Vịnh Xuân Đài



Dulichbui's Blog - Xuân Đài là ranh giới giữa hai huyện Sông Cầu và Tuy An, giáp với nhau bởi hai xã An Dân (Tuy An) ở phía Bắc và Xuân Thọ (Sông Cầu) ở phía Nam. Đây là một trong những vùng căn cứ luyện tập binh sĩ dưới thời Tây Sơn hưng binh do các tầng lớp nhân dân ở phủ Phú Yên đứng lên ủng hộ.


Trong thời kỳ mở đất, bản doanh của Văn Phong rồi sau này là trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh đều đặt tại đây, bỡi địa thế hiểm trở, là cửa khẩu rất tốt, nối kết giữa đất liền và ngoài biển, đầu mối giao lưu giữa Phú Yên với bên ngoài . Khi Phú Yên còn là vùng đất “Kimi” thì Xuân Đài được xem là chốt ngăn chặn sự quấy nhiễu của quân Chămpa , là con đường tiếp viện và vận chuyển lương thực cho quân Đại Việt rất thuận lợi cũng như nhận được sự tiếp tế nhanh chóng từ Qui Nhơn vào.

Chính vì vị trí chiến lược quan trọng, nên tại đây đã xảy ra trận huyết chiến giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn. Đó là vào năm Ất Mùi (1775), Tống Phước Hiệp huy động toàn lực quân chúa Nguyễn tiến công quân Tây Sơn, đại bản doanh đóng tại Xuân Đài và ông sai Võ Tánh đánh lên La Hai, cắt đứt đường tiếp viện từ Vân Canh vào. Theo lịch sử, thì vịnh Xuân Đài còn là nơi Nguyễn Ánh tập kết thuỷ binh đánh vào Phú Yên, là nơi dưỡng quân trên đường tiến ra đánh phủ Qui Nhơn.

Xuân Đài còn là nơi đặt kho để thu nạp lúa gạo từ các nơi khác trong vùng chuyển đến để cung cấp cho quân Nguyễn Ánh. Vì vậy tại nơi này còn có một địa danh gắn liền đến sự kiện này, đó là đèo Vận lương cách phía Bắc thị trấn Sông Cầu khoảng 6 cây số.

Năm Tân Dậu (1861), trong chuyến vi hành từ Phú Yên đến Bình Thuận để xem xét tình hình các địa phương về việc giao thông đi lại, làm ăn của dân chúng, hai ông Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Cấp đã ghi nhận rằng dốc Xuân Đài là dốc rất hiểm trở.

Ngay trong ca dao địa phương cũng đã đưa ra những nhận xét này:

Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
Đèo cao dốc ngược đường dài
Anh còn qua được huống chi vài lạch sông.

Sự nhiêu khê, đèo cao hiểm trở của dốc Xuân Đài còn được dân gian miêu tả:

Không đi thì nhắc thì trông
Đi rồi thấy sợ Cù Mông Xuân Đài
An Dân, Xuân Thọ chia hai
Chỉ vì cái đảnh Xuân Đài ngăn đôi

Dốc Xuân Đài án ngữ trên con đường từ Bắc vào Nam, cho nên muốn ra Qui Nhơn hay vào Phú Yên đều phải leo lên dốc Xuân Đài mà đi, không có con đường nào khác. Dốc cao, hiểm trở; mùa mưa thì trơn trợt do đất sỏi thấm ướt; mùa nắng nóng leo lên được tới đỉnh dốc cổ họng khô rốc, mà trên đỉnh thì không có giếng nước nào để uống đỡ khát!
Từ phía Nam đi ra, bắt đầu từ Chí Thạnh, đến gần dốc Vườn Xoài chừng 3000 mét có con đường đất rẽ trái đi về hướng tây bắc độ một cây số thì đến chân dốc (Xuân Đài). Dốc ngược theo triền núi cao khoảng 500 mét. Leo lên dốc như thể ta bước từng cấp một lên đỉnh Yên Tử, hai bên có nhiều cây cổ thụ tán lá che phủ cả con đường đi vào một vùng rộng lớn. Đỉnh dốc phía Bắc có vườn cam nổi tiếng thơm ngon, đã từng tiến vua cùng với xoài Đá Trắng, xuống khỏi dốc, đi ngược về phía Nam non 7 km nữa thì tới ngả ba Triều Sơn, nơi trước kia triều đình nhà Nguyễn có đặt hai khẩu thần công để bảo vệ vịnh Xuân Đài và cho cả khu vực này mà trong ca dao địa phương còn để lại những câu sau:

Ngó ra ngoài vịnh Xuân Đài
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông

Hay:
Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông


Đảnh Xuân Đài chính là đỉnh của dốc Xuân Đài cao 500 mét đã mô tả ở trên.

