Chùm ảnh du lịch bụi Phú Yên

Dulichbui's Blog - Người ta nói Phú Yên là mảnh đất trù phú và yên bình. Nơi đây được ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có núi, đồng bằng, sông, hồ, đầm, vịnh, đảo,... Tất cả đều nên thơ, hùng vĩ và độc đáo. Một số danh thắng tiêu biểu tại Phú Yên có thể kể đến: Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn- mũi Điện,... 
Chùm ảnh một số điểm tham quan du lịch tại Phú Yên do bạn Minh Dự gửi cho Dulichbui.org
Cành đồng Tuy Hòa - Phú Yên - Ảnh: Minh Dự
Bãi Bàng, Ghềnh Đá Dĩa - Ảnh: Minh Dự
Mũi Điện - Ảnh: Minh Dự
Một góc Vũng Rô - Ảnh: Minh Dự
Đập Đồng Cam - Ảnh: Minh Dự
Nhà thờ Mằng Lăng - Ảnh: Minh Dự
Ảnh: Minh Dự

Read more...

Về Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh, Phú Yên)

Dulichbui's Blog - Có lẽ địa danh Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) đã quá quen thuộc với những người con xứ Nẫu và những người yêu thích du lịch cả nước.
Quãng đường khoảng 35km từ trung tâm thành phố Tuy Hòa cũng không thể gọi là xa, nhưng với một số người, họ có thể e ngại khi trời hè “nắng cháy da đầu” như thế này. Và đó thật sự là một cảm giác khác biệt khi bước lên xe và đặt chân xuống nơi đây. Xa rời cái nắng khô khan của thành phố, bên bạn sẽ là những cơn gió biển mát mẻ, làn nước trong xanh quyến rũ, trải nghiệm khi đặt chân lên ngọn hải đăng sừng sững để trải tầm mắt hay là người đã chinh phục điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam và sự thân thiện từ ngôi nhà mà chúng ta gửi xe đến những người lính giữ hải đăng luôn vui vẻ, nhiệt tình.
Biển trời thơ mộng trên cung đường đến Mũi Điện
Biển trời thơ mộng trên cung đường đến Mũi Điện - Ảnh: Minh Dự
Để đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) từ thành phố Tuy Hòa, chúng ta có 2 tuyến đường để đi. Thứ nhất là đoạn đường theo Quốc lộ 1A, lên Đèo Cả, sau đó quẹo trái theo đường vào cảng Vũng Rô, đi qua khu dân cư, rồi theo đường lớn đi đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) hoặc nếu bạn du lịch từ các tỉnh từ hướng Nam đi ra thì trên Đèo Cả, đi theo bảng chỉ dẫn vào cảng, khoảng cách từ Đèo Cả đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) khoảng 10km. Tuyến thứ hai là tuyến con đường ven biển, Phước Tân – Bãi Ngà. Ở cung đường này, xe 29 chỗ trở xuống có thể đi được. Hiện nay tỉnh đang xây dựng tuyến lớn cho xe chở khách lớn hơn, vì đây là một trong những cung đường du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là tuyến mình khuyên các bạn nên đi, vì khoảng cách tương đương với tuyến thứ nhất nhưng cảm giác đi an toàn hơn (không có nhiều xe lớn như khi đi Quốc lộ), đặt biệt là cung đường này có khá nhiều cảnh đẹp, vừa đi đường bạn vừa ngắm cảnh. Khi xây cung đường này, bên thiết kế đã tạo những điểm dừng chân và ứng với đó là khung cảnh thiên nhiên khá tuyệt, bạn có thể dừng lại bên đường lưu lại những tấm ảnh về thiên nhiên tươi đẹp.

Cung đường này có chất lượng khá tốt, giúp bạn đến nơi với cảm giác thoải mái chứ không uể oải vì bị dằn, xóc. Và khi nhìn thấy ngọn hải đăng xa xa, đứng như thách thức gió biển quanh năm, bạn đang tiến gần đến đích. Từ đường chính, có một con đường đi xuống, bạn hãy theo lối đó để tiến vào nơi bạn gửi xe. Ở đây cũng là nơi các bạn có thể nhờ chú Trần Minh Thái, người dân quen gọi là chú Mười, là chủ ngôi nhà duy nhất tại khu vực Mũi Điện, làm cơm để sau khi tham quan hải đăng hoặc vui đùa với làn nước biển trong xanh, bạn có thể có bữa cơm ngon miệng với giá rất phải chăng. Ngôi nhà nhỏ của chú thím luôn ấm cúng với sự thân thiện, nhiệt tình. Nếu bạn là người lần đầu tiên đặt chân đến Mũi Điện, chú Mười sẽ hướng dẫn bạn rất chi tiết để bạn có thể tận hưởng cảm giác thú vị với cảnh quan nơi đây. Hay bạn muốn có những món ăn đặc sản vùng biển như cua huỳnh đế, mực nướng,… hay đi với nhóm đông người, hãy liên lạc trước với chú với số điện thoại 0983.187.381, bạn sẽ ngạc nhiên và bị mê hoặc bởi đặc sản nơi đây. Hoặc để đúng nghĩa là một buổi dã ngoại, bạn hãy tiến về phía Bãi Môn, chọn những nơi gần các tảng đá lớn để dựng trại. Những tảng đá lớn này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi mặt trời lên cao. Điều quan trọng là bạn hãy mang thật nhiều nước, nó sẽ giúp ích cho bạn và cả nhóm rất nhiều đấy!

