Cơm Gà Hải Nam

Dulichbui's Blog - Cơm gà Hải Nam là một món ăn gồm thịt gà và cơm bắt nguồn từ huyện Văn Xương, Hải Nam, Trung Quốc. Người Hải Nam đều cho rằng không có thịt gà là không thành yến tiệc, đã có gà Văn Xương thì tất phải có cơm nấu bằng loại gạo thơm hảo hạng.


Trong lịch sử cận đại cũng có ghi chép về tình hình kinh doanh cơm gà Hải Nam. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, ở Hải nam đã có cửa hàng "Phàn chân ngũ kê" do họ Trần và họ Phù mở. 
Cách nấu cơm gà Hải Nam cũng khá cầu kỳ, nó không đơn thuần chỉ việc dùng nước luộc gà để nấu cơm, mà gà phải chọn loại gà Văn Xương đã nuôi đầy 180 ngày, thường thì người ta nuôi gà ở trên đồi vùng nông thôn, sau 120 ngày thì bắt về nuôi trong chuồng để vỗ béo, gà thời kỳ chăn thả chủ yếu cho ăn hạt cây, sâu bọ và cùi dừa, đến thời kỳ vỗ béo thì dùng chấu, bã lạc, gạo và khoai nấu lẫn với nhau cho gà ăn, do đó thịt gà Văn Xương tuy béo những ăn không ngấy. Ngoài gà và nước luộc ra, còn phải dùng loại gạo tám thơm vo sạch đổ vào nồi, sau đó cho thêm một ít mỡ gà, tỏi phi thơm vào khuấy đảo cho đều, rồi đổ nước luộc gà vào nấu, khi nấu chín hạt cơm săn chắc, bóng dầu, thơm nức ăn rất ngon miệng. 
Cơm gà Hải Nam truyền thống
Cơm gà Hải Nam còn được phát huy hơn nữa ở Malaysia, Singapore, và Hong Kong. Singapore thậm chí còn coi cơm gà Hải Nam là món ăn cấp quốc bảo. 
Hiện nay, món cơm gà Hải Nam ngày càng được coi trọng. Năm 2011, cửa hàng cơm ven sông ở Hải Khẩu đã được Bộ Thương mại Trung Quốc đưa vào danh mục Cửa hàng lâu năm Trung Hoa, trở thành doanh nghiệp duy nhất của Hải Nam đoạt được vinh dự này.

Bài, ảnh: Internet
Read more...

Hột vịt lộn – món ăn bình dân

Dulichbui's Blog - Nhắc đến hột vịt lộn (trứng vịt lộn), có lẽ ai trong chúng ta cũng đều đã thưởng thức hay ít nhất cũng đã một lần nghe tên qua. Hột vịt lộn vốn dĩ là quả trứng vịt trong thời kỳ phôi thai hình thành được đem luộc chín, đây là món ăn bình dân rất được phổ biến ở Việt Nam và một số nước Châu Á.

Món ăn giàu dưỡng chất
Nhiều người cho rằng hột vịt lộn là món ăn có hàm lượng protein cao và giàu dưỡng chất. Trong quá trình hình thành và phát triển của phôi, một số dư chất trong trứng vịt sẽ bị biến đổi thành các chất cần thiết cho sự tăng trưởng của phôi, tạo nên giá trị dinh dưỡng của hột vịt lộn.
Hột vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết thường được ăn cùng các loại gia vị như: rau răm tươi (có tác dụng tán hàn, tiêu thực), gừng tươi (kích thích tiêu hóa, giải độc thức ăn), muối tiêu chanh hoặc muối tiêu vắt nước tắc và ớt. Ăn như vậy vừa để giảm vị tanh của trứng đồng thời giúp quân bình âm dương trong cơ thể (theo quan điểm ăn uống của người Việt).
Hột vịt lộn là món ăn rất phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á
Món ăn phổ biến
Với người Việt Nam, hột vịt lộn là món ăn rất đỗi quen thuộc, dường như đâu đâu trên dãy đất hình chữ S này người ta đều có thể tìm mua cho mình những trái hột vịt lộn để thưởng thức.
Phổ biến là thế, nhưng cách ăn hột vịt lộn của mỗi vùng miền lại có phần khác nhau: tại miền Nam, trứng sau khi được luộc chín sẽ được đặt trên một cái cốc nhỏ, đầu to của trứng hướng lên trên. Khi ăn người ăn chỉ việc dùng muỗng xúc ăn cùng với gia vị. Trong khi đó tại miền Bắc, hột vịt lộn sẽ được bóc hết vỏ trước khi được cho vào một cái bát (chén). Người ăn sẽ dùng muống để xắn ăn cùng với các loại gia vị.
Được biết, hột vịt không chỉ có ở Việt Nam mà còn phổ biến tại nhiều nước Châu Á: tại Thái Lan, người ta gọi hột vịt lộn là Khai Look Kuey, người Campuchia gọi món ăn này là Pong Tea Khon, còn người Philippin thì gọi là Balut.
Mặc dù được phổ biến ở nhiều nước Châu Á, nhưng với các nước phương Tây hột vịt lộn lại được xếp vào danh sách những món ăn kinh dị trên thế giới.
Read more...

Cá suối nướng "Pa pỉnh tộp"

