Chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một -Bình Dương)



Dulichbui's Blog - Chùa tọa lạc ở đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25 km về phía Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.


Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (dòng Lâm Tế) khai sơn năm 1741, đời Lê Hiển Tông, ở trên một ngọn đồi cao. Năm 1868, đời Tự Đức, do chùa bị hư hỏng nặng, Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng chùa mới dưới chân đồi. Chùa tọa lạc ở đấy cho đến nay.
Chùa đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nét kiến trúc cổ. Giảng đường và đông lang được sửa chữa năm 1917, tây lang được xây lại năm 1984. Gần đây nhất, từ năm 1990 đến năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa.
Năm 2002, chùa đã tôn trí một Phật đài Thích Ca lộ thiên bằng đá cao 5,1m, trong đó, tượng đức Phật cao 2,5m, ngang gối 1,8m. Năm 2007, chùa đã hoàn thành công trình xây dựng ngôi bảo tháp thờ Phật 8 tầng cao 30m ở sân trước.

Cụm kiến trúc chùa Hội Khánh được bố trí mặt bằng với nhiều căng nhà lớn nhỏ khác nhau theo kiểu nội định - ngoại quốc gồm: chính điện có 2 căn mỗi căn có 3 gian 2 chái. Tiền đường là căn nhà ngoài, lòng căn hẹp, hai bên đặt tượng thờ Ông Thiện, Ông Ác...

Ngày 29 tháng 3 năm 2010, bức tượng phật nằm dài nhất Việt Nam (dài 52m, cao cách mặt đất 24m) đã được khánh thành tại chùa Hội Khánh - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam của tỉnh Bình Dương. Kỷ lục cũ thuộc về tượng phật nằm ở núi Tà Kú (Bình Thuận) với chiều dài 49m.

Căn nhà gỗ thứ hai lớn hơn. Gian giữa nửa ngoài là Thiên Hương - nơi dùng để đốt hương, gõ mõ tụng kinh của các sư khi làm lễ; còn nửa phía trong là Thượng Điện. Ở đây có nhiều tượng Phật được đặt trên tòa Tam Bảo. Tượng lớn nhất là Phật Tổ ở chính giữa điện, gian bên trái của chính điện thờ 18 vị La Hán, còn bên phải thờ 8 vị Phật “Ngũ hiền”.
Đằng sau chính điện là căn nhà gỗ lớn 5 gian 2 chái được nối bằng mái “Thữa Hữu” (Trùng thiềm điệp ốc). Nhà này vừa là giảng đường vừa là nơi để các thiện nam tín nữ tụ tập dâng hương thờ Phật. Bàn thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bài vị của các vị sư chủ trì chùa đã quá cố được đặt tại các vị trí trang trọng trong căn nhà.
Năm 1923 - 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) đã đến đây. Cùng với hòa thượng Từ Văn, cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhà yêu nước Tú Cúc Phan Đình Vũ lập ra Hội danh dự yêu nước để truyền bá tư tưởng yêu nước. Ở đây cụ Sắc dạy chữ Hán, giảng kinh Phật... nhưng chủ yếu là để truyền bá tư tưởng yêu nước. Năm 1926, Pháp phát hiện hoạt động yêu nước ở chùa Hội Khánh và theo dõi, cụ Sắc rời khỏi Thủ Dầu Một. Hiện nay, ở chùa còn lưu lại đôi câu đối do cụ Sắc viết. Nội dung hai câu đối như sau: Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong. Nghĩa là: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước; Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây. Ngoài ra cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại cuốn sổ coi địa lý và cái la bàn, hiện được lưu bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

Ngoài trung tâm nói trên chùa còn được dựng hành lang 2 bên (đông lang, tây lang) để làm nơi tạm trú cho khách thập phương đến vãn cảnh chùa hay làm nơi chuẩn bị cỗ chay cho những ngày lễ hội. Chùa còn 1 dãy nhà tăng (nhà tổ) là nơi sinh hoạt của các nhà sư trụ trì.
Nghệ thuật kiến trúc cũng như điêu khắc trang trí ở chùa Hội Khánh mang đậm dấu ấn của kiến trúc nhà gỗ cổ ở miền Đông Nam Bộ. Những nghệ nhân xây dựng chùa đã tạo được kỹ thuật đẽo trến, kèo, xiên và tạo ra các kiểu mộng khóa, mộng thắt, mộng kìm để các kết cấu dễ tháo lắp tạo dáng khỏe, vững chắc.

