Tháng 10 đi du lịch ở đâu (2010)

Dulichbui's Blog - Với các doanh nghiệp lữ hành, tháng mười được xem là mùa du lịch thấp điểm trong năm khi lượng khách mua tour đi du lịch thường rất ít nhưng với dân du lịch bụi thì dường như khái niệm "mùa du lịch thấp điểm" là không có. Tùng Lâm xin giới thiệu đến các bạn một số điểm đến hấp dẫn trong tháng 10 năm 2010.
1. Hà Nội
Từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010, Hà Nội sẽ tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều chương trình hấp dẫn như: Giới thiệu công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại đường Yên Phụ, Ba Đình (9h, 5/10/2010), Khai mạc triển lãm Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và hiện đại tại làng Bát Tràng, Gia Lâm (14h, 5/10/2010), Liên hoan Nghệ thuật diều - Hà Nội tại Quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình (8h, 6/10/2010), Liên hoan Ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây (20h, 6/10/2010), Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Ngân hàng Nhà nước (20h, 8/10/2010), Đêm hội Văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (20h, 10/10/2010),...


2. Mù Căng Chải (Yên Bái)
Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non,... đó là những ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân lên Mù Căng Chải. Thời gian này là giữa mùa thu cũng là thời điểm mà lúa trên các ruộng bậc bắt đầu chín đều, vàng cả một khung trời...
Ruộng bậc thang Mùa Căng Chải - mùa lúa chín
3. Tri Tôn (An Giang)
Chỉ còn ít ngày nữa, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ sẽ đón mừng lễ hội Đônta (lễ cúng ông bà - Dolta) 2010, một lễ hội văn hóa truyền thống lớn thứ hai trong năm, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Dịp này, Lễ hội đua bò Bảy Núi cũng sẽ được tổ chức tại huyện Tri Tôn vào ngày 5 tháng 10 tại trường đua của chùa Tà Miệt dưới (ấp Tà Miệt, xã Lương Phi).
Đua bò Bảy Núi - An Giang

4. Hàm Tân (Bình Thuận)
Hàng năm, cứ đến ngày 14 - 16/9 âm lịch Hội đền Dinh Thầy sẽ được tổ chức tại Dinh Thầy Thím (Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Hội Dinh Thầy không có cổ tục, trò vui gì, nhưng khách trẩy hội đã vui với lòng thành của mình và đến được Dinh Thầy ai nấy đều tỏ sự hân hoan.
Dinh Thầy Thím, Hàm Tân, Bình Thuận
5. Ninh Thuận, Bình Thuận
Diễn ra từ ngày 06- 07/10/2010 (30/6-1/7 Chăm lịch), Lễ hội Katê (Tết của đồng bào Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận) năm 2010 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian xen giữa những phần lễ truyền thống và được gắn kết một cách hợp lý như: lễ Tống ôn, nghi thức rước y trang nữ thần Pô Sah Inư, giao lưu văn nghệ, hội thi ẩm thực, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm bằng phương pháp thủ công và các trò chơi dân gian, mang đậm sắc thái độc đáo của dân tộc Chăm.
Lễ hội Katê không chỉ là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ đoàn tụ cùng gia đình bạn bè, dòng họ mà còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước về với vùng đất tháp Champa. 

Lễ hội Kate tại Ninh Thuận
Địa điểm:
Tại Bình Thuận: Tháp Pô Sah Inư, TP. Phan Thiết
Tại Ninh Thuận: Trong dịp này, Hội chợ Thương mại – Làng nghề cũng sẽ được diễn ra từ ngày 2/10/2010 đến 8/10/2010.


6. Lào
Trong tháng 10, tại Lào có ba lễ hội lớn được tổ chức là:
Awk Phansao (Awk Watsa): Lễ hội được tổ chức vào cuối mùa mưa vào ngày trăng tròn.
Bun Nam (water festival): Được tổ chức tại các tỉnh, thành phố như Vientiane, Luang Prabang và Savannakhet. Hoạt động chính của lễ hội là Bun Nam boat races (suang heua - lễ hội đua thuyền).
Boat Racing festival: được tổ chức từ ngày 2 - 3/10/2010 tại Vientiane.
Lễ hội đua thuyền tại Vientiane
Read more...

Ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái)

Dulichbui's Blog - Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non, đó là ấn tượng ban đầu khi được đặt chân đến vùng đất thâm sơn cùng cốc của tỉnh Yên Bái: huyện Mù Cang Chải.


Thị trấn Mù Cang Chải nhỏ xinh nằm gọn giữa hai sườn núi, còn khá nghèo với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, cách Hà nội chừng 300km về phía Tây Bắc. Đến Mù Cang Chải duy nhất chỉ có quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ lên Yên Bái, từ Yên Bái đến Mường Lò 70km, ngủ tại đây để sáng sớm mai đi xe từ Mường Lò, xế trưa sẽ đến Mù Căng Chải. Đoạn này dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục. Chừng nào leo đến độ cao 1.750m, sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải! Chặng giữa đèo có một miền đất phẳng, hãy nghỉ chân ở đây để thưởng thức thứ cơm lam nếp Mường ở Tú Lệ dẻo thơm đáo để. Hướng thứ hai từ Lào Cai xuống, cũng là đường đèo, nhưng dốc xuống thoai thoải dễ đi hơn. Đoạn này đi qua Than Uyên, nơi có những cô gái Thái trắng, đẹp như lan rừng.
Gần huyện lỵ mới bắt đầu thấy nhiều ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, ngút ngàn lên tận lưng chừng trời. Lên Mù Cang Chải, du khách đều phải ngạc nhiên vì giữa vùng núi cao hiểm trở lại có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đến mê lòng, mà chủ nhân của nó không ai khác chính là bà con người Mông chăm chỉ và hồn hậu. Người Mông (còn gọi là người Mèo) ở đây chiếm gần 90% dân số, 8% là người Thái, người Kinh chỉ có 2%. Người Kinh ở đây một nửa là cán bộ nhân viên, một nửa là dân buôn bán nằm ở huyện lỵ. Người Thái lập bản ở vùng đồi thấp, làm lúa nước ở thung lũng. Còn lại mênh mông núi rừng hiểm trở là phần của người Mông. Họ giỏi vượt đèo trèo núi đã biến núi đồi vùng cao này trở thành ngút ngàn ruộng bậc thang. Những thửa ruộng cứ từng cấp, từng cấp ôm theo triền núi đồi. Khắp 13 xã, thị trấn của Mù Cang Chải chỗ nào cũng có ruộng bậc thang. Du khách có thể chụp ảnh, ngắm cảnh ở quãng đường 7km qua thị trấn huyện. Tuy nhiên, muốn thật sự được chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng tráng và thiên đường ruộng bậc thang thì chỉ có một cách duy nhất là phải lội bộ từ vài giờ đến... vài ngày bằng những con đường mòn băng qua các hẻm núi.


Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Di tích cấp Quốc gia cho danh thắng ruộng bậc thang thuộc ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình theo quyết định số 10/QĐ – BVTTDL ngày 17/10/2007.
Đầu xuân, những thửa ruộng bậc thang được chăm chút bao đời của người Mông đã bắt đầu mướt xanh trên các cánh đồng. Người ta đã cắt lúa để làm cốm. Không ngờ ở trên vùng đất này cũng có những hạt ngọc xanh mướt như dưới xuôi. Tuy hạt cốm không dẻo bằng cốm làng Vòng nhưng vẫn thật hấp dẫn hương vị vào thu thơm dẻo. Cái nắng chiều đã nhạt bớt và không khí ngát thơm hương lúa ngậm sữa.
Mùa gặt ở Mù Căng Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, hương đất, hương ngàn hòa với thứ thanh khí vô nhiễm của vùng cao, làm dịu vợi lữ khách miền xuôi.
Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất toàn Mù Cang Chải, chẳng ai có thể đi qua ngay mà không dừng lại ngắm nhìn những kiệt tác của người H’Mông đang rực rỡ chờ ngày thu hoạch. Những cô cậu bé chăn trâu sát đường quốc lộ hồn nhiên đùa nghịch bên những hàng rào. Xa xa, vài chiếc lán được dựng để canh lúa. Người Mông sống trên cao, họ chỉ xuống để trồng lúa rồi lại lên tít trên cao ở. Thật không thể ngờ, mảnh đất Yên bái với những tầng đất dễ dàng sụt lở lại có những ruộng bậc thang vững chắc và tuyệt đẹp đến thế.
Trên những độ cao khoảng 2000m - nơi máy móc và có khi cả trâu bò không lên được; bằng những nông cụ thô sơ như dao, cuốc... bà con người Mông cứ cần cù tạo nên những khoanh ruộng có khi chỉ vài mét vuông. Cũng không thể không nói tới điều kiện tự nhiên của Mù Cang Chải. Nơi đây không có cánh đồng lòng chảo nên bà con từ hàng ngàn năm vẫn bám lấy đồi, rừng, núi để sống. Và be bờ, tạo ruộng trên những triền núi để trồng lúa nước là cách thức đem lại năng suất cao nhất. Cứ thế qua bao đời ruộng nối ruộng, từ đỉnh núi xuống tận chân núi, rất có thể đã vô tình tạo nên những bậc thang kì vĩ ngày nay.
Càng lên cao du khách càng thấy thú vị bởi Mù Cang Chải không chỉ đẹp trong màu xanh của núi rừng, màu vàng của đất, của lúa mà trên mảnh đất này ta còn thấy cái đẹp trong tâm hồn người Mông, trong sự mến khách của đồng bào. Tới đây, dù vào những ngày giá lạnh đến mấy thì cái nồng ấm của tình người cũng xua đi được cái lạnh giá đặc trưng của miền sơn cước.
Những năm gần đây, địa danh Mù Cang Chải đã trở nên gần gũi và nổi tiếng hơn với khách du lịch "bụi" trong và ngoài nước. Các "Tây ba lô" và các nhà nhiếp ảnh từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Kiều từ nước ngoài về nước, thường lặn lội lên Yên Bái chỉ để ngắm ruộng bậc thang, hít thở không khí trong lành, ghi lại những hình ảnh đẹp, hoành tráng. Tháng 10 là tháng đẹp nhất ở Mù Căng Chải và cũng là tháng thu hút khách du lịch nhiều nhất.Cả huyện Mù Cang Chải có 2.200 hécta ruộng bậc thang, trong đó tính cả ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thì diện tích ruộng bậc thang là 500 hécta và được giữ gìn nguyên vẹn.
Năm trăm hécta ruộng này chính là di tích, là di sản của người Mông được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những danh thắng độc đáo vào bậc nhất của đất nước Việt Nam và cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia vào ngày 18/10/2007. Và ruộng bậc thang, vốn gắn bó với người Mông đời đời kiếp kiếp, cũng là hình ảnh gắn với cuộc sống định cư của họ bởi chỉ người Mông mới trồng lúa trên làn đáy (nghĩa là bậc thang). Dưới bàn tay cần cù trải qua hàng chục năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ ẩn chứa nhiều thông số về giá trị lịch sử, văn hoá mà còn phản ánh một phương thức canh tác độc đáo của tộc người đã biến tên Mù Cang Chải (tức làng cây khô) thành đồi ruộng mùa màng tươi xanh sức sống cứ từng bậc, từng bậc vươn cao lên tận bầu trời.
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org