Để đời không hối tiếc...


Dulichbui.org - Vào tuổi 20, người ta chẳng có gì ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới.

Trên các diễn đàn, người ta đã biến việc đi thành một thứ tôn giáo. Nào là phải mũ áo, phải xe máy, phải cung đường, phải bạn đồng hành. Thật ra thứ quan trọng nhất ở một con đường đó chính là bạn đi và nhìn ngắm thế giới.

Đi và chăm chú ngắm nhìn
May mắn cho tôi, vào tuổi 20 tôi không cắm đầu chạy để chinh phục các cung đường hay đi theo hội này hội kia. Đi mà nhắm mắt lại trong cái thế giới quen thuộc của mình thì chẳng ý nghĩa gì, nên ở nhà cho xong. Khi đi một mình, tôi được gặp gỡ, trò chuyện, được chạm tay vào sinh hoạt thường ngày, được nói chuyện với những số phận khác biệt trong đời. Nhiều ứng xử của người đã gặp sau này lại là bài học để chính tôi sử dụng với hoàn cảnh của mình.
Tôi thích mê những ngọn núi, vì đi lên từng bước thật mệt mỏi, cứ một quãng cảnh quan lại thay đổi, gặp cả những người sống suốt đời trên núi. Lên đến đỉnh núi, thật ra chỉ là một dấu chấm hết cho một câu văn, chẳng còn gì nhiều thú vị ngoài việc thấy một thế giới bên dưới thấp hơn một chút. Còn sự thú vị của cỏ cây, con đường, lời trò chuyện với người xung quanh, hay đơn giản nhất là bạn làm sao để đạp đúng chân vào đúng chỗ mà bước, đó là một hành trình thật sự, vui nhất là khi đi.

Vào năm 20 tuổi, tôi đã không từ chối bất cứ cơ hội nào để đi... lung tung. Vì ở đó tôi thấy người ta sống các cuộc đời khác, gặp các biến cố, đau khổ, tâm trạng. Tôi thấy cách ăn mặc khác, nói năng, sinh hoạt, tập tục khác. Mọi bài học đều không thừa. Nó dạy tôi sống cởi mở hơn và ít thấy những điều sợ hãi nghiêm trọng vây quanh. Nếu như tốn quá nhiều thời gian để nghi ngờ hay lo sợ về một điều gì đó, tốt nhất là nên gặp trực tiếp những góc cạnh khác của chính nó, trong đời sống thường ngày. Khi thấy đủ nhiều rồi thì bạn chẳng có gì sợ nữa.

Tôi thấy người ta hay sợ cánh lái xe quốc lộ, bảo rằng họ hơi côn đồ, có thể làm gì đó nguy hiểm và thường hay dính tới tệ nạn này nọ. Đi thật nhiều rồi thì hiểu cuộc sống của họ quá gian nan, khắc nghiệt, đôi khi khổ sở và căng thẳng đến mức chẳng có gì giải trí, thư giãn, những yếu tố góp phần hình thành họ như vậy. Nhưng những người lái xe rất hay giúp đỡ nhau vô điều kiện trên đường, rất hay giúp đỡ người lỡ đường gặp trắc trở, chia sẻ và bảo vệ người yếu trên đường xa. Những bài học như vậy, chính các con đường đã dạy tôi.

Tận hưởng cuộc sống thật vui
Hãy tưởng tượng năm 75 tuổi bạn rất giàu có. Bạn chi tiền để đi du lịch. Nhưng 75 tuổi thì không thể lái xe máy chạy vòng vòng khắp nơi, không thể đeo 15kg hành lý trên lưng đi lang thang. Ở tuổi ấy và sự giàu có, bạn chỉ có thể ngồi trong khách sạn 5 sao và nặng nề ngắm nhìn thế giới trôi qua trong ngày tháng cuối cùng.

Ở tuổi 20, bạn không một xu dính túi. Nhưng trẻ thế này bạn làm cách nào chả tìm ra cách để đi. Tôi đi làm, kiếm tiền, tiết kiệm và biến lên đường ngay khi tìm được lúc. Tôi có cả ngàn lý do để từ chối chuyến đi. Thời gian eo hẹp quá. Tiền phải để mua xe, mua nhà. Người yêu không muốn mình đi. Cha mẹ ở nhà lo lắng. Nhưng tất cả lý do ấy chỉ dẫn đến một đáp án duy nhất: thật ra bạn không muốn đi.