Chinh phục điểm cực Đông!
Hiện nay, con đường lên hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) đã được hoàn thành nên lên hải đăng trở nên dễ dàng hơn. Phí vào tham quan hiện giờ là 10.000đ/người.

Một góc của khu nhà của những người lính và ngọn hải đăng
Một góc của khu nhà của những người lính và ngọn hải đăng - Ảnh: Minh Dự
Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về ngọn hải đăng khi nhờ những người lính ở đây giới thiệu, hoặc tự do lên hải đăng và khám phá những cảnh đẹp nhìn từ trên cao.

Bãi Môn nhìn từ hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh)
Bãi Môn nhìn từ hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) - Ảnh: Minh Dự
Đến Mũi Điện mà chưa hòa mình vào làn nước trong xanh, mát lạnh tại Bãi Môn quả là một điều thiếu sót. Bãi cát mịn trải dài, nước biển khá nông, bờ lại thoải dần. Quả thật là một bãi tắm lí tưởng! Bạn lo ngại về việc tắm biển xong thì sẽ hơi khó chịu bởi nước mặn, thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây có một dòng suối chảy thẳng ra biển. Và bạn có thể tắm sơ lại nước ngọt trên con suối này.

Từ vị trí đứng từ ngọn hải đăng, bạn đã có thể thấy được điểm đánh dấu mốc điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam

Con đường từ ngọn hải đăng đi xuống điểm đánh dấu hơi khó đi vì những tảng đá lớn, cứng. Đây là lối mòn do nhiều người đi trước tạo nên, nhưng có lẽ vì thế cũng tạo người tham quan có cảm giác như mình đang đi chinh phục, vì họ cũng phải cúi thấp người, leo lên rồi đi xuống.


Đây cũng là địa điểm câu cá lí tưởng của những người yêu thích vào dịp cuối tuần - Ảnh: Minh Dự
Và khi đến nơi, hãy vào những chòi nghỉ mát, tận hưởng những làn gió mát đang thổi qua người. Có lẽ nhiều người nhìn lại quãng đường đã đi và thầm khâm phục mình vì đã vượt qua đoạn đường khó kia. Vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nói chuyện thư giãn với bạn bè, nhấp một ít nước cho đỡ cơn khát, bạn sẽ lấy lại sức nhanh chóng và sẵn sàng cho mọi người biết rằng: “ Tôi đã đến điểm cực Đông trên đất liền nước Việt rồi!”.
Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại nơi đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền - Ảnh: Minh Dự
Tự hào lắm chứ khi là những người đã đặt chân đến điểm cực Đông trên dải đất hình chữ S thân thương. Nếu có cơ hội, bạn hãy liên hệ với các người lính giữ ngọn đèn biển để được trải nghiệm cảm giác qua đêm tại miền đất biển (giá là 80.000đ/người), thấy “mắt biển” chiếu về phía xa hướng dẫn cho tàu bè, nghe gió và sóng biển rì rào. Và hãy nhớ là đặt báo thức để dậy sớm! Có lẽ bạn không muốn bỏ lỡ những ánh bình minh đầu tiên của đất nước Việt đâu! Khi ngoài biển khơi đã xuất hiện đường chân trời phân chia hai nửa: nửa dưới là màu xanh thẫm của biển và sắc đỏ của Mặt Trời. Quang cảnh thật tuyệt vời! Sắc đỏ càng lúc càng lên cao, tỏa rộng, chủ nhân của ánh sáng ấy xuất hiện. 1/10, 2/5, 1/2, …và rồi, thật tròn, Mặt Trời tỏa ánh nắng của mình đi khắp nơi. Một đường lấp lánh ánh bạc nối từ đường chân trời đến những vách đá quanh năm sóng vỗ. Đứng trước cảnh thiên nhiên như thế, chúng ta càng cảm thấy tự hào hơn về nơi chúng ta đang đứng, không chỉ là nơi đón ánh nắng sớm nhất của nước Việt mà còn là cả Đông Dương và Đông Nam Á lục địa.Và yêu sao đất nước Việt Nam với những cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ!
Chinh phục ngọn hải đăng, điểm cực Đông, thỏa sức vẫy vùng trong làn nước biển tai Bãi Môn, cùng có những giây phút đáng nhớ với bạn bè,... Có lẽ với một số bạn như vậy là đủ, có thể lên đường về lại thành phố Tuy Hòa để nghỉ ngơi, nhưng thay vì đi về lại đường cũ, bạn hãy tiếp tục đi tiếp trên con đường lớn để đến với Vũng Rô, địa danh nổi tiếng với chiến tích Tàu không số và cảnh đẹp khi nhìn ngắm vịnh.
Một góc Vũng Rô - Ảnh: Minh Dự
Tranh thủ được thời gian, các bạn có thể tham quan nơi tưởng niệm về những chiến tích của những conTàu không số, được nghe kể và khâm phục tinh thần của các bậc cha anh ngày xưa đã không tiếc thân mình góp phần giải phóng đất nước.
Đi theo con đường hướng về cảng Vũng Rô, bạn sẽ thấy được đường giao cắt để đi lên lại Quốc lộ 1A, nằm trên Đèo Cả, ngược về hướng Bắc để trở về thành phố Tuy Hòa. Trên đoạn đường này, màu biển xanh mát sẽ được thay thế bằng màu xanh của cỏ cây, đồi núi, màu xanh của mạ non mới được gieo trên các cánh đồng trải dài sẽ giúp bạn thư thái trên quãng đường trở về.
Một ngày trôi qua với nhiều cảm giác thú vị, hòa mình vào thiên nhiên, sự thỏa mãn khi chinh phục tầm cao của ngọn hải đăng hay xa một chút là cột đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền, hiểu thêm về lịch sử về vùng đất anh hùng hay những khoảnh khắc khó quên với người thân, bạn bè,… Đó sẽ là một ngày nghỉ đáng nhớ với bạn và mọi người và giúp bạn có tinh thần cho những ngày hoạt động sắp tới để khám phá, chinh phục những mục tiêu mới!