Dulichbui's Blog - Từ ngàn xưa, người Thái đã định cư ở những thung lũng lớn, màu mỡ ven các con sông, con suối, nơi có những cánh đồng lúa phì nhiêu nổi tiếng như Mường Tấc, Mường Thành, Mường Lò... Hệ sinh thái thung lũng đã tạo nên định hướng sản xuất truyền thống của dân tộc Thái là trồng trọt lúa và đánh bắt, nuôi cá để kiếm kế sinh nhai.
Việc chế biến các món ăn hợp khẩu vị không những trở thành nhu cầu hàng ngày không thể thiếu được đối với đồng bào Thái, mà còn là một tiêu chuẩn để nhận xét, đánh giá con người, nhất là đối với thanh niên nam nữ mới đi làm dâu, làm rể. Cơm nếp thơm, ăn cùng với các món ăn được chế biến từ thịt, cá và các loại rau rừng là những món ăn ngon đặc sắc của người Thái thể hiện sự hoà quyện giữa thiên nhiên với lòng kiên trì, nhẫn nại, tính sáng tạo tuyệt vời của cư dân Thái. Về hình thức, các món ăn Thái nhìn chung không cầu kỳ kiểu cách nhưng khi đã được thưởng thức thì không dễ quên được, trong đó đặc biệt là món '' Pa Pỉnh Tộp" (tức là cá nướng úp) đậm đà bản sắc dân tộc.
Tục ngữ Thái có câu: '' Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú'' nghĩa là: '' Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho''. Người ta đánh giá món cá nướng này sang trọng không chỉ bởi giá trị ẩm thực của nó mà còn bởi sự ước lượng chuẩn xác và bàn tay kehó lép của người làm ra nó. Từ xa xưa, cá và các loại thuỷ sản khác đã là nguồn thực phẩm quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Thái. Khi đứa con mới đẻ người mẹ lấy đôi đũa mới gắp miếng cá nướng chấm vào miệng con trẻ, làm như vậy có nghĩa là bé sinh ra hưởng miếng cơm cá mà lớn khôn. Đối với đồng bào Thái, ''Cơm trắng, miếng cá bạc'' là biểu tượng cho sự no đủ, hạnh phúc.
Để làm được món '' Pa Pỉnh Tộp'', người ta chọn loại cá chép khoảng 0,5 kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo vảy để gia vị ướp ngấm đều vào cá, không mổ cá đằng bụng mà phải mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá. Dao mổ cá phải là dao sắc lẹm, khía thẳng, dứt khoát, không khía nhiều lần gây nát cá. Sau khi bỏ mật cá bắt đầu ướp nhồi gia vị.
Các món ăn Thái mang hương vị đặc trưng khó quên cũng là nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt như ớt, tỏi, gừng, sả, riềng, mắc khén và các loại rau thơm, trong đó đặc biệt là ớt và tỏi là hai thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Nói về các gia vị của người Thái để chế biến món cá Pỉnh Tộp cũng như các món đặc sản khác thì vô cùng đa dạng phong phú. Pa Pỉnh Tộp phải ướp bằng ớt bột khô thì khi nướng cá mới thơm ngon và ướp đậm muối hơn một chút so với cá đem rán. Sau khi tẩm ướp con cá, để khoảng 5-10 phút, người ta nhồi vào bụng cá những loại rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng (Hom mu chưn) và mầm măng của cây sa nhân. Gấp úp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que gắp nướng (Híp Pỉnh) phải bằng cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn. Sau đó phải nướng cá trên cây củi gỗ núi đá. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì cá không chín vàng đều và không thơm ngon. Người ngồi nướng cá cần phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa cá sẽ cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái có sáng kiến dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát.
Khách quý tới nhà, sau khi đôi lời chia vui, cảm ơn quý khách chủ nhà sẽ chia phần '' Pa Pỉnh Tộp'' cho khách và mọi người với ý niệm: đây là món ăn quý trọng, mến khách, hẹn gặp lại không bao giờ quên! Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt đầu sàn nhà mẹ, qủa Mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng - tất cả màu sắc của bức tranh thiên nhiên ấy đã đi vào bữa ăn cụ thể của đồng bào Thái giản dị mà ngẫu nhiên. Cơm xôi ăn với '' Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái cũng được ví như cơm tám nấu niêu đất ăn với cá bống kho của người miền xuôi vậy.
Vừa là món ăn giành đãi khách quý, nhưng cá Pỉnh Tộp cũng còn là món ăn đời thường, rất thuận tiện cho việc gói cơm đi làm nương rẫy, đồng áng. Cơm xôi ăn với cá nướng, chấm muối ớt giã (chẳm chéo), cùng với can nước mát đã đủ sức làm ấm lòng những người cày cuốc trên nương, ngoài ruộng.
Có thể nói, bữa ăn dân tộc Thái là tấm gương trung thực phản chiếu môi trường tự nhiên, cách thức và trình độ chinh phục môi trường đẻ tạo ra nguồn thức ăn đặc sắc, hợp khẩu vị. Món '' Pa Pỉnh Tộp'' của người Thái là món ăn đã trở thành nổi tiếng, là nhu cầu đòi hỏi đối với du khách khi tới thăm bản của người Thái.
Read more...

Đặc sản Hải Dương

Dulichbui's Blog - Vùng đất xứ Ðông xưa nay đã khiến khách bốn phương "đi nhớ, về thương" bởi những đặc sản gắn với từng tên đất, tên làng, tên phố. Ðến với Hải Dương, khách nhớ đến bánh đa Kẻ Sặt, vải Thanh Hà và nhất là không ai quên mang về chục hộp bánh đậu xanh, dăm ba chục bánh gai thị trấn Ninh Giang làm quà cho người thân.
Những món quà ấy tự thân nó đã nói hộ du khách về vùng đất mình vừa đặt chân, về sự tài tính, khéo léo của con người xứ Ðông, bởi đó là nét văn hoá đặc sắc, là bản sắc không thể lẫn của xứ Ðông trên mọi miền đất nước.

