Tháng 10 đi du lịch ở đâu (2010)

Dulichbui's Blog - Với các doanh nghiệp lữ hành, tháng mười được xem là mùa du lịch thấp điểm trong năm khi lượng khách mua tour đi du lịch thường rất ít nhưng với dân du lịch bụi thì dường như khái niệm "mùa du lịch thấp điểm" là không có. Tùng Lâm xin giới thiệu đến các bạn một số điểm đến hấp dẫn trong tháng 10 năm 2010.
1. Hà Nội
Từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010, Hà Nội sẽ tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều chương trình hấp dẫn như: Giới thiệu công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại đường Yên Phụ, Ba Đình (9h, 5/10/2010), Khai mạc triển lãm Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và hiện đại tại làng Bát Tràng, Gia Lâm (14h, 5/10/2010), Liên hoan Nghệ thuật diều - Hà Nội tại Quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình (8h, 6/10/2010), Liên hoan Ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây (20h, 6/10/2010), Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Ngân hàng Nhà nước (20h, 8/10/2010), Đêm hội Văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (20h, 10/10/2010),...


2. Mù Căng Chải (Yên Bái)
Núi tiếp núi, đồi tiếp đồi, ruộng lúa ở thung lũng, ruộng leo lên đồi, ruộng lồi trên non,... đó là những ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân lên Mù Căng Chải. Thời gian này là giữa mùa thu cũng là thời điểm mà lúa trên các ruộng bậc bắt đầu chín đều, vàng cả một khung trời...
Ruộng bậc thang Mùa Căng Chải - mùa lúa chín
3. Tri Tôn (An Giang)
Chỉ còn ít ngày nữa, đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ sẽ đón mừng lễ hội Đônta (lễ cúng ông bà - Dolta) 2010, một lễ hội văn hóa truyền thống lớn thứ hai trong năm, với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Dịp này, Lễ hội đua bò Bảy Núi cũng sẽ được tổ chức tại huyện Tri Tôn vào ngày 5 tháng 10 tại trường đua của chùa Tà Miệt dưới (ấp Tà Miệt, xã Lương Phi).
Đua bò Bảy Núi - An Giang

4. Hàm Tân (Bình Thuận)
Hàng năm, cứ đến ngày 14 - 16/9 âm lịch Hội đền Dinh Thầy sẽ được tổ chức tại Dinh Thầy Thím (Tân Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Hội Dinh Thầy không có cổ tục, trò vui gì, nhưng khách trẩy hội đã vui với lòng thành của mình và đến được Dinh Thầy ai nấy đều tỏ sự hân hoan.
Dinh Thầy Thím, Hàm Tân, Bình Thuận
5. Ninh Thuận, Bình Thuận
Diễn ra từ ngày 06- 07/10/2010 (30/6-1/7 Chăm lịch), Lễ hội Katê (Tết của đồng bào Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận) năm 2010 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian xen giữa những phần lễ truyền thống và được gắn kết một cách hợp lý như: lễ Tống ôn, nghi thức rước y trang nữ thần Pô Sah Inư, giao lưu văn nghệ, hội thi ẩm thực, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, nghề gốm bằng phương pháp thủ công và các trò chơi dân gian, mang đậm sắc thái độc đáo của dân tộc Chăm.
Lễ hội Katê không chỉ là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê cha đất tổ đoàn tụ cùng gia đình bạn bè, dòng họ mà còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước về với vùng đất tháp Champa. 

Lễ hội Kate tại Ninh Thuận
Địa điểm:
Tại Bình Thuận: Tháp Pô Sah Inư, TP. Phan Thiết
Tại Ninh Thuận: Trong dịp này, Hội chợ Thương mại – Làng nghề cũng sẽ được diễn ra từ ngày 2/10/2010 đến 8/10/2010.


6. Lào
Trong tháng 10, tại Lào có ba lễ hội lớn được tổ chức là:
Awk Phansao (Awk Watsa): Lễ hội được tổ chức vào cuối mùa mưa vào ngày trăng tròn.
Bun Nam (water festival): Được tổ chức tại các tỉnh, thành phố như Vientiane, Luang Prabang và Savannakhet. Hoạt động chính của lễ hội là Bun Nam boat races (suang heua - lễ hội đua thuyền).
Boat Racing festival: được tổ chức từ ngày 2 - 3/10/2010 tại Vientiane.
Lễ hội đua thuyền tại Vientiane
Read more...

Các hoạt động chính trong 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Dulichbui's Blog - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bắt đầu phát hành 200 nghìn tờ gấp bằng tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu các hoạt động chính diễn ra trong 10 ngày Đại lễ. Từ tuần tới, số lượng tờ gấp này sẽ được phát hành đến từng hộ dân cư, các tổ chức cơ sở Đảng tại 29 quận, huyện, thị xã và để nhân dân có thể theo dõi và tham gia các hoạt động. Dulichbui dot Org xin trân trọng giới thiệu toàn bộ các hoạt động này.


1-10-2010: Ngày khai mạc
8h00: Khai mạc Đại lễ kỷ niệm tại Vườn hoa Lý Thái Tổ
9h30: Biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm.14h00: Triển lãm các tác phẩm văn học - nghệ thuật qua các thời kỳ tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng.
15h00: Khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật Hà Nội tại 45 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.
19h30: Khai mạc Triển lãm Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, 138 Giảng Võ, Ba Đình.
19h30: Khai mạc Tuần lễ phim lịch sử, cách mạng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ, Đống Đa.
20h00: Cầu truyền hình Cả nước với Hà Nội trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tại đầu cầu Hà Nội: Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp đặc biệt, kết hợp trình diễn áo dài xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
20h00: Chương trình hòa nhạc Hội nhập Quốc tế - Niềm tin hướng tới tương lai do NSND Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Ngày 2-10-2010
8h00: Khai mạc Trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, số 9 Hoàng Diệu và 19 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình.
9h00: Lễ ra mắt tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm.
14h00: Công bố kết quả công trình nghiên cứu khoa học (KX.09.12) tổng quan về Hà Nội tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
20h00: Biểu diễn các ca khúc chọn lọc mới chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân khấu Vườn hoa đền Bà Kiệu, Hoàn Kiếm.
20h00: Khai mạc Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn, Hoài Đức.

