Đi bụi Phnompenh: "Walking tour" ở Phnompenh

Dulichbui's Blog - Thành phố Phnompenh có diện tích khoảng 678,46 km2 nhưng do hầu hết các điểm du lịch phổ biến tại đây đều tập trung chủ yếu ở khu trung tâm nên việc tham quan khá thuận tiện.
Có nhiều cách để bạn khám phá Phnompenh: đăng ký citytour, đi taxi hay xe tuk-tuk nhưng thoải mái nhất là thuê xe máy để vi vu… Riêng chúng tôi chọn cho mình cách thú vị nhất và tiết kiệm nhất là đi bộ.
Sau khi tìm hiểu về các điểm tham quan tại Phnompenh, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ, thực hiện "walking tour" của mình. Điểm đến đầu tiên là chùa bà Pênh (tiếng Campuchia là Wat Phnom), giá vé tham quan 1 đô la Mỹ. Chùa Bà Pênh là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở Phnom Penh, tọa lạc trên một ngọn đồi nhỏ cạnh giao lộ của đường 96 và đường Norodom. Kiểu dáng kiến trúc và nội thất chùa Bà Pênh cũng giống như những ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa khác tại Phnom Penh.
Người Campuchia cho rằng sự ra đời của chùa bà Pênh gắn liền với sự hình thành của Phnom Penh ngày nay. Chuyện kể rằng vào năm 1372 bà Pênh (Yea Penh) vớt được một cây gỗ bên trong có 4 bức tượng Phật trôi dạt trên sông. Bà đã cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và xây một ngôi chùa nhỏ (wat) ở trên đó mà ngày nay gọi là Wat Phnom. Sau này, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có cái tên Phnom Penh cho thành phố thủ đô này.
Rời chùa bà Pênh, chúng tôi đi dọc con đường Sisowath Quay đến bảo tàng quốc gia Campuchia (giá vé tham quan 2 đô la). Bảo tàng này được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của người Khmer, nếu nhìn từ xa chưa chắc bạn cho rằng đây là một bảo tàng. Bảo tàng quốc gia Campuchia lưu giữ rất nhiều hiện vật khảo cổ liên quan đến lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật của người Khmer từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13. Đây thực sự là một điểm tham quan bạn nên ghé nếu muốn tìm hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của đất nước Chùa Tháp.
Bảo tàng quốc gia Campuchia
Nằm cạnh bảo tàng quốc gia Campuchia là khu cung điện hoàng gia - chùa Bạc. Người Campuchia nói rằng, muốn biết nhà vua Campuchia giàu như thế nào thì hãy ghé cung điện của ngài một lần bạn sẽ thấy rõ. Quả đúng như vậy.
Cung điện hoàng gia (tên đầy đủ là Preah Barom Reachea Vaeng Chaktomuk) là nơi ở và làm việc của quốc vương và hoàng tộc. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia. Những vị khách quý của hoàng gia Campuchia như nhà vua, quốc trưởng, lãnh tụ các quốc gia khác đến Phnom Penh cũng sẽ nghỉ lại trong khu vực hoàng cung. Với người Campuchia, hoàng cung còn là biểu tượng của cả vương quốc.
Ghé vào cung điện hoàng gia chúng tôi thực sự choáng ngợp trước… vàng và bạc. Phòng khánh tiết là điểm gây ấn tượng hơn cả. Trước đây tòa sảnh này là nơi nhà vua cùng nội các thiết triều, còn nay nhà khánh tiết được sử dụng để cử hành nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như đăng quang, kết hôn hoàng gia và nơi nhà vua tiếp khách.
Bạn có tin được không khi hầu hết bên trong tòa nhà đều được làm bằng vàng; từ ngai vàng, ghế ngồi, gương… Ngoài nhà khánh tiết, cung điện hoàng gia Campuchia còn có nhiều công trình kiến trúc khác như sân khấu Chanchhaya, khu cung điện nghỉ ngơi của nhà vua, khu làm việc của hoàng cung,… và chùa Bạc.
Toàn bộ nền chùa Bạc được lát bởi hơn 5.000 thỏi bạc, mỗi thỏi nặng 1 ký. Đó là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm bức tượng Phật bằng bạc được bố trí khắp trong chùa. Chùa Bạc là nơi thờ cúng linh thiêng cũng là “bảo tàng” cống phẩm của hoàng gia Campuchia.
Rời hoàng cung và chùa Bạc, chúng tôi ghé thăm tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia. Tượng đài đặt trong một công viên rộng và gần đó là tượng đài Độc lập Campuchia (khu vực hai tượng đài đều miễn phí tham quan). Nằm trên một quảng trường lớn, giao lộ giữa đường Norodom và đường Sihanouk, tượng đài Độc lập Campuchia được xây dựng vào năm 1958.
Đến trưa, chúng tôi trở về khách sạn để nghỉ ngơi. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục tham quan bảo tàng Toul Sleng và chợ Mới, nhưng không đi bộ mà dùng xe tuk tuk. Buổi tối trở về khách sạn nghỉ ngơi với cảm giác thỏa mãn sau một ngày tham quan đầy thú vị.
Sáng hôm sau chúng tôi bắt xe taxi về lại Bavet rồi lấy xe máy chạy về Sài Gòn. Chuyến đi bụi Phnom Penh kéo dài 3 ngày đã đọng lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai. Hẹn sẽ quay lại Phnom Penh trong một ngày gần nhất.

Tùng Lâm (Bài viết này của Tùng Lâm đã được đăng trên Thesaigontimes.vn)
Read more...