Bánh đậu xanh thành phố Hải Dương
Bánh đậu xanh đặc sản của Hải Dương được làm nên từ những sản vật hết sức gần gũi: đậu xanh, đường tinh, mỡ lợn, tinh dầu hoa bưởi. Những nghệ nhân cao tuổi của làng nghề bánh đậu truyền thống tại thành phố Hải Dương giải thích rằng, cái quý và độc đáo của bánh nằm ở những công đoạn rất tỷ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người thợ làm nghề. Ðậu xanh phải là loại xanh vỏ, vàng lòng, được chọn lọc công phu, đem rang khô, xay vỡ, sảy sạch vỏ, cho vào chảo rang nhỏ lửa để nhân đỗ chín vàng. Ðỗ rang xong xay nhỏ mịn, người làm bánh lại dùng rây mau loại hết những mảnh vụn cho bột mịn, mượt. Mỡ khổ còn tươi, lột da, rán nhỏ lửa cho mỡ trong và thơm. Mỡ rán khéo là loại mỡ vừa độ lửa, nếu mỡ rán quá già, bánh sẽ có mùi khét; nếu mỡ quá non bánh sẽ mất mùi thơm và vị ngậy. Ðường kết tinh hoà nước, lọc sạch bằng lòng trắng trứng. Hoa bưởi cho thêm mùi già, rễ tòng bài chưng lấy tinh dầu. Bốn nguyên liệu trên được trộn đều theo tỷ lệ hợp lý, đóng thành khẩu, gói trong giấy bóng kính, rồi mới đóng thành hộp.
Trước năm 1945, thị xã Hải Dương có nhiều cửa hiệu chuyên làm và bán bánh đậu như Hoa Mai, Mai Phương,... nhưng nổi tiếng nhất là Bảo Hiên và Cự Hương. Bánh đậu Bảo Hiên do bà Nguyễn Thị Nhung làm chủ hiệu. Những người thuộc lớp cao tuổi ở Hải Dương hôm nay vẫn nhớ: Bảo Hiên là nhà hàng khởi lập nghề làm bánh đậu xanh tại thành phố Hải Dương. Mỗi lần nhà hàng Bảo Hiên nhập nguyên liệu làm bánh, thị xã sầm uất hơn hẳn ngày thường. Những toa tầu chở đường loại tốt nối nhau từ Tuy Hoà ra tận Hải Dương. Từng thuyền lớn chở đậu xanh từ Lục Nam xuống, hàng tạ mỡ khổ từ lò mổ tấp nập chuyển về kho của hiệu bánh đậu Bảo Hiên. Cửa hiệu hoạt động suốt ngày đêm. Mọi việc từ khâu kiểm tra kỹ thuật, giao dịch, quản lý, kế toán, điều hành công nhân,... cũng chỉ có một phụ nữ với một quyển sổ, một bàn tính cùng đàn con líu ríu quanh mình lo toan, nhưng công việc "vẫn cứ chạy băng băng". Người phụ nữ thạo nghề, yêu nghề và năng động ấy đã đưa bánh đậu xanh Hải Dương trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh Ðông. Cũng nhờ bà "một tay chèo lái" mà Bảo Hiên trở thành hiệu làm và bánh đậu xanh có quy mô bề thế nhất thành Ðông những năm của thập niên 60, 70 (thế kỷ XX). Cùng thời đó, Cự Hương cũng là nhà hàng làm và bán bánh đậu xanh có tiếng. Sản lượng bánh của hiệu Cự Hương không lớn, nhưng bánh đậu xanh Cự Hương nổi tiếng bởi chất lượng của sản phẩm.
Năm 1986, ông Ðoàn Văn Ðạt sáng lập hiệu bánh đậu Nguyên Hương. Ông lấy hình ảnh chim Phượng Hoàng làm biểu tượng cho thương hiệu bánh đậu Nguyên Hương, lập nên một "dòng bánh đậu" mới bên cạnh "dòng" rồng vàng do cửa hiệu Bảo Hiên sáng lập. Với tên hiệu Nguyên Hương và biểu tượng chim phượng hoàng trên bao bì sản phẩm, ông Ðạt muốn biểu đạt tâm nguyện giữ được chất lượng "nguyên thuỷ" của bánh đậu xanh Hải Dương, để tiếng thơm về loại đặc sản độc đáo của xứ Ðông sẽ bay xa đến mọi miền đất nước. Tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ toàn quốc năm 1987, Nguyên Hương được nhận Huy chương bạc về chất lượng sản phẩm. Ngay sau đó, năm 1998, cũng tại hội chợ này, Nguyên Hương đạt huy chương vàng. Sự kiện này đã tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của bánh đậu xanh Hải Dương.
Không chỉ tạo nên nét đặc trưng của bánh đậu Hải Dương bằng chất lượng của sản phẩm, những người làm nghề tại thành phố Hải Dương còn tạo nên "diện mạo" riêng cho sản phẩm từ sẵc màu của hộp bánh. Trên đất Hải Dương hôm nay có hàng trăm thương hiệu bánh đậu xanh, nhưng bao bì sản phẩm hầu hết đều được thể hiện với hai màu vàng, đỏ, màu "truyền thống của bánh đậu" từ thời nhà hàng Bảo Hiên sáng lập nghề. Không chỉ gìn giữ nghề như một báu vật của tiền nhân, những người làm bánh đậu hiện nay còn có rất nhiều sáng tạo. Ðể khách hàng giữ bánh khoảng 2 - 6 tháng, các hãng gói bánh bằng giấy bạc thay cho giấy bóng kính, lại dùng hộp giấy chống ẩm để bao gói sản phẩm. Khách hàng có nhu cầu ăn kiêng có thể dùng gói bột đậu không đường. Những bà nội trợ cầu kỳ có thể tự làm bánh đậu theo chỉ dẫn của các hãng. Tuỳ theo khẩu vị, khách hàng chọ`n lựa bánh có độ ngọt khác nhau. Một số hãng lại cho thêm bột đậu đỏ, hạt sen hay lạc nhân vào bánh, hãng khác thêm lòng đỏ trứng khiến mặt hàng bánh đậu trở nên vô cùng phong phú về chủng loại. Ðến nay, thành phố Hải Dương có hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh đậu xanh. Sản phẩm làm ra không chỉ chinh phục thị trường trong nước, mà còn có mặt trên mọi châu lục.


Bánh gai thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang)


Nhiều cụ già tại thị trấn Ninh Giang cho biết: nghề làm bánh gai ở Ninh Giang đã có từ hơn 700 năm nay. Bánh gai Hải Dương xuất xứ từ một làng thuộc huyện Gia Lộc. Ban đầu, bánh tròn như quả chanh, không có lá bọc. Từ nhu cầu "ăn ngon", người xưa đã tìm ra công thức và tiêu chuẩn hoá kỹ thuật sản xuất bánh gai. Gạo nếp cái hoa vàng, lá gai khô, đậu xanh loại tốt, hạt sen, dừa, vừng,... những sản vật bổ và ngon như vậy được hoà trộn với nhau theo một công thức bí truyền, gói trong những lớp lá chuối khô và đem hấp chín. Ðược "mặc" những lớp áo nâu bình dị, bánh gai là một đặc sản quý. Bởi để làm ra chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn, người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng công đoạn. Lấy việc chế biến bột bánh làm ví dụ: lá gai phải là thứ lá của các vùng thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Lá được rửa sạch, cho vào nồi ninh nhừ. Ninh song đem rửa sạch rồi muối, ủ bằng đường 2 - 3 ngày. Khi lá đã được muối ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn, rồi đem trộn với bột nếp. Tỷ lệ bột lá/bột nếp sẽ quyết định chất lượng của lớp áo bánh. "Soi" chiếc bánh gai trong ánh sáng mặt, người sành ẩm thực sẽ nhận thấy bánh chuyển từ màu đen tuyền sang sắc xanh và bột lá gai ly ty hiện lên trong sắc trong của bột nếp được xay mịn. Ðó cũng là tiêu chí quyết định "đẳng cấp" giữa các nhà làm bánh. Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém. Mỡ cảnh (mỡ cổ lợn) được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen phải chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm mà không nát, còn nguyên hương vị.

Từ những thập niên đầu thế kỷ XX, bánh gai được bán nhiều ở bến đò Chanh nên có thời được gọi là "bánh đò Chanh". Tại thị trấn Ninh Giang những năm 40 của thế kỷ XX có 2 nhà hàng làm bánh gai lớn là Ngọc Châu và Ngọc Anh. Gần bến đò Chanh có 2 nhà hàng nổi tiếng là bánh bà Bếp Bái, bà Hương Tụ. Ngày nay, trở lại thị trấn Ninh Giang ta sẽ gặp nhiều "thương hiệu" bánh gai mới như Minh Tân, Nhân Hưng, Tuyết Trung,... Bánh gai Ninh Giang ngang dòng sông Luộc sang đất Thái Bình, theo sông Luộc sang đất Hải Phòng, về Hưng Yên, Hà Nội,... như một thứ quà quê bình dị. Có một điều rất thú vị là: mua bánh gai tại chính thị trấn Ninh Giang, khách hàng sẽ không bao giờ sợ mua phải bánh làm từ các loại lá khác hoặc hoá chất (thay cho lá gai), vì nếu có hàng bánh nào làm ra thứ bánh ấy, sẽ bị các hiệu khác, nhất là người dân Ninh Giang "tẩy chay".