Ngày 3-10-2010
7h00: Giải chạy truyền thống Báo Hànộimới Vì hòa bình xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
20h00: Chương trình nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh tại sân vận động Hàng Đẫy.

Ngày 4-10-2010
8h30: Tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng” tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
15h00: Khai mạc triển lãm “Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Việt Nam” tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm.
15h30: Khai mạc triển lãm Các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình.
17h00: Khai mạc Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
20h00: Trao Giải Báo chí toàn quốc về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình.
20h00: Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm.

Ngày 5-10-2010
9h00: Giới thiệu công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại đường Yên Phụ, Ba Đình.
14h00: Khai mạc triển lãm Nghề gốm Bát Tràng - Cổ truyền và hiện đại tại làng Bát Tràng, Gia Lâm.
14h00: Khai mạc triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
20h00: Biểu diễn âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
20h00: Chương trình ca nhạc tổng hợp Hùng khí Thăng Long - Bài ca đất nước tại sân vận động Hàng Đẫy.

Ngày 6-10-2010
8h00: Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật diều - Hà Nội tại Quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
8h00: Biểu diễn võ thuật cổ truyền Hào khí Thăng Long tại Nhà thi đấu thể thao Quần Ngựa, Ba Đình.
8h30: Khánh thành Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, Từ Liêm.
14h00: Khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất.
14h00: Khánh thành Công viên Hòa Bình tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm.
14h00: Khai mạc triển lãm Hà Nội xưa tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, Từ Liêm.
14h30: Khánh thành Nhà hát Kim Đồng, 19 Hàng Bài, Hoàn Kiếm.
20h00: Khánh thành Nhà hát Công nhân Hà Nội, 42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.
20h00: Khánh thành Nhà hát Đại Nam, 89 phố Huế, Hai Bà Trưng.
20h00: Khai mạc Liên hoan Ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây.

Ngày 7-10-2010
8h00: Khai mạc Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố vì hòa bình tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình.
9h00: Tổng kết và trao giải cuộc thi quốc tế tìm hiểu Hà Nội, điểm hẹn của bạn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
20h00: Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ngày 8-10-2010
7h00: Chương trình văn hóa - nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.
20h00: Chương trình giao lưu Thăng Long - Hồn thiêng sông núi với sự tham gia của 1.000 Anh hùng và Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
20h00: Chương trình Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm.

Ngày 9-10-2010
8h00: Khánh thành cầu Thanh Trì tại đầu cầu phía Nam.
8h00: Khánh thành cầu Vĩnh Tuy tại đầu cầu phía Nam.
9h30: Khánh thành và gắn biển Đại lộ Thăng Long tại ngã tư đường Phạm Hùng - Trần Duy Hưng.
20h00: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại nhiều sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.

10-10-2010: Ngày Đại lễ
8h00: Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình.
20h00: Đêm hội Văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Hoạt động tại các quận, huyện, thị xã
20h00 (từ ngày 1-10 đến 10-10): Hoạt động của các đoàn nghệ thuật.
- 245 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước.
- 38 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật nước ngoài
- Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật do các quận, huyện, thị xã tổ chức
* Địa điểm: Tại các sân khấu ngoài trời, nhà hát, nhà văn hóa và trung tâm các quận, huyện, thị xã.

Một số hoạt động khác
- Giải bóng đá quốc tế Cúp Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, từ 20-9 đến 24-9.
- Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội tại Công viên Bách Thảo, từ 16-9 đến 24-9.

Để tìm hiểu thêm thông tin về các hoạt động kỷ niệm, đề nghị vào một số website:
www.thanglonghanoi.gov.vn
www.hanoi.gov.vn
www.nxbhanoi.com.vn

Download sách hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại đây

Read more...

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tạm ngừng tổ chức lễ viếng

Dulichbui's Blog - Theo thông tin từ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Từ ngày 03/9/2010 đến hết ngày 01/11/2010, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ tạm ngừng tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm để làm công tác bảo dưỡng, tu bổ định kỳ năm 2010. 
Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lễ tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ sẽ được tiếp tục tổ chức từ ngày 02/11/2010.
Như vậy, trong thời gian diễn ra đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, du khách sẽ không được viếng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh.
Du khách viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thông thường,thời gian tổ chức lễ viếng Chủ Tịch Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật. Thứ Hai và Thứ Sáu không tổ chức lễ viếng.
1. Mùa nóng (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10):
- Thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút.
- Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ.
2. Mùa lạnh (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau):
- Thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ.
- Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút.
3. Ngày 19/5, 2/9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Read more...

Cà muối xổi: Món ăn dân dã của người Hà Nội

Dulichbui's Blog - Dù bữa cơm của người Hà Nội bây giờ đã có thêm những món ăn lạ hấp dẫn thì cũng không thể thiếu được bát cà muối xổi, món ăn dân dã, bình dị từ bao đời. Cà muối xổi không khác gì một thứ gia vị bên cạnh những món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày. Nước rau muống luộc, canh cua nấu rau rút, canh rau đay… thì không thể thiếu cà muối được.


