Cá suối nướng "Pa pỉnh tộp"

Dulichbui's Blog - Từ ngàn xưa, người Thái đã định cư ở những thung lũng lớn, màu mỡ ven các con sông, con suối, nơi có những cánh đồng lúa phì nhiêu nổi tiếng như Mường Tấc, Mường Thành, Mường Lò... Hệ sinh thái thung lũng đã tạo nên định hướng sản xuất truyền thống của dân tộc Thái là trồng trọt lúa và đánh bắt, nuôi cá để kiếm kế sinh nhai.
Việc chế biến các món ăn hợp khẩu vị không những trở thành nhu cầu hàng ngày không thể thiếu được đối với đồng bào Thái, mà còn là một tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá con người, nhất là đối với thanh niên nam nữ mới đi làm dâu, làm rể. Cơm nếp thơm, ăn cùng với các món ăn được chế biến từ thịt, cá và các loại rau rừng là những món ăn ngon đặc sắc của người Thái thể hiện sự hoà quyện giữa thiên nhiên với lòng kiên trì, nhẫn nại, tính sáng tạo tuyệt vời của cư dân Thái. Về hình thức, các món ăn Thái nhìn chung không cầu kỳ kiểu cách nhưng khi đã được thưởng thức thì không dễ quên được, trong đó đặc biệt là món '' Pa Pỉnh Tộp" (tức là cá nướng úp) đậm đà bản sắc dân tộc.
Tục ngữ Thái có câu: '' Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú'' nghĩa là: '' Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho''. Người ta đánh giá món cá nướng này sang trọng không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi sự ước lượng chuẩn xác và bàn tay kehó lép của người làm ra nó. Từ xa xưa, cá và các loại thuỷ sản khác đã là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Thái. Khi đứa con mới đẻ người mẹ lấy đôi đũa mới gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, làm như vậy có nghĩa là bé sinh ra hưởng miếng cơm cá mà lớn khôn. Đối với đồng bào Thái, ''Cơm trắng, miếng cá bạc'' là biểu tượng cho sự no đủ, hạnh phúc.
Để làm được món '' Pa Pỉnh Tộp'', người ta chọn loại cá chép khoảng 0,5 kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo vảy để gia vị ướp ngấm đều vào cá, không mổ cá đằng bụng mà phải mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá. Dao mổ cá phải là dao sắc lẹm, khía thẳng, dứt khoát, không khía nhiều lần gây nát cá. Sau khi bỏ mật cá bắt đầu ướp nhồi gia vị.
Các món ăn Thái mang hương vị đặc trưng khó quên cũng là nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt như ớt, tỏi, gừng, sả, riềng, mắc khén và các loại rau thơm, trong đó đặc biệt là ớt và tỏi là hai thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Nói về các gia vị của người Thái để chế biến món cá Pỉnh Tộp cũng như các món đặc sản khác thì vô cùng đa dạng phong phú. Pa Pỉnh Tộp phải ướp bằng ớt bột khô thì khi nướng cá mới thơm ngon và ướp đậm muối hơn một chút so với cá đem rán. Sau khi tẩm ướp con cá, để khoảng 5-10 phút, người ta nhồi vào bụng cá những loại rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng (Hom mu chưn) và mầm măng của cây sa nhân. Gấp úp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que gắp nướng (Híp Pỉnh) phải bằng cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn. Sau đó phải nướng cá trên cây củi gỗ núi đá. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì cá không chín vàng đều và không thơm ngon. Người ngồi nướng cá cần phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa cá sẽ cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái có sáng kiến dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát.
Khách quý tới nhà, sau khi đôi lời chia vui, cảm ơn quý khách chủ nhà sẽ chia phần '' Pa Pỉnh Tộp'' cho khách và mọi người với ý niệm: đây là món ăn quý trọng, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên! Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt đầu sàn nhà mẹ, qủa Mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng - tất cả màu sắc của bức tranh thiên nhiên ấy đã đi vào bữa ăn cụ thể của đồng bào Thái giản dị mà ngẫu nhiên. Cơm xôi ăn với '' Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá bống kho của người miền xuôi vậy.
Vừa là món ăn giành đãi khách quý, nhưng cá Pỉnh Tộp cũng còn là món ăn đời thường, rất thuận tiện cho việc gói cơm đi làm nương rẫy, đồng áng. Cơm xôi ăn với cá nướng, chấm muối ớt giã (chẳm chéo), cùng với can nước mát đã đủ sức làm ấm lòng những người cày cuốc trên nương, ngoài ruộng.
Có thể nói, bữa ăn dân tộc Thái là tấm gương trung thực phản chiếu môi trường tự nhiên, cách thức và trình độ chinh phục môi trường đẻ tạo ra nguồn thức ăn đặc sắc, hợp khẩu vị. Món '' Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái là món ăn đã trở thành nổi tiếng, là nhu cầu đòi hỏi đối với du khách khi tới thăm bản của người Thái.
Read more...

