Động Từ Thức - Nga Sơn (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Từ thủ đô Hà Nội, vượt 120km đường quốc lộ 1A đến huyện Hà Trung rẽ về Nga Sơn, chúng ta sẽ dễ dàng đến được động Bích Đào. Động Bích Đào, hay còn gọi là động Từ Thức - Gắn liền với câu chuyện Từ Thức lên cõi tiên đầy thi vị.


Ở làng Cẩm La xưa, thuộc Tống Sơn (nay thuộc huyện Nga Sơn) có chàng thanh niên là Từ Thức. Khoảng cuối đời Trần, niên hiệu Quang Thái (1388 - 1398) Từ Thức được bổ làm quan tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh ngày này). Ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực và yêu thích ngao du sơn thuỷ. Mùa xuân năm Bính Tý (1396) Từ Thức đi chơi hội “mẫu đơn” ở một ngôi chùa đẹp nổi tiếng, đã gặp một thiếu nữ xinh đẹp bị nhà chùa giữ lại vì vô tình làm gãy một cành hoa mẫu đơn. Động lòng thương, Từ Thức liền cởi áo gấm chuộc lỗi cho cô gái.

Vốn là người yêu thích nghệ thuật, chán ghét lợi danh nên nhân việc chịu tang mẹ, Từ Thức treo ấn từ quan.

Về quê, chàng ngày ngày ngao du sơn thuỷ. Một ngày kia, tới cửa biển Thần Phù (Nga Sơn), chàng bỗng thấy phía khơi xa có một ngọn núi tuyệt đẹp. Chàng liền chèo thuyền ra xem và làm một bài thơ khắc trên vách núi đá. Bỗng từ vách núi nứt ra một cửa động, chàng bước vào, thì đấy là một chốn bồng lai tráng lệ. Chàng đang mải mê thì có hai thiếu nữ áo xanh mời chàng và cửa hang liền khép lại. Chàng được đưa tới gặp một vị tiên áo trắng, vị tiên đón tiếp ân cần và cho chàng biết đây là động Phù Lai, động thứ 6 trong 36 động cõi tiên, và cho biết chàng sẽ kết duyên với con của gái bà là Giáng Hương - cô gái được chàng cứu trong dịp hội “mẫu đơn” năm nào.

Từ Thức cùng Giáng Hương đã sống những ngày hạnh phúc ở cõi tiên. Nhưng ở chốn cực lạc, chàng vẫn không nguôi nhớ quê hương, nhớ những cuộc ngao du. Chàng đã ngỏ lời được về thăm quê, khuyên chồng không được, Giáng Hương đành phải bằng lòng cho chàng cưỡi xe mây về trần. Về tới quê, chàng bàng hoàng vì cảnh quê vẫn như xưa nhưng không còn gặp lại ai chốn quê cũ nữa. Chàng hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ ở trong làng và được kể rằng, thuở nhỏ, cụ được nghe nói có ông tam đại tên là Từ Thức treo ấn từ quan, đi ngao du rồi mất tích.

Chàng buồn bã chán ngán, một năm tiên giới bằng trăm năm trần gian. Chàng hối hận muốn quay lại cõi tiên, nhưng xe mây đã biến mất, mở phong thư mà Giáng Hương trao cho lúc tiễn biệt, thì đấy chính là lời biệt ly:

Kết hoan hỷ (ư) vân trung, tiên duyên dỹ đoạn
Phỏng tiên sơn (ư) hải thượng, hậu hội vô nhân
(Kết bạn loan trong mây, duyên xưa đã dứt
Tìm núi tiên trên biển, dịp khác không còn).

Chàng buồn, thất vọng đi về phía núi Ngũ Hàn Sơn (Nông Cống), rồi sau đó biệt tích.
Động Bích Đào, dấu tích của chàng Từ Thức du tiên thuở xưa, nằm trên hệ thống núi đá vôi được kéo dài từ Tam Điệp (Ninh Bình) đến cửa Thần Phù (Nga Sơn - Thanh Hoá).

Đi vào lòng động, nhũ đá nhỏ xuống, đụn nhũ nhô lên, tạo nên cảnh trí huyền ảo với nhiều dáng hình gây trí tưởng tượng kỳ thú: "Này đây Đụn gạo, kho tiền, này kia bồn muối, vườn cây trái có đầy đủ các loại, rồi mâm xôi, thủ lợn, rồi phường bát âm, gõ vào tạo nên một thứ âm thanh thú vị. Rồi bàn cờ tiên, một bàn đá phẳng lỳ có đầy đủ các quân cờ, đường kẻ… ” như thể chàng Từ Thức cùng các vị tiên vừa tỉ thí với nhau ở đây và mới đứng dậy đi ngao du đâu đó.

Đi sâu vào chút nữa, chếch về phía bên trái, ta gặp vũng nước trong vắt, mát dượi, đây những hòn cuội trắng, xinh, kế bên là ao bèo (bằng đá) với những lớp bèo cũng bằng đá, bồng bềnh điểm những chùm hoa trắng lục, rồi những nhũ đá hình ống chầu, ếch toạ …

Cuối động cũng có đường lên trời, lại có đường xuống âm phủ. Theo những bậc đá đều nhau thì đấy là đường lên trời, tương truyền, đây là đường mà Từ Thức cùng các nàng tiên đi thưởng ngoạn, những nhũ đá nhô ra cũng mang dáng của những giá áo, giá mũ khi chàng dừng chân nơi đây.
Còn đường xuống âm phủ cũng chính là một cửa hang ăn sâu xuống lòng núi với những bậc đá gập ghềnh, tối tăm, ẩm ướt, hun hút, nhiều ngách, nhiều lối khiến cho ai bạo dạn cũng chỉ xuống được vài bước rồi phải đi ngược trở lại.

Truyền thuyết Từ Thức lên tiên và đặc biệt là cảnh tích kỳ thú của động Bích Đào đã từng là nơi hấp dẫn đối với nhiều tao nhân, mặc khách, nhiều danh sỹ hiền nhân như: Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quý Đôn, Trịnh Sâm, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng… Và ngay tại cửa động, vẫn còn lưu bài thơ chữ Hán của Lê Quý Đôn khắc trên một phiến đá - đã mấy trăm năm trôi qua nét chữ vẫn còn sắc như mới khắc./


Theo Sở du lịch tỉnh Thanh Hóa

Read more...