Những nghệ nhân xây dựng chùa cũng đã khéo léo trang trí chùa đơn giản song tinh xảo làm cho các phiến gỗ nặng nề bỗng trở nên nhẹ nhàng, bay bổng có giá trị nghệ thuật cao. Bức chạm nào cũng vậy, đều được bố trí các hình khối cân đối, đầy đặn. Bố cục của các phân đoạn chạm trổ trên các bức lam, diềm mạch lạc. Chủ đề chính về tôn giáo nhà Phật nổi bật trong bố cục tổng thể. Những họa tiết hoa văn như long, lân, qui, phụng hoặc những mây, nước, hoa, lá... làm cho những người chiêm ngưỡng một cảm giác khôn cùng, rất đa dạng mang đậm đặc trưng của phong cách điêu khắc Nam Bộ. Ngoài giá trị kiến trúc, điêu khắc, những nghệ nhân tạc tượng gỗ của chùa cũng để lại những dấu ấn đặc sắc. Bằng những bàn tay khéo léo, với những đôi mắt tinh tế của những nghệ nhân, tượng 18 vị La Hán của chùa là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo. Những nghệ nhân tạc tượng 18 vị La Hán ở chùa Hội Khánh đã không bị những công thức giáo điều của nghệ thuật tôn giáo ràng buộc khi khắc họa hình ảnh của các vị thần linh, ngoài việc thể hiện những hình ảnh của họ trong kinh sách đã nói mà đã tạo ra những hình tượng theo cảm xúc của mình mang đậm tâm linh thuần Việt. Đây có lẽ cũng là những pho tượng La Hán quí, đẹp nhất còn lại nguyên vẹn ở chùa Hội Khánh.
Hơn 250 năm nay, chùa được tiếp nối qua các đời trụ trì: Đại Ngạn - Từ Tấn, đời 37 dòng Liễu Quán (1741-1812), Minh Huệ - Chân Kính (1812-1839), Toàn Tánh - Chánh Đắc, đời 37 dòng Chúc Thánh (1839-1869), Chương Đắc - Trí Tập (1869-1884), Ấn Long - Thiện Quới (1884-1906), Chơn Thinh - Từ Văn (1906-1931), Ấn Bửu - Thiện Quới (1931-1941), Thị Huê - Thiện Hương (1941-1971), Đồng Bửu - Quảng Viên (1971-1988) và Nhựt Minh - Huệ Thông, đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ (từ 1988 đến nay).
Hòa thượng Thích Từ Văn, vị trụ trì đời thứ 6, đã được phong Tăng thống Hội Phật giáo Nam Kỳ. Ngài đã xây dựng ngôi chùa Hội Khánh tại Pháp năm 1920. Hiện nay, trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.
Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Bài: tổng hợp từ báo Giác Ngộ
Ảnh: Võ Văn Tường

Liên hệ đặt tour: 0902 43 11 77



About me

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và muốn chia sẻ mà thôi."



Tôi yêu những chuyến đi, tôi yêu công việc viết blog và tôi đang cố gắng để có thể trở thành một travel blogger/travel writter...



Blogger Tùng Lâm

About

"Tôi không phải là dân du lịch chuyên nghiệp bởi kinh nghiệm mà tôi có được không nhiều, số lượng các điểm mà tôi đã đặt chân đến cũng không là bao, tôi nhận thấy mình chỉ là một người yêu thích du lịch và chia sẻ mà thôi..."

Followers

© 2008 - 2011 Dulichbui dot Org. All rights reserved.

® Ghi rõ nguồn "dulichbui.org" khi sử dụng lại thông tin từ website này.

Hotline: 0919.362.333

Email: info@dulichbui.org