Tháng 11 đi du lịch ở đâu? (2010)

Dulichbui's Blog - Tình hình mưa bão tại miền Trung diễn biến phức tập, miền Nam đang vào mùa mưa, miền Bắc trở lạnh,... Vậy đi du lịch đâu trong tháng 11 này? Tùng Lâm xin có một số gợi ý giúp bạn (mang tính tham khảo).

Hòa Bình - Lễ cơm mới của người Mường
Thời gian: 01/10 đến 28/10 Âm lịch
Địa điểm: Xã Mường Bi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Lễ cơm mới tổ chức sau khi thu hoạch vụ mùa tháng 10 âm lịch. Lễ vật là bánh chưng và cá để cúng vía lúa. Cũng trong lễ cơm mới này, người Mường cúng giỗ cha mẹ, ông bà.
Người Mường
Lai Châu - Tết cơm mới của người La Hủ
Thời gian: Tháng 10 hoặc tháng 11 Âm lịch
Địa điểm: Tỉnh Lai Châu.
Người La Hủ thường tổ chức lễ cơm mới vào tháng mười hoặc tháng 11 âm lịch. Điều đặc biệt là trong dịp tết cơm mới này, người La Hủ kiêng 3 ngày không đi hái rau, lấy củi, chặt cây, phát cỏ trong rừng để cầu mong cây cỏ tốt tươi quanh năm. Trong dịp lễ tết, người La Hủ dùng trống để giữ nhịp múa xoè.
Người La Hủ
Sóc Trăng, Trà Vinh - Lễ hội Ok Om Bok
Thời gian: Tối 14 và ngày 15 tháng 10 (âm lịch).
Địa điểm: Nghi lễ thực hiện tại sân nhà; sân chùa. Hội đua ghe ngo tại sông Maspéro (thành phố Sóc Trăng).

Lào - Lễ hội That Luang
Thời gian: Năm nay lễ hội được tổ chức vào ngày 21 tháng 11 (kéo dài 3 ngày).
Địa điểm: Vienatine, Lào
Hội Thạt Luổng là lễ hội tôn giáo lớn nhất, đậm nét văn hoá Lào nhất và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân các bộ tộc Lào trên cả nước cùng nhân dân các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, cũng như khách quốc tế.
Lễ hội That Luong
Campuchia - Lễ hội Nước (Bon Om Touk)
Thời gian: Năm nay sẽ được bắt đầu từ ngày 20 tháng 11 và kết thúc ngày 22 tháng 11.
Địa điểm: Phnompenh, Campuchia (khu vực bờ sông Tonle Sap và Mekong).
Đây được coi là lễ hội lớn nhất trong lịch Khmer, lớn hơn cả lễ chào đón năm mới. Người dân Cambodia sẽ được nghỉ 10 ngày để chào đón lễ hội này.
Họ sẽ tụ tập về các bờ sông Tonle Sap và Mekong ở Phnom Penh để xem đua thuyền quy mô lớn.
Đua ghe trong dịp lễ hội nước
Thái Lan - Lễ hội Loi Krathong
Thời gian: Từ ngày 19 21/11/2010.
Địa điểm: Thái Lan, đông vui nhất vẫn là Bangkok.
Vào đêm rằm, hàng ngàn người tụ tập bên các dòng sông, kênh hay thậm chí là ao hồ và biển, cầu nguyện trong im lặng và sau đó cẩn thận thả bè của mình theo dòng nước.


Read more...

Bánh pía: Ðặc sản Sóc Trăng

Dulichbui's Blog - Dọc theo Quốc lộ 1 từ Cần Thơ đi Cà Mau, đến địa phận Sóc Trăng, du khách gần xa sẽ thấy dãy hàng quán, biển hiệu được trang trí rực rỡ với hai màu đỏ – vàng nằm san sát nhau.
Đó là những cửa hiệu bày bán bánh pía, món đặc sản số 1 Sóc Trăng mà hầu hết du khách đến đây đều mua về làm quà. Hiện tại, Sóc Trăng có gần 40 lò chuyên sản xuất bánh pía với sản lượng ngày càng tăng.