Làng Láng ngoài rau húng Láng còn rất nổi tiếng vì trồng được giống cà rất ngon. Có hai loại cà thường dùng để muối chua là cà pháo và cà dĩa. Cà pháo trái nhỏ, kích cỡ trung bình bằng đầu ngón tay cái. Còn cà dĩa người Bắc hay gọi là cá bát, cà dừa, có cỡ lớn từ cái chén ăn cơm hoặc hơn nữa. Cà dùng để muối là cà còn xanh, vỏ có sắc trắng. Nếu chưa có kinh nghiệm lựa cà thì phải cắt ngang làm hai để quan sát phần hột. Nếu cà còn non, chưa có hột thì khi muối xong sẽ bị mềm chứ không giòn; cà già thì ruột cà đặc hột, muối xong rất hăng và dai. Cà dùng để muối là loại khi cắt ra thấy phần hột trong ruột chỉ vừa tượng đủ hột nhưng có sắc trắng chứ không vàng.
Cà muối bình thường, dân dã vậy thôi nhưng chỉ một hôm quên có trong mâm cơm là cả nhà như thấy thiếu vắng, húp bát canh sao thấy nhạt nhẽo quá. Nhất là những ngày hè, chỉ cần bát canh rau muống luộc dầm sấu chua chua với vài quả cà là bữa cơm trở nên ngon miệng hơn nhiều.
Mỗi vùng miền có một kiểu muối cà riêng Trước đây, người miền Bắc thường muối nén với muối thật mặn để có thể dùng dự trữ từ tháng này qua tháng khác. Ngày nay, người miền Bắc ưa chuộng muối cà xổi hơn. Như vậy, cà lúc nào cũng mới mà không bị chua, ăn hết lại muối tiếp, chỉ chừng bữa sau là lại có bát cà mới để dùng rồi. Khi muối cà thường cho một chút muối pha lẫn nước ấm, vài ba lát giềng và mấy khoanh mía cho dậy mùi và thêm ngọt rồi nén lại bằng viên đá nhỏ để cà giòn hơn. Bây giờ ngoài chợ các bà các cô vẫn muối sẵn cà để bán, thế nên nếu ngại muối thì chỉ cần chạy ù ra chợ là có ngay nhưng những bà nội trợ khéo léo vẫn thích tự muối ở nhà hơn, vừa ngon mà hợp vệ sinh.
Trái cà sau khi muối đúng ngày sẽ phồng căng,vỏ ngoài thấy trắng trong chứ không còn trắng đục và cắn thấy dòn xốp. Có người còn rất khoái món cà xanh còn non dầm đường, ớt và giấm bởi vị giòn tan, đậm đà nhưng hơi hăng của nó.
Món ăn dân dã này chính là những món ngon không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Chẳng thế mà món cà dung dị kia trở thành nỗi nhớ và đi vào trong câu ca dao xưa “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.

Dulichbui's Blog (Theo 36pho.vn)

Read more...

Phố cổ Hà Nội 3D

Dulichbui's Blog - Lần đầu tiên, một triển lãm tái tạo không gian đặc trưng của Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 bằng nghệ thuật 3D của nhóm tác giả “3D Hà Nội” đã được trưng bày tại Trung tâm triển lãm (29 Hàng Bài).

50 bức tranh được trưng bày gồm 40 bức được thể hiện bằng phương pháp công nghệ đồ họa 3D, 10 bức là ảnh chụp của Lena Hermann, sinh viên tại Đức (1 trong 10 thành viên của nhóm).Theo ý kiến của ông Đinh Văn Đức (65 tuổi, ở phố Lê Thanh Nghị) và nhiều người cao tuổi đến xem tranh, đây là sự thể nghiệm rất độc đáo bằng công nghệ mới về Hà Nội. Những bức tranh vẽ có chi tiết tuy chưa thật chính xác về phố phường Hà Nội xưa nhưng đã thể hiện được tâm huyết và trình độ vẽ trên công nghệ 3D của nhóm tác giả.

Phố Hàng Chiếu

Mái phố

Cửa ô vào thành Hà Nội cổ

Một cửa hàng trong khu phố cổ

Cổng phố – ngăn chia không gian từng con phố

Cửa ô vào thành phố xưa

Cổng phố – nét đặc trưng nay đã mất của Hà Nội xưa


Tái tạo bản đồ xưa của Hà Nội (qua tư liệu của nhà sử học PHAN HUY LÊ)

Một góc phố khác trong khu Hà Nội 36 phố phường


Dulichbui's Blog (Theo tek3d.org, 3dhanoi.com)

Read more...

Những huyền thoại Hồ Tây

Duichbui's Blog - Là một đoạn sông Hồng cổ còn rớt lại sau khi đã đổi dòng, Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện còn rộng hơn 526ha, với con đường bao quanh dài gần 17km. Một vùng sóng nước mênh mang phía Tây bắc Hà Nội.