Đi bụi Phnompenh: Phnompenh về đêm

Dulichbui's Blog - Mất khoảng 4 tiếng đi xe chúng tôi đã có mặt tại Phnompenh, thủ đô của đất nước Campuchia. Bác tài dừng xe cho chúng tôi xuống tại khu Sisowath Quay, nằm dọc bờ sông Tonle Sap, nơi đây được biết đến như là khu phố Tây mới tại Phnompenh (để phân biệt với khu phố Tây cũ Boeng Kak Lake).
Tượng đài độc lập
Lang thang một vòng tại Sisowath Quay, chúng tôi tìm được một khách sạn có giá tương đối mềm; 7 đô la Mỹ cho một phòng hai giường, gắn quạt máy. Tắm rửa xong thì trời vừa tối, chúng tôi tìm nơi ăn tối rồi đi bộ khám phá Phnompenh.
Phnompenh về đêm không thật ồn ào nhưng cũng không yên tĩnh. Tại khu phố Tây các nhà hàng, quán bar đã bắt đầu sáng đèn, tiếng nhạc rộn vang. Công viên dọc bờ sông Tonle Sap và khu quảng trường trước cung điện hoàng gia (Royal Palace) tối nay tập trung rất đông người, mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa.
Chúng tôi dừng chân tại một quán cóc nằm trên đại lộ Sihanouk. Khác với quán cóc tại Việt Nam, quán cóc tại Phnompenh thật đặc biệt: khách đến quán không ngồi ghế, bàn mà lại ngồi… chiếu. Chiếu được trải dọc trên lối đi dành cho người đi bộ, cứ một nhóm khách là một chiếc chiếu. Trên chiếu bày sẵn các loại đồ uống như bia, Coca Cola, Red Bulls,… khách muốn ăn gì cứ việc gọi chủ quán sẽ mang ra tận… chiếu.
Tôi gọi bốn hột vịt lộn, ít xâu cá viên chiên và vài lon bia Angkor. Ở Campuchia, hột vịt lộn là một trong những món ăn rất phổ biến. Người Campuchia gọi món này là Pong Tea Khon. Không chỉ ở Việt Nam và Campuchia mà tại nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái, Philippine... hột vịt lộn là món ăn chơi rất phổ biến.
Cầu Kim Cương gần Naga World
Trên đường trở về khách sạn, chúng tôi ghé mua ít đồ tại khu chợ đêm Phsa Reatrey. Chợ đêm được nhóm trong một khuôn viên tương đối rộng, nằm liền kề khu phố Tây mới. Người ta bố trí một sân khấu lớn nằm chính giữa, là nơi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách tham quan. Khu vực trước và hai bên sân khấu là các gian hàng nằm liền kề nhau, bày bán đủ thứ áo quần, đồ lưu niệm, giày dép, điện thoại… Sau lưng sân khấu là khu vực ăn uống.
Dạo quanh một vòng chợ, chúng tôi chọn mua được mấy chiếc khăn lụa (giá 2 đô la một chiếc) và vài chiếc karma (một loại khăn rằn của người Campuchia, giá mỗi chiếc 1 đô) đem về làm quà cho bạn bè.

Tùng Lâm (Bài viết này của Tùng Lâm đã được đăng trên Thesaigontimes.vn)

Read more...

Đi bụi Phnompenh: Sang Phnompenh bằng… taxi

Dulichbui's Blog - Có những chuyến đi từ sự ngẫu hứng bất chợt nhưng lại thu được nhiều trải nghiệm thú vị. Chuyến du lịch bụi sang Phnompenh ba ngày của chúng tôi là một trong những chuyến đi như thế. Ban đầu chúng tôi chỉ định đi Củ Chi, lên Mộc Bài (Tây Ninh) và quay về trong ngày thôi, nhưng rồi sự hấp dẫn của đất nước Chùa Tháp đã khiến chúng tôi thay đổi ý định, đi Phnompenh trong ba ngày bằng xe máy.
Cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh
Sau khi tìm hiểu thông tin về các điểm đến ở Phnompenh và các thủ tục khi đi xe máy từ Việt Nam sang Campuchia, chúng tôi an tâm lên đường. Sau khoảng một giờ đồng hồ chạy xe máy chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài.
Làm thủ tục xuất cảnh tại Mộc Bài xong, tôi tranh thủ hỏi thăm một anh hải quan về việc đi xe máy từ Việt Nam sang Campuchia thì được biết, hải quan tại Mộc Bài không cấm xe máy Việt Nam chạy sang Campuchia nhưng không biết phía hải quan Campuchia thì thế nào. Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được trước khi đi thì hải quan Campuchia cũng không quá khó trong việc này, chỉ cần mình khai báo và xin một giấy thông hành là được.

Sang Phnompenh bằng… taxi
Nhưng rồi mọi việc diễn ra khác hẳn với những gì chúng tôi được nghe trước đó. Khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Bavet (Campuchia) tôi khai báo với anh nhân viên hải quan Campuchia về chuyện chiếc xe, anh hải quan kia hỏi lại tôi bằng tiếng Việt: Xe gì? - Dạ, xe máy. Tôi trả lời - Đâu? - Dạ, ở ngoài kia ạ. Tôi chỉ tay ra hướng cửa nơi anh bạn đồng hành của tôi đang đứng chờ. - Đi xem.
Anh hải quan Campuchia khoát tay rồi bước ra cửa. Tôi dẫn anh ta đến chỗ chiếc xe máy của tôi thì nhận được cái lắc đầu. - Không được đâu. Hải quan Campuchia không cho đâu.
- Dạ, thế có cách nào không anh? Tôi hỏi lại.
- Hỏi hải quan ấy.
- Hải quan nào ạ? Tôi hỏi lại vì chính anh ta là nhân viên hải quan,không biết còn hải quan nào nữa.
- Kìa. Tôi nhìn theo cái chỉ tay của anh nhân viên hải quan hướng về khu làm thủ tục nhập cảnh cho các xe du lịch lớn.
Tôi vội cảm ơn và chạy đến chỗ mấy anh hải quan kia. Sau vài lời chào hỏi tôi đưa ra vấn đề của mình thì nhận được cái gật đầu đồng ý: - Được, mang xe đến đây.
Phà Nek Luong
Tôi mừng rơn vội gọi điện cho anh bạn đồng hành của tôi dắt xe tới. Tưởng mọi chuyện đã xong xuôi ai dè… Tôi lại nhận được một cái lắc đầu nữa. - Không được, xe này là Honda không qua được. Chạy vào Nam Vang (Phnompenh) là bị bắt đó.
- Sao hồi nãy anh nói xe máy được ạ?
- Xe máy là xe máy còn xe này là Honda.
Vất vả nói qua, nói lại mãi, một lúc sau tôi mới biết cái mà tôi gọi là xe máy thì được mấy anh hải quan kia hiểu là… xe đạp (?!).
Thất vọng. Chúng tôi định dắt xe về thì được một chị người Việt Nam gợi ý: Sao em không gửi xe ở sòng bài rồi "bắt" xe đi Nam Vang? Thế là nhờ sự hướng dẫn của chị, chúng tôi dễ dàng gửi được xe tại một sòng bài, rồi sau đó ra bến xe Bavet để bắt xe đi Phnompenh.
Bến xe nằm ngay cổng ra vào của cửa khẩu Bavet, nơi đây tập trung nhiều xe du lịch và xe taxi loại 4 chỗ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết xe du lịch đỗ tại bến xe để đón các đoàn khách từ Việt Nam sang Campuchia theo dạng đi tour trọn gói, còn taxi thì phục vụ hành khách từ Phnompenh xuống Bavet và ngược lại.
Chúng tôi lên một chiếc Camry 4 chỗ màu trắng, nhưng bác tài cho biết tuy xe 4 chỗ nhưng phải đủ 6 người mới chạy (té ra taxi chạy kiểu... xe đò!!!), giá vé cho hai người từ Bavet đi Phnompenh là 15 đô la Mỹ hoặc 300.000 đồng.
Mãi đến 13 giờ, chiếc Camry mới chuyển bánh. Người ta nói “trong cái rủi cũng có cái may” câu nói này chắc đúng với trường hợp với chúng tôi.