Khu văn hóa Hàm Rồng (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Hàm Rồng thuộc địa phận phía Bắc thành phố Thanh Hoá, đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng từ thời tiền sử, đồng thời cũng là một địa danh ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc ta.
Dòng sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Pu Va ở Tây Bắc Tổ quốc hùng vĩ có độ cao trung bình 400 m so với mặt nước biển. Bình thường nước sông chảy đã mạnh, mùa mưa lũ càng thêm dữ dội. Cũng từ hướng đó, dãy núi Đông Sơn hùng vĩ, cái nôi của nền văn hoá đồng thau Đông Sơn, núi tiếp núi như một con rồng uốn mình vươn tới. Sông núi đến đây gặp nhau làm thành cái thế "Long Mã tranh châu". "Châu" ở đây là ngọn Châu Phong (thường gọi là núi Ngọc hoặc núi Nít) ở bờ Bắc sông Mã. Bờ Nam là núi Đầu Rồng (thường gọi là Long Hạm hoặc Hàm Rồng) với hai cửa hang như hai con mắt đau đáu nhìn sang núi Ngọc. Ngựa và Rồng đuổi Ngọc đến đây, con rồng vừa há miệng ra đớp ngọc thì đuôi ngựa đã quật ngang cho ngọc rơi xuống sông. Chính vì vậy dưới đáy sông Mã ở đoạn này là cả một ngọn núi đầy hang huyệt. Con ngựa chăn ngọc ở bờ Bắc, con rồng nằm phục ở bờ Nam. Ca dao xưa có câu:

Thanh Hoá thắng địa là nơi
Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành.


Thời Lê năm 1078, vua Lê Thánh Tông về thăm quê Thanh Hoá. Người đã cho dừng thuyền ngoạn cảnh Hàm Rồng. Người men theo sườn núi vào động Long Quang rồi lên đỉnh núi Đầu Rồng ngây ngất ngắm nhìn một vùng non nước và cảm hứng:

"Đây núi kia rừng, tiên phật quá
Như mời du khách đến cùng say".


Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, nhà văn hoá kiệt suất năm 1430 tháp tùng vua Lê Lợi về thăm viếng quê Thanh, lúc trở ra Thăng Long, có dừng chân ở Hàm Rồng (lúc đó tên là Long Đại) ông rất chú ý đến cảnh sắc thiên nhiên của sông núi ở đây và đã làm bài thơ bằng chữ Hán "Long Đại Nham":

Khử niên hổ nguyệt ngạc tằng khuy
Long Đại kim quan thạch huyệt kỳ
Ngao phụ xuất sơn, sơn hữu động
Kình du tắc hải, hải vị trì
Hồ trung nhật nguyệt thiên nan lão
Thế thượng anh hùng thử nhất thì
Lê, Phạm phong lưu ta tiệm viễn
Thanh đài bán thực bích gian thỉ.

Tạm dịch:

Năm xưa mình đã dòm hang cọp
Nay ngó non, Rồng cảnh lạ sao
Ngao nổi đôi non, non có động
Kình bơi lấp biển, biển thành ao
Trong bầu ngày tháng còn vui mãi
Một thuở anh hùng trở lại đâu
Lê, Phạm phong lưu ôi đã vắng
Thơ đề vách đá nửa xanh rêu.

Ông đã khắc hoạ nét hùng vĩ của Hàm Rồng, xem đó là một kỳ công của tạo hoá từ thuở khai thiên lập địa. Ông đã khai thác kho tàng huyền thoại để minh hoạ cho ý thơ của mình. Truyền thuyết nói rằng: Núi Hàm Rồng vốn là một ngọn núi tiên, chỗ ở của các vị thần thánh trên thượng giới. Nhưng quả núi này chân không gắn chặt với đáy biển, cứ bồng bềnh trên mặt nước mênh mông. Do đó, thượng đế phải sai mấy con ngao đến đội núi lên để giữ cho vững. Núi đã vững nhưng chung quanh vẫn còn là biển lớn, chưa tiện cho sự đi lại nên Thượng đế lại sai những con kình quẫy khúc làm cho nổi đất lên, tạo ra một khoảng đất bằng chung quanh núi. Biển bị lấp còn một ít chỗ không lấp hết trở thành ao. Đó là nội dung hai câu thơ 3 và 4. Bài thơ còn nhắc đến những chiến công lẫy lừng trong quá trình dựng nước và giữ nước như năm 1382, Hồ Quý Ly đã thắng quân Chiêm Thành trong một trận kịch chiến ở đây. Ngoài ra, tác giả còn nhắc đến những học giả có tiếng tăm thời Trần: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, những người đã đề thơ ở động Long Quang.
Xưa kia, khi chưa có cầu, nhân dân hai bờ qua lại bằng đò ngang. Đầu thế kỷ 20, C.A Ra Gông - một chuyên gia về cầu ở Đông Dương, khi khảo sát để bắc cầu, đã nêu ra những cái khó ở đoạn sông Hàm Rồng: đáy sông đầy hang huyệt, nên không thể xây trụ giữa được, lũ lụt hàng năm không cho phép kéo dài thời gian thi công trên mặt nước (trước đó, cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp thuê kỹ sư Đức bắc cầu có trụ ở đây, cầu chưa xong đã bị lũ lớn cuốn mất, ông kỹ sư người Đức đã nhảy xuống sông tự vẫn). Chính vì thế thực dân Pháp phải xây cầu treo, hai kỹ sư người Pháp là Đay - Đê và Pillê thiết kế, chỉ đạo thi công, cầu treo gối lên sườn hai ngọn Châu Phong (bờ Bắc) và Mắt Rồng (bờ Nam). Cầu treo hình cánh cung bán nguyệt thi công trong 4 năm (1904 - 1908). Khẩu độ hẹp ô tô và tàu hoả không thể qua một lúc được. Chiếc cầu cánh cung xưa và cầu thép có trụ hiện nay là điểm trung tâm của toàn cảnh Hàm Rồng.
Thi sĩ Tản Đà có bài cảm tác "Qua cầu Hàm Rồng":

… Hàm Rồng nay lại qua Thanh
Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân …
và khi ở xa Hàm Rồng, thi sĩ còn viết:
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây …


Kháng chiến chống Pháp, năm 1946, quân dân ta phá sập chiếc cầu cánh cung do Pháp xây dựng. Hoà bình lập lại, năm 1961, đội cầu Trần Quốc Bình (Trung Quốc) thiết kế cầu mới có trụ và cán bộ công nhân ta thi công. Cầu vẫn được đặt trên hai hố cũ, nhưng có trụ giữa bằng 12 trụ ống, mỗi trụ đường kính xoáy sâu. Tháng 06 năm 1963, chiếc cầu hữu nghị được thông xe. Cầu mới dài 168 mét, chắc chắn hơn, to đẹp hơn, trọng tải lớn hơn cầu cũ nhiều. Đó là một kỳ công của kỹ sư và công nhân ta.
Kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chiếc cầu đó đã làm giảm uy lực của không quân Hoa Kỳ, 117 máy bay tối tân của Mỹ đã bị quân dân ta bắn cháy, vùi xác dưới đáy sông. Sau những ngày mưa bom bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang, nối liền hai bờ Bắc Nam cho đến ngày đất nước toàn thắng, Nghĩa trang liệt sĩ linh thiêng sườn đồi Quyết thắng ngày đêm hương khói tưởng nhớ những liệt sĩ anh hùng đã hy sinh bảo vệ non nước này. Một chính khách nước ngoài đến thăm Hàm Rồng đã phải thốt lên: "Thật kỳ lạ, trong lịch sử chiến tranh phá hoại bằng không quân trên thế giới, chưa có chiếc cầu nào được bảo vệ lâu đến như vậy". Cây cầu thép hiện nay đang sử dụng đã được các kỹ sư Việt nam sửa lại năm 1974, hàng ngày vẫn soi bóng xuống lòng sông chói ngời dấu ấn chiến thắng.