Vải Thuý Lâm (xã Thanh Sơn, Thanh Hà).


Nhiều thế kỷ trước, Thanh Hà nổi tiếng về cau, cam ngọt và thuỷ sản nước lợ như rươi, nhệch, cua, cáy,... Lái buôn Hà Thành quen gọi cau Thanh Hà là cau Ðông, nổi tiếng từ xưa. Ca dao vùng này có câu:


Chim gà, cá nhệch, cảnh cau
Mùa nào thú ấy đượm màu thú quê

Sau này thì câu phương ngôn: "Cam Phù Tải, vải Thuý Lâm" lại ghi nhận thêm về những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này. Vải Thuý Lâm được cổ nhân ca ngợi: "Mã ngoài như lụa hồng, tơ tía; Thịt vải như thuỷ tinh, như dáng tuyết", vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm tưởng chừng như chứa thứ rượu thơm trên đời.
Vải Thuý Lâm được cụ Hoàng Văn Cơm, tự là Phúc Thành (1848 - 1923) đem về trồng cách đây ngót một thế kỷ. Các bô lão trong làng kể rằng: "Cụ Phúc Thành không giàu, nhưng đứng vào hàng chức dịch của địa phương. Sinh thời, cụ thường giao du đây đó. Trong một lần dự tiệc của người Hoa tại Hải Phòng, cụ được thưởng thức một thứ quả rất ngon nên đem hạt về trồng. Ba hạt gieo xuống, nảy mầm cả ba. Gia đình giữ được một cây. Cây lớn lên, cho thứ quả ngon. Cụ thấy vậy, chiết cành nhân giống tặng bạn bè. Từ đó cây vải vươn ra toàn xã Thanh Sơn, rồi huyện Thanh Hà, Chí Linh, sang tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hoá,... Ðặc biệt, cây vải phát triển rất tốt ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang). Ðến nay, vải là cây trồng đem lại thu nhập chính, là nguồn sống "như cơm như gạo" của huyện Thanh Hà.
"Ăn quả nhớ người trồng cây", nhân dân Thanh Hà dựng miếu thờ và tôn cụ Hoàng Văn Cơm là Ông Tổ vải thiều ngay dưới tán cây Vải tổ. Nhân dân các vùng trồng vải lớn trong cả nước đều ghi nhớ công ơn của người đã trồng cây vải đầu tiên. Trong miếu thờ cụ Hoàng Văn Cơm, bức trướng của người dân vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang được treo ở vị trí trang trọng với dòng chũ: "Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm (Ông Tổ vải thiều)". Ðại diện nông trường Chí Linh viết trong sổ lưu niệm: "Vải thiều đã lên ngợp trời Chí Linh nên càng cảm kích công ơn cụ Hoàng Văn Cơm và cây Vải Tổ". Từ cây Vải tổ, vùng Thanh Hà hôm nay đã rợp bóng cây vải thiều. Hàng vạn người con của đất Việt, từ đoàn cán bộ Nhà thiếu nhi Ninh Bình, các sĩ quan Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Long Thành - Ðồng Nai) đến những cán bộ nông nghiệp Tuyên Quang,... đều về thăm cây Vải tổ để được tìm hiểu về cội nguồn của một đặc sản nổi tiếng cả nước. Sổ lưu niệm cũng ghi lại cảm tưởng từ bao ngôn ngữ của các khách Pháp, Mỹ, Lào,...
Thanh Hà ngày nay ngợp trong màu xanh mát của những vườn vải lớn. Mùa thu, mùa đông, tán vải vẫn tròn đều như cây cảnh được cắt tỉa, cây xanh sắc lá. Mùa xuân, những chùm hoa vải màu vàng nhạt sáng lên hứa hẹn những mùa vải bội thu. Mùa hạ, hàng vạn cây vải khắp huyện Thanh Hà những cây lúc lỉu những chùm quả đỏ rực, viên mãn. Mùa hạ nơi đây được mệnh danh là "mùa thụ hưởng những tinh hoa của đất lành" trên quê hương xứ Ðông giàu sản vật.
Ngoài bánh đậu xanh, bánh gai, vải thiều; đến Hải Dương bạn sẽ được mời bánh dày cùng giò, chả Gia Lộc, nếp cái hoa vàng Kim Thành, na dai và chuối mật Chí Linh, bánh đa Kẻ Sặt - Bình Giang,... Những đặc sản quý mà rất bình dị của Hải Dương không chỉ là nét bản sắc của vùng đất này, mà còn thể hiện tâm hồn thuần hậu, tài khéo, cùng nét đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người xứ Ðông.
Read more...

Bánh pía: Ðặc sản Sóc Trăng

Dulichbui's Blog - Dọc theo Quốc lộ 1 từ Cần Thơ đi Cà Mau, đến địa phận Sóc Trăng, du khách gần xa sẽ thấy dãy hàng quán, biển hiệu được trang trí rực rỡ với hai màu đỏ – vàng nằm san sát nhau.
Đó là những cửa hiệu bày bán bánh pía, món đặc sản số 1 Sóc Trăng mà hầu hết du khách đến đây đều mua về làm quà. Hiện tại, Sóc Trăng có gần 40 lò chuyên sản xuất bánh pía với sản lượng ngày càng tăng.