Truyện “Hồ Tinh” kể rằng, có con cáo chín đuôi ẩn nấp làm hại dân, Long Quân dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ gọi là hồ (đầm) Xác Cáo.
Truyện “Không Lộ đúc chuông” lại kể, có nhà sư có tài thu đồng đen của phương Bắc, đem đúc thành chuông, khi thỉnh, tiếng vang tận phương Bắc. Đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, đến đây quần thảo làm đất sụt thành hồ khiến hồ có tên là Kim Ngưu (Trâu Vàng). Hồ trong sáng như gương, sóng vỗ dạt dào nên gọi là Lãng Bạc. Hồ cong cong như vầng trăng khuyết nên gọi là hồ Nga My.
Theo thư tịch cổ, thế kỷ XI, hồ được gọi là Dâm Đàm (đầm Mù Sương). Hồ ở phía tây kinh thành Thăng Long, từ thế kỷ 15, thời Lê, hồ được gọi là Hồ Tây. Dưới con mắt các nhà địa lý học, Hồ Tây là “động thiên phúc địa”. Đất Hồ Tây có thế Long phượng trình tường – Phượng hoàng ẩm thủy, trên thì thuận canh tác tằm tang, dưới thì tiện giao thông, chài lưới…
Ven bờ Hồ Tây có 13 làng: đỉnh phía bắc là làng Nhật Tân, bờ phía đông là làng Quảng Bá, rồi tới Tây Hồ, Nghi Tàm, Yên Phụ. Bờ nam là làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ và Yên Thái. Bờ tây có làng Vệ Hồ, Trích Sài và Võng Thị.
Các làng nay đã thành phường, nhưng trong tiềm thức người dân vẫn thấp thoáng những huyền tích để đời. Làng Nghi Tàm, quê hương của Bà huyện Thanh Quan, có chùa Kim Liên, thờ công chúa Từ Hoa, người đã dạy dân trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt lụa.
Làng Nhật Tân có những vườn đào danh tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Đình Nhật Tân thờ thánh Uy Linh Lang, nhân vật huyền thoại thường hiển linh những lúc nguy nan, cứu giúp nhân dân khỏi nạn lũ lụt. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô, thứ phi của vua Lê Thánh Tông, gắn với truyền thuyết diệt hồ ly tinh.
Làng Thụy Khê có chùa Bà Đanh, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ nổi tiếng là thắng cảnh của Thăng Long. Làng Hồ Khẩu có chùa Tĩnh Lâu, nhìn ra Hồ Tây, có vườn cây trái um tùm. Cạnh đó là đền Đồng Cổ xây dựng năm 1028, thời vua Lý Thái Tông, thờ thần trống đồng, nổi danh với hội thề Trung hiếu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cứ dịp mùng 4/4 âm lịch hàng năm, vua cùng trăm quan lại đến đền Đồng Cổ cùng thề “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”…
Dulichbui's Blog (Theo 36pho.vn)
Read more...

Xôi chim - bạn đã thưởng thức chưa?

Dulichbui's Blog - Xã Hạ Bằng là vùng đồi gò của huyện Thạch Thất, Hà Nội, xưa nay vẫn là vùng cây cối rậm rạp, là nơi hội tụ của nhiều loài chim thú. Nhân dân xưa có nghề săn bắn chim về cải thiện bữa ăn và còn bán ra thị trường. Trong đó nổi bật là nghề đánh lưới bắt chim ngói.
Hàng năm cứ về mùa thu, lúa mùa trổ bông, gió heo may thổi về là xuất hiện chim ngói. Từ các dãy núi Vua Bà – Ba Vì, từng đàn bay ra. Người đánh chim trải lưới ở một bãi đất rộng độ 20 – 30m2, lấy 5-6 tàu lá móc cắm ngụy trang thành một bụi cây nhỏ, đứng quan sát thấy đàn chim bay đến thì tung một con chim mồi được buộc chân bay lên để nhử.


Đàn chim sà xuống ăn, người đánh chim dật 2 đầu dây, cánh lưới úp lại, chim ngói sa lưới. Có mẻ lưới bắt được 50 – 60 con hoặc 20 – 30 con, có mẻ chỉ được dăm con. Người đánh được nhiều chim đem bán hoặc làm thịt ăn. Trong đó có món xôi chim ngói.

Cách làm xôi chim cũng không khó. Gạo nếp ngon ngâm nước lã 2 giờ vo sạch để ráo nước. Cho vào chõ đồ, cứ 1kg gạo 2 con chim ngói là vừa. Chim được làm sạch lọc lấy thịt, băm nhỏ, cho vào chiên hành mỡ, mắm muối, khi chín rải đều lên mặt chõ xôi, khi xôi chín đánh lẫn với xôi cho đều. Ăn xôi chim vừa béo, vừa thơm có mùi vị đặc trưng, khó quên.
Dulichbui's Blog (Theo Lenduong.vn)
Read more...