Bài, ảnh: MINH DỰ
(Bài viết của bạn Dự gửi cho dulichbui.org)

Read more...

Thạch Bi Sơn và sự thật lịch sử Nam Tiến của vua Lê Thánh Tông (1470)

Dulichbui's Blog - Thạch Bi Sơn còn gọi là Đá Bia, dân gian tương truyền là Núi Ông, thuộc dãy Đại Lãnh, cao 706m, nay thuộc địa phận xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên. Trong tiến trình mở đất về phương Nam, núi Thạch Bi Sơn có một dấu ấn lịch sử rất lớn, từng đóng vai trò phân ranh giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành.

Sự kiện lịch sử đầu tiên và cũng gây nhiều tranh luận là cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông vào năm 1470, nhiều tác phẩm biên khảo cho rằng vào năm 1471 vị vua trẻ tài ba Lê Thánh Tông tiến quân đến tận chân núi Đèo Cả (Phú Yên) và sai lính khắc bia để làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tuy nhiên gần đây nhiều nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học, dân tộc học và bia ký học khảo cứu lại sự kiện trên, bước đầu xác minh về sự thật sự kiện vua Lê Thánh Tông cho người khắc bia trên dãy núi Đèo Cả, địa giới nước Đại Việt cùng những ý đồ của vua Lê Thánh Tông. Bài viết góp phần phục dựng lại toàn bộ sự thật sự kiện trên, cùng với đó là minh chứng cho tầm quan trọng của việc vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội liên ngành (dân tộc học, bia ký học, khảo cổ học, dân số học, sinh thái học,...) trong nghiên cứu sử học địa phương.


Các bộ chính sử ghi chép về sự kiện vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1470 có Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) của Ngô Sĩ Liên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) của Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (Thống chí), Phủ biên tạp lục (Tạp lục) của Lê Quý Đôn và nhiều bộ sử khác như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt sử xứ Đàng trong của Phan Khoang; bên cạnh đó có nhiều khảo cứu về Phú Yên có đề cập đến sự kiện này như Người chứng thứ nhất của Phạm Đình Khiêm, Non nước Phú Yên của Nguyễn Đình Tư, Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên của Nguyễn Đình Chúc... Dưới đây, chúng tôi trích dẫn diễn biến sự kiện trên ở một số tác phẩm như sau:

Sách Toàn thư thuật lại toàn bộ diễn biến của sự kiện năm 1470 như sau: Tháng 8 (Canh Dần 1470) quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà thân hành đem hơn 10 vạn quân thủy bộ cùng voi ngựa đánh úp Châu Hóa. Tướng trấn giữ biên thùy Châu Hóa là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dần vào thành rồi cho chạy thư báo cấp... Ngày Canh Thìn mồng 6 tháng này lệnh sai Chinh lỗ tướng quân Lâm quận công Đinh Liệt, phó tướng Kỳ quận công Lê Niệm đem 10 vạn thủy quân đi trước... Ngày mùng 6 (tháng 11) vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành... Vua bèn gọi 26 vạn tinh binh, xuống chiếu thân chinh... Ngày 18 thủy quân vào đến đất Chiêm Thành... Ngày mồng 7 (tháng 2) vua tự mình dẫn hơn 1.000 chiếc thuyền, hơn 70 vạn tinh binh ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa dựng cờ thiên tử, đánh trống hò reo mà tiến... Ngày 27, vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém hơn 100 thủ cấp... Ngày 28, vua tiến vây đến sát thành Chà Bàn... Ngày mồng 1 tháng 3 hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người, chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống Trà Toàn rồi đem quân về... Tháng 6, lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa. Đặt chức án sát sứ ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty ở Quảng Nam (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.467-479).

Sách Cương mục ngoài việc ghi chép lại diễn tiến cuộc hành quân của vua Lê Thánh Tông, sách này còn ghi tiếp: Vệ quân Thuận Hóa bắt sống Trà Toàn dẫn lên trước mặt vua, nhà vua ban chỉ dụ hỏi han yên ủi, sai dẫn ra ngoài ti trấn điện. Bèn hạ chiếu đem quân về... Tháng 6, đặt đạo Quảng Nam. Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lĩnh 3 phủ, 9 huyện, đặt 3 ty: Đô ty, Thừa Ty, Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hóa gồm 5 cơ sở. (Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, 1998, tập I, tr.1009-1103).