Hầu như ở tất cả các con đường, các trung tâm thị trấn, huyện lỵ của tỉnh Sóc Trăng đều có cửa hàng bán loại bánh đặc sản này. Tuy nhiên, số lò bánh và cửa hàng buôn bán tập trung đông nhất tại thị tứ Vũng Thơm (xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) và An Trạch (nằm trên Quốc lộ 1), cách trung tâm thành phố Sóc Trăng vài cây số về hướng Cần Thơ. Tương truyền, Vũng Thơm là nơi ông Đặng Thuận – một người Minh Hương di cư sang Việt Nam hồi đầu thế kỷ XIX – khởi xướng việc làm bánh pía để kinh doanh. Trước đó, bánh pía do người Hoa di cư sang Việt Nam mang theo như một loại lương khô và chỉ làm đủ ăn trong nhà.
Sở dĩ bánh pía trở thành món quà đặc trưng của xứ Sóc Trăng vì nhiều nơi khác cũng làm loại bánh này nhưng bánh pía Sóc Trăng mang hương vị rất riêng. Cũng là vỏ bột mì, nhân đậu xanh hoặc khoai môn tán nhuyễn trộn với sầu riêng hay mỡ heo xắt sợi, lòng đỏ trứng vịt muối nhưng bánh pía Sóc Trăng không quá ngọt, không quá béo, khiến người thưởng thức ăn hoài không ngán. Lớp vỏ bánh pía Sóc Trăng không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong. Điểm đặc biệt nhất của bánh pía Sóc Trăng là hoàn toàn không sử dụng hương liệu. Mùi thơm của bánh được tạo nên từ những trái sầu riêng tươi ngon được tuyển chọn từ khắp các tỉnh ĐBSCL. Những ưu điểm của bánh pía Sóc Trăng hoàn toàn được tạo nên từ sự cần cù lao động của người thợ bánh, từ việc cán bột làm vỏ bánh sao cho nhuyễn mịn đến việc chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất làm nhân, xắt mỡ thật nhuyễn và tỉ mỉ nắn thành những chiếc bánh đều tăm tắp.
Theo kiểu đóng gói truyền thống, mỗi phong bánh pía Sóc Trăng gồm bốn cái, gói theo hình trụ. Ngày xưa, bánh thường được gói bằng giấy khá đơn giản. Ngày nay, những phong bánh pía Sóc Trăng vẫn giữ hình trụ truyền thống nhưng được bảo quản trong hộp để giữ “dáng” bánh, bao bì vẫn là hai màu đỏ – vàng nhưng rực rỡ và chuyên nghiệp hơn, với các thông số về tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng...
Không chỉ được bán tại địa phương, bánh pía Sóc Trăng còn tỏa đi khắp cả nước, một số lò bánh lớn như Tân Huê Viên, Công Lập Thành, Tân Hưng còn xuất khẩu bánh pía đi khắp thế giới, vào được các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu...

Theo Báo Cần Thơ
Read more...

Bánh cáy Thái Bình

Dulichbui's Blog - Những hôm tiết thời se lạnh, có đĩa bánh cáy xắt miếng, ăn nhẩn nha bên ấm trà xanh nóng thì thật tuyệt vời. Cảm giác ngọt, bùi, béo đan chen độ giòn lép xép, độ dẻo, độ dai mềm mại, người ăn thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Vị gừng hơi cay, nhưng nóng làm cho người ăn cảm giác như khỏe ra, tiết trời như ấm lại.
Từ các sản vật nông nghiệp dễ có đến hàng nghìn loại bánh, kẹo hoặc hơn nữa được làm ra ở các vùng quê Việt Nam. Bánh chưng, bánh dầy thì đã trở thành bánh của cả dân tộc. Nhưng cũng có những loại bánh được gắn liền với từng vùng quê nơi sinh ra nó như: bánh đậu xanh Hải Dương, mè xửng Huế, bánh phu thê, bánh xèo, kẹo dừa, kẹo cu đơ Bánh cáy cũng là một loại bánh dân dã mà ngoài quê lúa Thái Bình thì chưa thấy ở đâu có. Ngay cả ở trong tỉnh Thái Bình, chỉ bánh cáy được làm bởi những nghệ nhân làng Nguyễn (huyện Đông Hưng) mới là loại ngon nhất và có tiếng nhất.
Từ thành phố Thái Bình theo quốc lộ 10 tới thị trấn Đông Hưng, rẽ trái sang quốc lộ 39, đi một đoạn là tới làng Nguyễn quê hương của bánh cáy. Làng Nguyễn rất nổi tiếng với các sản phẩm của nghề dệt, nghề chế biến thực phẩm song đồ quí tiến vua thì chỉ có bánh cáy. Các cụ già trong làng kể lại: ngày xưa khi quan đại thần triều đình đi kinh lý vùng châu thổ, khi qua làng Nguyễn được dân dâng lên tiến vua vào mỗi dịp tết đến.
Làm bánh cáy khá phức tạp. Nguyên liệu chính của bánh cáy là gạo nếp, nhưng các nguyên liệu phụ thì rất nhiều như: gấc, quả hoặc là lá dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt, mỡ lợn
Gạo nếp làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn.
Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín ròn, xát bỏ vỏ. gạo nếp hoa vàng được rang nổ bỏng, nở tung, sạch trấu, dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vở quýt tươi được chuẩn bị đầy đủ.
Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị trộn đều với đường mía, hâm nóng trên chảo đến khi đạt tới mùi thơm kỹ thuật thì đưa vào khuôn gỗ được chuẩn bị sẵn có lót vừng bên trong, nhồi nén cho bánh trở nên cứng, sau đó lấy ra cho vào bao bì, ta sẽ được bánh cáy thành phẩm. Bánh không phơi nắng, không sấy qua lửa nhưng để được rất lâu nếu làm đúng kỹ thuật.
Nghe tên bánh cáy nhiều người ngỡ đây là loại bánh làm từ con cáy biển, nhưng không phải. Bánh cáy được làm hoàn toàn bằng gạo nếp, lạc, vừng và các gia vị cũng như các loại hoa lá để tạo mầu cho bánh. Dân gian có truyền thuyết rằng loại bánh này là do thần cáy biển ban cho. Thuở ấy, cả một vùng phía tây tỉnh Thái Bình vẫn còn là những bãi lầy ven biển. cửa biển Đan Nhai cách không xa làng Nguyễn là mấy Không biết truyền thuyết kia đúng được bao nhiêu phần nhưng nếu nhìn kỹ lát bánh cáy, những màu vàng trắng xen lẫn hồng cam cho ta cảm giác nó giống như trứng cáy. Cũng có thể đây là lý do mà loại bánh cổ truyền này có tên là bánh cáy. Nhưng có lẽ do loại bánh cổ truyền này có vị hơi cay khi ăn nên gọi là bánh cay, rồi dần dần gọi lệch sang thành bánh cáyNhững hôm tiết thời se lạnh, có đĩa bánh cáy xắt miếng, ăn nhẩn nha bên ấm trà xanh nóng thì thật tuyệt vời. Cảm giác ngọt, bùi, béo đan chen độ giòn lép xép, độ dẻo, độ dai mềm mại, người ăn thấy khoan khoái nhẹ nhàng. Vị gừng hơi cay, nhưng nóng làm cho người ăn cảm giác như khỏe ra, tiết trời như ấm lại.
Read more...

Ổi Bo Thái Bình

Dulichbui's Blog - Đã từ lâu, ổi Bo Thái Bình đã trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ đối với những người con sinh ra ở đất Thái Bình mà còn được biết đến ở nhiều tỉnh thành khác. Ổi Bo đã trở thành "đặc sản” được nhắc đến trong văn hoá ẩm thực của người Thái Bình.