Có nhiều người tin rằng người ta chỉ đi du lịch khi đã hoàn toàn giàu có và sung túc. Du lịch là một thứ giải trí. Còn với tôi, đi là cách để học các thứ mình thiếu thốn trong cuộc sống tù đọng và bó hẹp của mình. Đi để nhìn thấy xung quanh, thấy bản thân mình, thấy tất tần tật những gì khác thường so với cuộc sống mòn mỏi và đơn điệu xung quanh mình.

Từ đó thấy yêu, thấy vui, thấy học được nhiều chuyện mới mẻ. Chẳng thừa đi đâu cả, rồi tôi sử dụng tất cả những thứ ấy vào cuộc sống của mình trong mỗi ngày. Tôi tự động viên mình vượt qua cái khó, như khi tự nói mình cố gắng đi hết 100km cuối cùng trong mưa. Tôi tự thấy mình chiến thắng khi làm xong việc nào đó, tuy nhỏ nhặt nhưng rất khó với mình. Tôi tự thấy mình vui vẻ, vì biết rằng nếu mình có khổ sở cô đơn dằn vặt mãi cho một ai đó thì cả thế giới này cũng không thể biết đến hay gánh chịu hộ mình. Cuộc sống về cơ bản là vui vẻ, nhiều màu sắc và đáng để tận hưởng.

Tôi cũng biết nếu mà ráng chăm chỉ cày cuốc chờ đến 75 tuổi (giả thiết không chắc chắn là giàu có), tôi chẳng tin mình có thể lái xe hàng trăm kilômet hay đi bộ suốt một tuần trong một thành phố xa lạ như bây giờ.

Thế thì thật đáng tiếc cho một thời trai trẻ chẳng biết đi đâu...

KHẢI ĐƠN/ Tuổi Trẻ Cuối Tuần
Read more...

Bản Tả Van (Sapa, Lào Cai)

Dulichbui's Blog - Cách thị trấn Sa Pa khoảng 10 km, Tả Van (theo tiếng địa phương có nghĩa là “vòng cung lớn”) là một bản làng vùng cao thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. 
Bản Tả Van nằm dưới thung lũng Mường Hoa, cư dân ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Giáy, Tày, Dao đỏ... với chừng hơn 1.000 người. Từ Tả Van có thể đi lại rất thuận tiện đến các điểm du lịch nổi tiếng khác của Lào Cai như: Lao Chải, Cầu Mây, Bãi đá Cổ Sapa,… Nhiều năm trở lại đây, Tả Van đã trở thành một trong những điểm đến cho những ai ưa khám phá, trải nghiệm.
Ruộng bậc thang ở Lao Chải (trên đường vào bản Tả Van)
Bản Tả Van
Bản Tả Van

Một góc bản Tả Van
Bản Tả Van
Qua bản Tả Van là địa phận bãi đá cổ
Cầu Mây

Ảnh: Tùng Lâm
Read more...

Chùm ảnh du lịch bụi Phú Yên

Dulichbui's Blog - Người ta nói Phú Yên là mảnh đất trù phú và yên bình. Nơi đây được ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên đa dạng, có núi, đồng bằng, sông, hồ, đầm, vịnh, đảo,... Tất cả đều nên thơ, hùng vĩ và độc đáo. Một số danh thắng tiêu biểu tại Phú Yên có thể kể đến: Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn- mũi Điện,... 
Chùm ảnh một số điểm tham quan du lịch tại Phú Yên do bạn Minh Dự gửi cho Dulichbui.org
Cành đồng Tuy Hòa - Phú Yên - Ảnh: Minh Dự
Bãi Bàng, Ghềnh Đá Dĩa - Ảnh: Minh Dự
Mũi Điện - Ảnh: Minh Dự
Một góc Vũng Rô - Ảnh: Minh Dự
Đập Đồng Cam - Ảnh: Minh Dự
Nhà thờ Mằng Lăng - Ảnh: Minh Dự
Ảnh: Minh Dự

Read more...