Theo sách Địa Chí Phú Yên, thì vịnh Xuân Đài được mô tả như sau: “nhờ dãy núi Cổ Ngựa thôn Tuy Phong chạy dài ra biển độ 15 km, bao bọc phía ngoài đầm Cù Mông và tại vũng Trung Trinh được nối liền với một dãy núi khác chạy ra biển giống như hình một con kỳ lân. Đó là vùng đất thuộc xã Xuân Thịnh”.

Còn theo ông Nguyễn Đình Chúc, thì: “vịnh Xuân Đài được núi non bao bọc ba bên, “làng mạc nằm dưới chân núi, mặt Đông-Nam thông ra biển Nam Hải. Từ thôn Dân phước chạy vòng về hướng Tây-Bắc qua thị trấn Sông Cầu Phước Lý, Lệ Uyên, Trung Trinh, rồi vòng xuống phía Đông, Phú Mỹ, Phú Mỹ 1 đến vũng Sứ. Từ bến đò Phú Mỹ (vũng Chào) đến thị trấn Sông Cầu ước độ mươi cây số đường biển. Mực nước khá sâu, tàu lớn có thể vào được, gần bờ mực nước cạn, tàu bè không thể cập sát thị trấn được”.

Vịnh Xuân Đài có một vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự, nên trong thế chiến thứ hai, Xuân Đài là một trong những địa điểm “nhân chứng” của cuộc chiến tàn khốc này. Đó là vào tháng 4 năm 1945 tàu hải quân của Nhật Hoàng tiến vào vịnh đánh chiếm để làm bàn đạp tiến sâu vào đất liền, nhưng đã bị phi cơ Đồng Minh bắn chìm giữa vịnh. Thân tàu chìm khuất dưới làn nước sâu, chỉ còn nhô lên cột cờ tàu và đài quan sát. Đây là chứng tích lịch sử của một giai đoạn, nhưng tiếc thay những năm cuối của thập niên 80 đầu 90, của thế kỷ XX những toán thợ lặn đã đến tháo gỡ toàn bộ thân tàu để lấy sắt thép bán phế liệu.

Du khách đến Sông Cầu không thể không dừng chân để thưởng thức cảnh đẹp nơi đây, nước trong vịnh lặng như tờ, có thể tắm cách xa bờ 100 mét mà không sợ nguy hiểm, sau đó có thể tham quan chùa Triều Tôn ở xã Xuân Thọ 2 được tổ thiền sư Chánh Quang khai sáng vào năm Qúi Hợi (1803). Tại đây còn có chùa Lăng Nghiêm (cạnh ngôi mộ cụ cử Đào Trí) do tổ sư Huệ Chiếu khai sáng cách đây trên 130 năm. Sau đó đến bất kỳ một nhà hàng nào ở Sông Cầu để thưởng thức những món đặc sản biển tại đây, vừa tươi ngon, vừa rẻ như ốc nhảy, cá dìa, cua, tôm, ghẹ, cá mú…

Toàn cảnh Xuân Đài rất nên thơ. Chẳng vì thế mà Tam Thai đã tức cảnh đề thơ vịnh phong cảnh Xuân Đài (vào năm 1948)

Xuân Đài bốn mặt núi sông liền
Thắng cảnh nước non để dấu truyền
Thánh đế đền xưa nêu dấu tích
Tiên Châu chốn cũ hội thương thuyền
Hai sông giáp một triều lên xuống
Ba mặt gành đôi đá ngửa nghiêng
Trùng điệp dương xanh lồng cát trắng
Rừng cây nhân tạo giúp thiên nhiên.



ĐÀO MINH HIỆP

Liên hệ đặt tour: 0902 43 11 77



About me

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và muốn chia sẻ mà thôi."



Tôi yêu những chuyến đi, tôi yêu công việc viết blog và tôi đang cố gắng để có thể trở thành một travel blogger/travel writter...



Blogger Tùng Lâm

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org