Tùng Lâm (Bài viết này của Tùng Lâm đã được đăng trên Thesaigontimes.vn)
Read more...

Địa điểm mua sắm tại Phnompenh (Campuchia)

Trung tâm mua sắm Sorya

Địa chỉ:  Nº. 13-61, South of Phsar Thom Thmei, Trasak Phaem (St. 63), 12208 Phnom Penh
Thông tin: Sorya được xem là nơi mua sắm cao cấp ở Phnom Penh, tuy nhiên nếu đem so sánh với các trung tâm thương mại tại Việt Nam thì Sorya chỉ ngang chứ không hơn.
Mua gì tại đây?
Tại Sorya bạn có thể mua các mặt hàng như áo quần, trang sức, đồ điện tử, đồ ăn nhanh, thực phẩm,... hay thậm chí bạn cũng có thể đến đây chỉ để... cắt tóc.
Sorya hiện có khoảng 8 tầng nhưng chỉ có năm tầng sử dụng cho mục đích thương mại.
Tầng trệt: gồm các cửa hàng vàng, quần áo, đồng hồ, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ ngân hàng,...
Tầng một: với các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm, nước hoa,...
Tầng hai: quần áo, đồ chơi, mỹ phẩm,...
Tầng ba: đồ điện tử, điện thoại di động,...
Tầng bốn: Bán đồ ăn uống
Tầng năm: Bán đồ ăn uống, rạp phim
Từ tầng thứ sáu đến tầng tám là khu vực dành cho ban quản lý.
Nếu có ý định mua hàng tại Sorya, bạn cần biết rằng tuy là trung tâm mua sắm nhưng bạn cũng có thể trả giá.

Chợ Nga (Russian Market)
Tên trong tiếng Khmer: Phsar Toul Tom Poung (p'sâ too-uhl tum poong)
Địa chỉ: 163, Phnom Penh, Campuchia (nằm gần đại lộ Mao Trạch Đông).
Giờ mở cửa: 7:00 sáng đến 5:00 chiều.
Mua gì tại đây? Chợ Nga là một điểm mua sắm phổ biến đối với du khách quốc tế cũng như là người địa phương. Có rất nhiều sự lựa chọn cho bạn để mua sắm khi đặt chân đến Chợ Nga: quần áo, giầy dép, các đồ lụa silk, đồ cổ (giả có thật có), các tác phẩm điều khắc,...
Phố đồ cổ tại Phnompenh cũng nằm gần khu vực Chợ Nga.

Chợ trung tâm (Central Market)

Tên trong tiếng Khmer: Phsar Thmey - "New Market"
Địa chỉ: Kampuchea Krom (St. 128), 12252 Phnom Penh
Thông tin: 
Central Market (do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế) là ngôi chợ lớn nhất tại Phnompenh hiện nay. Thông thường khi mua tour trọn gói các công ty du lịch thường chọn chợ này để ghé cho du khách mua sắm.
Với diện tích rộng lớn bạn có thể khám phá được rất nhiều điều về cảnh sinh hoạt chợ búa của người Campuchia, các mặt hàng được bày bán tại chợ. Tuy nhiên một điều cần lưu ý là: đây là khu vực rất đông đúc và sầm uất vì vậy hãy cẩn thận với những kẻ móc túi, giật đồ (thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những biển báo ghi bằng tiếng latin "Caveat emptor").
Mua gì tại đây? Bạn có thể mua các đồ trang sức được làm bằng bạc, vàng; các đồng xu cổ; đồng hồ (giả); áo quần; giày dép; các sản phẩm lụa (silk),...

Chợ Đêm


Tên trong tiếng Khmer: Phsar Reatrey
Địa chỉ: Nằm ở đoạn giao giữa Sisowath Quay với đường Oknha Ing Bun Hoaw.
Mua gì tại đây?
Chợ đêm nằm ngay khu vực Phố Tây mới của Phnompenh (khu vực Sisowath Quay), tại đây bạn có thể mua các mặt hàng như: điện thoại di động, áo quần, giày dép, lụa (silk), khăn rằn (krama), đồ trang sức bằng bạc,...
Chợ cũng có khuôn viên ẩm thực dành cho thực khách có nhu cầu.

Kandal Market
Thông tin: Ngôi chợ này nằm gần khu vực Phố Tây mới của Phnompenh (khu vực Sisowath Quay). Các mặt hàng được bày bán tại đây chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương.
Nếu có dịp đến đây bạn có thể ghé một vài quán ăn dọc hai bên chợ để thưởng thức vài món ăn "đúng chất" Campuchia.
Đây cũng là khu vực tập trung khá nhiều người Việt Nam sinh sống (khu vực tập trung đông người Việt nhất là khu vực chợ Chbbar Ampouv).

