Cá lóc nướng trui

Dulichbui's Blog - Lưu dân vùng sông nước hàng ngày phải cặm cụi với công việc đồng áng, phát cỏ, trồng cây, làm đồng, không nòi niêu, bắt cá lên khỏi ruộng chỉ có nướng là dễ nhất, cá nướng trui chắc chắn ra đời trong hoàn cảnh ấy và món ăn này đã chinh phục khẩu vị từ thứ dân có đến hàng quí tộc.

Nướng trui không bao giờ để cá lên vĩ, bên dưới hừng hực than hồng, như nướng những thức ăn khác mà phải nướng lửa. Ngọn lửa rơm, nếu làm khác đi, miếng cá sẽ mất thơm, không còn hương vị cá nướng trui.

Chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt. Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẫy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên sau khi ngọn lửa vừa tàn chừng ấy người ta nhổ dần từng con cá cháy đem đặt vào dĩa, một tay giữ đầu cá, tay kia cằm đủa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống tận đuôi, tách đôi, trải ra, thịt cá trắng bóng, thơm lừng, nguyên bộ lòng cá được kéo ra, cho ngay vào tô nước mắm tỏi ớt dằm me chín, bên trong rổ rau tươi nhiều chủng loại, trước khi xẻ cá, dùng đôi đủa gạt nhẹ khắp mình con cá, những vẩy cháy rơi đi, còn lại làn da vàng lấm tấm đen và mùi thơm “không chịu nổi”.
Việc nướng cá nghe thì tưởng dễ nhưng nếu không phải là tay thành thạo thì nướng sẽ không được ngon! Người nướng cá phải tính trước lượng cá nhiều hay ít, cá lớn, nhỏ cở nào và còn xem thời tiết, gió lớn hay nhẹ, thổi từ hướng nào, trời ui ui hay nắng gắt để liệu tính hướng phủ rơm, lượng rơm đủ chín cá và ngọn lửa không tạt ra ngoài. Cái giỏi của người có tay nghề là rơm phủ chỉ có một lần. Rơm cháy vừa hết thì cá cùng vừa chín đến nơi. Qúa chín thì cá hết ngọt, chưa chín tới cá nhão có mùi tanh, chất nhiều rơm cá khét, rơm thiếu cá sống khúc đầu, đốt thêm lửa, khúc giữa và khúc đuôi khô nước mất ngon.
Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm, các loại để lên bánh tráng, gắp miếng cá đặt giữa lớp rau xanh cuốn lại thành cuộn tròn chấm nước mắm. Nước mắm thường thì là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me.
Rau, trước nhất không thể thiếu rau dấp cá kế đến húng cây, húng lũi, dưa leo, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, đặc biệt các loại đọt non như đọt điều, đọt xoài, đọt cóc kèn ….
Miếng cá vừa thơm vừa ngọt, ăn cho đến da cá thì còn phải tốn thêm vài xị rượu đế làng quê, miếng da vừa giòn vừa thơm nếu bỏ đi là người chưa biết thưởng thức “cá lóc nướng trui”. Không phải lúc nào “Đệ nhất nướng trui” cũng được trang trọng giữa bàn tiệc trong nhà, đôi khi “cá lóc nướng trui” cũng bày ra ngay trên bờ đê giữa ruộng lúa vừa gặt xong. Vậy mà người thích “cá lóc nướng trui” lại khó quên kiểu ăn dân dã ấy, bởi vì nướng hơn chiên ở chỗ giữ được mùi thơm riêng biệt đáp ứng khẩu phần hạn chế dầu mỡ.

Theo website Vĩnh Long
Ảnh: Internet
Read more...

Chuột đồng

Dulichbui's Blog - Các món ăn chế biến từ “gà đồng” khá đa dạng: xào lăn, xào lá cách, kho hoặc xào rau răm, khìa nước dừa, chiên, nấu chua... Nhưng có lẽ món chuột gắp nướng hấp dẫn hơn cả vì giữ được vị ngọt thịt tươi và mùi thơm đặc trưng không hề lẫn lộn với bất kỳ loại thực phẩm nào...