Những công trình cáp treo ở Việt Nam

Dulichbui's Blog - Hiện nay, các tỉnh thành có tiềm năng du lịch ở nước ta, bên cạnh việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí từ nhẹ nhàng đến cảm giác mạnh đều phát triển thêm loại hình du lịch cáp treo.
Cáp treo là một phương tiện giúp du khách có điều kiện di chuyển nhanh, tham quan phong cảnh trên độ cao nhất định và tận hưởng cảm giác kỳ thú khi được di chuyển bằng phương tiện hàng không tĩnh lặng.
1. Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng)
Công trình được đưa vào hoạt động gần đây nhất chính là Cáp treo Bà Nà. Công trình đã xác nhận hai kỷ lục thế giới: cáp treo một dây dài nhất thế giới và cáp treo có độ cao chênh giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới.Sau khi điều tra, khảo sát, Tổ chức Guinness World Records đã chính thức công nhận tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng) đạt 2 kỷ lục Guiness thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m). Chứng chỉ công nhận đạt 2 kỷ lục này đã được đại diện Guinness World Records trao nhân dịp khánh thành cáp treo Bà Nà vào ngày 25/3/2009. Với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, cáp treo Bà Nà gồm 24 trụ, 94 cabin (6 cabin VIP), công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Du khách chỉ mất 15 phút để đi từ chân núi lên đến khu du lịch sinh thái ở độ cao 1.487m so với mực nước biển.Cũng tại khu du lịch Bà Nà Suối mơ, một công trình cáp treo thứ hai cũng vừa mới được khánh thành và đưa vào hoạt động. Tuyến cáp treo thứ hai trên núi Bà Nà dài 697m, bắt đầu từ đồi Vọng Nguyệt lên tới đỉnh núi Bà Nà. Với 11 cabin, hệ thống này có thể vận chuyển được 1.500 hành khách/giờ.
2. Cáp treo vượt biển duy nhất ở Việt Nam - Cáp treo Vinpearl Land (Khánh Hòa)
Câu chuyện về cáp treo Vinpearl Land và khu du lịch Vinpearl Land, “đảo thiên đường” được bắt đầu phôi thai kể từ khi chủ đầu tư của dự án này cùng với kiến trúc sư người Pháp Claude Cuvelier thăm đảo Hòn Tre khi đó chỉ có quân đội đóng và những làng chài rất khiêm nhường. Ngay lập tức, nhà đầu tư lớn này và kiến trúc sư của mình đã có cùng một ý tưởng: biến nơi này thành một "kỳ quan du lịch" nhằm làm tôn vẻ đẹp của khu vực tự nhiên đặc biệt này để mọi người cùng được hưởng và như vậy tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn cho thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa.Hệ thống cáp treo Vinpearl Land được xây dựng là nhằm nối đất liền với đảo Hòn Tre, nơi có tổ hợp du lịch giải trí biển đảo đa chức năng Vinpearl Land. Hệ thống cáp treo Vinpearl Land nhằm mang lại cho mọi đối tượng khách du lịch và khách hàng một cảm giác hạnh phúc trong kỳ nghỉ trên đảo và mang đến cho tỉnh Khánh Hoà một kỳ quan có một không hai. Với hệ thống cáp treo vượt biển này, khách du lịch đến với Nha trang, Việt Nam sẽ có có hội nhìn ngắm thành phố và phong cảnh vịnh Nha Trang từ độ cao 60 mét so với mặt nước biển.Thực tế, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một thương hiệu - sản phẩm du lịch đặc biệt của Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Cùng với Tháp bà Pô Na Gar, Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Mun, Cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một trong những biểu tượng của Du lịch Nha Trang - Khách Hòa. Trong năm 2008 vừa qua, số lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Nha Trang – Khánh Hòa là khoảng 1,2 triệu lượt người thì đã có đến hơn 800 nghìn người (chiếm gần 70%) đến nghỉ dưỡng và tham quan Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land; hầu hết đều sử dụng cáp treo Vinpearl là phương tiện di chuyển và chiêm ngưỡng vịnh Nha Trang trước khi lên đảo, chính điều này đã nói lên thành công và sức quyến rũ của Cáp treo Vinpearl Land. Chính thức khởi công xây dựng từ tháng 4/2006 và đi vào hoạt động từ ngày 10/3/2007, hệ thống cáp treo này có độ cao trung bình là 45 mét và cao nhất là 54 mét so với mặt biển. Cáp treo Vinpearl được thiết kế với công suất 65 cabin loại 8 chỗ với công suất chuyên chở 1000 - 1500 khách/giờ. Hiện tại Cáp treo Vinpearl đang cho hoạt động với công suất 1000 khách/giờ với 47 cabin loại 8 chỗ; Thời gian đi suốt tuyến khoảng 12phút/ chuyến, với vận tốc 6m/s; Có thể hoạt động an toàn trong điều kiện gió cấp 7. Hệ thống cáp trep có 9 cột trụ (7 trụ trên biển và 2 trụ trên bờ) có hình dáng và cấu trúc giống tháp Effel, được thắp sáng bằng laser và đèn trang trí vào ban đêm. Cáp treo Vinpearl Land giúp du khách đi lại giữa thành phố Nha trang và Khu du lịch giải trí Vinpearl Land trên đảo Hòn Tre. Ngồi trong cabin từ độ cao lý tưởng của cáp treo, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp với những bãi biển uốn lượn ôm gọn lấy thành phố biển, cũng như được ngắm nhìn cảnh đẹp tựa thiên đường của Vịnh Nha Trang, 1 trong 30 vịnh biển nổi tiếng và đẹp nhất thế giới với những góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.
3. Cáp treo Yên Tử (Quảng Ninh)
Yên Tử là một địa chỉ du lịch hành hương nổi tiếng ở khu vực phía bắc. Hành hương Yên Tử là một cuộc leo núi đầy thú vị. Tuy nhiên du khách sẽ có cảm giác khác hơn nữa khi thực hiện cuộc hành trình bằng phương tiện cáp treo để chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Yên Tử từ trên cao. Hệ thống cáp treo Yên Tử có 16 ca bin với công suất vận chuyển 700 khách/giờ. Cáp treo sẽ đưa du khách từ độ cao khoảng 50m lên độ cao 450m (so với mặt nước biển). Trước đây thời gian đi bộ trên đoạn đường này mất khoảng 2 giờ, nay đi bằng cáp treo chỉ mất 6 phút. Sau khi xuống ga cáp treo ở gần chùa Hoa Hiên, bạn tiếp tục đi bộ đến chùa Một Mái để tiếp tục cuộc hành trình trên hệ thống cáp treo thứ hai. Hệ thống cáp treo nối chùa Một Mái với khu vực tượng An Kỳ Sinh chính là một công trình được nhiều người biết đến bởi những kỷ lục về sự hiện đại, tiến độ thi công, địa hình dốc đứng và độ cao. Tuyến cáp treo có tổng chiều dài 900m, gồm 36 ca bin, công suất vận tải khoảng 1.800 khách/giờ.