Tiếp theo sách Tạp lục cũng dẫn việc Lê Thánh Tông tiến đánh Chiêm Thành giống như hai bộ sử trên, nhưng Lê Quý Đôn dẫn thêm sách Thiên Nam dư hạ tập nói về cương vực của nước ta dưới triều Hồng Đức cụ thể hơn, theo đó địa giới của Đại Việt tới đèo Cù Mông. (Lê Quý Đôn, 1964, tr.32-34).

Sách Thống chí nói về diên cách Phú Yên: “Đời Đường đổi làm Châu Lâm, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ, tức là đất Ba Đài và Đà Lãng. Nước ta, Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm lấy đất này đặt làm huyện Tuy Viễn, lấy núi Thạch Bi Sơn làm giới hạn, nhưng từ Cù Mông về Nam còn thuộc người Man, người Lào”. (Đại Nam nhất thống chí, 1971, tập III, tr.60-61).

Thông qua bốn bộ chính sử trên không thấy nhắc đến việc vua Lê Thánh Tông sai người khắc bia trên đỉnh núi Đèo Cả vào năm 1471, chỉ ghi sau khi vua đuổi tàn quân Chiêm vào tận chân đèo Cả rồi rút về lấy địa giới đèo Cù Mông làm phân ranh giữa Chiêm Thành và Đại Việt, còn vùng đất Phú Yên vẫn thuộc người Man, người Lào, cụ thể là thuộc hai vương quốc Hoa Anh và Nam Bàn. Sách Toàn thư viết đại ý như sau: “Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bồ Trì Trì chạy đến Phiên Lung, chiếm lấy đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm ba nước để dễ ràng buộc” (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.477). Nước Nam Bàn ở đây theo sách Cương mục cho biết là đất của Thủy Xá, Hỏa xá, nay thuộc vùng Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc; nước Hoa Anh thì theo ý kiến của Đào Duy Anh, Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn là thuộc vùng đất tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay.

Nếu như sử liệu nói chính xác hơn về địa bàn nước Hoa Anh, cũng như việc đối chiếu bia ký, bản đồ rõ hơn thì chúng ta có thể xác định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành năm 1471. Tuy nhiên càng về sau xuất hiện những tác phẩm biên khảo đi ngược lại với các bộ chính sử trên, khẳng định vua Lê Thánh Tông có sai người khắc bia đá trên đỉnh núi Đèo Cả và cho rằng địa giới của Đại Việt vào thế kỷ XV đã đến Phú Yên. Cơ sở mà các tác phẩm biên khảo đưa ra là dựa vào việc thu thập những tư liệu điền dã ở địa phương và những truyền thuyết dân gian, tiêu biểu: Địa dư chí của Lê Quang Định, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang, Theo dấu hai bà Ngọc Liên, Ngọc Đỉnh, đăng trên Văn hóa nguyệt san của Phạm Đình Khiêm...

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định nói đại ý như sau: Đến niên hiệu Quang Thuận, Lê Thánh Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, lấy đến phía bắc núi Thạch Bi, rồi đặt thành quận huyện, dời dân ngoài Bắc vào lập nghiệp, từ núi Thạch Bi trở vào Nam vẫn là đất của Chiêm Thành và Chân Lạp. (Lê Quang Định, 2005, tr.11).


Thận trọng hơn tác giả Nguyễn Văn Siêu dẫn lại toàn bộ sự kiện trong sách của Lê Quý Đôn về Lê Quang Định, sau đó đưa ra lời nhận định của mình: Nay xét trong Lê sử: ngày 1 tháng 3 năm thứ 2 niên hiệu Hồng Đức chỉ đến huyện Tuy Viễn, dãy núi Cù Mông trở về nam vẫn còn đất Chiêm Thành. Những lời tục truyền tưởng không phải là thực. Ngày nay đi qua núi Đại Lãnh, xa trông núi ấy sắc núi hơi trắng. (Nguyễn Văn Siêu, 1960, tr.132).

Sách Việt Nam văn hóa sử cương, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh cũng thuật lại chuyện vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, sau đó tác giả nói thêm là người Việt Nam đã tạo thế lực mở mang quốc cảnh đến tận phía Nam tỉnh Phú Yên.

Trong tác phẩm Việt sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang đã dẫn lời tuyên truyền của dân gian là vua Lê Thánh Tông có sai người đục đá khắc bia trên núi Thạch Bi. Tác giả còn dẫn nội dung của văn bia: “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong, An Nam quá thử, tướng tru binh chiết”, nghĩa là: Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất, An Nam qua đây, tướng chết, quân tan. (Phan Khoang, 2001, tr.88). Nhưng tác giả Phan Khoang không đồng tình với truyền thuyết trên mà cho rằng vua Lê Thánh Tông có cho tướng tá đi vào đến hết địa phận Phú Yên ngày nay, rồi nhân đó đục đá làm bia, chứ vua không đến đó. Tác giả kết luận: Dầu sao, sau cuộc chiến thắng này, uy quyền của vua Đại Việt cũng đến phủ Hoài Nhân, tức tỉnh Bình Định ngày nay mà thôi, chứ chưa vào đến núi Thạch Bi, đất đai bên bia Cù Mông chưa thuộc bản đồ nước ta.