Mảnh đất kiên cường ấy đã ghi nhiều kỳ tích trong chiến đấu và xây dựng là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Có nhà thơ đã nói:

… Đất này là đất Hàm Rồng
Đi qua bom đạn vẫn hồng sắc xuân …


Huy Cận, nhà thơ lớn, đã nói về mảnh đất địa linh nhân kiệt này:


… Cánh chim Lạc Việt bay từ thuở ấy,
Nâng ta lên cánh én ngày nay.
Đánh quỷ Mỹ với bốn ngàn năm dựng nước
Đồng, Đông Sơn là xương cốt núi sông này.


Và cho đến nay, Hàm Rồng còn ghi thêm kỳ tích bắc cầu Hoàng Long cách cầu cầu Hàm Rồng cũ 500 mét về phía hạ lưu sông Mã. Cầu độ thông bốn nhịp vượt qua sông Mã dài 380 mét, có khẩu độ thông thuyền lớn nhất dài 130 mét. Hai trụ dưới dòng sông đạt kỷ lục về chiều sâu, nền móng. Hai cây cầu vươn mình bắc qua dòng sông vốn hùng mạnh làm tăng thêm vẻ đẹp và sự bề thế cho cảnh quan nơi đây.




Read more...

Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Nằm cách thành phố Thanh Hoá 46 km về phía Tây nam, vườn quốc gia Bến En là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với bất kỳ ai yêu thích vẻ nguyên sơ của tạo hoá. So với các Vườn quốc gia ở phía Bắc như: Ba Bể, Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương .. vườn Bến En có tầm cỡ thực sự về tiềm năng du lịch sinh thái.

Vườn Bến En trải rộng trên 2 huyện Như Xuân và Như Thanh với tổng diện tích 16.634ha, chia làm 3 khu vực chính, trong đó khu bảo tồn nguồn gien là nơi 'cấm địa' của vườn (chỉ những nhà khoa học mới được phép tìm hiểu, nghiên cứu), ở đây hệ thực vật rất phong phú với hàng trăm loài, bộ, họ (Có họ có tới 10 loài) như các loại cây lim xanh rất đặc trưng (có cây lên tới cả ngàn tuổi) cây trò trĩ và các loài thuốc nam quý … Tính đặc trưng của vườn có những nét đẹp và phong phú rất khác các vườn quốc gia khác. Hệ động vật cũng vậy, các loài quý hiếm ở đây là voi, hổ, gấu, chim …tồn tại trong 37 bộ, 96 họ, 216 giống và 309 loài, các loài Voi, Vượn má trắng, hổ ...thuộc loại quý hiếm đang được bảo vệ. Tuy nhiên, ở phân khu du lịch sinh thái dường như gần gũi với du khách hơn cả. Khu này gồm lòng hồ được hình thành bởi 4 con suối và con sông Mực có diện tích rộng khoảng 3.500 ha, nước bốn mùa xanh biếc, tĩnh lặng trong quần thể không gian trời, mây, non, nước hữu tình. Du khách sẽ thoả lòng khi đến thăm 21 hòn đảo với những sắc thái rất khác nhau bằng các chuyến ca nô, xuồng máy ....Đặc biệt, tại đây có 8 tuyến đi du lịch trên hồ thăm các ốc đảo. Trong 8 tuyến đi (cơ bản tuỳ theo sự lựa chọn của khách) tuyến ngắn nhất là 1,5km và tuyến dài nhất 8,5km.
Du khách có thể đến thăm đảo động vật, đảo thực vật, chiêm ngưỡng hang Dơi, ngắm cảnh hang động với nhiều hình thù kỳ lạ được sắp đặt bởi bàn tay của tạo hoá. Hơn thế nữa, du khách có thể đi vào các bản làng của người H'Mông, người Thổ uống rượu cần … hoàn toàn phù hợp với tour du lịch cộng đồng. Ở các đảo động vật, các loài thú được bảo vệ, nuôi nấng theo hình thức bán hoang dã nên mọi hoạt động sinh hoạt của nó đều tự nhiên đến lý thú. Trong đảo thực vật bao gồm tất cả các loài cây có tên ở Việt Nam, được trồng phân theo từng loại, từng bộ, họ … đã phục vụ rất tốt cho các nhà khoa học, ngành lâm nghiệp, môi trường sinh thái và khách du lịch …
Trên tuyến bộ bắt đầu từ trung tâm vườn đi lên khu phía Bắc, chúng ta sẽ bắt gặp những cảnh quan không kém phần hấp dẫn so với nội khu. Đó là cụm núi đá Hải Vân tồn tại song song với 21 hòn đảo trong lòng hồ, cụm di tích hang Lò Cao kháng chiến - nơi Giáo sư Trần Đại Nghĩa từng chế tạo vũ khí từ năm 1945 phục vụ kháng chiến chống Pháp. Đi xa hơn nữa, khách du lịch có thể đến Phủ Sung, Phủ Na - nơi nhân dân vẫn thường tổ chức phường hội cúng tế trời đất … Tiếp đó là quần thể thắng cảnh hang Ngọc, cây lim trăm tuổi như biểu tượng của vườn. Trong hang Ngọc, một suối nước trong vắt, theo quan niệm nếu tắm được ở đây có nghĩa là đã cởi bỏ được những tục trần nặng nhọc nhất của cuộc sống đời thường. Có lẽ chính vì thế mà hang Ngọc tuy có xa hơn một chút so với các đảo trên lòng hồ Bến En, song vẫn là điểm được khách đến đông hơn cả.
Đến Bến En, dù là du lịch sinh thái, song nếu đặt trước vẫn có thể được hưởng những món ăn đặc sản như: món cá quả, cá mè.. rất to được bắt từ sông Mực có thể nướng hoặc luộc, hấp … Mùa hè có thể ăn thêm món trai dắt vách đá (một loại nhuyễn thể gần giống với ốc) đặc biệt mang hương vị của rừng.
Bến En hôm nay đang được quan tâm chú ý đúng mức, đến khả năng du lịch sinh thái và nhiệm vụ bảo tồn. Với những thế mạnh vốn có, có thể khẳng định Vườn Quốc gia Bến En với đảo, rừng, sông, suối, hồ nước, hang động và sự trân trọng của con người, Bến En sẽ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Read more...

Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Thành Tây Đô - một ngôi thành đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thuộc địa bàn xã Vĩnh Yên, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 45km về phía Đông, cách thị xã Bỉm Sơn 30km về phía Bắc và cách Hà Nội 145 km về phía Bắc.
Nhân dân vẫn quen gọi Thành Tây Đô là Tây Giai, An Tôn hay Thành Nhà Hồ - vì người chủ trương xây dựng thành là Hồ Quý Ly, người đã dựng nên một triều đại phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XV.


Những năm cuối thế kỷ XIV, triều Trần đi sâu vào con đường suy yếu. Phía nam đất nước, quân Champa đã nhiều lần kéo ra cướp phá, kinh thành Thăng Long bị chúng hai lần tiến đánh khiến vua quan nhà Trần phải rời bỏ kinh thành. Phía bắc giặc Minh cũng lăm le giòm ngó, tìm mọi cách để âm mưu thôn tính nước ta.

Trước tình thế trên, Hồ Quý Ly Một viên qan đầu triều, nắm giữ quyền lực trong tay dã chuẩn bị một kế hoạch đối phó mới với tình hình của đất nước. Vì vậy năm 1397, Hồ Quý Ly sai viên thượng thư Bộ Lại, kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tĩnh vào nghiên cứu vùng đất Thanh Hoá, một căn cứ địa vững chắc đồng thời là quê hương của họ Hồ để xây dựng thành trì chuẩn bị cho việc rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá. Các làng Tây Giai, Xuân Giai, Đông Môn, thuộc xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long và An Tôn xã Vĩnh Yên được chọn làm nơi xây dựng kinh thành. Khi thái tử An, tức cháu ngoại của Hồ Quý Ly lên ngôi lấy niên hiệu là Thiếu Đế, Thành Tây Đô trở thành kinh đô của nước ta từ đó. Đến năm 1400 vua Thiếu Đế qua đời, Quý Ly chính thức lên ngôi vua lập nên triều Hồ.

Đến bây giờ, chúng ta không khỏi khâm phục trước tài nghệ xây dựng vật liệu bằng đá khối như đối với thành đá Tây Đô. Đặc biệt với thời gian chỉ vẻn vẹn 3 tháng (từ mùa xuân 1397), toàn bộ bức thành đồ sộ đã được xây dựng bằng đá khối, trong đó có những phiến nặng lên tới trên 2 tấn trong khi không có một thiết bị hiện đại vận chuyển lên cao nào ngoaì sức người thuần tuý và cũng chỉ 3 năm (Đến 1400), toàn bộ kinh thành đã được xây dựng hoàn tất với các điện, đài nguy nga, tráng lệ. Cho đến hôm nay, kỹ thuật xây dựng thành vẫn là một điều bí ẩn đối với khoa học xây dựng thế kỷ XX. Nhìn những phiến đá lớn được mài nhẵn, chồng khít lên nhau, tạo nên bức tường thành đồ sộ, ai cũng tự đặt câu hỏi không biết người xưa đã sử dụng phương tiện gì để vận chuyển và nâng lên cao những khối đá lớn như vậy?

Về mặt kiến trúc, thành có hình chữ nhật, mở ra bốn cổng Đông, Tây, Nam, Bắc gọi là cổng, Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Trong đó cổng tiền là còn nguyên vẹn hơn cả. Cổng mở ra ba cửa, cửa giữa rộng 5,8m cao 8m, hai cửa hai bên rộng 5m cao 7,8m. Tất cả các cổng đều được xây cuốn vòm, kiến trúc chữ U, bằng đá xanh đen mài hình muối bưởi, nhờ trọng lượng nên chúng tự nêm chặt vào nhau. Các cánh cổng đều được làm bằng gỗ lim phiến dầy, dưới chân có lắp hai bánh xe bằng đá. Tất cả các bức tường thành đều cao trên 6m, trên mặt có đường đi rộng 4m. Tường thành xây bằng những viên đá khối lớn 2m x 1m x (0,7m). Những viên đá quá nặng phải đắp đất seo lên mới xây dựng được. Mặt trong thành lèn đất day như đắp đê. Từ cửa Nam có một con đường lát đá hoa chạy xuyên suốt trục bắc nam của thành vươn đến tận chân núi Đốn Sơn (Núi Đún), là nơi dựng đàn tế Nam Giao của triều Hồ.

Ông chủ trương chia Tây Đô làm hai; khu thành nội và khu thành ngoại. Khu thành ngoại là toàn bộ khu dân cư gồm các làng xã, phố phường, nơi mọc lên cả các dinh thự của các quan lại. Hồ Quý Ly còn cho trồng tre, đào hào thành sông để nối liền với sông Mã, Sông Bái để tiện việc chuyên trở, sử còn ghi “sai Trần Ninh đốc thúc người phủ Thanh Hoa trồng tre gai, phía nam từ Đốn Sơn, Phía bắc từ An Tôn phía tây từ Vực Sơn vây bọc làm La Thành” đến nay các vết tích đó còn lại không nhiều, chỉ còn lại dấu tích của những hào sâu bao bọc quanh thành mà thôi.

Đương thời Hồ Quý Ly đã cho kiến thiết trong nội thành các cung điện, nhà cửa, phố xá, sân hồ… chẳng khác gì ngoài Thăng Long, chỉ khác là các cung điện của thành Thăng Long được xây dựng bằng gỗ còn các cung điện của thành Tây Đô được xây dựng và trạm trổ hoàn toàn bằng đá khối. Theo các thư tịch cũ cho biết thì trong thành thời đó có điện Hoàng Nguyên, các cung Diên Thọ, Phù Cực, Đông Cung, núi Thọ Kỳ, hồ Dục Tượng… rất nguy nga tráng lệ. Năm 1403 lại còn xây dựng thêm hai công trình kiến trúc nữa là Đông Thái Miếu và Tây Thái Miếu. Cũng tại nội thành này là địa điểm để tổ chức các kỳ thi Thái học sinh (tiến sĩ), đó là vào năm 1400 dưới triều Hồ Quý Ly và năm 1405 dưới triều Hồ Hán Thương.

Hiện nay, trong thành di vật còn sót lại có giá trị nhất là đôi rồng đá. Nhưng cũng thật đáng tiếc, trải qua thời gian, do không được bảo vệ và ý thức người dân chưa cao nên đôi rồng đá đã bị mất đầu. Dù sao thì đây vẫn là hiện vật có giá trị nhất. Đôi rồng mỗi con dài mươi thứơc, uốn khúc uyển chuyển và hùng dũng như đang bay. Cái tráng khí hào hùng ấy do bàn tay tài hoa của người thợ đá làng Nhồi tạc nên.

Trên 6 thế kỷ đã trôi qua, Tây Kinh – một kinh thành đồ sộ với các điện đài nguy nga tráng lệ. Song tất cả chỉ còn là đống đổ nát, không một vết tích đền đài nào còn sót, chỉ còn lại bức tường thành là có thể minh chứng cho một triều đại đã tồn tại, cũng như mãi mãi khẳng định một loại hình kiến trúc độc đáo, tiến bộ bậc nhất của Việt Nam - Kiến trúc thành luỹ bằng đá.