4. Cáp treo Chùa Hương (Hà Nội)
Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật. Trước đây, du khách muốn trảy hội Chùa Hương phải đi bộ, leo từ bến thuyền suối Giải Oan lên động Hương Tích mất cả ngày trời thì nay, với hệ thống cáp treo hiện đại, du khách chỉ mất 15 phút để lên tới chùa chính. Tổng chiều dài tuyến cáp treo là 1.218 m, nối từ sau chùa Thiên Trù lên động Hương Tích. Toàn tuyến có 32 cabin 6 chỗ loại Omega III của Thuỵ Sĩ, công suất chuyên chở 1.500 hành khách/giờ. Từ Thiên Trù lên Hương Tích có ba ga, là ga Thiên Trù, ga Giải Oan và ga Hương Tích.
5. Cáp treo Đà Lạt (Lâm Đồng)
Tuyến cáp treo Đà Lạt dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển. Hệ thống cáp treo Đà Lạt này được khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2002, khánh thành ngày 24/1/2003 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/2/2003. Hệ thống này do Hãng Doppelmayr của Thụy Sĩ và Áo thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Với 50 cabin tự động đủ màu sắc có công suất vận chuyển tối đa 900 lượt/giờ, du khách có thể thưởng ngoạn rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ, toàn cảnh thành phố ngàn hoa và bay trên những rừng thông bạt ngàn, tận hưởng cái lành lạnh của trời Đà Lạt.Tại đồi Rôbin (rộng 15.000m2), một nhà ga 7.500m2 được trang bị hệ thống tách cáp hiện đại theo dây chuyền đường ray để cabin tự chặn lại cho khách lên xuống. Du khách còn có thể thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Đà Lạt của nhà hàng tại ga đi. Ở ga đến, khách sẽ được tham quan khu du lịch Thiền viện Trúc Lâm - hồ Tuyền Lâm và thưởng thức cơm chay. Đặc biệt, vào ngày 6/8/2004, Khu Du lịch Cáp treo Đà Lạt đã đưa vào phục vụ du khách chương trình “Cà phê cảm giác trên cáp về đêm”. Cáp treo Đà Lạt đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho thành phố “đường trong hoa, thấp thoáng nhà trong lá” này.
6.Cáp treo Núi Bà Tây Ninh
Đã đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh, du khách sẽ không thể từ chối lời mời tới vãn cảnh Núi Bà. Ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam Bộ, cách thị xã Tây Ninh 11 km, vừa là nơi đón khách tham quan, vừa là chốn tụ hội của hàng nghìn tăng ni Phật tử mỗi khi đến mùa lễ hội.Ngọn núi này còn có tên là Núi Bà Đen. Theo truyền thuyết, có một người con gái tên Đênh (sau gọi chệch sang là Đen), là con một viên quan trấn thủ người Miên, rất sùng Phật đạo. Từ chối kết duyên với con quan vùng Trảng Bàng, nàng bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu". Hàng năm, du khách tới thăm Điện Bà đông như nước chảy, nhất là vào mua xuân, mọi người tin rằng Bà sẽ phù hộ được an vui về mọi mặt, được giải tỏa tâm linh, và nhân thể ngắm phong cảnh hùng vĩ nơi đây. Để phục vụ nhu cầu của du khách, một hệ thống cáp treo đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Với hệ thống này, du khách có thể thăm quan phong cảnh kỳ vĩ của Núi Bà với cảm giác mạnh mà vẫn an toàn, tận hưởng thú vị cảnh quan núi rừng thiên nhiên và muôn thú. Tuyến cáp treo Núi Bà Tây Ninh dài 1.225m, độ chênh cao giữa hai nhà ga là 225m, với 180 cabin hai chỗ ngồi, vận tốc di chuyển trung bình là 18 phút/lượt, cáp treo Núi Bà Tây Ninh có thể vận chuyển được 500 lượt khách/giờ.
7. Cáp treo núi Tà Cú (Bình Thuận)
Khu du lịch núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cách TP Phan Thiết 30km. Khu du lịch rộng hơn 250.000 m² có rừng, núi và biển với quần thể sinh thái phong phú. Vừa qua, để phục vụ du khách, một hệ thống cáp treo hiện đại đã được lắp đặt tại đây. Tuyến cáp dài 1.600m, cao 505m với 35 ca-bin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ. Có hai nhà ga: nhà ga cáp dưới, nhà ga cáp trên, một quảng trường và những khu phụ trợ rộng rãi, khang trang cùng lúc có thể phục vụ hàng nghìn khách du lịch... Kiến trúc toàn bộ khu du lịch cáp treo núi Tà Cú hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Ði cáp treo, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hương rừng, gió biển và ngắm nhìn những cánh rừng và đồng lúa. Ngồi ca-bin cáp treo, lướt trên những ngọn cây dong hoa đỏ rực, du khách cảm thấy thật thư giãn và dễ chịu. Sau khi vượt qua đỉnh ngọn núi nhỏ và khu rừng già nguyên sinh, trước mặt du khách là biển Hàm Thuận Nam, bên trái là ngọn hải đăng Kê Gà nổi tiếng có hơn 100 tuổi, hằng ngày vẫn cần mẫn hướng dẫn tàu, thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn.Khi theo cáp treo đi xuống cũng rất thú vị. Từ trên cao, khách thấy những vườn Thanh Long thẳng hàng, xanh rì, dưới xa là những làng xóm mái ngói đỏ tươi. Nhìn toàn cảnh khu du lịch, khách sẽ ngạc nhiên và thú vị được chiêm ngưỡng ý tưởng độc đáo của các nhà kiến trúc khi xây dựng nơi đây như một tác phẩm nghệ thuật mang hình cây đàn nhị và cây đàn ghi-ta khổng lồ nối với nhau bằng một chiếc cầu xinh xắn. Khi du khách đi vào, xe điện êm ru chạy vòng theo nửa của hai cây đàn, lúc ra đi theo nửa còn lại. Cái cổng lợp ngói âm dương kiểu cổ là nơi đón và tiễn chân du khách, tạm khép lại một chuyến tham quan thú vị.
Có thể thấy hệ thống cáp treo tại Việt Nam đang góp phần tạo nên bản sắc du lịch Việt Nam, níu chân du khách.
Dulichbui's Blog (Theo Hanoi moi)
Read more...