Read more...

Mua gì khi đi du lịch Phnompenh (Campuchia)?

Dulichbui's Blog - "Không có nhiều thứ để mua tại Phnompenh (Campuchia)" - đó là nhận xét của không ít du khách khi đã hơn một lần đến Campuchia. Sự thật có phải vậy? 
Phnompenh không phải là trung tâm mua sắm lớn của khu vực (chứ chưa nói là thế giới) như Bangkok (Thái Lan), Singapore,... Nhìn vào cơ sở hạ tầng nơi đây chắc bạn cũng sẽ nhận thấy được điều đó: các trung tâm mua sắm không có nhiều, thậm chí số lượng các tòa nhà cao tầng tại đây cũng chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay - quá ít đối với một trung tâm kinh tế, chính trị của một quốc gia. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là đến Phnompenh thì bạn sẽ không mua được thứ gì cả.

Dưới đây là một số mặt hàng mà bạn có thể mua về khi du lịch đến Phnompenh:

Lụa tơ tằm
Lụa tơ tằm
Các sản phẩm lụa tơ tằm tại Campuchia vẫn được người dân làm bằng các phương pháp thủ công truyền thống. Các sản phẩm làm từ lụa tơ tằm có thể kể đến như: khăn quàng cổ, khăn choàng đầu, vải lụa,...
Koh Dach hòn đảo nằm cách Phnompenh khoảng 15km là địa điểm nổi tiếng về các sản phẩm được làm bằng lụa tơ tằm.
Giá tham khảo: một khăn choàng cổ được làm từ lụa tơ tằm bán tại chợ thường có giá khoảng 2usd. Mua nhiều thì bạn có thể trả giá thấp hơn nữa (Tùng Lâm không phải là một người khéo nên chỉ mua được với giá 2usd/chiếc khăn mà thôi).

Đồ bạc (Silver)
Một số sản phẩm làm từ bạc được bày bán
Tại Campuchia, các sản phẩm làm từ bạc bắt đầu được sử dụng phổ biến trong những nghi lễ tôn giáo từ thế kỷ 11. Với sự phát triển của du lịch, nhiều của hàng chuyên bán những sản phẩm được làm từ bạc nổi lên ngày càng nhiều tại Phnompenh.
Các sản phẩm được làm từ bạc được bày bán tại Phnompenh có thể kể đến: đồ trang sức làm bằng bạc (vòng đeo tay, vòng đeo cổ,...), đồ trang trí, đồ nội thất,... (Tùng Lâm đặc biệt ấn tượng với những chiếc hộp nhỏ được làm bằng bạc).
Các sản phẩm bạc được bày bán là những hợp kim với 70-80% là bạc.

Giỏ đan
Những sản phẩm này cũng không lạ lắm với người Việt Nam chúng ta. Chúng là những sản phẩm được đan từ tre, các loại cây lau sậy. Thông thường phụ nữ là những người làm ra những sản phẩm này.
Các sản phẩm giỏ đan: giỏ, bát, dĩa, các đồ gia dụng,...

Các sản phẩm điêu khắc

Bao gồm các sản phẩm điêu khắc trên đá, gỗ, đồng và thậm chí là bạc với những hình tượng như: Đức Phật, Apsara,... là những sản phẩm trang trí nội thất rất được nhiều người yêu thích. Từ những khối đá, thước gỗ tưởng chừng như vô tri vô giác qua bàn tay của các nghệ nhân Campuchia đã trở nên có hồn lạ thường.
Nếu có dịp đến gian hàng của Tổng cục du lịch Campuchia tại hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC (diễn ra hàng năm tại Thành phố Hồ Chí Minh) bạn sẽ có thể chứng kiến các nghệ nhân Campuchia chạm, đẻo tượng thần Brahma.

Khăn rằn (Krama)
Khác với khăn rằn Việt Nam, khăn rằn tại Campuchia có phần lớn hơn và chất liệu thì tốt và bền hơn. Với những người yêu du lịch bụi, khi đã đến Campuchia một lần thì họ cũng cố gắng tìm làm sao cho được một số chiếc khăn rằn mang về.
Khăn rằn tại Campuchia cũng có nhiều màu sắc cho bạn chọn mua: màu sọc đen trắng, màu sọc xanh trắng, màu sọc đỏ trắng,...
Giá bán: Giá bán phổ biến là 1usd/chiếc khăn rằn. Mua nhiều thì giá có thể thấp hơn rất nhiều.

Bên cạnh những sản phẩm kể trên, tại Phnompenh nói riêng và Campuchia nói chung còn có những sản phẩm khác như: áo quần (có nguồn gốc từ Trung Quốc và Việt Nam), xe đạp, phụ tùng xe ô tô,...

Blogger Tùng Lâm

Read more...

Ăn uống tại Phnompenh (Campuchia)

Ăn
Các món ăn của Campuchia tiếp thu và chịu ảnh hưởng nhiều phong cách ẩm thực của các nước, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ với vị ngọt và béo (Các món thường có nhiều gia vị (ảnh hưởng từ Ấn Độ) và béo (ảnh hưởng các món ăn Trung Quốc)).
Theo Tùng Lâm nhận thấy xét về cơ bản, các món ăn tại Campuchia du khách Việt Nam đều ăn được.
Không gian ăn uống tại khu vực chợ đêm (Phsa Reatrey)
Một số món ăn thông dụng tại Campuchia:
Món ăn từ Côn trùng
Người Campuchia rất thích dùng côn trùng đẻ chế biến nhiều món ăn: từ dế cơm, trứng kiến đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon.
Hầu như du khách Việt Nam nào sang Campuchia cũng đều cố gắng tìm để thử những món ăn từ côn trùng một lần cho biết.
Đừng bất ngờ nếu bạn đang ăn món bò xào lại thấy kiến và ong lẫn trong miếng thịt bò nhá.

