Ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ



Dulichbui's Blog - Chùa Cầu Đông, tên chữ là Đông Hoa Môn tự, là cổ tự của một vùng dân cư đặc biệt. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ - vị kiến trúc sư tạo dựng nghiệp lớn nhà Trần.

Cổ tự của vùng dân cư đặc biệt
Chùa tọa lạc trên một thân đất phẳng phiu, nay là phố nhà 38B, phố Hàng Đường, Hà Nội. Đây là ngôi chùa của thôn Đông Hoa Môn xưa, trước thế kỷ XV. Kể từ khi mới dựng, chùa đã qua nhiều bước thăng trầm cùng lịch sử và cũng đã được trùng tu không ít lần. Hiện chùa Cầu Đông còn lưu giữ được 4 bia đá cổ có các niên đại: Vĩnh Tộ thứ sáu 1624, Dương Hòa thứ năm 1639, Vĩnh Thịnh thứ tám 1712 và Gia Long thứ mười sáu 1817. Đó là những năm chùa được trùng tu lớn. Bia dựng năm 1624 do nhà sư Nguyễn Văn Hiệp chủ trì tạo dựng có ghi việc chính như mua thêm đất, mở rộng khuôn viên, và mở mang chùa. Văn bia còn ghi rõ vị trí ngôi chùa: phía trên giáp cầu đá, dưới giáp đường Diên Hưng, trước mặt giáp đường cái. (Diên Hưng xưa, nay là khu vực phố Hàng Ngang tới phố Hàng Đường).
Vào thời Vĩnh Tộ (1619 – 1629), chưa có phố Hàng Đường, nhưng theo văn bia đã có đường Diên Hưng. Một số thư tịch cũ có ghi, Diên Hưng là một phường buôn bán sầm uất của Thăng Long xưa, rất nhiều thương gia các nước như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh và đông nhất là Trung Quốc đến buôn bán ở đây. Thời đó, sông Tô Lịch từ cửa Hà Khẩu (khoảng chỗ Chợ Gạo), đi miên man vào trong đất Thăng Long, qua các địa điểm nay là phố Nguyễn Siêu, ngõ Gạch cắt ngang phố Hàng Đường, rồi chéo qua phố Hàng Lược mà lên Bưởi…
Để đi qua khúc sông Tô, người thôn Đông Hoa Môn đã tạo một chiếc cầu bằng đá, là Cầu Đông (cầu của thôn Đông). Và ngay bên cạnh cầu, có chợ Cầu Đông rất nổi tiếng, đã từng đi vào ca dao:
Bà già đi chợ Cầu Đông… Cầu Đông cũng chính là cầu đá giáp với chùa. Ở đầu cầu vốn có một tượng Phật ngồi xếp bằng trên bệ, đều tạc bằng đá. Tượng Phật cười tủm tỉm, nên dân gian đã gọi là tượng Phật cười. Vào thời Tây Sơn, nhà thơ Ngô Ngọc Du đã viết bài thơ Tiếu Phật hành khá nổi tiếng, trong đó có câu (tạm dịch): Trò đời phô hết trăm màu vẻ/ Đức Phật từ bi cũng bật cười…Cuối thế kỷ XIX, đời Thành Thái, đoạn sông Tô Lịch chảy vào khu vực phố cổ bị lấp hết. Tượng Phật cười cũng bị thất tán đâu mất…'



Lưu giữ nhiều di vật quý hiếm
Do nhiều lần trùng tu lớn, chùa Cầu Đông có kết cấu theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn phảng phất dấu vết kiến trúc thời Lê Trưng hưng. So với những ngôi chùa cổ trên đất Thăng Long – Hà Nội, chùa Cầu Đông còn giữ được nhiều tượng cổ, tới gần 60 pho. Bộ tượng Tam thế, thể hiện tư tưởng Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai, là những cổ vật quan trọng của chùa Cầu Đông. Có thể nói, đó là những pho tượng đẹp chuẩn mực của tượng Phật Việt Nam thế kỷ XVII, mang giá trị nghệ thuật cao. Trong Thập điện của chùa, còn có pho tượng vào loại quý hiếm trong di sản tạo tác nghệ thuật của người Việt ta. Đó là tượng Tuyết Sơn với nét điêu khắc tinh tế, mô tả kiểu áo buông hờ hững trên vai, để lộ thân thể gầy guộc mà vẫn toát lên vẻ thanh tao, thoát tục. Cùng với tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc cũng là một di vật quý của chùa Cầu Đông. Tượng có tầm vóc tương đương người thực, bụng phệ, gương mặt cười rạng rỡ. Nếu Tuyết Sơn mang vẻ suy tư, trăn trở tìm đường giải thoát, thì Di Lặc cho thấy con đường giải thoát đã đạt tới viên mãn…
Ở chùa Cầu Đông còn có một bàn thờ với tượng Trần Thủ Độ và tượng bà Trần Thị Dung, những nhân vật lịch sử đặc biệt thời Trần. Có thể nói, Trần Thủ Độ là vị kiến trúc sư tạo dựng nghiệp lớn nhà Trần (thế kỷ XIII – XIV) và Cầu Đông là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ ông.
Ngoài những pho tượng quý hiếm, có giá trị văn hóa lịch sử, chùa Cầu Đông còn có 4 tấm bia, trong đó, ba tấm bia có niên hiệu thời Lê, là những di vật quý giá người xưa gửi lại cho hậu thế. Và, còn có quả chuông thời Tây Sơn, tạo tác năm Cảnh Thịnh thứ tám, 1800. Qua những cổ vật quý hiếm đó, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu về địa lý, về sự thay đổi các địa danh, về nghệ thuật trang trí, về tôn giáo, đời sống xã hội; và về thôn Đông Hoa Môn trước thế kỷ XV tiến triển thành phường Diên Hưng ở thế kỷ XV, XVI… rồi phát triển thành phố Hàng Ngang, Hàng Đường sau này. Có thể nhìn nhận, khu vực nhỏ này của Thăng Long – Hà Nội, từ thời Nguyễn Trãi ghi vào sách Dư địa chí, đây là phường Đường Nhân (có nghĩa là phường nhiều người nhà Đường cư trú, buôn bán), chắc rất đông đúc thương nhân Hoa kiều. Vậy mà thôn Đông Hoa Môn đã có một ngôi chùa thờ Phật thuần Việt, là chùa Cầu Đông, ngay từ thời xa xưa đó! Ca dao cổ Hà Nội có câu hay thấm thía:

Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến gió lùa khói hương
Mặt ngoài có phố Hàng Đường…




Dulichbui's Blog (Theo Người đại biểu nhân dân)

Liên hệ đặt tour: 0902 43 11 77



About me

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và muốn chia sẻ mà thôi."



Tôi yêu những chuyến đi, tôi yêu công việc viết blog và tôi đang cố gắng để có thể trở thành một travel blogger/travel writter...



Blogger Tùng Lâm

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org