Ổi thì dường như ở miền quê nào cũng có, nhưng ổi Bo Thái Bình không bị hoà trộn với bất cứ loại ổi nào, bởi dường như nó đã hội tụ những gì tinh tuý nhất của đồng đất và con người quê hương Thái Bình. Những ai đã từng một lần thưởng thức ổi Bo hẳn sẽ rất ấn tượng với vị thơm ngọt man mát, cùi dầy, ít hạt, thơm dòn.
Theo các bô lão thì từ khi còn rất nhỏ, các cụ đã được nghe thế hệ cha ông đi trước kể chuyện về xuất xứ cây ổi Bo rằng: Ngày xưa, có một ông nhà ở cạnh sông Trà Lý, trong một lần đi dạo cạnh bờ sông thấy có một quả lạ nổi trên dòng nước liền vớt về ném ở sau vườn, sau thấy cây lên quả ăn rất ngon mới đem nhân rộng ra để trồng. Mặc dù xuất xứ của cây ổi Bo (làng Bo, xã Hoàng Diệu, Thái Bình), còn mang nhiều “bí tích” nhưng để có được quả ổi thơm ngọt là cả một quá trình gồm nhiều công đoạn chăm sóc vun trồng cầu kỳ của bàn tay con người: từ gieo giống, chăm sóc tới khi thu hoạch.
Từ khâu gieo giống cũng đòi hỏi sự tỷ mỉ và hiểu biết nhất định, muốn lấy được giống tốt phải gieo hạt vào tháng 8 - là lúc thời tiết có mưa nhiều. Cây được chọn để lấy giống phải là cây mới bói, quả ở cành ngồng để cho thật chín, ruột ổi (chứa hạt) để trong khoảng một tuần cho nhũn ra thành nước, sau đó cho vào rá đãi lấy hột. Sau khâu chọn giống là khâu làm luống. Luống đất để gieo cây phải để thật khô đất phải đập thật mịn và nhỏ, kéo luống cao 20 phân so với mặt vườn, rộng 1m. Sau đó mới cho hạt giống đã chuẩn bị sẵn vào gieo, phủ lên trên bề mặt luống một lớp rạ mỏng, giữ độ ẩm liên tục trong mươi ngày. Sau khoảng 1 tháng cây mọc lên hẳn mặt đất mới rỡ rạ ra. Để như vậy trong vòng 5 tháng sau mới đánh thưa ra để trồng. Khi cây có quả (quả to) phải bón phân kali trước khi thu hoạch một tháng cho quả rắn lại. Từ công đoạn gieo hạt đến khi được thu hoạch trái ổi đầu mùa phải mất tới ba năm.
Quả ổi Bo cũng có nhiều loại: có loại quả nhìn giống như quả cam dẹt, có loại quả lại như quả lê (hay quả đu đủ nhỏ), lại có quả giống như quả găng có năm múi và năm khe. Nhưng chất lượng và vị ngon của giống ổi Bo chính hiệu - tức là loại quả được trồng trên đất nguyên thổ của làng Bo, với chất đất phù sa nhẹ tốt, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ vào tháng 7 hằng năm thì không giống ổi ở đâu sánh bằng. Bởi cũng là giống ổi Bo được ươm trồng ở đất Thái Bình, nhưng khi mang đi trồng ở tỉnh khác thì hương vị và chất lượng lại thay đổi hoàn toàn.
Cây ổi Bo cũng thể hiện nét riêng đặc biệt của mình đối với người trồng và thưởng thức nó: khi hái ổi phải hái bằng nèo không được trèo lên cây, và cành ổi cũng không được rũ xuống gần đất có như vậy ổi mới không bị chua. Khi ăn ổi Bo không nên dùng dao để cắt như vậy ăn miếng ổi sẽ thấy chua, phải ăn một cách bình dị dân dã mới ngon, cứ dùng răng cắn vào thịt quả ổi để cảm nhận hương vị đặc trưng của nó. Đầu tiên là thấy vị chát, sau là chua dịu, rồi vị ngọt thấm dần vào đầu lưỡi, vào khoang miệng và lưu lại trong cổ họng.
Chính những hương vị đặc trưng đó, mà ổi Bo đã trở thành một thứ đặc sản mang đậm hồn quê, như nhắc nhở những người xa luôn nhớ về quê lúa Thái Bình.
Phạm Thị Nga (Sở Văn hoá, TT và DL Thái Bình)
BB494Z8U6ET5
Read more...