Thác nước Bản Vặt (Sơn La)

Dulichbui's Blog - Thác nước Bản Vặt, một địa danh gắn liền với lịch sử cư trú rừ rất xa xưa của tộc người Thái ở vùng đất Mường Sang xưa, Mộc Châu ngày nay.
Có thể nói đây là một cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho chủ nhân vùng đất này. Ngoài tên gọi dân dã trên, thác nước này còn có tên gọi khác như thác Nàng, thác Dải Yếm, nhằm ví vẻ đẹp của thác nước như xuân sắc của người con gái tuổi trăng tròn.

Theo tiếng Thái thì “Vặt” nghĩa là nơi người đã cứu dân trong vùng khỏi tai họa sinh sống. Đến với Bản Vặt du khách sẽ được nghe kể về truyền thuyết hình thành nên bản. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ mà tạo hóa ban tặng cho chủ nhân của vùng đất này, được đắm mình vào khung cảnh hoang sơ, u tịch, huyền bí đến mê mẩn lòng người như được trở lại quá khứ thủa khai thiên lập địa, được thỏa sức tưởng tượng ra bao nhiêu kỳ thú tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người. Điểm khởi nguồn của dòng Suối Vặt là từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu, chảy từ hang đá ở địa đầu bản Vặt, một bản của dân tộc Thái có thể nói là có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này khi tộc người Thái đến định cư ở đây.Từ nguồn nước trong núi đùn lên, tạo thành suối Vặt và chảy về đến thác nước, nơi du khách sắp xuống thăm quan có độ dài gần 5 km, lượng nước của suối có quanh năm, khi chảy đến đây dòng chảy bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước tràn ứ lên, chảy ngược lại, lượng nước ở đây cứ dâng lên và tràn về phía bờ thấp hơn và đổ xuống phía dưới và tạo thành thác nước và hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập một dòng suối lớn bắt nguồn từ Bản Bó Sập giáp biên giới Việt Lào chảy về đất Yên Châu.
Theo dòng suối ngược lên đầu tiên du khách bắt gặp con thác thứ nhất. Dưới lòng suối Bó Sập là hàng ngàn viên đá, tảng đá có hình dáng khác nhau, trông thật lạ mắt, vào mùa đủ nước từ tháng 4 đến tháng 9 thì toàn bộ 70 m chiều rộng thác là một màn nước trắng xóa đổ xuống trông thật hùng vĩ, thơ mộng. Thác nước thứ hai, cách thác nước thứ nhất 150m về phía dưới càng làm cho du khách ngạc nhiên và thú vị hơn, vào mùa khô chỉ có một dòng chảy từ độ cao 50 m xuống triền đá phía dưới. Thảm thực vật trên đỉnh thác vô cùng phong phú, tạo cho khung cảnh rất hùng vĩ.
Từ thác nước Vặt ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600 m và rẽ về phía tay phải theo đường dân sinh khoảng 300 m thì bạn đang đứng giữa bản Vặt. Có thể nói đây là một bản có lịch sử lâu đời nhất của tộc người Thái, nó gắn liền với quá trình lập bản của người Thái theo như truyền thuyết ở bên. Đây là một bản thuần Thái với các dòng họ: Sa, Hà, Hoàng.. cư dân trong bản vẫn lưu giữ được các yếu tố tộc người truyền thống như: nhà sàn và cách bài trí trong nhà, trang phục truyền thống; kinh tế ruộng nước và nương dãy, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa ẩm thực, dân cư ở đây vẫn giữ được giá trị văn hóa nghệ thuật lâu đời, văn nghệ dân gian và có chung với bản Áng, một lễ hội dân gian là “lễ hội Xe chá” mang đậm nét tâm linh.
Ở Bản Vặt còn một số di vật liên quan đến chùa như hồ nước của nhà chùa tiếng địa phương gọi là “Noong Buông” nghĩa là hồ sen là nơi tắm rửa tượng phật vào dịp cuối năm. Đến thăm quan nơi này, bạn sẽ được những người già trong bản kể lại lịch sử của bản và chùa Vặt, được đắm mình trong lễ hội “Xe Chá” vào dịp tết nguyên đán, được thưởng thức các lời ca, tiếng hát, điệu múa truyền thống và ẩm thực ngay trên chính hồ nước Noong Buông.
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org