Mắm bồ hóc
Mắm bồ hóc, hay pohok, được làm từ những con cá con tốt nhất, mổ ruột ướp muối rồi để trong tủ  hoặc hủ đậy kín, sau vài tháng thì đem ra ăn. Đây là món ăn phổ biến của người Khmer (tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có món này).

Hủ tiếu Nam Vang
Nam Vang chính là tên gọi của Phnompenh (ngày nay một số người Việt sống tại Phnompenh vẫn gọi Phnompenh là Nam Vang).
Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nuớc dùng sau đó cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào.

Hột vịt lộn (trứng vịt lộn)
Một món ăn quá phổ biến tại nhiều nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Philipine, Campuchia và tất nhiên là cả Việt Nam.
Người Campuchia gọi món ăn này là Pong tea khon (trong khi đó người Thái, người Lào gọi là Khai Luk; người Philipine gọi là balut).
Trứng vịt luộc được bán từng chục hay từng quả kèm muối tiêu là món ăn mà du khách tìm thấy rất nhiều khi đến với đất nước Campuchia.

Uống
Bia
Bia nổi tiếng nhất tại Campuchia là Angkor beer. Du khách có thể uống lon, chai hoặc bình (như bình uống trà đá). Giá cả của Angkor beer cơ bản là khá bình dân tuy nhiên giá bán tại các beer garden thì có phần cao hơn.

Nước thốt nốt
Nước thốt nốt được lấy trực tiếp từ cây thốt nốt được người dân lấy bằng thủ thuật của riêng mình. Thức uống này thơm và ngon nhưng không để được lâu và được uống trong ngày.

Rượu thốt nốt
Rượu thốt nốt (tức thốt chu - thốt nốt chua) một lọai rượu nhẹ được người dân ưu chuộng trở thành lọai "rượu đặc sản". Hiện tại một số vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) cũng đã có loại rượu thốt nốt.

Một số địa chỉ ăn uống tại Phnompenh:
Chợ
Hầu hết tất cả các chợ tại Phnompenh đều có những khu vực bán đồ ăn uống (cũng giống như Việt Nam), tại đây du khách có thể có cơ hội được thưởng thức những món ăn chế biến theo đúng kiểu của người Campuchia. Có những món ăn rất quen như lòng xào, cá kho nhưng cũng có những món ăn lạ như canh rau muống nấu với lòng heo :-/
Một số loại thức ăn được bán tại khu vực chợ đêm (Phsa Reatrey)
  • Chợ đêm (Phsa Reatrey): Mở cửa hàng đêm, nằm ngay khu vực phố Tây mới (khu Sisowath Quay). Tại đây bên cạnh việc mua những món quà lưu niệm du khách còn có cơ hội thưởng thức một vài món ăn truyền thống của người Campuchia.
  • Chợ Kandal:Chợ này nằm ngay trung tâm khu vực phố Tây mới (khu Sisowath Quay), là khu chợ của người dân địa phương. Khi ăn tại đây nên hỏi giá trước tránh tình trạng bị chém, và nên trả bằng Ria đừng trả bằng USD.
Lời khuyên: Khi ăn các món ăn ở chợ, bạn nên gọi những món ăn được (quen), hạn chế gọi những món lạ vì chúng khá khó ăn.

Veng Nguon Restaurant
#126Eo, St.13 136
Sankat Phsar Kandal 1
Khan Duan Penh, Phnompenh
Điện thoại: (885) 23 216 253
Nằm ngya trung tâm khu phố Tây mới (khu Sisowath Quay), chuyên phục vụ các món Hủ Tiếu Nam Vang.
Quán khá đông vào buổi sáng (đôilucs phải chờ mới có bàn).
Giá một tô hủ tiếu khoảng 30.000đ.

Kiwi Bakery and Restaurant
Nằm ở góc đường Sisowath Boulevard với đường 130, Phnom Penh.
Điện thoại: (023) 215 784, (012) 218 284.

Quán vỉa hè
Nếu như tại Việt Nam khi ăn tại các quán vỉa hè thực khách thường phải "ngồi sổm" hoặc ngồi bàn, ghế thì tại Phnompenh thực khách sẽ được ngồi.... chiếu.
Các quán vỉa hè thường phục vụ: hột vịt lộn, cá viên chiên, bia, nước ngọt,...
Du khách có thể ghé đoạn đường đối diện với khách sạn Naga World (gần khu vực cầu kim cương).

Ghi chú: Giá cả các dịch vụ tại trung tâm Phnompenh tương đối cao hơn so với giá dịch vụ tại Việt Nam, đây không chỉ là nhận xét của riêng Tùng Lâm mà còn là nhận xét của những người Việt đang sinh sống tại Campuchia mà Tùng Lâm đã gặp. Giá cả tại các vùng ngoại ô thì có phần rẻ hơn.

Read more...

Khách sạn, nhà nghỉ tại Phnompenh (Campuchia)

Lưu trú ở đâu?
Sở dĩ Tùng Lâm đặt ra câu hỏi này để dễ dàng hơn cho các bạn lựa chọn địa điểm lưu trú khi đến Phnompenh. Bên cạnh các khách sạn lớn (tập trung tại những vị trí trung tâm của Phnompenh), tại Phnompenh có hai khu vực tập trung đông du khách quốc tế đó là: khu vực Boeng Kak Lake và khu vực Sisowath Quay. Đây cũng là hai khu vực mà bạn có thể lưu trú khi đến Phnompenh.
    Khu vực phố Tây mới tại Phnompenh
     - Khu vực Boeng Kak Lake (khu vực phố Tây cũ): 
    Trước đây, Boeng Kak tập trung rất nhiều du khách ba lô lưu trú, nhung do chính sách quy hoạch mới của Phnompenh, giờ đây lượng khách quốc tế lưu trú tại đây vẫn còn những không nhiều như xưa. Cũng chính vì vậy mà giá phòng khách sạn tại khu vực này tương đối rẻ (tuy nhiên lại cách khá xa các điểm du lịch).
    Một số khách sạn tại Khu vực Boeng Kak Lake:
    . Grand View Guest House
    No.4Eo, St.93, Sangkat Sraschok, Khan Duan Penh, Phnompenh, Cambodia.
    Điện thoại: 855-12 666 547/815 533/23 430 766/ 099 723 136
    Email: Grand_view_gh@hotmail.com
    Chủ khách sạn: Lim Meng Leap
    Email: limmengleap@yahoo.com
    Giá phòng:
    Phòng đơn máy quạt: 4usd/đêm
    Phòng đôi (2 giường) máy quạt: 5usd/đêm
    Phòng máy lạnh: 8usd/đêm
    Tiện nghi trong phòng đáp ứng tối thiểu nhu cầu nghỉ ngơi và giải trí của du khách.
    Khách sạn có dịch vụ internet (tính tiền), nhà hàng,...