Khi người ta ăn...Hoa Ban

Dulichbui's Blog - Hàng năm, cứ vào thời điểm sau Tết âm lịch khi cái lạnh vùng cao giảm dần và nắng ấm khe khẽ bừng lên, cũng là lúc hoa ban bắt đầu cho “màn trình diễn” làm trắng cả núi rừng Tây Bắc. Khắp các làng bản của đồng bào Thái, lễ hội hoa ban mở ra trong rộn ràng chiêng trống, trong náo nức lòng người. Những cánh rừng ban trở thành những bức tranh thiên nhiên lộng lẫy, lãng mạn và vô vùng hấp dẫn.
Không chỉ trang điểm cho mùa xuân thêm đẹp, mà hoa ban còn là nguyên liệu chính để tạo nên những món ẩm thực dân dã và độc đáo của đồng bào nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Qua bàn tay cần cù và khéo léo của các êm các ý (các mẹ, các chị), cả lá và hoa ban đều có thể chế biến thành những món ăn giàu chất bổ dưỡng, mùi vị hấp dẫn như­: Hấp (đồ), xào, nộm, nấu canh.
Món Hấp: Đây là món xôi cách thuỷ, người ta chọn những bông ban mới nở, rửa sạch sẽ, cho vào chõ đậy kín rồi đun đều lửa chừng 15 - 20 phút là chín. Khi ăn chấm với chẩm chéo - một món chấm truyền thống của người Thái gồm muối trắng giã nhuyễn với hạt dổi, mắc khén, mùi tàu, tỏi, ớt...
Món xào: Nguyên liệu cho món xào gồm cả lá lẫn hoa, đun nhỏ lửa, vừa chín tới; gia vị như xào rau cải (chỉ không cho gừng).
Món nộm: Nguyên liệu cho món nộm cũng gồm cả lá lẫn hoa. Tuy nhiên, cách chế biến thì cầu kỳ hơn chút ít. Trước tiên phải hấp lên như món hấp, sau đó rỡ ra, trộn đều với các gia vị như dùng để chấm món hấp. Món nộm có hương thơm quyến rũ của lá, của hoa cùng các loại gia vị, thật khó ai có thể từ chối món ăn đặc biệt đó. Cánh đàn ông thích nhâm nhi mà có được món nộm hoa ban, lại ngồi với bạn tâm giao, thì sợ say chẳng biết lối về nhà.
Nấu canh: Với món canh hoa ban, trước tiên làm như món xào, sau đổ nước vừa đủ, chú ý đừng để trên bếp lâu quá.
Để khai thác những đặc tính của hoa ban, hiện nay trong các nhà hàng, khách sạn ở Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, các món ăn từ hoa ban đang xuất hiện nhiều hơn trong các thực đơn. Còn gì thú vị hơn và nên thơ hơn khi trong một khung cảnh trữ tình, thực khách vừa khoan khoái thưởng thức những món ăn từ hoa ban với hương vị độc đáo, vừa được các nữ tiếp viên xinh đẹp kể cho nghe câu chuyện tình bất tử về hoa ban. Chuyện rằng...
... Ngày xửa ngày xưa, ở mường nọ có một chú bé tên là Khun. Chàng Khun càng lớn càng làm nương giỏi, săn bắn lại rất tài. Cùng bản có cô gái tên là Ban đẹp người đẹp nết, múa dẻo, hát hay. Khun và Ban yêu nhau tha thiết, hẹn ngày kia nên vợ nên chồng. Nhưng trong vùng có tên chúa đất gian tham, thấy Ban xinh đẹp nó liền cho người bắt Ban về làm vợ, trong khi Khun đang đi làm ăn ở nơi xa. Ban bỏ nhà, bỏ bản quyết chí ra đi tìm Khun. Nàng vào rừng, đi mãi, gọi mãi mà chẳng thấy Khun đâu. Một chiều nọ, leo tới đỉnh núi thứ một nghìn thì Ban gục xuống trong đói khát, mệt mỏi và tuyệt vọng. Từ chỗ Ban nằm, bất ngờ mọc lên một loài cây với những cái lá trông như hình hai trái tim lồng lên nhau. Chỉ mấy hôm sau, cây trổ những cái nụ trắng hồng như ngón tay trinh nữ, những cái nụ lại nở ra những đoá hoa có nhị mang màu tím thuỷ chung, còn cánh thì trắng như màu ly biệt - đó là cây ban... Ngày Khun trở về không thấy Ban, chàng đi tìm qua muôn ngọn núi, qua vạn ngả đèo. Cuối cùng Khun kiệt sức ngã xuống, biến thành con chim mà nay người ta gọi là chim Khun. Loài chim Khun sống lẻ loi trong rừng, không có bầy đàn, không có tổ, suốt ngày bay lang thang như kiếm tìm ai đó giữa hoang dã điệp trùng. Quanh năm chim Khun im lặng, chỉ khi mùa xuân về, hoa ban nở thì nó mới hót. Tiếng hót chim Khun nghe như tiếng kêu khắc khoải lạc bầy, khi hoa ban tàn thì chim Khun cũng thôi không hót. Có lẽ nó lại dành thời gian vào việc kiếm tìm vô vọng, khổ đau...?
Mùa xuân, khắp miền Tây Bắc đâu đâu cũng có hoa ban - đó là loài hoa đã đi vào huyền thoại, đi vào tình yêu, đi vào câu chuyện bên bếp lửa hàng đêm. Dân ca Thái có câu hát: “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở - Không thấy ngày ban tàn - Không tính tháng, không tính năm - Mãi mãi như mùa hoa đầu đôi ta yêu nhau”...

Theo Báo Điện Biên Phủ
Read more...

Bánh mì Sài Gòn

Dulichbui's Blog - Sài Gòn có nhiều món ăn rất riêng, khởi thủy là món “nhập cư” được Sài Gòn hóa. Chúng không chỉ Sài Gòn ở khẩu vị, ở cách chế biến mà ở cả cách ăn, cách kinh doanh… Bánh mì là một trong số đó.
Ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn đã có mặt khắp nơi trong nước. Nó còn theo chân người Việt để bén rễ ở nhiều quốc gia khác.


Cửa hiệu đầu tiên
Gần ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hòa Mã. Lúc nhỏ, bà thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích.
Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối...). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.
Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay.

Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa-tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học.
Lúc đó, tiệm Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 - 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 - 10 đồng.
Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hòa Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.


Hương vị bánh mì Sài Gòn
Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon.
Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới khoái.
Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa-tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Và điều quan trọng của ổ bánh mì thịt Sài Gòn là ngon, rẻ, tiện lợi cho tất cả mọi tầng lớp.
Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở thành phố. Bánh mì không dừng lại ở món điểm tâm nữa, nó được dùng cả ở bữa trưa, chiều, tối.