Về Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh, Phú Yên)

Dulichbui's Blog - Có lẽ địa danh Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) đã quá quen thuộc với những người con xứ Nẫu và những người yêu thích du lịch cả nước.
Quãng đường khoảng 35km từ trung tâm thành phố Tuy Hòa cũng không thể gọi là xa, nhưng với một số người, họ có thể e ngại khi trời hè “nắng cháy da đầu” như thế này. Và đó thật sự là một cảm giác khác biệt khi bước lên xe và đặt chân xuống nơi đây. Xa rời cái nắng khô khan của thành phố, bên bạn sẽ là những cơn gió biển mát mẻ, làn nước trong xanh quyến rũ, trải nghiệm khi đặt chân lên ngọn hải đăng sừng sững để trải tầm mắt hay là người đã chinh phục điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam và sự thân thiện từ ngôi nhà mà chúng ta gửi xe đến những người lính giữ hải đăng luôn vui vẻ, nhiệt tình.
Biển trời thơ mộng trên cung đường đến Mũi Điện
Biển trời thơ mộng trên cung đường đến Mũi Điện - Ảnh: Minh Dự
Để đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) từ thành phố Tuy Hòa, chúng ta có 2 tuyến đường để đi. Thứ nhất là đoạn đường theo Quốc lộ 1A, lên Đèo Cả, sau đó quẹo trái theo đường vào cảng Vũng Rô, đi qua khu dân cư, rồi theo đường lớn đi đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) hoặc nếu bạn du lịch từ các tỉnh từ hướng Nam đi ra thì trên Đèo Cả, đi theo bảng chỉ dẫn vào cảng, khoảng cách từ Đèo Cả đến Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) khoảng 10km. Tuyến thứ hai là tuyến con đường ven biển, Phước Tân – Bãi Ngà. Ở cung đường này, xe 29 chỗ trở xuống có thể đi được. Hiện nay tỉnh đang xây dựng tuyến lớn cho xe chở khách lớn hơn, vì đây là một trong những cung đường du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là tuyến mình khuyên các bạn nên đi, vì khoảng cách tương đương với tuyến thứ nhất nhưng cảm giác đi an toàn hơn (không có nhiều xe lớn như khi đi Quốc lộ), đặt biệt là cung đường này có khá nhiều cảnh đẹp, vừa đi đường bạn vừa ngắm cảnh. Khi xây cung đường này, bên thiết kế đã tạo những điểm dừng chân và ứng với đó là khung cảnh thiên nhiên khá tuyệt, bạn có thể dừng lại bên đường lưu lại những tấm ảnh về thiên nhiên tươi đẹp.

Cung đường này có chất lượng khá tốt, giúp bạn đến nơi với cảm giác thoải mái chứ không uể oải vì bị dằn, xóc. Và khi nhìn thấy ngọn hải đăng xa xa, đứng như thách thức gió biển quanh năm, bạn đang tiến gần đến đích. Từ đường chính, có một con đường đi xuống, bạn hãy theo lối đó để tiến vào nơi bạn gửi xe. Ở đây cũng là nơi các bạn có thể nhờ chú Trần Minh Thái, người dân quen gọi là chú Mười, là chủ ngôi nhà duy nhất tại khu vực Mũi Điện, làm cơm để sau khi tham quan hải đăng hoặc vui đùa với làn nước biển trong xanh, bạn có thể có bữa cơm ngon miệng với giá rất phải chăng. Ngôi nhà nhỏ của chú thím luôn ấm cúng với sự thân thiện, nhiệt tình. Nếu bạn là người lần đầu tiên đặt chân đến Mũi Điện, chú Mười sẽ hướng dẫn bạn rất chi tiết để bạn có thể tận hưởng cảm giác thú vị với cảnh quan nơi đây. Hay bạn muốn có những món ăn đặc sản vùng biển như cua huỳnh đế, mực nướng,… hay đi với nhóm đông người, hãy liên lạc trước với chú với số điện thoại 0983.187.381, bạn sẽ ngạc nhiên và bị mê hoặc bởi đặc sản nơi đây. Hoặc để đúng nghĩa là một buổi dã ngoại, bạn hãy tiến về phía Bãi Môn, chọn những nơi gần các tảng đá lớn để dựng trại. Những tảng đá lớn này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều khi mặt trời lên cao. Điều quan trọng là bạn hãy mang thật nhiều nước, nó sẽ giúp ích cho bạn và cả nhóm rất nhiều đấy!