Về sau Nguyễn Đình Tư trong tác phẩm Non nước Phú Yên cũng nhắc đến cuộc tiến binh năm 1470 của vua Lê Thánh Tông, tác giả viết như sau: Ngài ra lệnh cho khắc bia trên núi Đá Bia rồi ra lệnh ban sư. Khi quân ta rút về rồi, chính quyền ta chỉ thi hành đến huyện Tuy Viễn thuộc tỉnh Bình Định mà thôi, người Chiêm Thành lại tràn qua Đèo Cả chiếm cứ Phú Yên. Qua tác phẩm này, tác giả Nguyễn Đình Tư khẳng định việc vua Lê Thánh Tông có cho người khắc bia, nhưng việc quản lý về cương giới của người Việt chưa tới Đèo Cả.

Về mặt sử liệu và quan điểm có nhiều mâu thuẫn, thậm chí trái ngược nhau, có quan điểm cho rằng vua Lê Thánh Tông không đến đất Phú Yên và cũng không cho khắc bia; có quan điểm cho rằng vua Lê Thánh Tông không đi đến đất Phú Yên mà chỉ sai một toán quân vào đến tận Đèo Cả và không biết có khắc bia hay không; ý kiến thứ ba lại cho rằng vua Lê Thánh Tông đã đến đất Phú Yên và có khắc bia trên núi Thạch Bi. Các ý kiến trên đây hoặc chỉ thiên lệch về một nguồn sử liệu, hoặc chịu ảnh hưởng của những nhân tố chính trị; mặt khác cũng do nhiều hạn chế về mặt phương pháp và sự hỗ trợ của những cứ liệu liên ngành (khảo cổ học, bia ký học, sinh thái học…). Ngày nay, vượt qua những khuôn khổ áp đặt về tư tưởng và có sự hỗ trợ của nhiều cứ liệu đáng tin cậy từ nhiều ngành để giải thích và minh chứng cho sự kiện gây nhiều tranh cãi trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Loại ý kiến thứ nhất và thứ ba cùng nghiêng hẳn về một nguồn tư liệu, võ đoán chủ quan khi nghiên cứu vấn đề trên. Ý kiến thứ nhất thì dựa hẳn vào các bộ chính sử như Toàn thư, Cương mục, Thống chí, Tạp lục, cho rằng vua Lê Thánh Tông tiến quân tới chân đèo Cù Mông, giết được vua Chiêm Thành là Trà Toàn, lấy đất ấy lập ra Thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh 3 phủ, 9 huyện: phủ Thăng Hoa có 3 huyện là Lê Giang, Hà Đông và Hà Giang; còn phủ Tứ Nghĩa gồm 3 huyện Bình Sơn, Mộ Hoa, Nghĩa Giang; phủ Hoài Nhân có 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn (nay thuộc Tuy Phước, Bình Định). Ý kiến thứ ba chịu ảnh hướng các nhân tố chính trị và sự lệ thuộc vào các nguồn tư liệu dân gian còn lưu giữa ở vùng đất Phú Yên. Những người theo quan điểm này cho rằng vua Lê Thánh Tông thân chinh tới tận núi Đá Bia, cho người khắc bia làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành, thậm chí có người cho rằng ranh giới Đại Việt đến tận vùng Hòa Thuận (Phan Rang).

Điểm hạn chế của hai ý kiến trên chưa giải thích được một số sự kiện lịch sử, ví dụ như tại sao vua Lê Thánh Tông phong vương cho hai nước Nam Bàn và Hoa Anh, cơ sở và lý do nào nhà vua làm vậy, chẳng lẽ tự nhiên nhà vua lại đi phong vương cho vùng đất mà mình chưa hoàn toàn thông hiểu, chí ít là qua tướng lĩnh của mình, bên cạnh đó chưa làm rõ được địa bàn của nước Hoa Anh. Thiết nghĩ, nghiên cứu vấn đề trên phải kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác nhau, đồng thời kết hợp so sánh đối chiếu các nguồn tư liệu của Việt Nam theo phương pháp lịch đại cũng như đối chiếu với nguồn sử liệu của dân tộc Chăm. Theo chúng tôi, làm rõ vấn đề trên cần dựa vào những cơ sở lập luận sau:

Nhân sự kiện quân Chiêm Thành quấy nhiễu vùng Cổ Lũy, Đại Chiêm, vua Lê Thánh Tông một mặt ban chiếu đánh dẹp quân Chiêm, mặt khác thể hiện sức mạnh của Đại Việt trước các nước lân bang Đông Nam Á. Khi tiến quân đến vùng Thuận Hóa, vua ngầm sai thổ tù Nguyễn Vũ lén vẽ hình thể của Chiêm Thành để dễ tiến quân. (Đại Việt sử ký toàn thư, 2005, tập II, tr.474). Về sau Trần Trọng Kim dẫn lại sự kiện này trong sách Việt Nam sử lược và nói rõ hơn: Khi quân vào đến Thuận Hóa, Thánh Tông đóng quân lại để luyện tập và sai người lẻn sang vẽ địa đồ nước Chiêm Thành để biết cho rõ chỗ hiểm chỗ không rồi mới tiến binh lên đánh cửa Thị Nại (Trần Trọng Kim, 1971, quyển I, tr.262). Dựa đoạn viết này có thể thấy Lê Thánh Tông là vị vua có nhiều mưu đồ lớn khi sai người lẻn vào lấy tài liệu mật của nước Chiêm Thành, phải chăng điều này có liên quan đến sự kiện khắc bia tại núi Đèo Cả, nghĩa là vị vua này sai một toán quân cấp tốc chạy vào địa phận Phú Yên nhân cơ hội vua Chiêm Thành bỏ chạy đến tận Phan Rang và tung tin là quân Đại Việt đã tới tận Đèo Cả.