    . Number Nine Guest House
    #9 Street 93 Boeng Kak Lake
    Tel: 012 766 225/ 012 935 813
    Cầu Kim Cương về đêm
    - Khu vực Sisowath Quay (khu phố Tây mới): 
    Một khu vực sầm uất, đông đúc. Nằm ngay trung tâm thủ đô Phnompenh, gần các điểm tham quan tại Phnompenh (có thể đi bộ). Đây là khu vực hợp lý để lưu trú.
    Một số khách sạn tại khu vực Sisowath Quay:
    . Angkorchey Guest House
    #30, St.108, Watphnom, DaunPenh, Phnompenh, Campuchia
    Điện thoại: 023 2222 54/ 012 50 50 34
    Nhà nghỉ này nằm ngay khu vực chợ đêm Phnompenh và Chas Market.
    Giá phòng:
    7usd/phòng 2 giường (twins) máy quạt.
    12usd/phòng 2 giường (twins) máy lạnh.

    . Diamond Guest House
    #19, St.172 Sangkat Chey Chumneah (Phsar Kandal) Khan Daun Penh, Phnompenh
    Điện thoại: 023 63 777 59/011 666 945/012 64 76 99
    Email: ladyqueen_pove@yahoo.com
    Khách sạn này nằm gần Royal Palace
    Giá phòng: Tất cả các phòng tại khách sạn này đều có giá 15usd/phòng
    Phòng tại đây là phòng twins (2 giường), có máy lạnh (Nếu thương lượng khéo vẫn có thể ở hơn 2 người). Wifi miễn phí.

    Để đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ tại Phnompenh các bạn có thể liên hệ trực tiếp với khách sạn, nhà nghỉ hoặc đặt phòng trực tuyến tại Agoda.com để có nhiều ưu đãi về giá.

    Read more...

    Các phương tiện đi lại tại Phnompenh (Campuchia)

    Đến Phnompenh nói riêng và Campuchia nói chung, bạn sẽ chọn phương tiện nào để đi lại tại đây? Tùng Lâm xin giới thiệu đến các bạn một số phương tiện đi lại phổ biến tại Phnompenh (Campuchia).

    Tuk-tuk
    Tuk-tuk là một loại xe gắn máy có buồng chứa phía sau dành cho hành khách, còn được gọi là xe móoc (theo quan điểm của Tùng Lâm xét về mặt nào đó tuk-tuk có phần giống xe lôi ở Việt Nam). So với các phương tiện giao thông khác, Tuk-tuk là phương tiện đi lại tiết kiệm nhất và phổ biến nhất dành cho du khách khi đến Phnompenh. Các tài xế tuk-tuk tại Phnompenh rất thân thiện, họ có thể nói tiếng Anh, tiếng Campuchia thậm chí một số còn có thể nói tiếng Việt.
    Chu ý: Nên hỏi giá trước khi thuê.
    Tuk-tuk là phương tiện giao thông phổ biến tại Phnompenh
    Giá tham khảo:
    Bắt xe tuk-tuk từ sân bay vào trung tâm Phnompenh giá khoảng 6usd
    Thuê xe tuk-tuk đi city tour vòng quanh Phnompenh giá khoảng 15usd

    Xe lôi, xe lam
    Xe lôi hay xe lam là một phương tiện giao thông phổ thông tại Phnompenh. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc xe lam tại hầu hết các góc đường tại Phnompenh. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng phương tiện này, các yếu tố an toàn phải được du khách quan tâm trước tiên (trộm cắp, tai nạn).
    Lời khuyên: 
    Theo Tùng Lâm, xe lôi, xe lam phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân địa phương hơn là du khách. Nếu muốn đi, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định có sử dụng phương tiện giao thông này hay không.

    Xe bus
    Theo Tùng Lâm tìm hiểu, hiện tại Phnompenh chưa có xe bus công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

    Taxi
    Taxi tập trung nhiều tại khu vực Sisowath Quay. Taxi không phải là phương tiện giao thông phổ biến tại Phnompenh, một phần vì số lượng ít (không nhiều bằng Việt Nam, Thái Lan) một phần khác xuất phát từ nhu cầu của người dân (tuk-tuk vẫn là số một).
    Tạm chia Taxi tại Phnompenh thành 2 loại: Loại có bộ đếm meters, đồng hồ báo giá và loại taxi không có bộ đếm meters (hầu hết taxi tại Phnompenh đều không có bộ đếm).
    Nếu bạn sử dụng taxi không có bộ đếm meters, nhất thiết bạn phải thỏa thuận giá cả thật kỹ rồi hãng lên xe. Nếu muốn bạn có thể nhờ tiếp tân khách sạn giúp đỡ.
    Giá tham khảo:
    Bắt xe Taxi từ sân bay vào trung tâm Phnompenh giá khoảng 8-10usd
    Đi lại trong nội ô Phnompenh khoảng 4-5usd
    Thuê xe taxi đi một ngày khoảng 30-35usd
    Giá có thể thay đổi tùy thuộc vào giá..xăng.

    Xích lô
    Giống xe xích lô tại Việt Nam. Tuy nhiên loại phương tiện này cũng không phổ biến lắm tại Phnompenh. Giá một chuyến xích lô tương đương với một chuyến xe lôi.