Hầu như ở tất cả các con đường, các trung tâm thị trấn, huyện lỵ của tỉnh Sóc Trăng đều có cửa hàng bán loại bánh đặc sản này. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) và An Trạch (nằm trên Quốc lộ 1), cách trung tâm thành phố Sóc Trăng vài cây số về hướng Cần Thơ. Tương truyền, Vũng Thơm là nơi ông Đặng Thuận – một người Minh Hương di cư sang Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX – khởi xướng việc làm bánh pía để kinh doanh. Trước đó, bánh pía do người Hoa di cư sang Việt Nam mang theo như một loại lương khô và chỉ làm đủ ăn trong nhà.
Sở dĩ bánh pía trở thành món quà đặc trưng của xứ Sóc Trăng vì nhiều nơi khác cũng làm loại bánh này nhưng bánh pía Sóc Trăng mang hương vị rất riêng. Cũng là vỏ bột mì, nhân đậu xanh hoặc khoai môn tán nhuyễn trộn với sầu riêng hay mỡ heo xắt sợi, lòng đỏ trứng vịt muối nhưng bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt, không quá béo, khiến người thưởng thức ăn hoài không ngán. Lớp vỏ bánh pía Sóc Trăng không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo nên từ những trái sầu riêng tươi ngon được tuyển chọn từ khắp các tỉnh ĐBSCL. Những ưu điểm của bánh pía Sóc Trăng hoàn toàn được tạo nên từ sự cần cù lao động của người thợ bánh, từ việc cán bột làm vỏ bánh sao cho nhuyễn mịn đến việc chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất làm nhân, xắt mỡ thật nhuyễn và tỉ mỉ nắn thành những chiếc bánh đều tăm tắp.
Theo kiểu đóng gói truyền thống, mỗi phong bánh pía Sóc Trăng gồm bốn cái, gói theo hình trụ. Ngày xưa, bánh thường được gói bằng giấy khá đơn giản. Ngày nay, những phong bánh pía Sóc Trăng vẫn giữ hình trụ truyền thống nhưng được bảo quản trong hộp để giữ “dáng” bánh, bao bì vẫn là hai màu đỏ – vàng nhưng rực rỡ và chuyên nghiệp hơn, với các thông số về tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng...
Không chỉ được bán tại địa phương, bánh pía Sóc Trăng còn tỏa đi khắp cả nước, một số lò bánh lớn như Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Tân Hưng còn xuất khẩu bánh pía đi khắp thế giới, vào được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu...

Theo Báo Cần Thơ
Read more...

Tết Chôl Chnăm Thmây

Dulichbui's Blog - Từ thời xa xưa, Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Tết này gắn chặt với nghi lễ của cư dân nông nghiệp làm lúa nước và một số nghi thức Phật giáo tiểu thừa thường diễn ra trong ba hoặc bốn ngày đêm, cứ ba năm Tết ba ngày đêm thì có một năm nhuần Tết bốn ngày đêm.