Phố Tây ở Hà Nội

Dulichbui's Blog - Mặc dù nằm trong khu phố cổ và chẳng có chút dáng dấp kiến trúc Pháp nào như những khu phố Tây - Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt..., người ta vẫn cứ gọi Tạ Hiện là "phố Tây". Đơn giản chỉ vì "Tây" hay la cà tới đó uống bia và tán gẫu mỗi tối.
11 giờ đêm. Những cơn gió cuối thu riết róng phả hơi lạnh khiến phố xá Hà Nội vắng ngơ ngác. Thành phố sắp đi vào giấc ngủ êm đềm. Nhưng ở góc đường Tạ Hiện thì đây vẫn là giờ "mở hội". 5- 6 quán bia hơi tỏa trên vỉa hè đông nghịt. Toàn khách nước ngoài. Nhấp một ngụm bia lạnh sóng sánh trong cái cốc vại sù sì, Kain, anh chàng đến từ xứ sở sương mù quay sang nháy mắt: "Tuyệt!".
Kain đã "cắm rễ" ở Tạ Hiện cả tối và chưa hề có ý định "tan cuộc". Đây là lần thứ hai Kain khoác ba lô đến Việt Nam. Anh đặc biệt khoái thăm thú Hà Nội theo kiểu du lịch "bụi" và chẳng có tối nào là không la cà ở "phố Tây". "Phố Tây", thêm một cái nháy mắt, "Bia ngon, lại cực rẻ". Kain so sánh: "Ở Anh 3 đô-la một cốc. Bia ở Tạ Hiện chỉ có mấy nghìn đồng một vại lớn, uống từ chập tối đến nửa đêm vẫn không hết tiền". Kain biết đến "phố Tây" qua lời giới thiệu hấp dẫn của một người bạn. Người bạn này lại "update" (cập nhật) thông tin từ người hướng dẫn tour... Nói chung là bằng nhiều đường. Địa chỉ "cool beer Tạ Hiện" (bia lạnh Tạ Hiện) có mặt trong hầu hết sổ tay của dân du lịch "bụi".
"Tôi mở quán từ năm 1990", ông chủ quán tên Lực chỉ kịp ngẩng đầu lên đáp vội rồi lại tíu tít rót bia cho khách. Ngày đạp xích lô, tối bán bia hơi, công việc của ông xoay như chong chóng và chỉ kết thúc vào lúc nửa đêm. Nếu ông nhớ không nhầm thì cũng từ năm 1990, những cái quán đơn sơ đề biển "Cool beer" mới bắt đầu bung ra ở góc đường Tạ Hiện, chỉ chuyên bán bia và mấy loại nước ngọt. Không có café, trà và đồ ăn. Chỗ ngồi "lộ thiên", tức là ngoài trời. Ai ngờ khách tây lại "kết". Không ít người giống như Kain, đi du lịch một mình. Nhưng hễ đến phố Tây là họ lập tức nhập hội với nhau, gọi bia, cụng ly và chuyện trò rôm rả suốt tối.
Bán quán gần 20 năm nay rồi, ông Lực cũng chịu không lý giải được vì sao "phố Tây" lại hút khách du lịch ngoại quốc đến vậy. Vì bia ngon và rẻ? Ừ, đúng thế. Nhưng chẳng có ai dại đến mức bỏ ra cả đống tiền sang Việt Nam chỉ để uống bia. Ngắm kỹ "phố Tây" thì thấy, quả thực, nếu không có mấy cái quán "cool beer", góc đường Tạ Hiện này chẳng có gì khác so với những khu phố cổ và hơi cổ của Hà Nội hiện giờ. Cũng những nếp nhà trầm tư, cũ kỹ, cũng những con đường nho nhỏ, cũng chằng chịt dây điện trên đầu. Chính những vị khách tây vui tính, nồng nhiệt đã đem đến cho nó một sinh khí khác hẳn. Đó là tiếng huýt sáo ngẫu hứng, là tràng cười rộ sảng khoái, những cái bắt tay thân mật, những pha cụng ly "không biên giới"... vào lúc gần nửa đêm.
Và gì nữa? Mùi mực nướng thơm nhức mũi, những quầy bán ngô luộc, sắn luộc di động toả hơi nghi ngút, đoàn hát rong với MC, loa thùng, ca sĩ "sẵn sàng phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quý khách".... Tất cả đều sống động và "dậy mùi" vỉa hè. Thứ mùi mà một vị tiến sĩ người Anh đến Hà Nội tham dự hội thảo "Bảo tồn phố cổ" cứ mong mỏi níu giữ bằng được, cứ tha thiết rằng "hoạt động vỉa hè" chính là một nét độc đáo của người Hà Nội. Phải chăng là vì thế? Còn bạn, đọc đến đây, nếu thấy háo hức muốn nếm thử mùi vị "phố Tây" hay đơn giản là muốn có nơi nào đó để la cà khuya khuya một chút, hãy đến Tạ Hiện nhé!





Dulichbui's Blog (Theo Thanh Niên, ảnh: travelblog.org)
Read more...

Ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ

Dulichbui's Blog - Chùa Cầu Đông, tên chữ là Đông Hoa Môn tự, là cổ tự của một vùng dân cư đặc biệt. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ - vị kiến trúc sư tạo dựng nghiệp lớn nhà Trần.