Chinh phục điểm cực Đông!
Hiện nay, con đường lên hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) đã được hoàn thành nên lên hải đăng trở nên dễ dàng hơn. Phí vào tham quan hiện giờ là 10.000đ/người.

Một góc của khu nhà của những người lính và ngọn hải đăng
Một góc của khu nhà của những người lính và ngọn hải đăng - Ảnh: Minh Dự
Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về ngọn hải đăng khi nhờ những người lính ở đây giới thiệu, hoặc tự do lên hải đăng và khám phá những cảnh đẹp nhìn từ trên cao.

Bãi Môn nhìn từ hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh)
Bãi Môn nhìn từ hải đăng Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh) - Ảnh: Minh Dự
Đến Mũi Điện mà chưa hòa mình vào làn nước trong xanh, mát lạnh tại Bãi Môn quả là một điều thiếu sót. Bãi cát mịn trải dài, nước biển khá nông, bờ lại thoải dần. Quả thật là một bãi tắm lí tưởng! Bạn lo ngại về việc tắm biển xong thì sẽ hơi khó chịu bởi nước mặn, thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây có một dòng suối chảy thẳng ra biển. Và bạn có thể tắm sơ lại nước ngọt trên con suối này.

Từ vị trí đứng từ ngọn hải đăng, bạn đã có thể thấy được điểm đánh dấu mốc điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam

Con đường từ ngọn hải đăng đi xuống điểm đánh dấu hơi khó đi vì những tảng đá lớn, cứng. Đây là lối mòn do nhiều người đi trước tạo nên, nhưng có lẽ vì thế cũng tạo người tham quan có cảm giác như mình đang đi chinh phục, vì họ cũng phải cúi thấp người, leo lên rồi đi xuống.


Đây cũng là địa điểm câu cá lí tưởng của những người yêu thích vào dịp cuối tuần - Ảnh: Minh Dự
Và khi đến nơi, hãy vào những chòi nghỉ mát, tận hưởng những làn gió mát đang thổi qua người. Có lẽ nhiều người nhìn lại quãng đường đã đi và thầm khâm phục mình vì đã vượt qua đoạn đường khó kia. Vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nói chuyện thư giãn với bạn bè, nhấp một ít nước cho đỡ cơn khát, bạn sẽ lấy lại sức nhanh chóng và sẵn sàng cho mọi người biết rằng: “ Tôi đã đến điểm cực Đông trên đất liền nước Việt rồi!”.
Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm tại nơi đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền - Ảnh: Minh Dự
Tự hào lắm chứ khi là những người đã đặt chân đến điểm cực Đông trên dải đất hình chữ S thân thương. Nếu có cơ hội, bạn hãy liên hệ với các người lính giữ ngọn đèn biển để được trải nghiệm cảm giác qua đêm tại miền đất biển (giá là 80.000đ/người), thấy “mắt biển” chiếu về phía xa hướng dẫn cho tàu bè, nghe gió và sóng biển rì rào. Và hãy nhớ là đặt báo thức để dậy sớm! Có lẽ bạn không muốn bỏ lỡ những ánh bình minh đầu tiên của đất nước Việt đâu! Khi ngoài biển khơi đã xuất hiện đường chân trời phân chia hai nửa: nửa dưới là màu xanh thẫm của biển và sắc đỏ của Mặt Trời. Quang cảnh thật tuyệt vời! Sắc đỏ càng lúc càng lên cao, tỏa rộng, chủ nhân của ánh sáng ấy xuất hiện. 1/10, 2/5, 1/2, …và rồi, thật tròn, Mặt Trời tỏa ánh nắng của mình đi khắp nơi. Một đường lấp lánh ánh bạc nối từ đường chân trời đến những vách đá quanh năm sóng vỗ. Đứng trước cảnh thiên nhiên như thế, chúng ta càng cảm thấy tự hào hơn về nơi chúng ta đang đứng, không chỉ là nơi đón ánh nắng sớm nhất của nước Việt mà còn là cả Đông Dương và Đông Nam Á lục địa.Và yêu sao đất nước Việt Nam với những cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ!
Chinh phục ngọn hải đăng, điểm cực Đông, thỏa sức vẫy vùng trong làn nước biển tai Bãi Môn, cùng có những giây phút đáng nhớ với bạn bè,... Có lẽ với một số bạn như vậy là đủ, có thể lên đường về lại thành phố Tuy Hòa để nghỉ ngơi, nhưng thay vì đi về lại đường cũ, bạn hãy tiếp tục đi tiếp trên con đường lớn để đến với Vũng Rô, địa danh nổi tiếng với chiến tích Tàu không số và cảnh đẹp khi nhìn ngắm vịnh.
Một góc Vũng Rô - Ảnh: Minh Dự
Tranh thủ được thời gian, các bạn có thể tham quan nơi tưởng niệm về những chiến tích của những conTàu không số, được nghe kể và khâm phục tinh thần của các bậc cha anh ngày xưa đã không tiếc thân mình góp phần giải phóng đất nước.
Đi theo con đường hướng về cảng Vũng Rô, bạn sẽ thấy được đường giao cắt để đi lên lại Quốc lộ 1A, nằm trên Đèo Cả, ngược về hướng Bắc để trở về thành phố Tuy Hòa. Trên đoạn đường này, màu biển xanh mát sẽ được thay thế bằng màu xanh của cỏ cây, đồi núi, màu xanh của mạ non mới được gieo trên các cánh đồng trải dài sẽ giúp bạn thư thái trên quãng đường trở về.
Một ngày trôi qua với nhiều cảm giác thú vị, hòa mình vào thiên nhiên, sự thỏa mãn khi chinh phục tầm cao của ngọn hải đăng hay xa một chút là cột đánh dấu điểm cực Đông trên đất liền, hiểu thêm về lịch sử về vùng đất anh hùng hay những khoảnh khắc khó quên với người thân, bạn bè,… Đó sẽ là một ngày nghỉ đáng nhớ với bạn và mọi người và giúp bạn có tinh thần cho những ngày hoạt động sắp tới để khám phá, chinh phục những mục tiêu mới!