Theo Sở du lịch tỉnh Thanh Hóa

Read more...

Suối cá Thần Cẩm Lương (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Xã Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá (thuộc tổng Lương Điền xưa) nằm xen kẽ giữa những dãy núi đá vôi trùng điệp bên tả ngạn sông Mã. Dãy núi đá vôi Trường Sinh như hình chiếc võng khổng lồ chạy suốt từ Bắc đến Đông, ôm gọn Cẩm Lương vào vòng lũng núi. Dòng sông Mã trong xanh như một dải lụa mềm trải suốt phía Tây Nam.


Cẩm Lương, cách huyện lỵ 10km, cách tỉnh lỵ 80km về phía Tây, cư dân tương đối ổn định, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Đến với xã Cẩm Lương, du khách không thể không tham quan suối cá Thần Làng Ngọc. Suối cá xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um, thuộc dãy núi Trường Sinh. Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá.

Khác với những dòng suối thông thường khác, suối chỉ dài trên 150m, có một đàn cá tự nhiên với hàng ngàn con sinh sống từ bao đời nay. Nhân dân quen gọi đây là Vó cá thần hay suối cá Thần, tất cả tên gọi này đều bắt nguồn từ truyền thuyết về Thần Rắn:

Xưa có 2 vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con. Vợ chồng hàng ngày ra thửa ruộng bên cạnh suối vừa khơi nước trồng lúa vừa xúc cá bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nước, nhưng xúc lần nào thì quả trứng lạ ấy vẫn cứ thấy nằm trong rổ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm nghe tiếng gà cục tác bà vợ ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng sợ, người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại trở về nhà. Dần dần rắn sống tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác. Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no hạnh phúc vì không còn cảnh hạn hán kéo dài. Chàng rắn sống với gia đình và làng bản trong cảnh thái bình, no ấm.

Trải qua năm tháng, chàng rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to gió cả sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết: Chàng chết vì đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và chàng đã được thượng đế phong Thần hiệu 'Tứ Phủ Long Vương'.

Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ, có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc, cũng như quen gọi cá thần từ đó.

Ngay bên tả ngạn của Suối cá Thần, hiện nay vẫn còn lại nền móng của ngôi đền cổ, đó là đền Ngọc. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc: 2 đạo sắc thời Lê và 1 đạo sắc vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Trải qua mưa ngàn gió núi, đền đã bị sập vào năm 1962, hiện nay chỉ còn lại nền móng.

Theo nhân dân trong vùng kể lại, đàn cá có những con nặng tới 30kg, ngày thường không chui ra khỏi hang, mà chỉ khi mùa nước lớn, người dân mới thấy cá ra nhưng rồi lại vào ngay. Nước trong suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ chỉ từ 50 – 80cm, điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn. Những ngày thường đàn cá ở đây rất gần gũi với người và người dân nơi đây cũng không bao giờ ăn thịt cá, có những câu chuyện người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ những ngày tế lễ “Tứ phủ Long Vương” thì dân làng xin thần được thả xúc, con nào tự chui vào xúc có nghĩa là con cá ấy tự dâng mình cho thần thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này đã có từ xưa, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.

Từ đầu nguồn suối Ngọc leo lên dãy núi Trường Sinh, đường đi gấp khúc theo hình bậc đá, dễ dàng cho du khách tham quan danh thắng. Trên đường, du khách vừa đi vừa gạt lá để mở đường, hai bên đường là những loại cây của khu rừng già, nhiều tầng cây rợp bóng, khó có thể thống kê hết. Các loại cây đang tồn tại ở dãy núi Trường Sinh là những cây đền (họ tre) to cao, lóng dài dân vùng lấy về làm hông đồ xôi, có những cây đăng (họ sồi) cao chọc trời, thân hàng mấy người ôm.

Từ chân núi đi lên khoảng 200m, là gặp cửa động Đăng rộng mở đón du khách. Vòm cửa động cao 7m, rộng 8m, lối vào cửa thoáng rộng dễ đi. Bước vào cửa động du khách sẽ gặp một bước bức tranh bồng lai tự nhiên đập vào mắt, những suối thạch nhũ nhiều mầu từ vách động, vòm động rũ xuống. Thạch nhũ ở đây có lẫn những tinh thể của cát, của các loại khoáng chất, cho nên phát sáng giống như những khối kim cương khổng lồ ôm lấy vòm động. Động Đăng cao ráo rộng rãi, sạch sẽ.

Những mảng thạch nhũ kỳ lạ lát kín vách động và vòm hang, do thạch nhũ tự nhiên cấu trúc có hình thể kỳ lạ, du khách giầu trí tưởng tượng, hẳn sẽ xây dựng được những huyền tích thú vị theo mỗi bước chân.
Đã từ lâu, nhân dân địa phương đặt tên cho những cột thạch nhũ tiêu biểu nhưng rất giống với những hình thể sự thật cốt truyện. Tượng “Hạnh phúc” là cột nhũ như đôi trai gái đang đứng ôm hôn nhau thắm thiết, suối tóc cô gái để dài xuống lưng và tràn xuống gót; Tượng nhũ “Mẹ con” giống hệt một người mẹ trẻ tràn đầy sinh lực đang cõng một đứa con mập mạp; Kho lúa, từng tảng nhũ như những bó lúa chảy tràn tầng tầng lớp lớp từ vòm động đến các vách hang; Nhũ búa trời như một quả phật thủ nặng ngàn cân treo lơ lửng trên vòm động như sẵn sàng thực hiện công lý của trời đất … Những cảnh kỳ ảo trong lòng động không ai có thể tả hết. Từ động Đăng đến động Đắng có những bức tranh toàn mỹ bằng chất liệu nhũ đá cuốn hút lòng người.

Những năm gần đây, môi trường tự nhiên đã và đang bị con người tàn phá làm ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống của chúng ta mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều các loài động, thực vật. Thế mà làng Ngọc vẫn còn một suối cá tự nhiên độc nhất vô nhị của đất nước. Điều đó càng minh chứng cho ý thức trách nhiệm của người dân nơi đây, cũng như các ngành hữu quan để suối cá thần Cẩm Lương trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong cả nước về sự độc đáo và nguyên sơ của nó.

Read more...

Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)

Dulichbui's Blog - Lam Kinh (hay còn gọi là Tây Kinh) thuộc địa bàn xã Xuân Lam huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 52km về phía Tây Bắc.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.


Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn), phía Nam nhìn ra sông Chu, xa xa là núi Chúa, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương. Khu hoàng thành, cung điện và Thái miếu được bố trí xây dựng theo trục nam bắc, trên một khoảng đất đồi gò có hình dáng giống chữ Vương trong chữ Hán. 4 mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, thành phía Bắc xây phình ra thành hình cánh cung với bán kính 164m, thành dầy trên 1m.
Mặt trước ngoài hoàng thành khoảng 100m còn lại dấu vết của cổng vào rộng trên 6m, hai bên có xây 2 bức tường thành hình cánh cung kéo dài đến sát bờ sông Ngọc, móng tường thành còn lại dầy 1,08m, qua cổng thành khoảng 10m đến một con sông đào có tên là sông Ngọc. Sông này bắt nguồn từ Tây Hồ, chạy vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách "Hoàng việt dư địa chí" xưa kia, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp, trông rất đáng yêu, không ai dám lấy.
Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch, trên cầu có nhà, thành dáng Thượng gia hạ kiều, qua cầu khoảng 50m thì đến một giếng cổ. Trước kia dưới giếng còn thả sen để giữ cho nước mát trong những ngày hè nóng nực. Bờ giếng phía Bắc có lát bậc đá lên xuống, gọi là bến nước.

Ngọ môn
Trước Ngọ môn có hai con nghê đá đứng canh. Nền Ngọ môn rộng 11m dài 14,10m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6m, cửa hai bên rộng 2,74m và được bố trí ở hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là rất lớn, đường kính chân tảng đo được 78cm. Ngọ môn 3 gian, bước gian giữa rộng 4,60m, bước gian bên rộng 3,50m.
Căn cứ vào chiều rộng của nền Ngọ môn và xét về tỷ lệ quy mô các công trình kiến trúc toàn khu cung điện, các nhà nghiên cứu về kiến trúc cổ đã đi đến đoán định, Ngọ môn thành điện Lam Kinh là một công trình kiến trúc hoành tráng.

Sân Rồng

Qua Ngọ môn vào đến sân rồng (còn có tên gọi là sân chầu). Sân trải rộng khắp bề ngang chính điện và đến sát thềm hai nhà tả vu và hữu vu với tổng diện tích 3.539,2m2 (rộng 58,5m dài 60,5m).


Chính điện Lam Kinh
Qua sân rồng đến khu chính điện, gồm 3 toà điện lớn xây trên nền đất rộng, cao 1,80m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m. Mặt bằng của điện bố trí hình chữ công I (chữ Hán).
Ngày 21 tháng 2 năm Bính Tý (1456) vua Lê Nhân Tôn đích thân đem các quan về bái yết sơn lăng ở Lam Kinh, nhà vua đã lệnh cho các đại thần đặt tên các điện. Theo đó, điện phía trước gọi là điện Quang Đức, điện dọc ở giữa gọi là điện Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là điện Diên Khánh (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều 9 gian, gian giữa rộng nhất, hai gian hai đầu hồi chỉ rộng 2m tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện.
Đây là công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn, hàng cột cái của cả 3 điện có đường kính 62cm. Căn cứ vào chiều rộng của nền điện, khoảng cách của hai hàng cột cái thì cung điện nay có 2 tầng mái. Kiến trúc ba Toà chính điện Lam Kinh có giá trị đặc biệt quan trọng về nghệ thuật kiến trúc thời Lê Sơ.


Từ sân rồng lên chính điện là thềm rộng lớn, rộng 5m có 9 bậc với 3 lối lên, có chiều rộng không bằng nhau, lối giữa rộng 1,80m, lối bên rộng 1,21m. Hai bên lối giữa trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc, trên thân khắc hoa văn hình ngọn lửa trên sóng xoắn, trên đầu thể hiện một bờm, mép rồng trang trí hình râu xoắn, dưới cằm có râu dài xoắn hình vặn thừng, tay rồng giống bàn tay người nắm gọn râu phần dưới đặt trên một viên ngọc. Gọi là long hí châu (rồng vờn ngọc). Theo sự đánh giá của nhà nghiên cứu người Pháp tên là Louis Bezacien là "Nghệ thuật tạc rồng ở đây rõ ràng nổi hơn hẳn hình rồng ra đời muộn hơn thường chạm trong các đền chùa Việt Nam".

Khu thái miếu triều Lê Sơ

Cửa giữa sau điện Diên Khánh có hai lan can đá mỗi lan can tạc một con rồng có thân và đuôi hình con sóc. Từ trên điện đi xuống thềm là khu sân Thái miếu.
Sau sân gồm 9 toà Thái miếu thờ Thái hoàng Thái phi, mỗi nền Thái miếu có kích thước gần bằng nhau, dài 16m, với diện tích 200m2, tổng diện tích của 9 nền thái miếu là 1.800m2. Gạch lát nền là gạch vuông lát chéo, giữa các Thái miếu có một lối đi lát gạch rộng khoảng 4m. Lối đi này có thêm tác dụng thoát nước. Nền Thái miếu cao so với sân 90cm.
Trước mỗi Thái miếu đều có một lối lên 5 bậc, hai bên lan can tạc hai rồng uốn khúc bằng cả một phiến đá dày nguyên khối, rồng ở đây nhỏ hơn rồng ở thềm trước chính điện nhưng hình dáng và phong cách giống nhau.
Sau khu Thái miếu khoảng 50m là tường thành phía Bắc, xây theo hình vòng cung, có đường kính 165m, ôm bao bọc toàn khu cung điện và Thái miếu mặt Bắc.
Ngoài các công trình quan trọng như chính điện Thái miếu ra, trong khu hoàng thành còn nhiều công trình khác.
Hai bên sân rồng có hai nhà tả vu và hữu vu chạy dài suốt cả chiều sâu sân rồng.
Phía Tây khu chính điện còn có hai điện thờ lớn, mỗi điện 5 gian, đó là Chiêu Hiếu Điện còn gọi là Lam Kinh Tây giáp thất điện, thờ Tuyên Tổ Hoàng đế Lê Khoáng bố đẻ của Vua Thái Tổ và thờ Chiêu Hiếu đại vương Lê Thạch con của Chiêu Hiếu đại vương Lê Học. Điện Hoằng Hựu thờ Hoằng Hựu đại vương Lê Trừ, anh thứ hai của Thái Tổ.
Phía Đông khu chính điện là khu cư xá của các quan và quân lính trông coi khu kinh thành. Trong khu vực phía Đông còn một khu bếp núc. Theo kết quả khảo sát phát hiện được nhiều đồ gốm sứ ở khu vực này.


Lăng mộ các vua và hoàng hậu ở lam kinh
Trong khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ ở Lam Kinh gồm có 8 lăng của các Vua và Hoàng Hậu, trong đó lăng của Lê Thái Tổ mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất. Lăng của các vua kế nghiệp và Hoàng Hậu mai táng ở hai phía Đông và Tây.