Ngày bắt đầu Chôl Chnăm Thmây được chọn theo chu kỳ của 365 ngày. Trong các ngày Tết, người ta thường trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp nơi bàn thờ có đặt bánh, trái với hương khói nghi ngút, những người ở xa đều trở về sum họp với gia đình rồi tổ chức nghỉ ngơi vui chơi, giải trí và đến chùa tiến hành các nghi thức tôn giáo theo cổ truyền:
Đêm đầu tiên (Năm cũ - Chôlchnămchas) tức đêm 12 hoặc 13 tháng tư dương lịch, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp mang theo nhang đèn, lễ vật đi chùa. Ở các chùa, người ta tổ chức tụng kinh, rắc nước có ướp hương thơm ở các khu vực cần thiết. Những việc làm này được bà con quan niệm như là hình thức tiễn đưa vị Thần năm cũ, tẩy rửa những ô uế, buồn phiền trong năm cũ đã qua, và đó cũng làm sạch sẽ về mặt tinh thần để đón vị Thần năm mới và cầu ước những người đã khuất phù hộ độ trì giúp cho công việc làm ăn được phát đạt, mọi sinh hoạt gặp may mắn...
Ngày thứ nhất (mồng một), con cháu tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, hoặc những người có ân đức với mình và đến chùa tổ chức đón năm mới. Công việc đầu tiên là bà con tổ chức rước Mahasoongkran (Đại lịch Khmer), cuốn đại lịch được đặt lên chiếc khay đội trên đầu, mọi người sắp xếp lại thành đoàn và đi tuần hành ba vòng xung quanh chánh điện. Lễ rước Soongkran này là theo một huyền thoại Phật giáo, đó là truyện Tho Ma Bal và Ka Bul Mô Ha Prum hay còn gọi là Thần Bốn Mặt.
Ngày thứ hai (gọi là ngày Vonabot, năm nhuần hai ngày, năm thường một ngày), bà con tổ chức dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi gọi là Wên chong hăn. Theo tục lệ thì vào ngày Sóc, Vong hay ngày lễ, tín đồ đi chùa lạy Phật để tỏ lòng kính Phật, trọng tăng góp phần nuôi sống tăng bằng cách mang cơm và thức ăn chung đậu lại để mời sư sãi, trước khi độ cơm, các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn của ông bà quá cố. Sau khi độ xong, các vị sư tụng kinh chúc phúc cho thí chủ. Tất cả những vật thực do lòng từ thiện của thí chủ mang đến dù ngon hay dở, các nhà sư cũng độ một chút gọi là nhận lễ. Trước hôm đó, người lớn tổ chức bốc thăm theo qui định để nghe nhà sư thuyết pháp. Riêng lớp trẻ thì tổ chức vui chơi văn nghệ, thể thao như Rom vong, Chchay dăm, Aday, các trò chơi dân gian, và các môn bóng đá, bóng chuyền... Cũng trong ngày này, bà con tổ chức lễ đắp núi cát (Pun phnom khsách) xung quanh ngôi chánh điện. Các vị Achar hướng dẫn bà con đắp cát thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa tức ngọn Sômêru là trung tâm của trái đất (mặt khác các ngọn núi còn là biểu tượng tượng trưng ước mơ cầu cho năm mới trở nên giàu có của cải chất cao như núi. Buổi chiều, bà con tổ chức quy y cho các mô hình núi, sáng hôm sau thì tổ chức xuất thế cho các ngọn núi. Tất cả nghi lễ này được lưu truyền và giữ gìn, theo Phật giáo gọi là Anisoong pun phnom khsách (Phúc duyên đắp núi cát). Tập tục này cũng theo sự tích kể về một người thợ săn đã có từ lâu đời.
Ngày thứ ba (Lơng sắc), sau khi dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư, người ta đem nước ướp hương thơm cùng với nhang đèn nơi thờ Phật làm lễ tắm Phật, kế tiếp là tắm cho sư sãi cao niên. Ở từng gia đình, người ta cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cháu hiến dâng. Mục đích tắm rửa này là để tẩy rửa mọi ô uế bụi trần của năm cũ và chúc phúc, chúc thọ cho những người cao niên, xong nghi thức này, người ta mời sư sãi đến các ngôi tháp đựng hài cốt (Chét đây), làm lễ cầu siêu (Băng skôl) cho vong linh người quá cố, các vị sư đọc kinh cầu siêu để kết thúc buổi lễ.
Trong những ngày Tết, không khí ở các thôn, ấp, chùa chiền náo nhiệt suốt ngày đêm. Với niềm tin tưởng năm mới sẽ đem đến sự thành công, hạnh phúc cho họ hơn năm cũ. Lễ Chôl Chnăm Thmây được diễn ra vào giai đoạn kết thúc mùa nắng, là thời kỳ đa số nông dân được rảnh rỗi công việc đồng áng để bà con có thể vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả. Đồng thời, sau đó cũng là lúc chuẩn bị ngay cho vụ mùa năm mới.
Ý nghĩa của nó, không chỉ thể hiện về chu kỳ chuyển động của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian, mà còn giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc, về ý thức hướng thiện và lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời.