Cổ tự của vùng dân cư đặc biệt
Chùa tọa lạc trên một thân đất phẳng phiu, nay là phố nhà 38B, phố Hàng Đường, Hà Nội. Đây là ngôi chùa của thôn Đông Hoa Môn xưa, trước thế kỷ XV. Kể từ khi mới dựng, chùa đã qua nhiều bước thăng trầm cùng lịch sử và cũng đã được trùng tu không ít lần. Hiện chùa Cầu Đông còn lưu giữ được 4 bia đá cổ có các niên đại: Vĩnh Tộ thứ sáu 1624, Dương Hòa thứ năm 1639, Vĩnh Thịnh thứ tám 1712 và Gia Long thứ mười sáu 1817. Đó là những năm chùa được trùng tu lớn. Bia dựng năm 1624 do nhà sư Nguyễn Văn Hiệp chủ trì tạo dựng có ghi việc chính như mua thêm đất, mở rộng khuôn viên, và mở mang chùa. Văn bia còn ghi rõ vị trí ngôi chùa: phía trên giáp cầu đá, dưới giáp đường Diên Hưng, trước mặt giáp đường cái. (Diên Hưng xưa, nay là khu vực phố Hàng Ngang tới phố Hàng Đường).
Vào thời Vĩnh Tộ (1619 – 1629), chưa có phố Hàng Đường, nhưng theo văn bia đã có đường Diên Hưng. Một số thư tịch cũ có ghi, Diên Hưng là một phường buôn bán sầm uất của Thăng Long xưa, rất nhiều thương gia các nước như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh và đông nhất là Trung Quốc đến buôn bán ở đây. Thời đó, sông Tô Lịch từ cửa Hà Khẩu (khoảng chỗ Chợ Gạo), đi miên man vào trong đất Thăng Long, qua các địa điểm nay là phố Nguyễn Siêu, ngõ Gạch cắt ngang phố Hàng Đường, rồi chéo qua phố Hàng Lược mà lên Bưởi…
Để đi qua khúc sông Tô, người thôn Đông Hoa Môn đã tạo một chiếc cầu bằng đá, là Cầu Đông (cầu của thôn Đông). Và ngay bên cạnh cầu, có chợ Cầu Đông rất nổi tiếng, đã từng đi vào ca dao:
Bà già đi chợ Cầu Đông… Cầu Đông cũng chính là cầu đá giáp với chùa. Ở đầu cầu vốn có một tượng Phật ngồi xếp bằng trên bệ, đều tạc bằng đá. Tượng Phật cười tủm tỉm, nên dân gian đã gọi là tượng Phật cười. Vào thời Tây Sơn, nhà thơ Ngô Ngọc Du đã viết bài thơ Tiếu Phật hành khá nổi tiếng, trong đó có câu (tạm dịch): Trò đời phô hết trăm màu vẻ/ Đức Phật từ bi cũng bật cười…Cuối thế kỷ XIX, đời Thành Thái, đoạn sông Tô Lịch chảy vào khu vực phố cổ bị lấp hết. Tượng Phật cười cũng bị thất tán đâu mất…'



Lưu giữ nhiều di vật quý hiếm
Do nhiều lần trùng tu lớn, chùa Cầu Đông có kết cấu theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn phảng phất dấu vết kiến trúc thời Lê Trưng hưng. So với những ngôi chùa cổ trên đất Thăng Long – Hà Nội, chùa Cầu Đông còn giữ được nhiều tượng cổ, tới gần 60 pho. Bộ tượng Tam thế, thể hiện tư tưởng Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai, là những cổ vật quan trọng của chùa Cầu Đông. Có thể nói, đó là những pho tượng đẹp chuẩn mực của tượng Phật Việt Nam thế kỷ XVII, mang giá trị nghệ thuật cao. Trong Thập điện của chùa, còn có pho tượng vào loại quý hiếm trong di sản tạo tác nghệ thuật của người Việt ta. Đó là tượng Tuyết Sơn với nét điêu khắc tinh tế, mô tả kiểu áo buông hờ hững trên vai, để lộ thân thể gầy guộc mà vẫn toát lên vẻ thanh tao, thoát tục. Cùng với tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc cũng là một di vật quý của chùa Cầu Đông. Tượng có tầm vóc tương đương người thực, bụng phệ, gương mặt cười rạng rỡ. Nếu Tuyết Sơn mang vẻ suy tư, trăn trở tìm đường giải thoát, thì Di Lặc cho thấy con đường giải thoát đã đạt tới viên mãn…
Ở chùa Cầu Đông còn có một bàn thờ với tượng Trần Thủ Độ và tượng bà Trần Thị Dung, những nhân vật lịch sử đặc biệt thời Trần. Có thể nói, Trần Thủ Độ là vị kiến trúc sư tạo dựng nghiệp lớn nhà Trần (thế kỷ XIII – XIV) và Cầu Đông là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ ông.
Ngoài những pho tượng quý hiếm, có giá trị văn hóa lịch sử, chùa Cầu Đông còn có 4 tấm bia, trong đó, ba tấm bia có niên hiệu thời Lê, là những di vật quý giá người xưa gửi lại cho hậu thế. Và, còn có quả chuông thời Tây Sơn, tạo tác năm Cảnh Thịnh thứ tám, 1800. Qua những cổ vật quý hiếm đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu về địa lý, về sự thay đổi các địa danh, về nghệ thuật trang trí, về tôn giáo, đời sống xã hội; và về thôn Đông Hoa Môn trước thế kỷ XV tiến triển thành phường Diên Hưng ở thế kỷ XV, XVI… rồi phát triển thành phố Hàng Ngang, Hàng Đường sau này. Có thể nhìn nhận, khu vực nhỏ này của Thăng Long – Hà Nội, từ thời Nguyễn Trãi ghi vào sách Dư địa chí, đây là phường Đường Nhân (có nghĩa là phường nhiều người nhà Đường cư trú, buôn bán), chắc rất đông đúc thương nhân Hoa kiều. Vậy mà thôn Đông Hoa Môn đã có một ngôi chùa thờ Phật thuần Việt, là chùa Cầu Đông, ngay từ thời xa xưa đó! Ca dao cổ Hà Nội có câu hay thấm thía:

Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến gió lùa khói hương
Mặt ngoài có phố Hàng Đường…




Dulichbui's Blog (Theo Người đại biểu nhân dân)
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org