Bài, ảnh: MINH DỰ
(Bài viết của bạn Dự gửi cho dulichbui.org)

Read more...

Cung đường mây trắng Mai Châu - Mộc Châu


Dulichbui's Blog - Hai ngày, gần 400km và rất nhiều trải nghiệm thú vị. Lang thang một mình trên tuyến đường Tây Bắc bạt ngàn một màu xanh, của lá, của cây, của ngô, của chè và những ngồi nhà sàn nép mình bên núi. 

Ấn tượng để lại là vẻ đẹp hoang sơ và những con đường núi hiểm trở đôi khi khiến những người vốn đã quen với đồng bằng, đường phẳng như tôi thấy sợ khi một bên là núi đá có thể lở bất cứ lúc nào đặc biệt khi có mưa lớn còn một bên là vực thẳm sẵn sàng nuốt gọn bất cứ ai lỡ mất lái mà rơi xuống đó. Ấn tượng về những con người nơi đây, đặc biệt là những đứa trẻ người dân tộc tôi gặp trên đường. Chúng khỏe mạnh, ngây thơ, thường xấu hổ khi tôi đưa máy ảnh lên chụp. Tôi gặp chúng chăn trâu, chăn bò, tha thẩn chơi với nhau hoặc lon ton theo mẹ. Tôi thấy chúng trú dưới mái hiên một ngôi nhà ven đường khi trời mưa, thấy chúng vui vẻ nghịch đám bùn trước sân khi mưa tạnh, và nhiều lắm những ánh mắt vừa tò mò vừa thích thú khi thấy tôi đến gần. 

Tôi gặp những người H'Mông xanh, H'Mông đỏ (người ta còn gọi họ là người Mèo), phân biệt dựa trên màu váy họ mặc. Tôi thích ngắm những họa tiết họ cầu kỳ thêu lên từng mẩu vải, rồi dùng chúng may thành váy, một chiếc váy vừa thêu vừa nhuộm chàm, có khi cả 1 năm mới may xong một chiếc. Tôi gặp những người Thái trắng ở Mai Châu, họ nói tiếng Thái nhưng không mặc váy Thái nữa mà mặc quần áo của người Kinh. Chắc chỉ còn người Thái đen ở Mộc Châu là vẫn mặc váy truyền thống của họ hàng ngày. Tôi nói chuyện với một chị người Mường trên đường về, và phụ nữ Mường giờ cũng không còn mặc váy của họ nữa. Lý do đơn giản chỉ vì váy của người Mường và Thái trắng quá dài, không phù hợp khi họ đi xe máy, quần áo của người Kinh mát mẻ và dễ mặc hơn. 
Váy thổ cẩm ở Mai Châu - Ảnh: Bích Ngọc