Xét về điều kiện tự nhiên thì vùng đất Phú Yên xưa có địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, phải vượt qua nhiều sông suối mới đến được dãy núi Đại Lãnh. Việc đi lại trên địa phận Phú Yên chủ yếu là đường thủy và tốn nhiều thời gian, đặc biệt phải vượt qua sông Đà Rằng, thêm vào đó thủy thổ ở đây không thuận lợi với những người mới đặt chân đến. Vả lại ngọn núi Thạch Bi cao 706m, trên núi có nhiều thú dữ và đường đi khó khăn nên trong khoảng thời gian ngắn quân Đại Việt không thể khắc bia trên đỉnh núi được.

Về mặt số dân, theo ghi chép của Nguyễn Trãi trong Ức Trai tập thì thời Hậu Lê nước ta có khoảng 7.000.940 đinh, mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đây là cách tính đầu người, có nghĩa là dân số nước ta thời Hậu Lê có hơn 7 triệu. Thực chất dân số nước ta hơn 7 triệu thời đầu Lê sơ cũng là quá cao, tác giả Trương Hữu Quýnh phỏng đoán chừng 5-6 triệu. Như vậy với lượng dân số trên không thể rải đều trên vùng đất rộng lớn đến tận Thuận Hóa huống chi là vào đến Phú Yên. Vả lại khi việc ban sư xong, vua Lê Thánh Tông mới khuyến khích lưu dân đến vùng đất Cổ Lũy, Đại Chiêm khai hoang. Luận điểm này chứng minh vua Lê Thánh Tông chưa hề có chiếu dụ khai hoang đến vùng đất Phú Yên, cũng như bác bỏ Đèo Cả là mốc ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành từ năm 1471.

Cơ sở thứ tư là dựa vào Hồng Đức bản đồ cho biết ranh giới nước ta chỉ tới đèo Cù Mông, nếu như Phú Yên thuộc đất Đại Việt thì không lẽ vua Lê Thánh Tông không vẽ thêm theo đúng với tư tưởng của ông: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại”. (Trần Trọng Kim, 1971, quyển I, tr.264).

Cuối cùng dựa vào nguồn tư liệu về khảo cổ học và bia ký học của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết: Từ thế kỷ VII sử Tân Đường thư, Chiêm Thành truyện đã ghi: Nó là Lăng già bát bạt đa của Chămpa. Đây là lối ghi Hán tự của Linggaparvata-Linga thần núi thiêng. Cố Giáo sư cho biết đấy là biểu tượng Linggaparvata-Linga – Đấng Đại Sơn thần – tức Siva Ấn giáo đã được hội nhập vào văn hóa Chămpa hay là được Chămpa hóa. Hai trái núi thiêng (núi Chúa) hùng vĩ nhất của Phú Yên là núi Chóp Chài (Nựu Sơn) và núi Đá Bia (Di cảo của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng về chuyến công tác điền dã tại Phú Yên tháng 5/2003).

Như vậy với sự hỗ trợ từ nhiều nguồn tư liệu như khảo cổ học, bia ký học, dân số học… đã bước đầu minh chứng và xác nhận sự thật lịch sử Nam tiến của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471. Theo đó, vua Lê Thánh Tông không thân chinh qua dãy Cù Mông, có chăng sai toán quân với mưu đồ về chính trị đi hết địa phận Phú Yên chứ không có chuyện cho người khắc bia trên núi Đèo Cả làm ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Nhưng dẫu sao đây cũng là sự kiện ghi dấu công lao đầu tiên của các bậc tiền nhân mở đất ở Phú Yên và để tưởng nhớ công ơn của vị thánh quân này, nhân dân Phú Yên đã lập đền thờ tại thôn Long Uyên (Tuy An) với hai câu đối:
Giang sơn khai tác hà niên,
phụ lão tương truyền Hồng Đức sự
Trở đậu hinh hương thử địa,
thanh linh trường đối Thạch Bi cao

(Giang sơn khai thác năm nào,
phụ lão còn truyền công Hồng Đức.
Lễ kính hương thơm đất ấy,
danh thiêng muôn thuở ngọn Đá Bia)


Thạc sĩ NGÔ MINH SANG
Phòng Quản lý khoa học Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ
Read more...

Đầm Ô Loan

Dulichbui's Blog - Đầm Ô Loan nằm sát quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hoà 22km. Đây là một địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên.

Đầm Ô Loan rộng khoảng 1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay.
Phía tây đầm Ô Loan là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông là mả Cao Biền. Dân gian cho rằng trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam , Cao Biền đã bị trời chôn tại đây.

Cao Biền chết tại Đồng Môn
Trên Sơn dưới Thủy, trời chôn Cao Biền.

