Khu văn hóa Hàm Rồng (Thanh Hóa)



Dulichbui's Blog - Hàm Rồng thuộc địa phận phía Bắc thành phố Thanh Hoá, đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng từ thời tiền sử, đồng thời cũng là một địa danh ghi dấu lịch sử oai hùng của dân tộc ta.
Dòng sông Mã bắt nguồn từ dãy núi Pu Va ở Tây Bắc Tổ quốc hùng vĩ có độ cao trung bình 400 m so với mặt nước biển. Bình thường nước sông chảy đã mạnh, mùa mưa lũ càng thêm dữ dội. Cũng từ hướng đó, dãy núi Đông Sơn hùng vĩ, cái nôi của nền văn hoá đồng thau Đông Sơn, núi tiếp núi như một con rồng uốn mình vươn tới. Sông núi đến đây gặp nhau làm thành cái thế "Long Mã tranh châu". "Châu" ở đây là ngọn Châu Phong (thường gọi là núi Ngọc hoặc núi Nít) ở bờ Bắc sông Mã. Bờ Nam là núi Đầu Rồng (thường gọi là Long Hạm hoặc Hàm Rồng) với hai cửa hang như hai con mắt đau đáu nhìn sang núi Ngọc. Ngựa và Rồng đuổi Ngọc đến đây, con rồng vừa há miệng ra đớp ngọc thì đuôi ngựa đã quật ngang cho ngọc rơi xuống sông. Chính vì vậy dưới đáy sông Mã ở đoạn này là cả một ngọn núi đầy hang huyệt. Con ngựa chăn ngọc ở bờ Bắc, con rồng nằm phục ở bờ Nam. Ca dao xưa có câu:

Thanh Hoá thắng địa là nơi
Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi chân thành.


Thời Lê năm 1078, vua Lê Thánh Tông về thăm quê Thanh Hoá. Người đã cho dừng thuyền ngoạn cảnh Hàm Rồng. Người men theo sườn núi vào động Long Quang rồi lên đỉnh núi Đầu Rồng ngây ngất ngắm nhìn một vùng non nước và cảm hứng:

"Đây núi kia rừng, tiên phật quá
Như mời du khách đến cùng say".


Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, nhà văn hoá kiệt suất năm 1430 tháp tùng vua Lê Lợi về thăm viếng quê Thanh, lúc trở ra Thăng Long, có dừng chân ở Hàm Rồng (lúc đó tên là Long Đại) ông rất chú ý đến cảnh sắc thiên nhiên của sông núi ở đây và đã làm bài thơ bằng chữ Hán "Long Đại Nham":

Khử niên hổ nguyệt ngạc tằng khuy
Long Đại kim quan thạch huyệt kỳ
Ngao phụ xuất sơn, sơn hữu động
Kình du tắc hải, hải vị trì
Hồ trung nhật nguyệt thiên nan lão
Thế thượng anh hùng thử nhất thì
Lê, Phạm phong lưu ta tiệm viễn
Thanh đài bán thực bích gian thỉ.

Tạm dịch:

Năm xưa mình đã dòm hang cọp
Nay ngó non, Rồng cảnh lạ sao
Ngao nổi đôi non, non có động
Kình bơi lấp biển, biển thành ao
Trong bầu ngày tháng còn vui mãi
Một thuở anh hùng trở lại đâu
Lê, Phạm phong lưu ôi đã vắng
Thơ đề vách đá nửa xanh rêu.

Ông đã khắc hoạ nét hùng vĩ của Hàm Rồng, xem đó là một kỳ công của tạo hoá từ thuở khai thiên lập địa. Ông đã khai thác kho tàng huyền thoại để minh hoạ cho ý thơ của mình. Truyền thuyết nói rằng: Núi Hàm Rồng vốn là một ngọn núi tiên, chỗ ở của các vị thần thánh trên thượng giới. Nhưng quả núi này chân không gắn chặt với đáy biển, cứ bồng bềnh trên mặt nước mênh mông. Do đó, thượng đế phải sai mấy con ngao đến đội núi lên để giữ cho vững. Núi đã vững nhưng chung quanh vẫn còn là biển lớn, chưa tiện cho sự đi lại nên Thượng đế lại sai những con kình quẫy khúc làm cho nổi đất lên, tạo ra một khoảng đất bằng chung quanh núi. Biển bị lấp còn một ít chỗ không lấp hết trở thành ao. Đó là nội dung hai câu thơ 3 và 4. Bài thơ còn nhắc đến những chiến công lẫy lừng trong quá trình dựng nước và giữ nước như năm 1382, Hồ Quý Ly đã thắng quân Chiêm Thành trong một trận kịch chiến ở đây. Ngoài ra, tác giả còn nhắc đến những học giả có tiếng tăm thời Trần: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, những người đã đề thơ ở động Long Quang.
Xưa kia, khi chưa có cầu, nhân dân hai bờ qua lại bằng đò ngang. Đầu thế kỷ 20, C.A Ra Gông - một chuyên gia về cầu ở Đông Dương, khi khảo sát để bắc cầu, đã nêu ra những cái khó ở đoạn sông Hàm Rồng: đáy sông đầy hang huyệt, nên không thể xây trụ giữa được, lũ lụt hàng năm không cho phép kéo dài thời gian thi công trên mặt nước (trước đó, cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp thuê kỹ sư Đức bắc cầu có trụ ở đây, cầu chưa xong đã bị lũ lớn cuốn mất, ông kỹ sư người Đức đã nhảy xuống sông tự vẫn). Chính vì thế thực dân Pháp phải xây cầu treo, hai kỹ sư người Pháp là Đay - Đê và Pillê thiết kế, chỉ đạo thi công, cầu treo gối lên sườn hai ngọn Châu Phong (bờ Bắc) và Mắt Rồng (bờ Nam). Cầu treo hình cánh cung bán nguyệt thi công trong 4 năm (1904 - 1908). Khẩu độ hẹp ô tô và tàu hoả không thể qua một lúc được. Chiếc cầu cánh cung xưa và cầu thép có trụ hiện nay là điểm trung tâm của toàn cảnh Hàm Rồng.
Thi sĩ Tản Đà có bài cảm tác "Qua cầu Hàm Rồng":