    Xe ôm
    Xe ôm cũng là một trong những phương tiện đi lại phố biến dành cho du khách. Nếu du khách đi một mình thì xe ôm coi bộ là phương tiện khả thi hơn cả (xét về mặt kinh tế). Khi đi xe ôm bên cạnh việc thỏa thuận giá trước khi lên xe, bạn nên yêu cầu tài xế đưa cho bạn nón bảo hiểm.
    Chú ý: Tại Phnompenh, một xe máy có thể chở hơn một người.
    Bảng giá tham khảo:
    Xe ôm đi từ sân bay vào trung tâm Phnompenh tốn khoảng 5usd
    Càng về đêm, chi phí càng tăng.

    Xe máy (thuê)
    Tình hình giao thông tại Phnompenh rất phức tạp, nếu bạn đã quen với sự đông đúc, phức tạp của giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì việc đi lại tại Phnompenh bằng xe gắn máy cũng không khó khăn nhiều.
    Để có thể lái xe gắn máy tại Phnompenh nói riêng và Campuchia nói chung, bạn cần phải có bằng lái xe được chấp nhận tại Campuchia.
    Giá thuê xe khoảng 9usd/ngày

    Đi bộ (walking tour)
    Đây là hình thức đi lại dễ dàng nhất, rẻ nhất (không tốn phí), thú vị nhất và ... mệt nhất. Trong một buổi sáng bạn có thể khám phá, thăm quan các điểm du lịch nổi tiếng tại Phnompenh thông qua một chuyến walking tour: Bia tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Hoàng cung Campuchia – Chùa Bạc, bảo tàng quốc gia Campuchia, Wat Phnom,...
    Tham khảo hành trình một chuyến walking tour tại Phnompenh tại đây

    Một số lưu ý:
    • Dù bạn sử dụng phương tiện gì đi nữa, bạn cần phải quan tâm tới các yếu tố an toàn.
    • Để tránh những sự cố không đáng có bạn nên thỏa thuận giá cả trước khi lên xe.
    • Đừng bao giờ gửi hành lý, túi xách của bạn cho tài xế.
    Read more...

    Hướng dẫn du lịch bụi Phnompenh (Campuchia) – đi và về

    Khoảng cách 
    Phnompenh cách thành phố Hồ Chí Minh 230km.
    Cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh
    Thông tin cần biết trước chuyến đi
    Visa
    Công dân mang hộ chiếu Việt Nam được miễn visa khi sang Campuchia du lịch (thời hạn 30 ngày).
    Công dân các nước không được miễn Visa khi đến Campuchia có thể liên hệ Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Tp.HCM (41, Phùng Khắc Khoan, Quận 1; Điện thoại: 38292751) hoặc Đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội (71A Trần Hưng Đạo. Điện thoại: 39427636) để làm visa. Ngoài ra du khách cũng có thể làm visa đi Campuchia ngay tại cửa khẩu với giá khoảng 24usd.

    Tiền tệ
    Đơn vị tiền tệ của Campuchia là Ria - Riel (1 Ria = 500 VNĐ).
    Bạn có thể đổi tiền VNĐ sang tiền Ria tại cửa khẩu Mộc Bài, đổi USD sang Ria tại cửa khẩu Mộc Bài hoặc cửa khẩu Bavet.
    Lời khuyên: Chỉ nên đổi một ít tiền Ria tại cửa khẩu đề phòng trường hợp dùng đến trên đường đi. Còn lại bạn nên đổi tiền tại các dịch vụ đổi tiền ở Phnompenh là tốt nhất.

    Đi và về
    Đường bộ
    Xe bus
    Cách 1:
    Từ Tp.HCM, bạn có thể mua vé xe Open bus đi Phnompenh của các hãng xe: Mailinh, Kumho, Sapaco,…
    Liên hệ:
    Xe Mailinh
    Giá vé xe khoảng 10usd/khách/chuyến, nếu mua vé khứ hồi sẽ được giảm 2usd (18usd/khứ hồi).
    - Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
    Văn phòng: 32 Nguyễn Cư Trinh, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, HCM.
    Điện thoại tổng đài: 08. 39 20 29 29
    Fax: 08. 38 370 999
    Phòng vé :
    * 15 Đào Duy Anh, P.9, Q.Phú Nhuận - Điện thoại: 08. 38 477 888
    * 31A/1 Hùng Vương, P.9, Q.5. - Điện thoại: 08. 38 304 982
    * 64 Hai Bà Trưng, P. Bến Nghé, Q.1 - Điện thoại: 08. 38 29 79 79
    * 209 Đề Thám, P.PNL, Q.1 - Điện thoại: 08. 38 360 888
    * 400A Lê Hồng Phong, P.1, Q.10 - Điện thoại: 08. 39 29 29 29
    * Ga Sài Gòn, 01 Nguyễn Thông, Q.3 - Điện thoại: 08. 35 260 888
    - Tại Campuchia
    Văn Phòng PhnomPenh:
    391 Sihanouk Blvd (No 274) PhnomPenh City.
    Điện thoại :(855) 23 211 888 Fax : (855) 23 229 999

    Xe Kumho
    Giá vé: 12usd/khách/chuyến
    Liên hệ:
    - Tại Thành phố Hồ Chí Minh
    305 Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM
    - Tại Phnompenh
    số 345 Sihanouk (247st) Phnom Penh.

    Xe Sapaco
    Giá vé xe 11usd (hoặc 200.000đ)/khách/chuyến
    - Tại Thành phố Hồ Chí Minh
    * 500 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 3, Quận 3 - Điện thoại: 08.38322 038
    * 325 Phạm Ngũ Lão, Quận 1 - Điện thoại: 08.39203 623
    * 592 Cộng Hòa, Quận Tân Bình - Điện thoại: 08.38101 466
    * 309 Phạm Ngũ Lão, Quận 1 - Điện thoại: 08.39206 878
    * 16 Đặng Thái Thân, Quận 5 - Điện thoại: 08.38537 800
    - Tại Campuchia
    + 188 đường 130 Phsar thmey III - Daunpenh Pnom Penh
    * 309 Preah Sihanouk Blvd, Sangkat Veal Vong, Khan 7 Makara, Pnom Penh - Điện thoại: 023 210 300 - 023 210 324
    + 213 Đường 13, Phường Chey Chum Neas, Quận Đaun Penh, TĐ PhnomPenh – Điện thoại: 012.344089
    + 0667 National Road No.6, Siem Reap, Cabodia