Ký ức bánh mì

Những năm 70 - 80, người đi Sài Gòn về lại quê thế nào trong giỏ xách cũng lủng liểng vài ba ổ bánh mì làm quà. Những ổ bánh mì giòn, bóng lưỡng dầu bơ, thơm nức mũi luôn là nỗi háo hức của cả trẻ em lẫn người lớn vùng nông thôn
Ngay cả đến bây giờ, ở bến xe Miền Đông, Miền Tây, tuyến xe Củ Chi – Tây Ninh… vẫn còn những người đầu đội sọt đựng bánh mì Sài Gòn rao bán tận cửa xe cho những hành khách đưa về quê làm quà. Dù bánh mì khắp nơi đều có, nhưng thương hiệu bánh mì Sài Gòn có lẽ đã đi vào ký ức từ lâu lắm của những người miệt quê, dễ gợi cho người ta có cảm giác gì đó khác lạ hơn khi nhai một miếng bánh mì mang từ Sài Gòn.
Bánh mì do người Pháp du nhập sang hình thù tròn tròn, to phạc mà thoạt nhìn tựa như món bánh màn thầu (bánh bao) lớn của người Trung Quốc, người Việt gọi món bánh mì Tây ấy là bánh mì gối. Đấy là thời những năm 40. Thời kỳ này bánh mì do đầu bếp Tây làm cung cấp cho dân Pháp, dần dà những người Hoa ở Chợ Lớn làm cho các hãng chế biến thực phẩm của Tây cũng học làm.
Khoảng thập niên 50, nổi nhất ở Sài Gòn là tiệm bánh mì cạnh rạp hát Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi (sau này là nhà hàng Cao Sơn - Thanh Bạch). Nhưng gu cũng vẫn là bánh mì đặc ruột có cho thịt nguội trét bơ. Thời ấy, những người sành điệu, dân ký giả, giới học thức mỗi sáng thỉnh thoảng tìm đến tiệm bánh mì thịt Vĩnh Lợi, mua một ổ nhồi thịt có trét bơ, thơm phức, đem đến quán cà phê Brodard hay Grival ngay trung tâm Sài Gòn cho bữa sáng đã từng một thời là niềm mơ ước của thanh niên đất Sài Gòn. Người bình dân khi ấy ít ai biết đến bánh mì thịt mà cụ thể là món bánh mì Vĩnh Lợi, bởi giá cả cao hơn nhiều so với những món ăn phổ biến thông thường nhất thời ấy là xôi.
Về thứ tự xuất hiện của các thương hiệu bánh mì theo kiểu Sài Gòn thì sau bánh mì Hoà Mã (đã nói ở bài số trước) mở năm 1958 trên đường Phan Đình Phùng là bánh mì Hà Nội trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Sau đó là Như Lan và nhiều tiệm tên tuổi khác mở ra khắp nơi trong thành phố. Ổ bánh mì Sài Gòn được định hình cho đến bây giờ với vỏ bánh giòn rụm, ruột vừa xốp, dồn đủ thứ thịt, chả, rau củ.
Rồi bánh mì có thêm những biến tấu khác nhau. Chẳng hạn như bánh mì xíu mại chuyên bán trước cổng trường. Các em học sinh ít tiền thường mua bánh mì chan nước xíu mại với đồ chua ăn cũng ngon chán. Hay bánh mì bì, mỡ hành, chan nước mắm đậm đà hương vị Nam bộ.
Những năm 1965, phong trào nuôi gà Mỹ (gà công nghiệp) rộ lên ở các trại chăn nuôi ngoại ô Sài Gòn. Bánh mì thịt có thêm người anh em là bánh mì cóc - thịt gà chà bông. Ổ bánh mì lúc này được làm ngắn lại như con cóc, nhưng bột và cách nướng vẫn là gu của bánh mì Sài Gòn. Tiệm bánh mì gà nổi tiếng thời đó là Nguyễn Ngọ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1.
Sau chiến tranh, bánh mì càng trở nên quen thuộc, đặc biệt với món bánh mì thùng phuy - bánh được nướng trong các lò, vỉ chế từ thùng phuy, cũng với hình dáng dài, dẹp, đủ kẹp mớ rau thịt trong ruột và ổ bánh vừa đủ tay cầm. Bánh mì càng trở nên bình dân hoá, những xe bánh mì thùng phuy kẹp thịt không xa lạ với giới công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh.
Nhưng cho dù có thêm thắt bất cứ món gì bên trong thì bánh mì vẫn phải đáp ứng yêu cầu giòn, thơm, xốp. Đó phải chăng là đặc điểm để định danh cho bánh mì Sài Gòn?
Thời mở cửa đến, những chiếc bánh mì tròn kẹp thịt bò nướng, thịt bò chiên của các nhãn hiệu có tiếng trên thế giới bắt đầu có mặt trong các nhà hàng bán thức ăn nhanh. Hoặc những phần bánh mì sandwich với phô mai, bơ, thịt nguội, patê… gói thật chỉn chu, đẹp đẽ trong lớp nylon trong suốt. Tất cả đều tăm tắp, chính xác của nền công nghiệp thực phẩm làm người thích bánh mì hơi e ngại, vì hình như nó thiếu cái hồn của bánh mì thịt mà họ đã từng quen hương nhớ vị. Nhưng đây sẽ là những đối thủ cạnh tranh quyết liệt, đáng gờm với bánh mì Sài Gòn hiện tại và tương lai.




Dulichbui's Blog (Theo TTO)
Read more...

Cà muối xổi: Món ăn dân dã của người Hà Nội

Dulichbui's Blog - Dù bữa cơm của người Hà Nội bây giờ đã có thêm những món ăn lạ hấp dẫn thì cũng không thể thiếu được bát cà muối xổi, món ăn dân dã, bình dị từ bao đời. Cà muối xổi không khác gì một thứ gia vị bên cạnh những món ăn chính trong bữa cơm hàng ngày. Nước rau muống luộc, canh cua nấu rau rút, canh rau đay… thì không thể thiếu cà muối được.


Làng Láng ngoài rau húng Láng còn rất nổi tiếng vì trồng được giống cà rất ngon. Có hai loại cà thường dùng để muối chua là cà pháo và cà dĩa. Cà pháo trái nhỏ, kích cỡ trung bình bằng đầu ngón tay cái. Còn cà dĩa người Bắc hay gọi là cá bát, cà dừa, có cỡ lớn từ cái chén ăn cơm hoặc hơn nữa. Cà dùng để muối là cà còn xanh, vỏ có sắc trắng. Nếu chưa có kinh nghiệm lựa cà thì phải cắt ngang làm hai để quan sát phần hột. Nếu cà còn non, chưa có hột thì khi muối xong sẽ bị mềm chứ không giòn; cà già thì ruột cà đặc hột, muối xong rất hăng và dai. Cà dùng để muối là loại khi cắt ra thấy phần hột trong ruột chỉ vừa tượng đủ hột nhưng có sắc trắng chứ không vàng.
Cà muối bình thường, dân dã vậy thôi nhưng chỉ một hôm quên có trong mâm cơm là cả nhà như thấy thiếu vắng, húp bát canh sao thấy nhạt nhẽo quá. Nhất là những ngày hè, chỉ cần bát canh rau muống luộc dầm sấu chua chua với vài quả cà là bữa cơm trở nên ngon miệng hơn nhiều.
Mỗi vùng miền có một kiểu muối cà riêng Trước đây, người miền Bắc thường muối nén với muối thật mặn để có thể dùng dự trữ từ tháng này qua tháng khác. Ngày nay, người miền Bắc ưa chuộng muối cà xổi hơn. Như vậy, cà lúc nào cũng mới mà không bị chua, ăn hết lại muối tiếp, chỉ chừng bữa sau là lại có bát cà mới để dùng rồi. Khi muối cà thường cho một chút muối pha lẫn nước ấm, vài ba lát giềng và mấy khoanh mía cho dậy mùi và thêm ngọt rồi nén lại bằng viên đá nhỏ để cà giòn hơn. Bây giờ ngoài chợ các bà các cô vẫn muối sẵn cà để bán, thế nên nếu ngại muối thì chỉ cần chạy ù ra chợ là có ngay nhưng những bà nội trợ khéo léo vẫn thích tự muối ở nhà hơn, vừa ngon mà hợp vệ sinh.
Trái cà sau khi muối đúng ngày sẽ phồng căng,vỏ ngoài thấy trắng trong chứ không còn trắng đục và cắn thấy dòn xốp. Có người còn rất khoái món cà xanh còn non dầm đường, ớt và giấm bởi vị giòn tan, đậm đà nhưng hơi hăng của nó.
Món ăn dân dã này chính là những món ngon không thể thiếu trong bữa cơm người Việt. Chẳng thế mà món cà dung dị kia trở thành nỗi nhớ và đi vào trong câu ca dao xưa “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.

Dulichbui's Blog (Theo 36pho.vn)

Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org