Thật ra, đây không phải là mả mà là một cồn cát. Tuy nằm sát biển, sóng gió vô chừng nhưng nhờ có một luồng gió xoáy mang cát bồi đắp, nên không khi nào mả bị sụp xuống thấp.
Ô Loan là một đầm nước lợ, gần như nằm trọn trong đất liền, có món đặc sản là sò huyết.
Dưới thời phong kiến, các quan lại khi về Phú Yên thường ra đầm Ô Loan thưởng ngoạn phong cảnh và thưởng thức món sò huyết.
Món đặc sản khác ở Ô Loan là hàu. Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) nhà thơ nổi tiếng sành ăn đã từng đi khắp nước, ăn khắp nơi, đến Phú Yên nếm món ngon vật lạ cũng khen rằng: “Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu”.
Hàu sống dựa vào các tảng đá ngập mặn, có cạnh rất sắc. Hàu dùng để nấu cháo, nấu canh, xào, nhưng ngon và hấp dẫn nhất là món hàu tái hoặc hàu trộn với đậu phụng và cà chua.
Món ngon vật lạ ở Ô Loan còn có cua đế, còn gọi là huỳnh đế hay hoàng đế. Mai cua hoàng đế màu đỏ hoặc vàng đậm, ngay khi cua còn sống ở dưới nước, đằng sau có một chùm lông vàng, ngắn. Đặc biệt, loài cua này không bò ngang mà bò tới, vì càng và que đều mọc ở đằng trước đầu. Ngoài ra, Ô Loan còn có tôm rằn, tôm bạc, mực, sứa, rau câu, điệp.
Giữa đầm có hai tảng đá lớn chồng lên nhau gọi là hòn Chồng.
Phong cảnh non xanh nước biếc của Ô Loan là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Mỹ viết:

Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp
Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh.

Thi sĩ Xuân Diệu đã viết bài thơ đầm Ô Loan:

Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan.
Nước trời cùng với mây liên hoàn
Mặt đầm, đôi cánh chim loan mở
Khí mát lan bay sắc đẹp tràn
Cao thấp đồi quanh gấm dựng lên
Lục thêu cùng biếc với xanh lam
Sắn khoai sức tốt phây phây lượn
Mía bắp trông xa một sắc liền....

Hàng năm đến ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng đầm Ô Loan được tổ chức. Hàng vạn người từ khắp nơi về tham dự. Đây là một nét đẹp của văn hóa dân gian truyền thống Phú Yên.

Đầm Ô Loan đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia.


Dulichbui's Blog (Theo Địa chí Phú Yên)
Read more...

Vịnh Xuân Đài

Dulichbui's Blog - Xuân Đài là ranh giới giữa hai huyện Sông Cầu và Tuy An, giáp với nhau bởi hai xã An Dân (Tuy An) ở phía Bắc và Xuân Thọ (Sông Cầu) ở phía Nam. Đây là một trong những vùng căn cứ luyện tập binh sĩ dưới thời Tây Sơn hưng binh do các tầng lớp nhân dân ở phủ Phú Yên đứng lên ủng hộ.


Trong thời kỳ mở đất, bản doanh của Văn Phong rồi sau này là trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh đều đặt tại đây, bỡi địa thế hiểm trở, là cửa khẩu rất tốt, nối kết giữa đất liền và ngoài biển, đầu mối giao lưu giữa Phú Yên với bên ngoài . Khi Phú Yên còn là vùng đất “Kimi” thì Xuân Đài được xem là chốt ngăn chặn sự quấy nhiễu của quân Chămpa , là con đường tiếp viện và vận chuyển lương thực cho quân Đại Việt rất thuận lợi cũng như nhận được sự tiếp tế nhanh chóng từ Qui Nhơn vào.

Chính vì vị trí chiến lược quan trọng, nên tại đây đã xảy ra trận huyết chiến giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn. Đó là vào năm Ất Mùi (1775), Tống Phước Hiệp huy động toàn lực quân chúa Nguyễn tiến công quân Tây Sơn, đại bản doanh đóng tại Xuân Đài và ông sai Võ Tánh đánh lên La Hai, cắt đứt đường tiếp viện từ Vân Canh vào. Theo lịch sử, thì vịnh Xuân Đài còn là nơi Nguyễn Ánh tập kết thuỷ binh đánh vào Phú Yên, là nơi dưỡng quân trên đường tiến ra đánh phủ Qui Nhơn.

Xuân Đài còn là nơi đặt kho để thu nạp lúa gạo từ các nơi khác trong vùng chuyển đến để cung cấp cho quân Nguyễn Ánh. Vì vậy tại nơi này còn có một địa danh gắn liền đến sự kiện này, đó là đèo Vận lương cách phía Bắc thị trấn Sông Cầu khoảng 6 cây số.

Năm Tân Dậu (1861), trong chuyến vi hành từ Phú Yên đến Bình Thuận để xem xét tình hình các địa phương về việc giao thông đi lại, làm ăn của dân chúng, hai ông Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Cấp đã ghi nhận rằng dốc Xuân Đài là dốc rất hiểm trở.

Ngay trong ca dao địa phương cũng đã đưa ra những nhận xét này:

Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
Đèo cao dốc ngược đường dài
Anh còn qua được huống chi vài lạch sông.