Vĩnh Lăng - Lăng Lê Thái Tổ
Ngày 22 tháng 8 nhuận năm Thuận Thiên thứ 6, tức năm Quý Sửu, Thái tổ Cao Hoàng đế băng hà. Cùng năm ấy ngày 23 tháng 10 táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn.
Vĩnh Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng ở chân núi Dầu phía Nam, cách thành Bắc điện Lam Kinh 50m, nằm trên tuyến trục Bắc - Nam giữa núi Dầu và núi Chúa, tạo thành thế hậu chẩm Bắc Sơn, tiền án Nam Sơn. Bên trái có núi Phú Lâm và núi Hổ; bên phải có núi Hướng và núi Hàm Rồng tạo thành hai cánh tay ngai với thế long chầu hổ phục; phía chính diện của Vĩnh Lăng, cách trên 1.000m là dòng sông Chu uốn cong hình vành khuyên, ôm lấy mặt tiền Vĩnh Lăng, chiều dòng chảy từ phải sang trái tạo thành thế tụ tuỷ. Theo cách nhìn tinh tế của nhiều người am hiểu thuyết phong thuỷ xưa và nay thì Vĩnh Lăng được chọn đặt ở một thế đất đẹp, có vượng khí tốt tươi, núi sông kỳ tú, là điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong khu sơn lăng Lam Sơn.
Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên mà trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh trước kia xây chèn bằng loại gạch thường, bị sụt lở do sự xâm thực phá huỷ của thảo mộc, nay xây thêm bằng đá đục ở bên ngoài, có cạnh 4,4 m cao 1m.
Trước lăng có hai hàng tượng người và tượng các con giống tạc bằng đá, dựng ở đây để trấn trạch, nghĩa là làm cho khu lăng luôn luôn được yên lành, không bị tà ma quấy nhiễu và cũng là để tôn lên quang cảnh tôn nghiêm kính cẩn của lăng tẩm vua chúa.
Đứng đầu hai hàng tượng, ở vị trí gần lăng là hai pho tượng quan hầu, bên trái là quan văn, bên phải là quan võ. Đây là cách sắp đặt theo phép bố trí quan chức thời vua Lê Thái Tổ, đặt hai chức quan đại thần đứng hàng đầu triều gồm quan Thị Trung bộc xạ trông coi việc then chốt về chính trị và quan Thái Uý nắm giữ quyền tối cao trong quân đội.
Kế tiếp hàng tượng quan hầu là tượng bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai sư tử, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ. Trước lăng 70cm có một hương án bằng đá để đặt bát hương và lễ vật. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng 20,35 m gọi là thần đạo.
Đặc trưng nghệ thuật ở các tượng người và con giống ở đây khác biệt so với những tượng trong các lăng khác ở Lam Sơn và nhiều nơi khác.
Niên đại của các tượng này đã được xác minh là chế tác từ năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433). Tượng có thân hình nhỏ bé, phong cách dân gian, ngựa không thắng yên, tê giác không bành, hổ ngồi hiền từ, sư tử cách điệu như hình lợn rừng.
Nhìn toàn cảnh lăng Lê Thái Tổ thật là giản dị, gần gũi mà tôn nghiêm, trang trọng.

Bia Vĩnh Lăng
Vĩnh Lăng (Lăng Lê Thái Tổ) bố trí trong một khoảng không gian rộng lớn. Nền dựng bia xây trên đỉnh một gò đất rộng, cao thoai thoải, mặt tiền của bia nhìn về hướng nam, cùng hướng với lăng. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,79 m, rộng 1,94 m, dầy 0,27 m, đặt trên lưng một con rùa cỡ lớn cũng làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối, có chiều dài 3,46 m; rộng 1,94 m; cao 0,9 m. Trên thân rùa còn lưu lại nhiều dấu vết rõ nét vỏ áo các loài nhuyễn thể sống trong nước biển như trai, sò, ốc…


Hoa văn trang trí trên bia và niên đại được xác định cụ thể vào năm Thuận Thiên thứ sáu tức là năm Quý Sửu (1433). Đây là một cứ liệu quý giá để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí Việt Nam thời Lê Sơ. Trán bia trang trí một hình vuông, trong hình vuông trang trí một hình tròn biểu trưng cho trời đất. Giữa hình vuông và hình tròn khắc áng vân mây cách điệu tinh tế, chính giữa khắc một đầu rồng nhìn thẳng, thân rồng uốn khúc uyển chuyển quanh hình mặt trời, biểu trưng là Thiên tử do sự giao hoà của trời đất sinh ra. ở cánh cung hai bên của hình vuông và hình tròn khắc hai hình rồng vươn mình đối nhau chầu vào, cùng một phong cách. Trên nền, trang trí loáng thoáng hình áng mây; đường diềm hai bên của bia tính từ đỉnh xuống đến đáy bia, mỗi bên trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề có khắc hình một con rồng uốn mình theo lá, đầu vươn lên trên nối tiếp nhau. Khoảng không nền nửa lá đề chạm hình hoa cúc dây với nghệ thuật tinh sảo. Phong cách chạm khắc hình lá đề biểu trưng cho phong cách nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa thờ Phật. Nội dung văn bia do Vinh Lộc đại phu nhập nội hành khiển tri tam quán sự Nguyễn Trãi phụng soạn.
Bia Vĩnh lăng chính là một công trình văn hoá đặc sắc của chúng ta.


Hựu lăng- lăng vua Lê Thái Tông
Vua Lê Thái Tông huý là Nguyên Long là bậc vua giỏi, ở ngôi 9 năm (1434 - 1442), đi tuần thú ở miền đông rồi băng hà, mai táng ở Hựu Lăng.
Hựu Lăng ở bên tả Vĩnh Lăng cách Vĩnh Lăng trên 800m và thuộc một điểm cao của rừng Phú Lâm.
Lăng Khôn Nguyên Chí Đức - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao
Lăng Thái Hậu được xây ở một khu đất thấp phía Đông, cách Vĩnh Lăng 700m, phía Nam Hựu Lăng 100m, gọi là Xà Đàm. Điều khác biệt với lăng các vua là tượng quan hầu đặt ở hai bên tả hữu gần lăng là tượng nữ quan trông hiền từ mà nghiêm trang. Các tượng con giống khác cũng tương tự như ở các lăng khác, chỉ có điểm khác biệt là các con giống này đều thân mập và bụng to, điêu khắc trong trạng thái phóng khoáng sinh động.
Bia lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao cách lăng của Bà khoảng 150m. Bia làm bằng đá nguyên khối, cao 2,76m, rộng 1,90m, dày 0,28m đặt trên lưng một con rùa lớn, tạc bằng một khối đá dài 2,65m, rộng 1,84m, cao 0,69m. Bia hai mặt đều khắc chữ do các ông Nguyễn Bảo, Nguyễn Xung Xác, Bùi Sĩ Nho là quan của Hàn Lâm Viện vâng mệnh soạn.
Hoa văn trang trí trên bia và niên hiệu đã được xác minh, bia dựng năm Mậu Ngọ (1498). Đây là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị nhiều mặt cuối thế kỷ XV.

Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông
Chiêu Lăng nằm ở bên tả Vĩnh Lăng lệch về phía Đông nam, cách Vĩnh Lăng 700m. Chiêu Lăng xây theo hướng nam, trên một khoảng đất rộng thuộc địa phận làng Phú Lâm, xã Xuân Lam ngày nay.
Nghệ thuật điêu khắc tượng và con giống ở lăng này là nghệ thuật cung đình, các con giống và quan hầu đều có hoa văn rãnh sâu và mềm dẻo. Các con giống có hình dáng béo mập, bụng to. Một điều đáng quý là tượng và con giống ở Chiêu lăng còn lại tương đối đầy đủ, đây là cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu nghệ thuật chạm khắc đá cuối thế kỷ XV.
Bia Chiêu Lăng dựng trên một khoảng đất bằng, cách Chiêu Lăng 200m về phía Đông Nam. Bia là một tấm đá nguyên khối dựng trên lưng một con rùa đá lớn. Bia có kích thước cao 2,76m, rộng 1,89m, dày 28cm, rùa thân dài 2,65m, rộng 1,84m, cao 69cm, trang trí hoa văn đơn giản.
Bia hai mặt đều khắc chữ do các ông Thân Nhân Trung; Đàm Văn Lễ; Nguyễn Đức Tuyên; Tô Ngại; Phạm Bảo là quan của Hàn Lâm Viện vâng mệnh soạn và viết chữ.
Chiêu Lăng là nơi an nghỉ của vua Lê Thánh Tông, một ông vua văn võ toàn tài đã có công lao to lớn trong việc xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển đến đỉnh cao của thời đại xã hội phong kiến Việt Nam. Chiêu Lăng hiện đã được tôn tạo xứng tầm, thể hiện sự tôn vinh của dân tộc.

Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông
Vua Lê Hiến Tông được mai táng ở Dụ Lăng, cách Vĩnh Lăng gần 300m, thường gọi là lăng Bảo Lạc. Dụ Lăng có thế đất rộng rãi, thoáng mát, sơn thuỷ hữu tình. Nghệ thuật tạc tượng tròn ở Dụ Lăng hoàn toàn là nghệ thuật cung đình, các con giống đều có yên cương, mũ quan văn - quan võ đều có đai mũ che gáy, cổ.
Bia Dụ Lăng dựng trên điểm cao của gò núi phía Tây Nam Dụ Lăng, cách Dụ Lăng 80m. Bia là một tấm đá nguyên khối dựng trên lưng một con rùa đá lớn, có kích thước rộng 1,90m, cao 2,78m, dày 27cm. Rùa dài 2,64m, rộng 1,83m, cao 67cm. Nội dung văn bia do các ông Nguyễn Nhân Thiếp; Phạm Thịnh; Thu Thiện Thiếu Doãn; Trình Chí Sâm; Bùi Sĩ Nho; Vũ Văn Thao; Phạm Bảo vâng mệnh soạn.

Kính Lăng - Lăng Vua Lê Túc Tông
Vua Lê Túc Tông ở ngôi chưa được 1 năm không may mất sớm, hưởng thọ 17 tuổi, mai táng ở Kính Lăng - Lam Sơn năm 1505.
Kính Lăng được xây dựng trên đỉnh núi Hổ, cách Vĩnh Lăng 4km về phía Đông Bắc, nay thuộc nông trường Sông Âm thuộc địa phận xã Kiên Thọ - huyện Ngọc Lặc. Lăng xây theo hướng Nam chếch Đông với 150 tượng quan hầu và các con giống sắp đặt như ở Dụ Lăng.
Bia Kính Lăng dựng trên một mảnh đất bằng cách Kính Lăng 300m về phía Đông nam. Bia làm bằng đá nguyên khối, rộng 1,90m, cao 2,64m, dày 30cm được đặt trên một con rùa bằng đá dài 3,35m, rộng 2,05m, cao 43cm.
Nội dung văn bia do các ông đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Thiếp, Phạm Thịnh, Trình Chí Sâm vâng mệnh vua Lê Uy Mục soạn.
Bia dựng vào tháng 3 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505).

Khu đền thờ Lê Lợi

Khu đền thờ vua Lê Lợi thuộc địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, cách khu di tích Lam Kinh 150m về phía Nam. Đền do một số nhà hảo tâm đứng ra quyên góp vào những năm đầu của thế kỷ 20 để làm nơi thờ vua Lê Thái Tổ (Trong khi khu di tích Lam Kinh bị tàn phá chưa được trùng tu). Hiện khu đền thờ này đã được sát nhập vào quản lý cùng với khu di tích Lam Kinh.

Khu đền thờ Lê Lai (ĐềnTép)
Thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách khu di tích Lam Kinh 6km về phía Tây Bắc, thờ Trung Túc Vương Lê Lai- một vị Khai quốc Công thần của triều Lê Sơ. Chuyện kể rằng, nghĩa quân Lam Sơn buổi đầu tụ nghĩa lực lượng còn rất non yếu. Trong một lần bị quân giặc vây khốn, Lê Lai đã cải trang thành Lê Lợi và anh dũng hy sinh. Quân giặc tưởng đã tiêu diệt được thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nên đã lui quân. Nhờ đó nghĩa quân được bảo toàn lực lượng tạo tiền đề cho chiến thắng sau này. Tấm gương hy sinh anh dũng của Lê Lai đã được nhân dân ghi nhận, lập đền thờ tại quê hương ông.

Đền thờ Bố Vệ
Vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long sai dỡ điện Lam Kinh, rồi từ Lam Kinh lại chuyển về làng Bố Vệ, nay thuộc phường Bố Vệ, thành phố Thanh Hoá để thờ.
Nguyên đền Bố Vệ xưa thuộc thôn Kiều Đại, xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, là sinh quán của bà hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vợ vua Lê Thái Tông. Sinh thời bà dựng điện Chiêu Hoa ở đây, để lấy chỗ nghỉ ngơi khi về thăm quê. Khi bà mất, năm 1460, vua Lê Thánh Tông cho sửa điện này thành điện Hoàng Đức để thờ bà. Năm 1805, vua Gia Long cho dời đền thờ các vua Lê ở Lam Kinh về điện Hoàng Đức, tập trung 28 bài vị của các vua Lê và hoàng hậu tại đây và người ta quen gọi là đền Nhà Lê, hay đền Bố Vệ.
Đền có kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Buổi đầu tất cả các pho tượng, bài vị, đồ minh khí thờ các vua Lê ở Thăng Long đều tập trung tại đây, nhưng nay phần lớn đã không còn. Chỉ còn lại tượng Lê Lợi bằng đồng, tư thế ngồi như người thật, đặt ở chính tẩm, hai bên tả hữu có tượng của Nguyễn Trãi và Lê Lai. Những pho tượng này, do một nhà tư sản cung tiến năm 1935.
Hàng năm, cứ đến ngày 21, 22 tháng tám âm lịch, nhân dân khắp nơi nô nức về Lam Kinh và cả đền Bố Vệ, để dự tưởng niệm công đức của hai anh hùng cứu nước Lê Lợi và đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công khôi phục giang sơn, đất nước.

Theo Sở du lịch tỉnh Thanh Hóa

Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org