Thời tiết thay đổi liên tục, mưa có thể trút xuống bất cứ lúc nào là ấn tượng của tôi trên đường lên Mộc Châu. Nếu chỉ dừng ở Mai Châu, sẽ khó cảm nhận được điều này vì Mộc Châu là cao nguyên, đường lên càng ngày càng dốc, đi xuyên qua những đám mây, nên mưa nhanh cũng là điều dễ hiểu. Tôi thấy nhiều cây to hơn, có rừng thông đặc trưng vùng ôn đới vì trên này mát quanh năm. Dễ dàng gặp nhiều nhóm người Mèo ngồi thêu hoặc bán hàng bên đường. Mùa này là mùa mận, phụ nữ đem mận họ hái vẫn còn nguyên phấn đi bán, trẻ con nếu không đi chăn trâu chăn bò sẽ theo mẹ đi bán mận. Đám đàn ông thì đi bán lan, những cây lan họ kiếm được trên rừng. Anh đầu bếp người Hưng Yên ở quán cơm tôi dừng lại ăn trưa (4 giơ chiều) bảo tôi "Ở trên núi người ta vẫn còn trồng nhiều hoa anh túc lắm, đẹp như hoa hồng ý em ạ". Tôi không quá ngạc nhiên nhưng biết mình khó có thể được tận mắt xem vì chỉ cần thấy người lạ, dân sẽ cảnh giác ngay. 
Đường lên Mộc Châu - Ảnh: Bích Ngọc
Quãng đường từ Mộc Châu về Mai Châu mưa to như trút nước, quần và giầy ướt hết, tầm nhìn giảm. Có lúc mưa to và mây đen khiến tầm nhìn chỉ còn khoảng 3-5m, nhưng chỉ cần đi qua ngọn núi đó là lại hết mưa. Tôi mua chè San Tuyết và bánh sữa cho 2 ông và bố mẹ tôi. Anh chủ quán giới thiệu loại chè cổ thụ vùng Bắc Yên, còn nói thêm quê Vợ chồng A Phủ, anh khen ngon nhưng đắt quá nên tôi cũng không có ý định mua thêm.
Thủy điện Hòa Bình
Mai Châu
Về Mai Châu khoảng 6 giờ chiều, nghỉ lại ở Bản Lác, lang thang xem hát rồi về ngủ vì người mệt lử, mắt mỏi nhừ. Sáng sớm sang Pom Coong thăm thú chụp được thêm mấy bức hình xinh xinh của mấy cô bé người Thái. Mai Châu đang vào mùa gặt, những cánh đống lúa chín vàng ươm, những con người chịu khó và vô cùng dễ mến. 

Bài, ảnh: Bích Ngọc
(Bài viết của bạn Ngọc gửi cho dulichbui.org)


Read more...

Xem Alcazar Show tại Pattaya

Dulichbui's Blog - Pattaya là một thành phố biển thuộc tỉnh Chon Buri (Thái Lan), nơi đây trước kia là một làng chài nhỏ ven biển nhưng ngày nay, nó đã trở thành phố du lịch nổi tiếng khắp thế giới. Đến Pattaya, du khách thường rất muốn được một lần đi xem các show diễn như Sexy show, Cabaret Shows,...
Cabaret Shows là chương trình của các diễn viên nam chuyển đổi giới tính. Tại Pattaya có hai show thuộc dạng Cabaret Shows là Alcaza show và Tifany show (đều nằm trên đường Pattaya Road).
Alcaza show là một chương trình biễu diễn nghệ thuật của những diễn viên là nam đã chuyển đổi giới tính. Kathoey - một cái tên gọi dành cho giới thứ 3 ở Thái Lan. Hầu hết họ đều là những người chuyển đổi giới tính. Với sân khấu hoành tráng, âm thanh hiện đại cùng kỹ xảo sân khấu đã làm cho những tiết mục này luôn luôn đầy ắp khán giả và những show diễn như thế này diễn ra suốt 2 giờ liền và cứ cách 2 giờ lại có một show diễn khác. Sau giờ diễn, du khách có thể chụp hình cùng với những diễn viên đã chuyển đổi giới tính này với giá 2 $ một tấm.
Các nghệ sĩ chuyển đổi giới tính trong trang phục Hanbok - trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc
Logo của Alcazar
The world is not enough
"Người hai mặt" (One man - one woman)
Trong trang phục áo dài Việt Nam
Mời khách...chụp hình
Du khách chụp hình chung
Rất nhiều du khách muốn chụp hình với các nghệ sĩ chuyển đổi giới tính
 