Sự nhiêu khê, đèo cao hiểm trở của dốc Xuân Đài còn được dân gian miêu tả:

Không đi thì nhắc thì trông
Đi rồi thấy sợ Cù Mông Xuân Đài
An Dân, Xuân Thọ chia hai
Chỉ vì cái đảnh Xuân Đài ngăn đôi

Dốc Xuân Đài án ngữ trên con đường từ Bắc vào Nam, cho nên muốn ra Qui Nhơn hay vào Phú Yên đều phải leo lên dốc Xuân Đài mà đi, không có con đường nào khác. Dốc cao, hiểm trở; mùa mưa thì trơn trợt do đất sỏi thấm ướt; mùa nắng nóng leo lên được tới đỉnh dốc cổ họng khô rốc, mà trên đỉnh thì không có giếng nước nào để uống đỡ khát!
Từ phía Nam đi ra, bắt đầu từ Chí Thạnh, đến gần dốc Vườn Xoài chừng 3000 mét có con đường đất rẽ trái đi về hướng tây bắc độ một cây số thì đến chân dốc (Xuân Đài). Dốc ngược theo triền núi cao khoảng 500 mét. Leo lên dốc như thể ta bước từng cấp một lên đỉnh Yên Tử, hai bên có nhiều cây cổ thụ tán lá che phủ cả con đường đi vào một vùng rộng lớn. Đỉnh dốc phía Bắc có vườn cam nổi tiếng thơm ngon, đã từng tiến vua cùng với xoài Đá Trắng, xuống khỏi dốc, đi ngược về phía Nam non 7 km nữa thì tới ngả ba Triều Sơn, nơi trước kia triều đình nhà Nguyễn có đặt hai khẩu thần công để bảo vệ vịnh Xuân Đài và cho cả khu vực này mà trong ca dao địa phương còn để lại những câu sau:

Ngó ra ngoài vịnh Xuân Đài
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông

Hay:
Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông


Đảnh Xuân Đài chính là đỉnh của dốc Xuân Đài cao 500 mét đã mô tả ở trên.

Theo sách Địa Chí Phú Yên, thì vịnh Xuân Đài được mô tả như sau: “nhờ dãy núi Cổ Ngựa thôn Tuy Phong chạy dài ra biển độ 15 km, bao bọc phía ngoài đầm Cù Mông và tại vũng Trung Trinh được nối liền với một dãy núi khác chạy ra biển giống như hình một con kỳ lân. Đó là vùng đất thuộc xã Xuân Thịnh”.

Còn theo ông Nguyễn Đình Chúc, thì: “vịnh Xuân Đài được núi non bao bọc ba bên, “làng mạc nằm dưới chân núi, mặt Đông-Nam thông ra biển Nam Hải. Từ thôn Dân phước chạy vòng về hướng Tây-Bắc qua thị trấn Sông Cầu Phước Lý, Lệ Uyên, Trung Trinh, rồi vòng xuống phía Đông, Phú Mỹ, Phú Mỹ 1 đến vũng Sứ. Từ bến đò Phú Mỹ (vũng Chào) đến thị trấn Sông Cầu ước độ mươi cây số đường biển. Mực nước khá sâu, tàu lớn có thể vào được, gần bờ mực nước cạn, tàu bè không thể cập sát thị trấn được”.

Vịnh Xuân Đài có một vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự, nên trong thế chiến thứ hai, Xuân Đài là một trong những địa điểm “nhân chứng” của cuộc chiến tàn khốc này. Đó là vào tháng 4 năm 1945 tàu hải quân của Nhật Hoàng tiến vào vịnh đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng đã bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh. Thân tàu chìm khuất dưới làn nước sâu, chỉ còn nhô lên cột cờ tàu và đài quan sát. Đây là chứng tích lịch sử của một giai đoạn, nhưng tiếc thay những năm cuối của thập niên 80 đầu 90, của thế kỷ XX những toán thợ lặn đã đến tháo gỡ toàn bộ thân tàu để lấy sắt thép bán phế liệu.

Du khách đến Sông Cầu không thể không dừng chân để thưởng thức cảnh đẹp nơi đây, nước trong vịnh lặng như tờ, có thể tắm cách xa bờ 100 mét mà không sợ nguy hiểm, sau đó có thể tham quan chùa Triều Tôn ở xã Xuân Thọ 2 được tổ thiền sư Chánh Quang khai sáng vào năm Qúi Hợi (1803). Tại đây còn có chùa Lăng Nghiêm (cạnh ngôi mộ cụ cử Đào Trí) do tổ sư Huệ Chiếu khai sáng cách đây trên 130 năm. Sau đó đến bất kỳ một nhà hàng nào ở Sông Cầu để thưởng thức những món đặc sản biển tại đây, vừa tươi ngon, vừa rẻ như ốc nhảy, cá dìa, cua, tôm, ghẹ, cá mú…

Toàn cảnh Xuân Đài rất nên thơ. Chẳng vì thế mà Tam Thai đã tức cảnh đề thơ vịnh phong cảnh Xuân Đài (vào năm 1948)

Xuân Đài bốn mặt núi sông liền
Thắng cảnh nước non để dấu truyền
Thánh đế đền xưa nêu dấu tích
Tiên Châu chốn cũ hội thương thuyền
Hai sông giáp một triều lên xuống
Ba mặt gành đôi đá ngửa nghiêng
Trùng điệp dương xanh lồng cát trắng
Rừng cây nhân tạo giúp thiên nhiên.



ĐÀO MINH HIỆP
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org