Theo Hồng Vân (Website Tỉnh ủy Sóc Trăng)
Read more...

Ỷ Sóc Trăng

Dulichbui's Blog - Ỷ, viên bột tròn, nhỏ, màu trắng đục. Đây là món đặc sản của người Hoa ở Sóc Trăng. Kích thước ỷ to hơn bột báng và được làm từ tinh bột khoai lang. Làm ỷ công phu. Chọn khoai lang trắng, củ to thì làm ỷ mới ngon. Xay khoai thành bột, ngâm nước vài ngày cho tinh bột lắng xuống. Chắt bỏ nước, mang tinh bột lắng dưới đáy thau phơi dưới trời nắng to khoảng một ngày. Sau đó, lấy một ít tinh bột bỏ vào trong một cái thau rồi bắt đầu quây để vo viên.

Tay nghề lâu năm của người làm ỷ quyết định bột có vo thành viên là ở công đoạn này. Người ta dùng tay quây bột trong thau theo một chiều nhất định, nếu bột khô thì rắc một ít nước cho hơi ẩm. Quây liên tục cho đến khi bột trong thau kết thành những viên ỷ, mỗi lần quây mất cả giờ đồng hồ mới được một mẻ. Trong quá trình quây, ỷ có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Sau đó, người ta dùng nhiều cỡ sàng để phân loại các viên ỷ lớn, nhỏ. Để làm ỷ có màu đỏ người ta pha màu vào bột.

Nấu ỷ Sóc Trăng thì ngược hẳn với nấu bột báng. Bột báng ngâm nở trước rồi mới nấu, còn ỷ thì nước phải thật sôi rồi bỏ vào nấu. Nếu nước nguội hoặc sôi chưa già thì viên ỷ rã ra thành bột. Trước khi nấu ỷ có màu trắng đục, khi chín thì có màu trắng trong. Đa số ỷ có màu trắng, chỉ xen vào vài viên màu đỏ. Vài viên ỷ màu đỏ nổi bật trong đám ỷ trong vắt tượng trưng cho sự may mắn là quan niệm lâu đời của người Hoa.

Ỷ nấu chè với “kia chứa” (khoai rừng) và đường cát trắng. Kia chứa rửa sạch, lột vỏ, bào miếng nấu chung với ỷ có tác dụng giải nhiệt. Chén chè ỷ thanh nhã, kia chứa giòn giòn tương phản viên ỷ dai dai mềm mại. Trong người đang nóng bức, ăn chén chè ỷ vào là thấy mát mẻ ngay. Trời nóng, ăn chè ỷ thêm vài cục nước đá, mát rượi. Trời lạnh, ăn chè ỷ nóng, ấm cả người. Ỷ lớn to cỡ trái tắc đem nấu với thịt làm món mặn giống như nấu bánh canh.

Hiện nay, ở Sóc Trăng chỉ còn khoảng vài nhà còn làm ỷ. Trước đây, người ta làm ba loại ỷ. Ỷ loại ba là loại rẻ tiền nhất vì bở hơn. Bây giờ các nhà làm ỷ chỉ sản xuất duy nhất ỷ loại một. Ở những tiệm tạp hoá trong các chợ lớn mới có bán loại ỷ chính hiệu của Sóc Trăng.

Vào các ngày rằm lớn hoặc tết Trung thu, tết Nguyên đán… Người Hoa hay nấu chè ỷ cúng tổ tiên rồi cùng nhau ăn với ý nghĩa đoàn viên, may mắn. Trong đám cưới, cô dâu chú rể cũng được ăn chè ỷ như lời cầu chúc vẹn tròn hạnh phúc.


Dulichbui's Blog (Theo SGTT)
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org