Xem thêm thông tin về Alcazar Show tại www.alcazarpattaya.com

Bài: Tùng Lâm (tổng hợp)
Ảnh: Martin Khoa
Read more...

Đà Lạt mùa hoa Dã Quỳ (2011)

Dulichbui's Blog - Hoa Dã Quỳ (cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại hay hướng dương dại cũng là nó) thường ra hoa vào mùa đông báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô, khi hoa dã quỳ nở có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần.
Nếu lên Tây Nguyên trong khoảng thời gian này du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh hoa Dã Quỳ vàng rực trên khắp các con đường, triền đồi và thảo nguyên.
Một số hình ảnh được Tùng Lâm ghi lại được trong chuyến đi Đà Lạt gần đây, ảnh được chụp tại Ga Đà Lạt.

Khóm hoa Dã Quỳ

Khuyến mãi thêm tấm này - Photo: Minh Thiên
Read more...

Show diễn Tống Thành (Hàng Châu, Trung Quốc)

Dulichbui's Blog - Hàng Châu là một thành phố nằm trong đồng bằng châu thổ sông Trường Giang của Trung Quốc, và là thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Đây là một trong những thành phố nổi tiếng và thịnh vượng bậc nhất ở Trung Quốc từ khoảng 1000 năm trở lại đây.
Đến với Hàng Châu, du khách có dịp được khám phá vùng đất quê hương của thi sĩ Tô Đông Pha, anh hùng Nhạc Phi với những điểm du lịch nổi tiếng như: Tây Hồ, Sư Tử Lâm, Mai Gia Thôn,... Cùng với đó, du khách còn cơ hội được tìm hiểu về lịch sử thời Tống - giai đoạn thịnh vượng bậc nhất của lịch sử Trung Hoa thời phong kiến thông qua show diễn Tống Thành Thiên Cổ Tình tại khu du lịch Tống Thành.
Khu du lịch Tống Thành được xây dựng dựa trên nền tảng "nhà vườn Hàng Châu", tái hiện lại toàn bộ phong cảnh trong bức tranh nổi tiếng "Thanh Minh Thượng Hạ Đồ".
Người Trung Quốc có câu: Sinh ở Tô Châu (vùng đất sản sinh gái đẹp), sống ở Hàng Châu (phong cảnh đẹp), ăn ở Quảng Châu (ẩm thực ngon, lạ), chết ở Liễu Châu (nhiều loại gỗ tốt để làm… quan tài).
Dưới đây là một số hình ảnh trong show diễn Tống Thành Thiên Cổ Tình do anh Martin Khoa gửi cho Dulichbui.org.
Múa mở đầu Show diễn Tống Thành - Ảnh: Martin Khoa
Múa mở đầu show diễn Tống Thành tái hiện thời kỳ thịnh vượng thời nhà Tống - Ảnh: Martin Khoa
Các cô gái trong trang phục tái hiện thời kỳ nhà Tống - Ảnh: Martin Khoa
Cảnh Tây Hồ khi trời mưa được tái hiện - Ảnh: Martin Khoa
Trích đoạn "những câu chuyện tình ở Hàng Châu" - chuyện Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài
Tái hiện cảnh lịch sử dưới thời nhà Tống
Khung cảnh Mai Gia Thôn được tái hiện
Những cô gái hái trà tại Mai Gia Thôn được gọi là Mai Cô Nương


Trình diễn giới thiệu tơ lụa Hàng Châu
Khuôn viên Khu du lịch Tống Thành (Hàng Châu)

Một số sản phẩm được bày bán tại KDL Tống Thành

Cổng phụ của KDL Tống Thành
Ảnh: Martin Khoa
Read more...

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org