    Xe bus đêm đi Phnompenh: 
    Hiện nay, từ Sài Gòn đi Campuchia đã có xe chạy vào ban đêm - hãng xe Vica Thai .Vica Thai có một chuyến duy nhất khởi hành vào lúc 23h45 từ khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, giá vé 10usd (đi Phnompenh), 17usd (Siemriep), 19usd ( Sihanouk)
    Chú ý: Du khách đi chuyến xe đêm phải nghỉ lại trên xe tại Mộc Bài hoặc Xa Mát chờ cửa khẩu mở cửa mới làm thủ tục xuất cảnh được.
    Liên hệ mua vé: 0169.4999.905 (anh này người Cam nhưng nói tiếng Việt khá rành) , ngoài ra bạn cũng có thể liên hệ với các công ty du lịch tại khu vực Pham Ngũ Lão để mua vé (giá không đổi).


    Cách 2:
    Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một phần chi phí cho chuyến đi nhưng lại làm bạn mất nhiều thời gian hơn.
    Đầu tiên bạn bắt xe bus về Mộc Bài. Tại đây, sau khi làm xong các thủ tục xuất cảnh (cửa khẩu Mộc Bài) và nhập cảnh (cửa khẩu Bavet), bạn bắt taxi đi Phnompenh tại bến xe Bavet (nằm ngay cổng ra của cửa khẩu Bavet). Bến xe này là nơi tập trung nhiều xe taxi (xe Camry 4 chổ, chuyên chở khách từ Phnompenh xuống Bavet đánh bài) và các xe đón khách du lịch từ Việt Nam sang (khi mua tour, các công ty du lịch Việt Nam sẽ đưa du khách đến cửa khẩu, sau đó du khách sẽ được chuyển sang đi xe loại này để đi).
    Xe taxi tuy 4 chổ nhưng phải đủ 6 người xe mới chạy (ngồi hơi chật nhưng cũng chấp nhận được), giá vé khoảng 7,5usd/người (bạn cũng có thể trả bằng tiền Việt Nam – tương đương 150.000đ).
    Xe taxi không có điểm dừng cố định tại Phnompenh, nếu muốn bạn có thể yêu cầu tài xế chở bạn đến một khu vực bất kỳ tại Phnompenh mà không cần phải trả thêm một khoản phí nào. Để trở về lại Mộc Bài, bạn có thể liên hệ với tài xế đến đón bạn tại khách sạn và tất nhiên dịch vụ này cũng miễn phí.
    Khu vực bến xe Bavet
    Tại Phnompenh, xe taxi loại này đi Mộc Bài thường bắt khách tại khu vực chợ Olimpic (gần sân vận động Olimpic – bến của tất cả các hãng xe Open tour Việt Nam).
    Tùng Lâm từng đi xe của một chú tên là YIB KHORN, vốn là người Việt Nam nhưng nay sống tại Phnompenh. Chú có thể nói rành tiếng Việt và tiếng Campuchia nên rất dễ trong vấn đề giao tiếp (chú lại rất nhiệt tình nữa chứ).
    Liên hệ với chú YIB KHORN: 012986504, 011730982, 0979234463 (Nên liên hệ trước vì không phải ngày nào chú cũng chạy xe cả, có khách yêu cầu chú mới chạy).
    Đi Phnom penh từ Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng
    Hiện nay, du khách các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có thể đi Phnômpênh mổi ngày trong tuần với lộ trình Bạc Liêu -Sóc Trăng-Cần Thơ-Phnôm Pênh và ngược lại qua hai cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) và Mộc Bài (Tây Ninh).
    Liên hệ mua vé:
    Tại Cần Thơ:
    107 Trần Hưng Đạo/12 Nguyễn Trãi
    (Trạm xăng dầu 99) Q.Ninh Kiều – TP.Cần Thơ
    ĐT: 0710.3832 203 – 0710.3761 232
    Tại Sóc Trăng
    Bến xe Trà Men - ĐT: 079.3625 200
    Tại Bạc Liêu:
    Bến xe Bạc Liêu - ĐT: 0781.3601 122
    Trạm vé Hòa Bình- ĐT: 0781.3601144
    Tại Phnompenh:
    9D Eo Đường 230 Phasar Deumkor, Q. Toul kokr, TP. Phnom Penh
    ĐT: (00.855) 997.609.88- 099.790 443

    Chú ý: Đối với người Khmer thì được cấp giấy thông hành miễn phí, còn người dân tộc ở các vùng giáp biên giới thì thông qua cửa khẩu bằng giấy thông hành, du khách ngoài nước thì cần hộ chiếu và visa.

    Xe máy:
    Trước đây việc chạy xe máy từ Việt Nam sang Campuchia không cần phải tốn nhiều thủ tục giấy tờ nhưng nay nếu muốn chạy xe máy từ việt Nam sang Campuchia bạn cần phải đăng ký xe trước với hải quan(tại khu vực bạn lưu trú) và bạn phải có bằng lái xe được chấp nhận tại Campuchia.

    Đường không (máy bay)
    Hiện Vietnam Airlines đang khai thác các chuyến bay đi Phnompenh khởi hành hàng ngày từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
    Bạn có thể đặt vé tại http://www.vietnamairlines.com.vn hoặc các đại lý vé máy bay của Vietnam Airlines trên toàn quốc.
    Từ sân bay Phnompenh (hay còn gọi là sân bay Pochentong) để đi vào trung tâm Phnompenh bạn có thể lựa chọn các phương tiện:
    + Taxi: Tốn khoảng 8 – 10usd
    + Xe ôm: tốn khoảng 5usd
    + Tuktuk: tốn khoảng 6usd

    Đường thủy
    Bạn có thể đến Phnompenh từ Việt Nam bằng đường thủy. Tuyến đường thủy phổ biến hiện nay là Châu Đốc - Phnompenh.

    Read more...

    About

    "Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

    Followers

    © 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

    ® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

    Hotline: 0919.362.333

    Email: info@dulichbui.org