấm gỗ thải đóng thẳng xuống đất, hoặc mấy cây bương ghép lại làm ghế cho các em ngồi; mái lợp mục nát, mưa thì dột ướt, lạnh lẽo… Giờ đây, nhìn ngôi trường khá tươm tất với lũ trẻ cười đùa vô tư, tôi thật tình mừng cho Mỷ và sự nghiệp giáo dục miền núi đang có sự thay đổi to lớn.
Chương trình 134, 135 của chính phủ được thực hiện một cách tích cực đã làm cho bộ mặt Séo Lủng thay đổi hẳn. Hầu hết mái nhà dân đều lợp phi-brô xi măng, nhà nào cũng có bể nước ăn, còn có cả một bể chứa nước công cộng ở giữa bản lúc nào cũng đông người. Giống ngô mới năng suất cao treo đầy trên gác bếp và ngoài hiên nhà. Ngoài ra, đồng bào còn nuôi ong lấy mật… Những người dân ở dưới chân Lũng Cú còn biết kết hợp gieo trồng: tam giác mạch, đậu tương, đậu răng ngựa, rau quả các loại và các loại gia sức, gia cầm bò, dê, gà, lợn...
Ngang chiều, một thầy giáo trẻ trường Lũng Cú dùng xe máy đưa tôi đi Tả Giao Khâu, cách trụ sở xã 6km. Tả Giao Khâu là một trong 9 thôn bản của Lũng Cú, có 80 hộ đồng bào Mông sinh sống, cấy lúa trên ruộng bậc thang và trồng ngô ở hốc đá. Trưởng thôn Thò Sín Chơ - 39 tuổi khoe với chúng tôi: so với các thôn bản khác, tình hình khan kiếm nước ở đây cơ bản đã được giải quyết, toàn thôn không có hộ đói. Do biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi nên lúa, ngô đạt năng suất cao, đàn gia súc bò, ngựa, dê… ngày một đông hơn, tình hình an ninh biên giới được giữ vững. Có điện lưới quốc gia, đêm đêm nhà văn hóa thôn đã trở thành điểm hẹn của đồng bào, trẻ em thường đến xem chương trình của VTV phát trên chiếc tivi chung của thôn.
Đêm ở trên núi xuống rất nhanh. Dùng bữa ở nhà ăn Lũng Cú xong, tôi định bụng nghỉ sớm để mai còn đi Thiên Hương và leo lên đỉnh Độc Sơn. Bất ngờ phía Lô Lô Chải, tiếng trống đồng được tấu lên ngân nga, hòa cùng một số nhạc cụ khác: đàn Nhị, kèn Pí Lè, khèn Bè…, có cả giọng hát nam nữ trầm bổng cất lên. Tôi hỏi người quản lý nhà khách thì được biết là đội văn nghệ không chuyên của Lô Lô Chải đang tập, để đêm mai biểu diễn phục vụ đoàn khách đặc biệt từ miền Nam ra.
Trên đường về xuôi, tôi mang theo nỗi nhớ về một vùng quê của chè San, rượu mật ong và món thắng cố. Hình ảnh về một xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng và náo nhiệt buổi chợ phiên, tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông quyến rũ bạn tình, tiếng trống đồng âm vang bên bếp lửa pơ mu nồng đượm đêm dài sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của bất kỳ du khách nào đã đặt chân đến vùng đất này./.