… Hàm Rồng nay lại qua Thanh
Dưới cầu nước biếc in hình thi nhân …
và khi ở xa Hàm Rồng, thi sĩ còn viết:
Muốn trông chẳng thấy cho lòng khôn khuây …


Kháng chiến chống Pháp, năm 1946, quân dân ta phá sập chiếc cầu cánh cung do Pháp xây dựng. Hoà bình lập lại, năm 1961, đội cầu Trần Quốc Bình (Trung Quốc) thiết kế cầu mới có trụ và cán bộ công nhân ta thi công. Cầu vẫn được đặt trên hai hố cũ, nhưng có trụ giữa bằng 12 trụ ống, mỗi trụ đường kính xoáy sâu. Tháng 06 năm 1963, chiếc cầu hữu nghị được thông xe. Cầu mới dài 168 mét, chắc chắn hơn, to đẹp hơn, trọng tải lớn hơn cầu cũ nhiều. Đó là một kỳ công của kỹ sư và công nhân ta.
Kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chiếc cầu đó đã làm giảm uy lực của không quân Hoa Kỳ, 117 máy bay tối tân của Mỹ đã bị quân dân ta bắn cháy, vùi xác dưới đáy sông. Sau những ngày mưa bom bão đạn, cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang, nối liền hai bờ Bắc Nam cho đến ngày đất nước toàn thắng, Nghĩa trang liệt sĩ linh thiêng sườn đồi Quyết thắng ngày đêm hương khói tưởng nhớ những liệt sĩ anh hùng đã hy sinh bảo vệ non nước này. Một chính khách nước ngoài đến thăm Hàm Rồng đã phải thốt lên: "Thật kỳ lạ, trong lịch sử chiến tranh phá hoại bằng không quân trên thế giới, chưa có chiếc cầu nào được bảo vệ lâu đến như vậy". Cây cầu thép hiện nay đang sử dụng đã được các kỹ sư Việt nam sửa lại năm 1974, hàng ngày vẫn soi bóng xuống lòng sông chói ngời dấu ấn chiến thắng.

Mảnh đất kiên cường ấy đã ghi nhiều kỳ tích trong chiến đấu và xây dựng là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.
Có nhà thơ đã nói:

… Đất này là đất Hàm Rồng
Đi qua bom đạn vẫn hồng sắc xuân …


Huy Cận, nhà thơ lớn, đã nói về mảnh đất địa linh nhân kiệt này:


… Cánh chim Lạc Việt bay từ thuở ấy,
Nâng ta lên cánh én ngày nay.
Đánh quỷ Mỹ với bốn ngàn năm dựng nước
Đồng, Đông Sơn là xương cốt núi sông này.


Và cho đến nay, Hàm Rồng còn ghi thêm kỳ tích bắc cầu Hoàng Long cách cầu cầu Hàm Rồng cũ 500 mét về phía hạ lưu sông Mã. Cầu độ thông bốn nhịp vượt qua sông Mã dài 380 mét, có khẩu độ thông thuyền lớn nhất dài 130 mét. Hai trụ dưới dòng sông đạt kỷ lục về chiều sâu, nền móng. Hai cây cầu vươn mình bắc qua dòng sông vốn hùng mạnh làm tăng thêm vẻ đẹp và sự bề thế cho cảnh quan nơi đây.




Liên hệ đặt tour: 0902 43 11 77



About me

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và muốn chia sẻ mà thôi."



Tôi yêu những chuyến đi, tôi yêu công việc viết blog và tôi đang cố gắng để có thể trở thành một travel blogger/travel writter...



Blogger Tùng Lâm

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org