Cách chế biến món chuột nướng cũng đơn giản và nhanh, nên có thể gọi nó là "fast food đồng quê" cho những người sành điệu “chuột đồng 7 món”!

Hằng năm, từ tháng 10 đến sa mưa (tháng 3 âm lịch) là mùa chuột đồng kiếm được nguồn thức ăn dồi dào nhất nên con nào cũng ú tròn, lông mượt vàng - cũng là mùa dân ruộng săn chuột đồng. Tháng chạp vào thu hoạch lúa mùa thường niên, dân gặt dùng cách cắt lúa xoay cù, rồi bao lưới dí bắt chuột. Khi đồng khô, dẫn chó đi đào hang săn bắt. Những đêm trăng sáng, trai tráng trong xóm rủ nhau ra bưng, lung, đìa (nơi có nhiều cỏ rậm rạp) giậm cù, đặt xà di bắt chuột. Thời bây giờ, khi đồng ruộng tăng vụ sản xuất, ngoài cách đơn giản là làm rập đất, rập lồng để bẫy chuột, người ta còn chế ra cách chất chà, đấp ụ đất để nhử bắt chuột...

Chuột chọn nướng phải còn sống, mập (nhiều mỡ). Sau khi giết, người ta phủ rơm lên thui lông chuột (rơm vừa đủ thui trụi lông và phải là rơm khô, thịt mới giữ mùi); sau đó cời than ra và cắt đầu, lột da, bóc bỏ bộ lòng (chỉ chừa gan). Móc bỏ bộ phận bài tiết và hạch ở bẹn của hai đùi sau và rửa sạch (phải làm thật kỹ, nếu không thịt sẽ khai và hôi mùi chuột). Dùng tre hoặc trúc chẻ que làm gắp nướng. Dưới sức nóng của than củi, thớ thịt chuột sẽ tươm mỡ, cháy xèo xèo. Bạn không cần ướp gia vị nhưng mùi thơm của nó có thể lan xa... khắp xóm!



Muốn ăn chuột nướng, bạn nhất thiết phải có rau răm (nó xoá mùi tanh, làm đậm mùi thơm của thịt). Bạn có thể thêm chuối chát, khế và các loại rau mùi khác. Tuy nhiên, không thể thiếu xoài sống: xoài cắt lát để ăn kèm với thịt. Bằm nhuyễn một ít xoài cho vào nước mắm trong loại ngon, thêm một chút ớt cay để làm nước chấm. Tất cả tạo cho miếng ăn có vị ngòn ngọt của sữa lúa non, vị beo béo của củ năn, giòn thơm như nếp rang và mùi... như của tất cả thiên nhiên đồng nội đã được kết tinh hoà quyện. Một khẩu vị ngon kỳ lạ đến mức khó quên!

Mùa khô ở miền Tây oi nồng, nhưng sau cuộc đi săn, vào núp dưới bóng râm, dân ruộng thường khoái thưởng thức ngay món chuột nướng. Củi rơm sẵn, rau, trái sẵn trong bờ ruộng, mương vườn, món "fast food gà đồng" sẽ làm họ quên nhanh cảm giác nhọc nhằn. Với dân biết nhậu thì không thể thiếu một chút men cay khi bày ra món này.

Món điền dã là vậy, hiện nay, mấy tay đầu bếp thấy món tuyệt hảo này hấp dẫn khách nên làm nhiều món bán trong nhà hàng, nào thịt chuột khìa nước dừa, chuột chiên xốt me... Nhưng đã thưởng thức món chuột thì nên làm một chuyến điền dã cùng người anh em miệt đồng, bạn mới có thể cảm nhận được cái thú khi vào mùa săn chuột, thưởng thức trọn vẹn vị ngon miệt đồng.

Sưu tầm

Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org